Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Hình tượng chiếc bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương


 Hình tượng cái bóng và tình huống éo le
-         Thắt nút câu chuyện >>> tạo nên mâu thuẫn cho truyện
+ Trước những câu hỏi ngây ngô của đứa trẻ, Vũ Nương đã nói dối con bằng cách chỉ cái bóng trên tường bảo đó chính là cha. Đứa bé hồn nhiên hiểu đó chính là người cha thực sự. Còn với Vũ Nương, chiếc bóng ấy chính là hiện thân của người chồng nơi biên ải. Nàng tưởng tượng ra mình với chàng như là một, nàng ở đâu thì chàng cũng đi theo đó, tâm tình nàng ở đâu chàng cũng luôn ở đó nên chỉ vào chiếc bóng mà nói với con kia là cha nó. Nhưng Vũ Nương đâu biết rằng chính trò đùa trẻ con ấy đã khiến nàng trả một cái giá quá đắt đó chính là hạnh phúc gia đình bấy lâu nay nàng vun vén, và chính là mạng sống của nàng.
+ Chỉ riêng Vũ thị và đứa bé biết người cha trên tường là chiếc bóng, Đản là chứng nhân duy nhất.  Sinh trở về nhưng Đản không nhận cha, những lời nói của trẻ thơ như những câu đố với Sinh về tấm lòng của người vợ nhưng cả hai đều hiểu không đúng nghĩa. Đản hiểu chiếc bóng đó là một người cha thực sự, Sinh hiểu đó là một gian phu và nghi oan cho vợ . Chàng cũng không có cơ hội giải thích, chứng nhân duy nhất là Đản cũng ko được hỏi rõ ngọn ngành, sự giao tiếp bị đứt đoạn chỉ còn đơn tuyến, Trương một mực nghi ngờ cho nàng. Sự bi phẫn tới đỉnh điểm, trước kia với Vũ thị chiếc bóng chính là hiện thân của người chồng nơi biên ải, còn giờ đây với nàng chỉ còn là sự bi phẫn, tủi nhục khi nỗi oan ko thể giải. Vũ Nương đã nhảy sông tự vẫn đã chứng minh cho tấm lòng trinh bạch của mình. Nàng dùng cái chết để khẳng định phẩm giá, cho lòng son sắt trước sau không đổi như ngọc Mị Nương, cỏ Ngu Mĩ. Nếu như người con gái trong Truyện Kiều rơi vào bi kịch do vòng dây oan trái của xã hội bóp nghẹt quyền sống với những thế lực bạo tàn nào quan lại phong kiến, nào đồng tiền, nào Tú bà, Sở Khanh, Mã Giám Sinh….thì người con gái trong truyện của Nguyễn Dữ chịu bi kịch là do trò đùa trẻ thơ - chiếc bóng. Chiếc bóng ấy đặt trong hoàn cảnh đặc biệt đó là khi Trương sinh xa nhà, lại thêm với tính tình đa nghi hay ghen đã hiểu lầm dẫn tới bức tử người
-         Chiếc bóng gỡ nút câu chuyện
“Thắt nút” truyện bằng yếu tố bất ngờ. Một câu nói ngây thơ nghe như thật của trẻ thơ mà gây bão tố dây chuyền trong cuộc đời. Bão tố nghi kị trong một đầu óc nam quyền độc đoán, thiếu trí tuệ ; bão tố bất hoà dữ dội phá tan hạnh phúc của một gia đình êm ấm. Bão tố oan khiên phá nát cuộc đời của một người con gái trong trắng, phải kết thúc bi thảm trêm một dòng sông.
“Gỡ nút” cũng bất ngờ bằng một câu nói trẻ thơ non dại (khi chỉ cái bóng của chàng Trương trên vách: “cha Đản lại đến kia kìa” thì bao nhiêu oan khiên gây thảm kịch trong phút chốc bỗng được sáng tỏ. Chiếc bóng là vòng dây oan nghiệt buộc lấy cuộc đời Vũ Nương giờ đây lại minh chứng cho tấm lòng thủy chung của nàng, cho Trương sinh hiểu ra tất cả đây chỉ là một trò đùa dỗ dành con trẻ. Nhưng với Vũ Nương sự minh chứng này đã là quá muộn màng, hạnh phúc nàng bấy lâu vun đắp đã không còn, nàng cũng đâu thể trở lại nhân gian được nữa. Chiếc bóng phải chăng là biểu tượng cho bi kịch cuộc đời Vũ Nương – bi kịch của một người phụ nữ đức hạnh vẹn toàn nhưng lại không được hưởng hạnh phúc.
>>> Hình tượng chiếc bóng gắn liền với tình huống éo le của câu chuyện làm nên sự hấp dẫn, nét đặc sắc trong truyện của Nguyễn Dữ. Với đứa trẻ ngây ngô, chiếc bóng là hình ảnh của người cha, với người vợ thủy chung chiếc bóng ấy là hiện thân của người chồng còn với người chồng đa nghi đó lại là một gian phu. Tới khi sự thật được phơi bày, chiếc bóng mới được trở về nguyên dạng của nó, đơn thuần đó là chỉ là một trò đùa, trò chơi dỗ dành con trẻ.  Chiếc bóng lúc này đã trở thành nỗi ám ảnh về bi kịch của một người phụ nữ đoan trang, trở thành nỗi tiếc hận của người đàn ông phụ tình. Và theo thời gian 

Thu Hà Nội và đêm ....


Đâu đây nghe thấy những âm thanh rất khẽ của tiếng côn trùng. Đó phải chăng là tiếng thở của đêm. Đêm thu Hà Nội…

Có một chiếc lá vẫn lưu luyến chưa muốn rời cành bởi còn tiếc giọt nhựa sống bé nhỏ còn đọng lại trên cuống lá. Một cuộc chia tay thầm lặng giữa lá và cây. “Tạm biệt nhé!” chiếc lá như khẽ nói rồi khẽ bứt khỏi cành rồi xoay mình đáp xuống mặt đất. Và thế là một tấm thiệp của mùa thu được gửi đi.

Có một giọt lệ trời đêm bỗng rớt xuống bờ vai. Chợt giật mình, bờ vai lạnh quá, có lẽ vì thiếu một hơi ấm, xa vắng một bờ vai khác. Hóa ra ngày nào đêm cũng khóc, khóc lặng lẽ bởi khi mặt trời thức giấc, những giọt lệ kia sẽ bừng lên long lanh rồi tan biến như một giấc mơ.

Đâu đây nghe tiếng cối xay cốm hòa lẫn với tiếng lửa cháy trong những bếp lò. Đây có lẽ là âm thanh đặc trưng của ngõ nhỏ này – vì đây vốn là làng Cốm vòng nổi tiếng đất kinh kì một thời. Âm thanh quen thuộc quá, ấm iu nồng đượm tình yêu thương của đất, của trời để rồi sáng mai sẽ gửi vào thức quà đặc trưng của thu HN, đong đưa theo những gánh hàng rong.

Có một mùi thơm – mùi thơm của cốm non lan tỏa trong không khí  quyện với hương hoa sữa, một thứ thì nhẹ nhàng một thứ thì nồng nàn tạo thành một thứ mùi rất lạ, đắm say vấn vương tâm trí con người. Lúc này chỉ ước có một cái tủ lạnh nào ướp lại mùi hương này để khi nào xa mùa thu ta lại nhớ, để khi nào xa HN ta lại được thưởng thức. Hay làm một cái túi thơm khổng lồ để lúc nào hương cũng theo bên người. Nhưng hương ko muốn bị níu giữ mà gửi vào trong gió thơm và mỗi khi thu đến lại quay về làm người tình của ngõ nhỏ làng Vòng, của mảnh đất này.

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn

Có lẽ trong lòng đất đang có những biến chuyển mà ta chẳng hay, phải chăng đất đã ghi lại những kỉ niệm của ta ở nơi đây từng ngày từng ngày một. Và ta nhớ ngay khi đang ở trên mảnh đất này? Ta thương ngay khi chưa rời xa?....


Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Phân tích và cảm nhận "Cỏ non xanh rợn chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa"


Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Câu thơ mở ra một bức tranh tuyệt đẹp về mùa xuân với hình ảnh cỏ non xanh mướt tới tận chân trời và hoa lê đang bắt đầu nở khi xuân sang. Bức tranh có sự hài hòa đến tuyệt diệu. Màu trắng tinh khôi của hoa lê hòa cùng với màu xanh non mỡ màng của cỏ. Không gian rộng lớn bạt ngàn ngút ngàn với những bãi cỏ “rợn chân trời”  kết hợp với không gian thu nhỏ trên một cành hoa xuân. Tất cả gợi lên một sức sống tràn đầy, một bầu khí quyển trong trẻo, nên thơ, dịu nhẹ của tiết thanh minh. Xuân về khoác áo xanh cho cỏ, mặc áo trắng cho hoa. Cỏ và hoa bừng dậy sau giấc ngủ đông dài lạnh lẽo để rồi cỏ non nối tiếp chân trời xanh, và hoa lê bừng sắc trắng trên cành. Còn gì đẹp hơn thế, còn gì trong trẻo hơn thế! Câu thơ của Nguyễn Du làm ta chợt nhớ tới câu thơ của thi nhân Ức Trai ngay trước :
Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vỗ trời
(Độ đầu xuân thảo lục như yên
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên)
                (Bến đò xuân đầu trại – Nguyễn Trãi)
Cùng đặc tả màu xanh của cỏ nhưng mỗi thi nhân lại có cảm nhận rất khác nhau. Nếu đến với thơ Nguyễn Trãi, cỏ dưới làn mưa xuân giăng nhè nhẹ “xanh như khói” thì trong thơ của Nguyễn Du màu xanh của cỏ vẫn vẹn nguyên có cảm giác như cỏ nối liền chân trời tạo làm không gian được mở rộng tới vô cùng. Đó phải chăng chính là sức hấp dẫn của thơ ca, cùng viết một hình ảnh nhưng ở mỗi một bài thơ, qua những lăng kính nhìn khác nhau sẽ đem đến những cách cảm nhận riêng biệt, không trộn lẫn.
Câu thơ của Nguyễn Du được lấy tứ từ câu thơ cổ Trung Hoa:
Phương thảo liên thiên bích
Lê chi sổ điểm hoa
(Cỏ thơm liền với trời xanh
Trên cành lê có mấy bông hoa)
Câu thơ mở ra một bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp có màu sắc, có đường nét đặc biệt lại có cả hương thơm. Đó là hương thơm của cỏ non “phương thảo”. Đó là màu xanh mướt của cỏ nối liền với trời xanh “liên thiên bích”. Đó còn là đường nét của cành lê điểm nhẹ vài bông hoa mới nở “sổ điểm hoa”. Câu thơ của Nguyễn Du rất gần với tứ của câu thơ này. Nhưng chúng có nét giống nhau chứ không hề đồng nhất. Nguyễn Du đã có những sáng tạo của riêng mình để đem lại sức hấp dẫn cho câu thơ của Truyện Kiều. Nếu như câu thơ cổ Trung Hoa chỉ miêu tả một cách đơn thuần: cành lê có một vài bông hoa thì câu thơ trong Truyện Kiều lại nhấn mạnh màu sắc của hoa “trắng điểm”. Ở đây tính từ “trắng” đã được động từ hóa, câu thơ không chỉ nói lên màu sắc của hoa mà còn cho thấy được cả một sức sống mãnh liệt đang bừng dậy. Câu thơ không hề tĩnh tại mà có tính chất động. Chúng ta không chỉ cảm nhận được một màu trắng tinh khôi của hoa lê mà còn dường như thấy được cả những mạch sống đang cựa mình trỗi dậy theo bước chuyển mình của mùa xuân. Hai câu thơ cổ Trung Quốc chỉ gợi mà không tả, còn hai câu thơ của Nguyễn Du tả rõ màu sắc khiến câu thơ sinh động, có hồn. Từ câu thơ ngũ ngôn mang phong vị Đường thi, dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du thành câu thơ lục bát uyển chuyển mang đậm hồn thơ dân tộc.  Chỉ đôi câu thơ nhưng cũng đủ cho ta thấy sự sáng tạo, sức bút kì diệu của thiên tài Nguyễn Du. Đó phải chăng chính là một trong những yếu tố làm nên sức sống bất diệt của Truyện Kiều,Truyện Kiều  của Nguyễn Du nằm ngoài sự “băng hoại” của thời gian.