Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Ngôn hoài và Dược sơn ca tặng Duy Nghiễm dưới cái nhìn so sánh


  Trong nền thi ca dân tộc, những bài thơ cổ xưa nhất vẫn còn được nhắc tới như những tác phẩm tinh anh nhất đúc kết giá trị không chỉ của một thời đại mà là với muôn người, muôn đời đó chính là thơ Thiền. Sinh ra và phát triển trong lòng vương triều Lí -Trần, mang nặng âm hưởng thời đại song những bài thơ ấy vẫn có một sức sống bất diệt bởi chất triết lí, những quan niệm về nhân sinh, về mối quan hệ giữa con người và thế giới, hướng con người tới chính đạo, chính tâm. Không dễ gì để có thể hiểu một bài thơ Thiền và có những bài thơ đem đến những cách nhìn thật khác nhau, có lẽ đó chính là một trong những sức hấp dẫn của dòng thơ này. “Ngôn hoài” của Không Lộ  thiền sư chính là một trong những bài thơ như thế.
Bài thơ như chúng ta vẫn biết tác giả là Không Lộ thiền sư nhưng lại có những luồng ý kiến cho rằng nhà sư không phải tác giả đích danh của bài thơ này và thậm chí kiệt tác này chỉ là một sự sao chép một bài thơ của Lý Cao đời Đường bên Trung Quốc. Có nghĩa là “Ngôn hoài” chỉ là một “phiên bản” ? Người đầu tiên phát hiện ra điều này là GS Hà Văn Tấn trên tạp chí Văn học số 4 – 1992 “Đặc san văn học Phật giáo Việt Nam”. Có lẽ nên đặt hai bài thơ “Ngôn hoài” của Không Lộ và “Dược sơn ca tặng Duy Nghiễm” của Lý Cao dưới cái nhìn so sánh để như là chìa khóa  giải đáp mọi câu hỏi thắc mắc, nó là hai bài thơ độc lập hay chỉ là sự sao chép.
                                  Ngôn hoài
                  Trạch đắc long xà đìa khả cư,
                            Dã tình chung nhật lạc vô dư,
                           Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh,
                          Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Dịch:
                          Kiểu đất long xà chọn được nơi,
                         Tình quê lai láng chẳng hề vơi,
                         Có khi xông thẳng lên đầu núi,
                         Một tiếng kêu vang lạnh cả trời
                                          (Kiều Thu Hoạch dịch thơ, trích từ TVLT, tập 1, tr 385)

                     Dược sơn ca tặng Duy Nghiễm
Tuyển đắc u cư hiệp dã tình,
                    Chung niên vô tống diệc vô nghinh,
                   Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh,
                  Nguyệt hạ phi vân khiếu nhất thanh.
Dịch:
Chọn chốn cô liêu thỏa dạ quê
Quanh năm nào biết đón đưa gì?
Có khi đỉnh núi lên tận đầu non vắng
Điểm nguyệt khơi mây lớn giọng kì
                                (Tuệ Sĩ dịch)
Nếu chỉ nhìn vào văn bản thì có thể dễ dàng cho rằng thiền sư Không Lộ đã “tá văn” nếu không muốn nói là “đạo văn” của Lí Cao. Hai bài thơ giống nhau về số chữ, cách cấu tứ cũng có nét giống, một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt 28 chữ mà có tới 14/28 chữ giống nhau: “đắc, cư, dã tình, chung, hữu thời trực thướng cô phong đỉnh, nhất thanh và đặc biệt câu thơ thư ba giống y hệt nhau : “Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh” (có khi đỉnh núi trèo lên thẳng). Có điều khi phân tích kỹ, chúng ta không thể không thấy sự khác nhau rõ rệt giữa chúng, đặc biệt là tinh thần, bởi một bài được viết ra bởi một Thiền sư đạt ngộ mang tính tư tưởng, còn bài kia được viết bởi một nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị ngợi ca về một vị Thiền sư ngộ đạo với âm hưởng ngợi ca, kệ tán mang tính hiện thực.
Lý Cao hay còn gọi Lý Tường  (772- 841) một triết gia, văn nhân, nhà Nho, học giả nổi tiếng thời Đường, có tên tự là Tập Chi, người Thành Kỷ, Lũng Tây, đỗ tiến sĩ vào năm Nguyên Hòa 14 (819), từng làm Quốc tử bác sĩ, Tri chế cáo, Trung thư xá nhân, Hình bộ thị lang, từng theo học Hàn Dũ, cũng là cháu rể của Dũ, đồng thời cũng từng viết những bài luận lên án Phật giáo Trung Quốc. Nhưng sau này khi giữ chức Thái thú vùng Lễ Châu, được gặp Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm (745- 828) thì ông ngộ đạo, theo làm đệ tử tại gia của Thiền sư.
Bài thơ này được sáng tác vào khoảng thế kỉ thứ XVIII, Lý Cao viết ra để tặng Thiền sư nhân nghe chuyện đạt ngộ của ngài như sau: Suốt mười hai năm xuất gia học đạo với các tổ sư Huệ Chiếu vùng Sơn Tây, Hy Tháo chùa Hành Nhạc, mà đạo lớn vẫn chưa thành, Thiền sư Duy Nghiễm quyết chí đến núi Thạch Đầu theo học Thiền sư Hy Thiên. Nhân một đêm trăng nọ, ông lên đỉnh núi Thạch Đầu, thiền hành một mình, bỗng nhìn thấy mây tan, ánh trăng hiển lộ, quả giác cũng nhờ đó mà viên thành. Trong phút giây bừng ngộ tuyệt diệu ấy, Thiền sư đã cười to, tiếng cười vang cả núi rừng, đến tận mười dặm, khiến cho tất cả nhà dân ở dưới núi đều nghe thấy và đều ngỡ là tiếng cười vọng ra từ nhà hàng xóm. Sáng ra họ đi hỏi nhau, cuối cùng hỏi đến chùa, và được biết đó là tiếng cười ngộ đạo của Thiền sư Duy Nghiễm.
Trước hết phải thấy rằng hiện tượng vay mượn là hiện tượng hết sức phổ biến trong văn học, nhất là văn học trung đại. Trong văn học, thiền học Việt Nam kể từ thời Lý, các vị thiền sư thường hay mượn lời, mượn ý của các thiền đức, cao tăng đời trước để dạy môn sinh. Ví như vua Trần Thái Tông có nói rằng: “Mỗi lần nêu lên là mỗi lần mới”. Tức là lặp lại mà vẫn sinh động, theo một cách mới. Có lẽ vị vua khai tổ triều Trần, có một đời sống giới định tuệ nghiêm túc - thật sự thấy như vậy chăng? Trước đó nữa, Lý Giác và Pháp Thuận cùng vui cảnh, vui tình, xướng họa bài thơ “Nga nga” – hóa ra chỉ sửa mấy chữ bài thơ của Lạc Tân Vương làm lúc mười tuổi. Gần hơn, “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du - đều không mượn của người ta cả hay sao? Đây chính là loại hình văn học phổ biến ở trong các nước đồng văn, được gọi là hiện tượng tập cổ quen thuộc của các tác gia Đông phương. Chúng đâu chỉ đơn thuần là giao lưu văn hóa. Các thiền sư nhờ học vấn thâm uyên – nên chỉ cần mượn một nhóm từ, một cụm từ hoặc luyến láy, chuyển đảo một vài tứ của cổ thi, thiền ngữ, thiền thoại, niệm, tụng gì đó – là có thể mở ra cả một trời liên tưởng về ngữ nghĩa hoặc hình tượng văn học, thiền học. Những cảm xúc nghệ thuật, do vậy, chúng có thể tương thuộc, tương đồng, đào sâu thêm, nới rộng ra, làm cho chúng mới mẻ hơn mà thôi vậy.
Vì thế mà khi đặt hai bài thơ trong cái nhìn so sánh là ta muốn đi tìm cái hay riêng, chúng có thể ảnh hưởng lẫn nhau nhưng điều quan trọng là đó không phải là sự sao chép đơn thuần hay không hay chỉ là sự mượn ý cũ sáng tạo ý mới, thể hiện những sáng tạo rất riêng của tác giả. Câu thơ đầu tiên:
Trạch đắc long xà địa khả cư
Trong câu thơ này người ta có những cách lí giải rất khác nhau về ba chữ “long xà địa” – đất long xà. Đã có rất nhiều người quan niệm rằng đây là mảnh đất thịnh vượng, phát đạt, hợp với phong thủy, là nơi đất tốt để tu Thiền. Đây là một quan niệm sai hoàn toàn, nó chỉ là sự suy diễn vô căn cứ. Chưa bao giờ có kiểu “long xà địa” mà chỉ có “long bàn hổ cứ” , “tả thanh long,hữu bạch hổ” đó mới là đất hợp với phong thủy tức là có sự hài hòa âm dương, tụ khí tốt. Bởi theo phong thủy thì “thuận thiên giả tồn,nghịch thiên giả vong”. Nhưng với quan niệm của nhà Phật thì chúng chỉ là ngoại duyên. Duyên cũng có hai là nội duyên và ngoại duyên (theo Abhidharma – trong và ngoài tương tác có cả thảy 24 duyên). Duyên bên ngoài không quan trọng bằng duyên bên trong. Ngay cái duyên bên trong này cũng không quan trọng bằng nhân bên trong. Nói khái lược như vậy để biết rằng, người tu Phật, tu Thiền dẫu xem ngoại duyên là có thật – nhưng họ vẫn xem trọng nội nhân, nội duyên hơn. Bởi vì chính nội nhân, nội duyên này mới là cái gốc, cái bản căn, chúng duyên hệ với ngoại duyên mới sinh ra hữu vi, vô vi, khổ lạc, tham sân, si tuệ, trí bi, mê ngộ, sinh tử, Niết-bàn... Biết phong thủy, có thể mượn phong thủy – nhưng chưa bao giờ con cái nhà Phật xem phong thủy là yếu tố tích cực có thể quyết định số mạng, vận mạng con người. Là một vị thiền sư uyên thâm, thông tuệ, chẳng lẽ nào những buồn vui, khổ lạc, trược thanh, mê ngộ của chính mình – Không Lộ lại nương nhờ vào cuộc đất do phong thủy (ngoại duyên) quyết định? Trong sách vở nhà Phật cũng có ghi những điển tích, theo đó “long” là tượng trưng cho Thánh thần, còn “” là tượng trưng cho người phàm tục. Vậy “long xà địa” là mảnh đất mà ở đó người quân tử, kẻ chưa đắc đạo, người đắc đạo ở chung với nhau “long xà chi chập, phàm thánh đồng cư”. Đó chỉ là một mảnh đất bình thường chứ không phải một mảnh đất phong thủy nơi mà con người và thiên nhiên ở cùng nhau. Bởi vậy mà tác giả đã dùng chữ “trạch” có nghĩa là lựa chọn một cách tự nhiên và hai chữ “khả cư” có nghĩa là có thể ở được. Câu thơ thể hiện rất rõ tư tưởng hòa quang đồng trần của Thiền sư, với người tu hành thì nơi đâu cũng là mảnh đất của Phật điều cốt yếu là phải có chính tâm, chính đạo.
Tới câu thơ của Lý Cao:
Tuyển đắc u cư hiệp dã tình
Tuyển” có nghĩa là lựa chọn, tức có chủ ý của người ở chứ không phải là “trạch” chọn lựa một cách tự nhiên. Và lại chọn nơi “u cư” – một nơi thanh tịnh, sâu kín, không ai biết tới, đó là một nơi thích hợp cho người ở ẩn, lẩn tránh cuộc đời. Tư tưởng này mang dáng dấp của Nho gia với tư tưởng “xuất xử hành tàng” , “gạn đục khơi trong” hay của Lão gia với tư tưởng “vô vi” trở về với tự nhiên, xa lánh bụi trần. Điều này khác hẳn với tư thế của một Thiền sư với niềm vui gắn bó với đời “cư trần lạc đạo” tại thế đất long xà trong “Ngôn hoài”.
Câu thơ thứ hai:
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hai chữ “dã tình” này thật giống với bài thơ của Lý Cao. Dã tình là thiên tình, cái tình thuộc về tự nhiên ở đó mọi vật và con người không cạnh tranh nhau, hòa đồng cùng nhau. Cũng là “dã tình” song niềm vui của con người trong hai bài thơ lại rất khác nhau. Nếu như trong thơ của Lý Tường là niềm vui hòa cùng non nước cỏ cây khi tìm được nơi ẩn cư, tránh xa cuộc đời thì tới với “Ngôn hoài” lại là một niềm vui rất khác. Đó là niềm vui thảo mộc, là cái tình thế gian, niềm vui trọn ngày không hết. “Lạc vô dư” có nghĩa là vui không thừa, niềm vui của Không Lộ là niềm vui từ bên trong, vui đủ đầy, thanh tịnh khi con người hòa hợp với thế giới. “Vô dư” còn là một biểu tượng Phật học, nó là tên một ngọn núi tên “Tu di” là biểu tượng cho sự giác ngộ: “Vô dư nhất bàn – hữu dư nhất bàn” ở đó không còn phân biệt xấu tốt, đúng sai không còn luẩn quẩn trong tái sinh nữa, người đắc đạo rồi vẫn ở lại với thế gian để được độ trì và giúp đỡ nhân sinh. Vậy là niềm vui của Thiền sư là niềm vui với sự giải thoát, vui trong cõi Niết bàn, niềm vui tự tâm con người, tại thế gian mà vẫn xuất thế gian đúng như câu Kinh : “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mạnh Bồ đề, cáp như tầm Thố giác” (nghĩa là: Phật pháp tại thế gian, không thể rời thế gian để cầu sự giác ngộ, ra khỏi thế gian mà tìm kiếm Bồ đề thì khác nào đi tìm sừng thỏ).
So sánh với câu thứ hai trong bài thơ của Lý Cao ta mới thấy rất rõ sự khác biệt trong hình tượng con người và tư tưởng:
Chung niên vô tống diệc vô nghinh
Cùng với hai chữ “u cư” ở câu thơ đầu, câu thơ này đã tiếp tục hoàn thiện bức tranh sinh hoạt và cũng là chân dung tinh thần nhân vật trữ tình. Nơi ở của con người không phải là “long xà địa” mảnh đất có sự hài hòa giữa con người và tự nhiên mà là nơi cô liêu, thoát tục sâu kín, quanh năm không có người đến nguwoif đi, khoogn bao giờ có tiến đưa và đón đợi. Câu thơ phảng phất chát Bát nhã. Con người không có niềm vui gắn bó với cuộc đời mà thoát tục theo kiểu Lão – Trang: “... Một vị thần tiên, da thịt như băng tuyết, tư thái nhẹ nhàng yểu điệu, không ăn ngũ cốc, chỉ hớp gió lành, uống nước sương móc, cỡi mây bay như rồng, ngao du bốn biển. Tinh thần yên tĩnh chuyên nhất, khiến muôn loài không bị hư hại...” (Trang tử Nam hoa kinh, thiên Tiêu dao du). Hay là niềm vui theo thú ẩn dật điền viên kiểu : “Một bầu nước, một giỏ cơm, ở chốn ngõ hẹp, không ai hay biết mà không thay đổi niềm vui” (Luận ngữ) của Nhan Hồi trong Khổng gia. Có thể nói hai câu đầu bài thơ “Dược sơn ca tặng Duy Nghiễm” đã thể hiện bức chân dung con người theo kiểu ẩn sĩ, dật sĩ của Khổng gia, chốn mình khỏi vòng đời ô trọc nơi phồn hoa đô hội để tìm về với núi thẳm rừng sâu cô liêu thanh tịch để di dưỡng tâm hồn với thái độ an tịnh đầy lí trí.
 Và hai câu thơ kết mới thật là tuyệt tác cho ta thấy vẻ đẹp của một bài thơ Thiền:
Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
Ý thơ nếu xem qua thì có vẻ như giống hệt ý thơ của Lý Cao:
Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh
Nguyệt hạ phi vấn khiếu nhất thanh
Câu thứ ba của hai bài giống hệt nhau đều nói về hình ảnh con người trèo lên đỉnh non cao : “có lúc đỉnh núi trèo lên thẳng”. Nhưng nó chỉ là sự chuẩn bị cho một câu thơ vi diệu nơi tập trung điểm sáng tinh thần của toàn bài giúp ta hiểu được tư tưởng ý nghĩa của bài thơ. Và âm thanh là chìa khóa của cả hai bài thơ đó chính là “khiếu nhất thanh”. “Ngôn hoài” đã vay mượn ý thơ của Lý Cao một cách thuần túy. Hay hai âm thanh ấy tưởng trùng hợp mà lại có sự cách biệt lớn của “một thế kỉ và hai thế giới”?
Khiếu” theo nghĩa từ điển có nghĩa là tiếng kêu, tiếng huýt gió. Đó là “tiếng kêu dài làm lạnh cả Thái hư” trong “Ngôn hoài” và là tiếng kêu “Mây tan trăng tỏ cười vang một mình”. Khi đọc “Ngôn hoài” nhiều người cho rằng đây là tiếng kêu vang ngạo nghễ, là tiếng thét lớn dẫn đến sự hiểu sai. Ngô Tất Tố kêu lên: “Thật phóng khoáng biết nhường nào!”, Nguyễn Lang cũng đánh giá : quả là một “thi hứng siêu thoát trầm hùng”, hay Đỗ Lai Thúy nhận xét: “Tiếng kêu đó làm cho cả vũ trụ phải rùng mình đến ớn lạnh”. Nguyễn Công Lý đã đưa ra những lời nhận xét rất hào sảng: “ Để hòa đồng và vui suốt ngày với thiên nhiên là hình nảh con người mang khát vọng hòa nhập và chế ngự thiên nhiên...Là một tiếng kêu sảng khoái của một tâm hồn khoáng đạt với tư tưởng phá chấp triệt để và tinh thần thoải mái tột cùng, chứ không thể là một người suốt ngày gõ mõ tụ kinh, câu nệ và tín điều một cách cứng nhắc khô khan...”. Để hiểu vè âm thanh ấy trong bài thơ của Không Lộ thật không phải là một điều đơn giản, không thể suy diễn ngay đó là âm thanh hào hùng, thể hiện tư thế con người mà phải có những căn cứ xác đáng từ chữ nghĩa và nhất là đặt nó trong thế đối sánh với bài thơ mà nó có thể chịu ảnh hưởng “Dược sơn ca tặng Duy Nghiễm”.
Lý Cao làm về tiếng cười của Duy Nghiễm. Như vậy “khiếu nhất thanh” là âm thanh có cơ sở từ hiện thực, nó là tiếng cười mà nhà sư khai ngộ cho đệ tử. Từ “khiếu” mà Lý Cao dùng chính là nói về tiếng cười dài vang dội tới chín mươi dặm đông phong ấy. Mạch cảm hứng chung của toàn bài thơ chính là cảm hứng ngợi ca, tán tụng, biểu dương, nó được viết dưới điểm nhìn của một người sùng kính với con mắt ngưỡng mộ một vị đại sư đạt đạo. Vậy là đây chỉ là một bài thơ kệ tán có tính hiện thực, nói như GS Trần Đình Sử : “Bài thơ của Lý Tường chỉ đơn giản ghi lại một sự việc có thật của thiền sư Duy Nghiễm”.
Còn bài “Ngôn hoài” của Không Lộ thiền sư là một bài kệ có tính tượng trưng. Một âm thanh phát ra sau khi ngộ đạo thường gặp trong Phật giáo nói chung, trong Thiền môn nói riêng. Âm thanh đó là tiếng nói chân thành nhất, tha thiết nhất và cũng là kỳ vĩ nhất được bộc bạch ra từ tâm hồn viên mãn nhất sau bao năm tháng miệt mài tìm kiếm của người học đạo. Âm thanh đó có khi là một bài kệ, có khi là một câu ca, cũng có khi là tiếng cười, thậm chí là những giọt nước mắt cùng những giọt mồ hôi, những cú đánh..., tạo nên một nét rất riêng, rất thiêng liêng của người học Phật. Như:  âm thanh phát ra sau giờ viên giác của đức Thích Ca Mâu Ni là: “Này kẻ cai tù ơi, ta đã nhìn thấy ngươi, từ bao nhiêu kiếp rồi, ngươi đã thiết lập bao nhiêu phen những nhà tù sinh tử. Bây giờ đây, những bức tường đã bị phá vỡ. Kèo cột đã bị đập nát. Ta đã nhìn rõ mặt mũi của ngươi rồi. Từ nay trở đi, ngươi không còn xây được một cái nhà tù nào nữa” (Dẫn trong Đường xưa mây trắng, Thích Nhất Hạnh, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2006, tr 168).
Còn đây là âm thanh ngộ đạo của Lục tổ Huệ Năng: “Hay đâu tự tính vốn thanh tịnh; hay đâu tự tính vốn chẳng sinh diệt; hay đâu tự tính vốn tự đầy đủ; hay đâu tự tính vốn sống động; hay đâu tự tính vốn hay sinh muôn pháp” (Lục tổ đàn kinh, bản dịch của Thiều Chửu, NXB Tôn giáo, 2003, tr 18)...Hành động của Thiền sư Không Lộ là học theo Duy Nghiễm. Nhưng có điều rất khác là cùng nói về tiếng cười để chúng tỏ sự đạt đạo nhưng nó lại mang những dáng vẻ hết sức khác nhau. Tiếng cười trong thơ Lý Cao được nhắc tới với tính chất tán tụng, nói tới để mà ca ngợi cái đức cao, đạo lớn của thiền sư Duy Nghiễm còn ở trong “Ngôn hoài” lại  nhận thức bản thể khi con người đã đạt tới sự phá chấp. Nhưng còn điều rất khác nữa đó chính là tư tưởng được thể hiện trong hai tiếng cười ấy.Tiếng cười của Duy Nghiễm nói như Nguyễn Đình Chú: “Tiếng cười dài dưới mây trăng kia, tuy có hấp dẫn nhưng dù sao chỉ là tiếng cười cao đạo của một con người đã không thích gì mấy sự hòa nhập thế gian”. Còn tiếng cười trong thơ của Không Lộ là tiếng cười cao diệu mênh mông, vượt không gian, là tiếng vọng của tuệ giác, nó thể  hiện tinh thần hòa nhập giữa đạo và đời, tư tưởng “hòa quang đồng trần”."Thái hư"là chữ của nhà triết học đời Tống Trương Tái ( 1020 - 1077 ). Trương Tái coi Thái hòa là Đạo ( Thái hòa sở vi Đạo). Còn Thái hư như là một hư ảo lớn, chỗ cái một gặp cái muôn, cái không gặp cái có. Ông quan niệm Thái hư không hình và là bản thể của khí ( Thái hư vô hình, khí chi bản thể) nên nó không phải Hư vô ( néant) mà mang màu sắc duy vật. Vì vậy, ông cho rằng : biết Thái hư là khí thì biết rằng không còn có cái không ( Tri Thái hư tức khí, tắc vô vô). Khi tiếng hú của thiền sư xuyên qua cái "Hàn" của tư tưởng Ấn Độ - Trung Hoa mà vào tới thẳm cùng "Thái hư ", thì siêu hình không hẳn là siêu hình nữa, vật chất không hẳn là vật chất nữa, thế giới nhị nguyên đã hóa nhất nguyên, thành một khối kết liền Thiên Địa Nhân là vậy. "Ngôn hoài" của Không Lộ thiền sư đã làm lạnh cả thái hư chỉ bằng  “khiếu nhất thanh”. Chính tại đây, Không Lộ thiền sư đã ngộ được lẽ hằng của trời đất bằng nghệ thuật thơ tinh diệu, vừa mang tinh thần Phật giáo, Đạo giáo nhưng lại không hẳn là Phật, là Đạo, mà là một cái gì Đời hơn, thanh thoát hơn, chân như hơn, thuần Việt giản dị hơn. Đó chính là tinh thần vô chấp giới khi con  người đạt tới sự tự do hoàn toàn sự giải phóng bản thể để hội nhập một cách vô phân biệt với vũ trụ trong sự nhất thể trong quan niệm “vạn vật nhất thể”. Sự giao tiếp giữa con người với thế giới là sự giao tiếp trong vô ngôn như trong “Đêm qua sân trước một cành mai” của nhà văn hải ngoại Nguyễn Tường Bách đã viết :
Đường vào đạo có tám vạn bốn ngàn ngõ, thanh âm cũng là đạo. Trong các loại thanh âm thì im lặng là thanh âm vi diệu nhất”. Và Niết bàn ở đâu ngoài cõi trời đất này, Đạo không ở đâu xa mà chính là cuộc đời này. Khi thấu hiểu ra được những lẽ ấy là khi con người đạt được tới cảnh giới cao nhất, là khi con người đạt đến cái vô cùng, có thể hòa nhập cùng thiên nhiên, đất trời, ngộ đạt  lẽ Sắc - Không, hữu – vô, Đạo – Đời, Tiểu vũ trụ - Đại vũ trụ, Niết bàn của riêng mình ...
Ngôn hoài” sáng tác sau “Dược sơn ca tặng Duy Ngiễm” một thế kỉ và nó có thể chịu những ảnh hưởng nhất định, đặc biệt là ở hình ảnh tiếng cười nhưng trên hết ta vẫn thấy đây là một bài thơ độc lập, không hề có sự sao chép hay là một phiêm bản mà trái lại bài thơ của Không Lộ đã vượt lên một tầm cao tuyệt đích hơn hẳn bài thơ của Lí Cao, và nó còn trở thành một trong những bài thơ hay nhất trong dòng thơ Thiền Việt Nam. Bài thơ của Lý Tường chỉ đơn giản là một bài thơ khen tặng, ca tụng bậc đạt ngộ - Duy Nghiễm. Còn “Ngôn hoài” là tiếng nói chân thành của một bậc Thiền sư đạt ngộ và qua đó ta thấy được những triết lí Phật học sâu sắc. Đó là về mối quan hệ giữa Đạo và đời, con người với thế giới, về Niết bàn,...Bài thơ ta thấy hiện lên hình ảnh của một con người sống theo lẽ tự nhiên, hài hòa cùng trời đất, con  người trong khát khao về với bản thể đi tìm chân Tâm ở ngay chính cuộc sống này, và rồi đã tìm thấy. Quan niệm của Không Lộ trong bài thơ này dường như thống nhất và gắn bó với một sáng tác khác của ông:
                                            Vạn lý thanh giang, vạn lý thiên,
                                      Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên.
                                      Ngư ông thuỵ tước vô nhân hoán,
                                      Quá ngọ tỉnh lại tuyết mãn thuyền.
                                      (Muôn dặm non sông muôn dặm xanh
                                       Một làng dâu lúa, một làng mây khói
                                       Ông chài mê ngủ không ai gọi cả
                                       Quá trưa tỉnh dậy thì tuyết đã phủ đầy thuyền.)
                                                          (Không Lộ thiền sư, Ngư nhàn)
Bài thơ như một bức tranh được vẽ lên có đủ cả cảnh và người. Cảnh ở đây thật yên bình và trải rộng trước mắt. Đó là một làng quê nhỏ nhoi, tĩnh lặng. Tác giả đã chấm trên nền non sông gấm vóc đất nước mình một làng quê nhỏ yên tĩnh, trong suốt. Đó có phải là cái thinh không của thế giới nhà Phật ? Nhưng giữa cái thinh không của thôn quê ấy là hình ảnh một ông ngư nhưng ông ngư không hoạt động mà “thuỵ tước vô nhân hoán”. Đọc bài thơ, người đọc không thể không phân vân đó là cảnh thực hay là cảnh ước vọng. Dù là thực hay ước vọng thì Ngư nhàn đã bừng sáng một tấm lòng. Đó chính là tấm lòng của một nhà sư trong cảnh thái bình thịnh trị luôn gắn bó với cuộc đời. Đồng thời, đó còn là một khát vọng rất đỗi cao đẹp về cuộc sống thanh bình, yên vui cho muôn dân. Chính vẻ đẹp trần thế, khát vọng trần thế đã kéo cõi Đạo gần lại với cõi Đời, đã thể hiện tư tưởng không đứng ngoài cuộc, lánh đời, thoát ly mà nhập cuộc, nhập thế nơi vườn trần đầy sự yên vui của những bậc chân tu.
Và những tư tưởng ấy cũng thật gần gũi với quan niệm của những nhà sư khác  như Mãn Giác thiền sư trong “Cáo tật thị chúng”:
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Đêm qua sân trước một nhành mai)
Hay của Quảng Nghiêm thiền sư trong “Hưu hướng Như Lai”:
Li tích phương ngôn tịch diệt khứ
                                 Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh
                                Nam nhi tự hữu xu thiên chí
                               Hưu hướng Như Lai hành xứ hành
                              (Lìa tịch mới bàn đến tịch diệt,
                                         Được vô sinh sau bàn vô sinh
                                         Làm trai lập chí xông trời thẳm,
                                        Theo bước Như Lai luống nhọc mình)
Và nó là khởi nguồn cho thơ Thiền đời Trần sau này với những vần thơ “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông, Trần Tung, của Huyền Quang,... Những bài thơ Thiền ấy đã dạy cho ta bài học về nhân sinh thế sự. Con đường đi tìm Đạo không phải là con đường hướng ngoại mà là hành trình trở về với bản thể uyên nguyên, đó là “bản lai diện mục”, sống phải hòa nhập cùng với cuộc đời không có sự phân biệt theo tình thần “vô úy bình thường tâm”, “cư trần lạc đạo”.Tất cả là do chính bản thân con người, trong lòng có đạo có tâm thì ở đâu cũng thế mà thôi, ở đâu cũng sẽ tìm được niềm vui chân chính của mình, nghĩa là tìm thấy Niết bàn riêng để “lạc vô dư”...
Tài liệu tham khảo
2. Nguyễn Phạm Hùng (1998), Thơ Thiền Việt Nam những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật, NXB. HĐQG HN, Hà Nội
3. Thích Nguyên Hùng,Tiếng Thét Giữa Hư Không trong "Ngôn Hoài" của Thiền sư Không Lộ, http://daitangkinhvietnam.org/van-hoc-va-nghe-thuat/van-tho-phat-giao/538-ting-thet-gia-h-khong-trong-qngon-hoaiq-ca-thin-s-khong-l.html
4. Đinh Gia Khánh (Chủ biên) (2005), Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Nxb Giáo dục.
5. Thử giải mã bài thơ "Ngôn Hoài" của Dương Không Lộ, http://www.luongsonbac.com/thidan/index.php?do=noidung&bid=10426
6. Một tiếng hú dài lạnh đất trời


8. Thơ Thiền và thơ Nho Việt Nam Sự khác biệt về cái nhìn, tư duy, con người, http://www.thientongvietnam.net/kinhsach-thike/dirs/thamdohienquyet/unicode/p2-14.html

9. Đoàn Thị Thu Vân (1996), Khảo sát đặc trưng nghệ thuật thơ thiền Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIV, Trung tâm nghiên cứu Quốc Học - NXB.Văn Học, Hà Nội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét