Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh trong Sang thu


Hữu Thỉnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trong thời kì cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông mang đậm chất trữ tình giản dị mà sâu sắc thể hiện những cảm xúc chân thành về cuộc sống. Bằng tất cả sự cảm nhận  tinh tế và tình yêu tha thiết với quê hương đất nước và năm 1977, nhà thơ đã cho ra đời tác phẩm “sang thu” – một khúc hat ca ngợi vẻ đẹp của đất trời trong sự chuyển biến từ hạ sang thu.
Mùa thu vốn luôn là nguồn cảm hứng của thi nhân, là đề tài muôn thưở từ xưa đến nay. Họ viết về mùa thu khi muốn gửi vào đó nỗi cô đơn, lẻ loi của con người giữa bao bộn bề của cuộc đời. Con người ta tìm đến mùa thù như một điểm tựa để giãi bày, sẻ chia hay đơn giản chỉ là chạm nhẹ vào không gian hư ảo của kỉ niệm. Nhưng đối với Hữu Thỉnh lại khác, “thơ ông không chỉ là văn chương mà còn là một phần gan ruột”. “Sang thu” là một phần tâm hồn ông. Trải qua bao khốc liệt của thời chiến, nhà thơ như muốn sống chậm lại để cảm nhận, hòa mình vào không gian thiên nhiên diệu kì, lắng nghe từng khoảnh khắc giao mùa để từ đó suy nghĩ, chiêm nghiệm những ý nghĩa nhân sinh của cuộc đời.
Trước hết, những tín hiệu báo thu sang đã được nhà thơ cảm nhận bằng một sự tinh tế và sâu sắc trong tâm trạng đầy bất ngờ.
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Từ “bỗng” xuất hiện ngay đầu dòng thơ đã bộc lộ cảm xúc ngỡ ngàng của tác giả. Với bước chân duyên dáng, yêu kiều, hương ổi như đang phảng phất đâu đây mà không ai biết. Làn hương thanh mát ấy như đang chơi trốn tìm với lòng người, khiến thiên nhiên sang thu như mang mot vẻ đẹp bí ẩn lạ kì. Ở câu thơ tiếp theo, từ “phả” tuy giản dị mà vô cùng ý nghĩa, hương thơm nồng nàn, quyến rũ của trái ổi chín như được hữu hình hóa, đang lan tỏa, ướp ngọt cho không gian, Tiếp đó, người đọc bắt gặp hình ảnh “gió se” ở cuối dòng thơ. Những cơn gió heo may se se thổi luôn là biểu tượng của mùa thu. Bằng cảm nhận  này của Hữu Thỉnh, “hương ổi” và “gió se” – hai vẻ đẹp của mùa thu đã trở thành những người bạn tri âm tri kỉ, đồng hành cùng nhau trong khôngg gian của đất trời và giây phút thu sang chính là thời khắc gặp gỡ, tương giao của cái đẹp. Trong câu thơ thứ ba của khổ thơ, cụm từ “chùng chình” đã diễn tả ngập ngừng, e ấp bước qua ngưỡng cửa mùa thu của những hạt sương mai. Với cảm nhận của nhiều nhà thơ, nhắc đến mùa thu là nhắc đến cái gì đó lạnh lẽo, thê lương. Nguyễn Khuyễn cũng đã từng đọc thấy tín hiệu báo thu sang trong nỗi u buồn, quạnh vắng
“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”
Nhưng đối với Hữu Thỉnh, trong tiềm thức của ông, bức tranh thu luôn hiện ra với xiết bao dịu dàng và gần gũi, nổi bật lên bởi hình ảnh của hương ổi, gió se và sương mờ. Cái đẹp ấy đẹp đến mức khiến con người phải say mê chiêm ngưỡng. Khổ thơ được khép lại trong niềm băn khoăn xúc động, “hình như thu đã về”. Đó là kết quả cho sự mong đợi, trông ngóng của nhà thơ khiến thiên nhiên đang trong thời khắc giao mùa. Như vậy, Hữu Thỉnh đã cảm nhận về mùa thu bằng tất cả những giác quan. Chỉ ngắn gọn trong 4 câu thơ mà những gì tinh  túy nhất của mùa thu đã được thâu tóm trọn vẹn. Hơn thế, tác giả đã dành cho của đất nước một sự mong đợi đầy  tha thiết.
Khổ thơ đầu tiên đã cho người đọc thấy được sự tinh tế trong cảm nhận của nhà thơ về những tín hiệu báo thu sang nhưng sự tinh tế này còn được thể hiện rõ hơn qua việc tác giả cảm nhận về những chuyển biến của đất trời mùa thu trong khổ thơ thứ hai.
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Hai chữ “dềnh dàng” khiến trước mắt người đọc như hiện ra hình ảnh của dòng sông đang chậm rãi bước đi một cách êm đềm, dịu nhẹ. Nhưng điểm nổi bật hơn cả khiên người đọc bị ấn tượng là từ “được lúc” tuy giản dị nhưng nó đã diễn tả được trọn vẹn ý thơ. Thu sang là thời khắc để vạn vật chuẩn bị hành trang để bắt đầu cuộc sống mới, một hành trình trải nghiệm mới với bao nhận thức và rung động. Bước sang câu  thứ hai, người đọc nhận ra sự đối lập về hình thức giữa câu 1 và câu 2. Dòng sông thì chậm rãi, điềm đạm, đàn chim thì hối hả, vội vã. Nhưng nếu để ý kĩ thì từ “được lúc” ở câu 1 và “bắt đầu” ở câu 2 đều đang hướng tới một quy luật, tất cả trong thời điểm giao mùa đều có sự biến chuyện thay đổi, đó là hình ảnh dòng chảy của con sông, tiếng vỗ cánh của đàn chim. Chỉ người có một trái tim nghệ sỹ và sự hiểu biết về cuộc đời mới có những cảm nhận  tinh vi đến vậy.
Đặc biệt, hình ảnh ở 2 câu cuối khổ có thể xem là điểm nhấn, là những đường nét tuyệt mĩ nhất của bài thơ. Trong khoảnh khắc giao mùa, đám mây trên trời cao đã trở thành ranh giới, là nhịp cầu nỗi giữa hạ và thu. Bên này là ánh nắng rực rỡ của mùa hạ, bên kia đã dịu nhẹ một sắc thu. Cách diễn đạt “vắt nửa mình sang thu” đã khiến bức tranh thu mang một vẻ đẹp thơ mộng và vô cùng lãng mạn, Đám mây trong câu thơ tựa như môt thiếu nữ duyên dáng đang vừa quyến luyến mùa hạ vừa rung động trước vẻ đẹp của mùa thu khiến người đọc liên tưởng ngay tới một câu ca dao xưa
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi
Quả thật, những chuyển biến của đất trời lúc sang thư đã được tác giả chứng kiến và cảm nhận bằng một sự rung cảm tuyệt vời. Bằng việc sử dụng những từ ngữ hình ảnh đắt giá, giàu sức biểu cảm, tác giả như đang kiếm tìm cài nhìn của mùa thu soi rọi vào nội tâm con người.
Nếu khổ 1 và khổ 2 là những miêu ta chân thức về thiên nhiên thì khố cuối bài thơ là những đúc rút, những suy ngẫm triết lí về con người và cuộc đời. Câu thơ đầu tiên cất lên như để cảm nhận thật sâu, thật kĩ từng giọt nắng cuối hạ trong khoảnh khắc bình yên. Hữu Thỉnh đã cảm nhận được cả những bước đi, từng nhịp đập của không gian vạn vật. Đến câu thơ thứ hai và  thứ ba người đọc cảm thấy lưu luyến bởi những từ “vơi,bớt”. Tác giả đang diễn tả cái dần thưa thớt, ít dần của những cơn mưa rào ào ạt cùng với tiếng sâm rền vang đến và đi bất ngờ của mùa hạ. Tất cả thật chậm rãi, thong thả và không hề vội vã.
Câu thơ cuối cùng khép lại bài thơ mang một giọng điệu sâu lắng, như đang muốn bày tỏ với người đọc một sự thay đổi trong tiềm thức con người.
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
“Trên hàng cây đứng tuổi” câu thơ tả cảnh nhưng ẩn chứa trong đó là những triết lý sâu xa hơn khiến người đọc phải suy ngẫm. Thu đến tuy mở ra một hành trình mới, một sự thay đổi mới nhưng điều đó sẽ đồng nghĩa với việc thời gian sẽ lại trôi đi, gợi đến cái xế chiều của đời người. Những hình ảnh xuất hiện trước câu thơ không chỉ đơn thuần là tả cảnh mà nó còn là tượng trưng cho giông bão của cuộc đời. Con người đã vượt qua bao sóng gió và thử thách để giờ đây đã trở nên từng trải và mỗi ngày điềm đạm hơn trưởng thành hơn trong cuộc đời. Hai câu thơ thể hiện vẻ đẹp của người lính, một cốt cách hiên ngang, vững vàng. Bài thơ này làm khi ông bước ra khỏi cuộc chiến tranh hai năm. Có lẽ chính những thời gian trải nghiệm với cuộc kháng chiến đầy gian lao của dân tộc đã cho người lính ấy thêm rất nhiều bản lĩnh, tự tin để đối mặt với tất cả những phong ba của cuộc đời. Thế mới biết những câu thơ được viết lên không chỉ bằng sự tinh tế mà còn là cả cuộc đời .
Như vậy bài thơ “Sang thu” đã trở nên giàu ý nghĩa cùng với  những thông điệp đa tầng. Hành trình giao mùa của thiên nhiên đất trời cũng như là hành trình của đời người. Ai cũng từng có tuổi trẻ đầy sức sống nhưng rồi cuộc đời cũng sẽ bước sang thu. Nếu không có một vốn sống, vốn hiểu biết về cuộc đời, Hữu Thỉnh sẽ không có những thông điệp sâu sắc đến vậy. Không chỉ có nội dung triết lí ý nghĩa mà nghệ thuật của bài thơ cũng vô cùng đặc sắc những hình ảnh thơ gần gũi, giản dị, ngôn ngữ đẹp, gợi hình gợi cảm, giọng thơ ngỡ ngàng, bất ngờ xem lẫn cả sự sâu lắng và đặc biệt là cảm xúc tinh tế của nhà thơ được diễn tả khéo léo thú vị

Nguyễn Ngọc Anh, trường Giảng Võ, Hà Nội

Tính khả biến, tính hình tuyến của ngôn ngữ và ảnh hưởng của nó tới văn chương


(Đây là bài điều kiện Cao học thứ hai của mình. Chuyên ngành - Ngôn ngữ và văn học do GS. Bùi Minh Toán giảng dạy)
Những thanh âm, giai điệu cho chúng ta những bài hát, những màu sắc cho chúng ta những bức tranh, những hình khối cho những bức tượng điêu khắc …. Cùng bắt nguồn từ hiện thực đời sống để đến với trái tim của mỗi con người nhưng mỗi một ngành nghệ thuật do sự khác nhau chất liệu chia cắt hiện thực thế giới khách quan và rồi bằng những cách thức khác nhau đem đến cho con người những rung cảm thẩm mĩ khác biệt. Ngôn ngữ cho không chỉ lời ăn tiếng nói hàng ngày để con người giao tiếp mà còn mang đến cho ta những tác phẩm nghệ thuật. Chất liệu ấy đã đem lại ưu thế song cũng có nhược điểm nhất định mà chỉ qua hai đặc tính: tính khả biến và tính hình tuyến ta có thể thấy rõ điều đó.
1.     Tính khả biến
Mỗi một tín hiệu ngôn ngữ đều có hai mặt: cái biểu hiện và cái được biểu hiện. Mối quan hệ giữa chung vừa có tính bất biến vừa có tính khả biến. Thoạt nghe, tưởng chừng như đối lập song thực chất chúng bổ sung hỗ trợ cho nhau. Để có thể giao tiếp với nhau trong cộng đồng, tín hiệu ngôn ngữ cần phải có tính ổn định, bất biến. Nhưng ngôn ngữ có tính khả biến có nghĩa là thay đổi mối quan hệ giữa mặt biểu đạt và được biểu đạt để thỏa mãn nhu cầu biểu hiện, nhận thức, giao tiếp của con người trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong văn chương.
Mặt được biểu đạt của tín hiệu ngôn ngữ được thay đổi khi cùng một vỏ âm thanh nhưng có thêm những ý nghĩa mới, nội dung khác. Điều này có thể thấy rất rõ trong những trường hợp chuyển nghĩa của tín hiệu. Ví dụ như từ “đĩa” vốn chỉ một vật dụng trong gia đình, mỏng, dẹt, để đựng thức ăn. Trong các cách kết hợp “đĩa xe đạp”, “đĩa hát” nó không còn mang ý nghĩa khác tuy nhiên vẫn có chung một nét tương đồng là mỏng, dẹt. Hay từ “phao” không chỉ dừng lại nghĩa chỉ một vật dụng cứu con người khi đi bơi mà còn chỉ những phương tiện hỗ trợ thí sinh làm bài trong phòng thi…Có thể nói hiện tượng này phổ biến ở tất cả các ngôn ngữ. Khi xuất hiện một sự vật mới tức xuất hiện nhu cầu gọi tên, để hạn chế bớt sự “cồng kềnh” trong số lượng ngôn ngữ mà con người đã chuyển nghĩa cho các từ sẵn có, trao cho chúng thêm các ý nghĩa mới. Đó cũng là một cách để làm phong phú, đa dạng sự diễn đạt đem lại sự hàm súc cho ngôn từ. Đây là một cơ sở để dân gian ta đưa ra những câu đố chơi chữ thú vị như: “Đầu dê mình ốc”, “Là hoa mà không phải là hoa”
Các từ ngữ sử dụng trải qua thời gian có thêm những ý nghĩa mới xuất hiện thậm chí không liên quan hoặc trái ngược với nghĩa ban đầu. Ví dụ như từ “kẻ” đồng nghĩa với từ “người” nhưng giờ đây khi dùng “kẻ” là mang sắc thái tiêu cực còn từ người mang sắc thái tích cực. Từ “sàn” trong khái niệm “sàn giao dịch”, “điềm sàn” mang ý nghĩa hoàn toàn khác biệt với nghĩa ban đầu là chỉ phần nền nhà. Từ “xoắn” giờ đây không còn chỉ mang ý nghĩa “bám chặt, không rời ra” mà nó còn nghĩa “sợ” trong cụm từ quen thuộc của giới trẻ ngày nay như “Sao phải xoắn”…Trong ngôn ngữ thời @, chúng ta có thể bắt gặp hàng loạt những từ đã được trao thêm ý nghĩa mới xa rời ý nghĩa ban đầu của nó như: Vãi (nghĩa là kinh khủng), chuối (nghĩa là dở hơi), khoai (khó), cá kiếm (kiếm), phở (nghĩa là đẹp đẽ, ngon lành)…
Chính vì thế mà ngôn ngữ trải qua hơn nghìn năm thay đổi vốn từ cơ bản là khoảng 20%, 80% vẫn giữ nguyên. Trong văn chương, sự biến đổi cái được biểu đạt lại càng được thể hiện rõ, bởi văn chương là địa hạt của sự sáng tạo, chính sự sáng tạo này mang lại sự độc đáo, hấp dẫn bạn đọc. Có thể thấy như câu thơ của Xuân Diệu:
Chiều mộng  hòa thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền
Với những từ như “nhánh duyên”, “tiếng huyền” tác giả đã rất khéo léo trong cách kết hợp từ để rồi hữu hình hóa cho mối duyên của đất trời, cho những thanh âm của đất trời. Người ta thường nói “nhánh cây”, “nhánh hoa” chứ chưa ai nói “nhánh duyên”, cũng vẫn là từ “nhánh” ấy nhưng trong kết hợp từ với “duyên” nó trở nên thi vị và giàu sức gợi.
Trong bài thơ “Đám cỏ xanh” của Lê Thị Mây:
Anh lỡ hẹn, gió về đâu
Nỡ nào bứt cỏ cho nhàu ban mai
Một từ “nhàu” được tác giả sử dụng rất  tinh tế. Từ “nhàu” vốn có nghĩa là có nhiều nếp nhăn, không phẳng thường dùng để chí áo quần hay giấy nhưng trong câu thơ này lại rất lạ “nhàu ban mai”. Vậy từ “nhàu” ở đây phải được hiểu thế nào? Thật khó để cắt nghĩa rõ ràng nhưng chúng ta có thể tạm hiểu, khi anh lỡ hẹn, em như ngọn gió lang thang vô định không biết về đâu, chẳng dám bứt ngọn cỏ xanh làm mất đi màu tươi sáng của ban mai. Mặt biểu đạt của từ vẫn được giữ nguyên nhưng cái được biểu đạt đã mở rộng ra vô cùng, không có biên giới.
Nói đến sáng tạo từ ngữ không thể không nhắc đến nhà nghệ sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Nghe nhạc Trịnh không phải chỉ lắng nghe âm thanh mà còn là cảm nhận sự tài hoa trong nghệ thuật ngôn ngữ. Với những từ ngữ: tuổi đá buồn, phiến mây hồng, con trăng, gót hài, chuyến mưa, tay rong rêu muộn màng, ươm nắng, nghiêng sầu… tác giả đã làm mới ngôn từ, mang đến những trường liên tưởng không cùng cho người đọc. Vẫn là những chữ ấy thôi, vẫn là những vỏ âm thanh ấy nhưng dưới bàn tay sáng tạo của người nghệ sĩ chúng mang trong mình những ý nghĩa sâu sắc, ôm trọn nỗi lòng của hàng triệu trái tim, hàng triệu cuộc đời.
Không chỉ mặt được biểu đạt thay đổi mà chính mặt biểu đạt cũng thay đổi để làm phong phú, đa dạng cách diễn đạt, đem lại hiệu quả giao tiếp cũng như thẩm mĩ nhất định. Trong ngôn ngữ, chúng ta rất hay có cách sử dụng các từ láy tư thực chất là cách láy lại của các từ ghép hoặc các từ láy đôi với ý nghĩa nhấn mạnh, chẳng hạn: hớt hơ hớt hải (hớt hải), vội vội vàng vàng (vội vàng), tung ta tung tẩy (tung tẩy), quần quần áo áo (quần áo), sách sách vở vở (sách vở)….Nói về việc sáng tạo ra những từ mới, hay lạ hóa vỏ âm thanh của những từ ngữ cũ không thể không nói đến dòng thơ sau 1975 của những cây bút như Trần Dần, Lê Đạt,…
Phố nào nưn nứt nụ dò lan
Chơm chớp đèn mi lam tơ bòng mớ phố
                                (Cổng tỉnh – Trần Dần)
Mùa sạch” của Trần Dần là hành trình đi tìm những từ ngữ mới cho thơ ca, đi tìm những cách sáng tạo mới trong cách biểu đạt ý thơ bằng những con chữ lạ lùng. Ông đã bổ sung cho kho từ vựng những từ láy mới: mòng mọc, thăn thắt, mày mạy, hày hạy, đăm đắp, lựt xựt…bởi với những nhà thơ như Trần Dần quan niệm thơ là sự sáng tạo nhưng con chữ, nhà thơ phải sáng tạo được vùng chữ của riêng mình.  
Có thể nói rằng, chính nhờ tính khả biến mà ngôn ngữ trở nên phong phú và đa dạng hơn bao giờ hết. Mặt biểu đạt và mặt được biểu đạt đều có thể thay đổi để làm tăng hiệu quả trong giao tiếp. Đặc biệt trong văn chương, sự mềm dẻo linh hoạt ấy chính là địa hạt cho những  sự sáng tạo, đem lại sức hấp dẫn cho văn chương. Những từ ngữ vốn quen thuộc được trao những ý nghĩa mới, những ý tưởng cũ được diễn đạt bằng những ngôn từ được lạ hóa. Và ở mỗi một tác phẩm, một nghệ sĩ ta lại thấy có những nét sáng tạo độc đáo của riêng mình tạo nên cá tính nổi bật, những phong cách không thể trộn lẫn. Tất cả là nhờ tính khả biến đã làm cho ngôn từ như có “phép màu”.
2.     Tính hình tuyến
Tính hình tuyến là một đặc trưng nổi bật của ngôn ngữ mà F.de Saussure đã từng nhận định: “Vốn là vật nghe được , năng biểu (cái biểu hiện của tín hiệu ngôn ngữ - NBS) diễn ra trong thời gian và có những đặc điểm vốn có của thời  gian a) nó có một đại lượng và  b) đại lượng đó chỉ có thể đo trên một chiều mà thôi, đó là một đường chỉ, một tuyến”. Các ngành nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc… là nghệ thuật của không gian. Chúng ta có thể cùng một lúc ngắm nhìn toàn bộ bức tranh, pho tượng, tất cả  những đường nét, màu sắc, hình khối đó cùng một lúc tác động đến thị giác của chúng ta. Nhưng ngôn ngữ lại khác, văn học là nghệ thuật của thời gian. Chính đặc tính này của chất liệu ngôn ngữ vừa đem đến những hiệu quả to lớn vừa gây ra những cản trở, hạn chế đối với cấu trúc tác phẩm văn chương cũng như hoạt động sáng tác, cảm thụ tác phẩm.
Văn chương có ưu thế rất lớn trong việc diễn tả những dòng chảy bất tận của thời gian. Khả năng này là vô tận. Đây là điều mà các loại hình nghệ thuật khác không thể có được trừ điện ảnh. Chúng ta có thể kể đến hàng loạt những bộ sử thi kinh điển Iliat và Ôdixe, Ramaya, … hay những tiểu thuyết đồ sộ như: Tam quốc diễn nghĩa, Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm,… Những diễn biến, sự kiện của hàng ngàn năm, những con người của bao đất nước từ thế hệ này qua thế hệ khác được tái hiện lại  một cách sống động qua từng trang văn.
Cùng với đó, văn chương có khả năng lớn lao trong miêu tả diễn biến tâm trạng, tâm lí của từng nhân vật. Từng biến chuyển tinh vi nhất được các nhà văn ghi lại trong trang viết của mình: Tỉnh dậy hắn thấy già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu... Dẫu sao, đó không phải tuổi mà người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đầy đọa cực nhọc mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.Nam Cao ghi lại từng cung bậc cảm xúc tinh vi nhất của Chí Phèo bằng thứ ngôn ngữ tinh tế nhất. Sẽ không bao giờ chúng ta có thể tìm thấy  những dòng cảm xúc như thế này trong hội họa, múa hay điêu khắc. Thế mạnh này, ngay cả điện ảnh thậm chí cũng không thể đi tời tận cùng thế giới nội tâm con người. Có rất nhiều những tác phẩm văn học được chuyển thể sang điện ảnh. Nhưng nếu ai say mê truyện khi xem phim đều có cảm giác hẫng hụt vì phim không thể cho thấy hết được những biến chuyển tinh vi nhất trong tâm hồn con người và nó làm hạn chế đi trí tưởng tượng của người đọc. Đó chính là sức mạnh của ngôn từ, của câu chữ.
Nhưng tính hình tuyến của văn chương lại gây những cản trở không nhỏ cho việc thể hiện  những diễn biến đồng thời, những quan hệ thuộc về không gian nhiều chiều. Chỉ cần một bức tranh “Mùa thu vàng” của Lêvitan ta cùng lúc có thể cảm nhận được tất cả. Nhưng một bức tranh thu trong “Thu điếu” của Nguyễn Khuyễn phải được cảm từ ao thu, thuyền thu, sóng nước, lá vàng, bầu trời, ngõ trúc để từ đó ta mới thu vào lòng mình được sắc thu, khí thu và hồn thu. Chỉ cần một bức ảnh của Đoàn Công Tính, người xem đã đủ có cái nhìn toàn diện về một chận triến, sự ác liệt của chiến tranh nhưng nếu đến với một tác phẩm văn học, người đọc phải theo dõi một cách lần lượt từng diễn biến sự kiện, từng con người để rồi sau đó mới có những cảm nhận chung nhất. Tiếp nhận các loại hình nghệ thuật khác, chúng ta có được cái nhìn ấn tượng chung ngay từ đầu nhưng văn chương không thể dành cho một người “vội vã”, phải kết thúc tác phẩm tín hiệu thẩm mĩ mới trọn vẹn từ đó mở ra biết bao trường liên tưởng và suy nghĩ.
Để khắc phục những hạn chế do tính hình tuyến, văn chương đã sử dụng các thủ pháp nghệ thuật như: thông qua hồi tưởng của nhân vật, đảo kết cấu, phối hợp xen kẽ các sự kiện… Trong “Chí Phèo”, Nam Cao đã sử dụng cách đảo kết cấu khi không kể theo diễn biến cuộc đời nhân vật mà bắt đầu từ khi Chí Phèo đã trở thành “con quỷ của làng Vũ Đại” triền miên qua cơn say này đến cơn say khác rồi mới để Chí hổi tưởng nhớ lại cuộc đời mình. Tới những tác phẩm sau 1975, cách kể chuyện đan xen phối hợp từ nhiều thời gian, nhiều điểm nhìn càng được sử dụng nhiều hơn. “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh đã kể lại những câu chuyện chiến tranh không phải theo một dòng chảy xuôi chiều mà qua dòng tâm trạng của nhân vật liên tục bị đứt mạch, ngắt quãng với những liên tưởng, nỗi nhớ để cho người đọc cảm nhận được trọn vẹn những nỗi buồn, những day dứt và cả những nỗi đau trong trái tim con người.
Có thể nói chính chất liệu ngôn ngữ với những đặc trưng đã làm nên những nét riêng biệt cho văn chương. Có ưu thế và cũng có những hạn chế. Nhưng chính điều đó lại làm nên sức hấp dẫn không biên giới của văn chương. Có thể có những loại hình nghệ thuật mới hiện đại hơn, mang tính tổng hợp hơn nhưng “một bộ phim không thể nào thay thế được một cuốn truyện” bởi văn chương luôn có sức mạnh không cùng và tương lai của nó là bất diệt.


Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bé Thu trong "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng để thấy được tình cảm cha con sâu đậm, thiêng liêng



Nguyễn Quang Sáng là một gương mặt tiêu biểu của thế hệ nhà văn – chiến sĩ. Các sáng tác của ông là những trải nghiệm sâu sắc thời chiến tranh, là những khám phá mới mẻ và ý nghĩa về những phẩm chất tốt đẹp của người lính, những tình cảm của con người. “Chiếc lược ngà”  là một truyện ngắn thể hiện rất rõ điều đó. Qua việc xây dựng nhân vật bé Thu với những khúc đoạn tâm lí tinh tế, tác giả đã cho người đọc thấm thía nỗi đau mà chiến tranh đã gây ra và cảm nhận được trọn vẹn những tình cảm thiêng liêng nhất trong mỗi người.
Nhân vật bé Thu trong truyện là một cô bé hồn nhiên dễ thương nhưng cũng như bao cảnh ngộ không hiếm gặp thời chiến tranh, em chưa bao giờ được gặp ba và cất tiếng gọi ba. Chiến tranh tàn khốc, nó đã tước đoạt đi cả niềm hạnh phúc nhro bé nhất. Và như một lẽ thường tình, được gặp ba, được gọi ba, được ôm ba vào lòng là ước mơ, là khao  khát, là hạnh phúc lớn nhất mà cô bé đã và đang chờ đợi.
Nhưng khi ba trở về, mọi chuyện lại không như bé Thu tưởng tượng. Khi nghe tiếng người ba gọi mình với hai cánh tay dang ra đầy đón đợi, Thu chỉ biết “trợn mắt nhìn ngơ ngác, lạ lùng”  ròi bỗng nhiên “mặt nó tái đi rồi vụt chạy” chỉ vì người đàn ông ấy không giống trong bức ảnh mà nó có. Chiến tranh – nó đẫ khiến con người chia biệtc, xa cách và giờ đây nó tước đoạt đi cả niềm vui đoàn tụ.
Trong ba ngày ông Sáu ở nhà, cô bé hoàn toàn lạnh lùng và phớt lờ ông. Ông Sáu càng muốn gần con thì Thu lại càng xa cách với một thái độ ương ngạnh, bướng bỉnh. Nó phớt lờ ngay cả lời nói của mẹ, nói trống không với ba: “Vô ăn cơm”, “Cơm chín rồi!”. Những câu nói chỏn lỏn ấy của con bé như những gáo nước lạnh dội vào trái  tim ấm nóng của người cha, làm vỡ vụn biết bao khát khao cháy bỏng được nghe hai tiếng thiêng liêng “Ba ơi!”. Nồi cơm sôi, nó lúng túng không biết làm thế nào, nhưng cô bé vẫn nói với ông Sáu trống không: “Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái!”. Những câu nói vô lễ ấy xuất phát từ tính cách ương ngạnh của bé Thu. Và hơn hết từ chính tình cảm, những mong đợi của đứa trẻ không biết mặt ba. Trong hình dung của cô bé, cha không có vết sẹo dài trên mặt. Và khi bị bắt buộc, nó gọi ba là người ta đầy lạnh lẽo. Cho đến lúc bị dồn vào thế bí, nó thà tự giải quyết còn hơn nhận sự giúp đỡ của ông Sáu. Nó khước từ mọi sự quan tâm chăm sóc nhỏ bé nhất của ông Sáu, được gắp cho một miếng trứng thì nó “bất thần hất cái trứng ra, cơm văng tung tóe” và sau đó giận ba, bỏ sang nhà bà vì ba đã đánh nó. Người đọc không giận bé Thu mà chỉ thấy cảm thương và xót xa. Tất cả cũng chỉ vì vết thẹo – một dấu vết của chiến tranh để lại đã là bức tường ngăn không cho đứa con nhận cha và để lại nỗi đau tê tái trong lòng một người cha. Thái độ cương quyết của cô bé thực chất là kết quả của một cá tính mạnh mẽ, là biểu hiện của tình yêu sâu thẳm trái tim, một sự ngưỡng mộ với người cha đích thực của mình.
Sau đêm bé Thu bỏ sang nhà bà, nó đã được bà giải thích về vết sẹo trên mặt ba và Thu đã hiểu rằng người mà nó khước từ bấy lâu nay chính là ba nó. Cô bé quay trở về nhận ba. Giây phút thu nhận ba cũng là giây phút cuối cùng ba con gặp nhau, sẽ chẳng có cuộc gặp gỡ nào  nữa. Như một sợi dây vô hình của tình phụ tử đang níu giữ, con bé tới buổi tạm biệt ba với một tâm trạng hết sức đặc biệt. Vẻ mặt của nó hơi khác, không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có. Vẻ mặt buồn rầu ủ dột ấy là do ân hận, day vò hay một mối linh cảm chẳng lành sắp có thể xảy đễn. Người đọc còn bị ám ảnh bởi ánh nhìn của bé Thu. Cái nhìn ấy không ngơ ngác lạ lùng mà thực chất chứa những suy nghĩ sâu xa. Nhưng xúc động nhất là khi Nguyễn Quang Sáng miêu tả ánh mắt của bé Thu bắt gặp “đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu” của ba nó, đôi mắt mênh mông của cô bé bỗng xôn xao. Đó là biết bao xúc động, một sự đồng cảm đến kỳ lạ. Chỉ với một cái nhìn mà cô bé như đọc thấu cả những tình cảm yêu thương, những nuối tiếc và đau xót trong lòng ba nó. Chỉ có thể là tình phụ tử thiêng liêng mới làm được điều này.
Và hơn thế nữa, niềm khát khao mà tám năm nay Thu kìm nén đã bật lên từ sâu thẳm con tim. Con bé đã thét lên một tiếng gọi với một chuỗi âm thanh vừa đứt đoạn vừa nức nở: “ba….a…a…a”. Tiếng thét ấy như tiếng xé, tiếng xe đi sự tĩnh lặng và xé cả ruột gan con người. Nghe thật xót xa! Tiếng gọi ấy đã đánh thức một tình cảm thiêng liêng mà chỉ trong xa cách con người ta mới có thể hiểu hết và chỉ vào giây phút này, tất cả như vỡ òa.
Ngay sau tiếng gọi ba, con bé “nhanh như một con sóc, chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba”, “nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó”. Đó như là cách để cô bé bù đặp những nỗi đau, những tổn thương đã gây ra cho ba. Và khi cuộc chia tay sắp kết thúc “nó dang cả hau chân câu chặt lấy ba nó”. Qua hành động cuống quýt ấy ta như cảm nhận được thấy bao nhiêu níu kéo, phấp phỏng, sợ rằng ba sẽ lại đi, sẽ đi không được gặp ba nữa.
Đặc biệt, tình yêu thương cha vô bờ của bé Thu còn được thể hiện trong ước mơ mà con bé gửi cho ba “ba mua cho con một cây lược nghe ba”. Đây là một chi tiết đầy xúc động. Bởi với một người con gái, người ba không chỉ là chỗ dựa bình yên mà còn là người có thể giúp con biến mơ ước thành hiện thực. Từ mơ ước giản dị  ấy của bé Thu, người đọc thấy được bao tình cảm sâu kín nơi em. Bất chấp sự khốc liệt của chiến tranh, theo thời g ian, bé Thu đang dần trưởng thành, nét nữ tính của một người con gái vẫn lặng lẽ lớn dần lên. Và chỉ khi đang được sống trọn vẹn  trong tình phụ tử, cô bé mới sẻ chia cùng ba những điều tuyệt vời nhất của một người con gái. Có lẽ vì thấu hiểu điều ấy mà nơi chiến trường ông chưa bao giờ quên ước mơ của con gái, chăm chút cho chiếc lược ngà, mong mỏi đến ngày mơ ước của con thành hiện thực.
Bằng một ngòi bút sắc sảo và tràn đầy tình thương, Nguyễn Quang sáng đã khắc họa từng cung bậc tình cảm, từng trạng thái tinh vi nhất trong tâm hồn bé Thu. Từ ương ngạnh, khước từ mọi sự quan tâm tới khi vỡ lẽ, hối hận, xúc động. Diễn biến tâm trạng ấy cho ta hiểu được rõ nét tính cách bé Thu – một cô bé cá tính, giàu yêu thương. Chiến tranh khốc liệt không chỉ tàn phá bao nhiêu làng mạc, cây cối, đường phá mà nó còn để lại những vết sẹo không thể xóa đi trên gương mặt, trên hình hài mỗi người lính, để rồi trở thành bức tường vô hình ngăn cản tình cảm thiêng liêng của con người. Nhưng trên tất cả, tình phụ tử vẫn vượt lên và chiến thắng tất cả. Có hạnh phúc nào không đi liền với những vất vả, hi sinh, có niềm vui nào không phải trải qua thời gian cảm nhận và thấu hiểu. Tình cha con sâu nặng không chỉ nối kết trái tim mỗi người mà còn có sức động viên lớn lao, nâng đỡ con người trên hành trình cuộc đời. Dẫu phải chia xa nhưng tình cảm của đứa con sẽ theo người cha trên bước đường hành quân, là động lực để người lính chiến đấu. Còn với người con, tình cảm với người cha là ánh đèn soi rọi để mai này từ một cô bé ương ngạnh trở thành một cô giao liên dũng cảm. Tất cả những tình cảm ấy được khắc ghi trong kỉ vật thiêng liêng – chiếc lược ngà. Đó cũng chính là nhan đề của tác phẩm, là biểu tượng thiêng liêng của tình phụ tử, là một nốt trầm xao xuyến mà Nguyễn Quang Sáng đã để lại trong lòng mỗi trái tim người đọc.
Chiếc lược ngà không phải là tác phẩm dành cho những người đọc vội vàng. Từng dòng chữ không phải để đọc một lần rồi lướt qua mà nó có sức ngân vang sâu xa, đánh thức từng miền sâu thẳm trong trái tim con người. Ta sẽ nhớ mãi từng cung bậc tâm trạng cảm xúc của bé Thu, sẽ nhớ mãi một tình cảm giản dụ mà thiêng liêng – tình phụ tử.

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Bức tranh ngôn ngữ về thế giới của người Việt thông qua từ ghép chính phụ chỉ các loại Cơm



Với người Việt Nam từ ngàn đời nay việc ăn không đơn thuần chỉ là “ăn để mà sống” mà đó còn là văn hóa, là cuộc sống. Trần Ngọc Thêm đã nhận xét việc ăn uống “quan trọng tới mức toàn năng như ông Trời không dám và không được quyền xâm phạm “Trời đánh tránh miếng ăn”. Có lẽ chính vì thế mà trường từ vựng về thức ăn trong tiếng Việt vô cùng phong phú đặc biệt khi nói về “cơm”. Joe Ruelle, một người Canada đang sống và làm việc tại Việt Nam cũng đã nhận xét rằng khó có ngôn ngữ nào có thể có vốn từ ngữ về những từ ngữ chỉ thức ăn phong phú lại nhiều ý nghĩa sâu sắc như tiếng Việt. Khi nghiên cứu các từ ghép chính phụ “cơm” chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu Cơm với tư cách một món ăn. Song cũng có điều đặc biệt trong tiếng Việt, khi cơm từ xưa tới nay không được dùng để chỉ một món ăn “gạo nấu chín, ráo nước, dùng để làm món chính trong bữa ăn hàng ngày” mà mang một ý nghĩa khái quát hơn chỉ chung về thức ăn, bữa ăn. Người Việt nói “mâm cơm”, “bữa cơm” là để chỉ chung về bữa ăn hay “cơm gà, cơm cá, cơm thịt”… có nghĩa là bữa ăn có hai món ăn chính là “cơm” và “gà/cá/thịt…”. Chúng tôi tìm hiểu phương thức định danh bằng phương thức ghép “Cơm + X”  trên cả hai nét nghĩa, nét nghĩa cụ thể và nét nghĩa khái quát đó.
Quá trình định danh theo từ ghép chính phụ xảy ra theo hai bước: đầu tiên quy loại sự vật, hiện tượng mới, sau đó tìm đặc điểm, tính chất của sự vật hiện tượng mới có chức năng khu biệt với các sự vật hiện tượng khác cùng  loại. Tìm hiểu các từ ghép chính phụ về các loại cơm có thể thấy rõ nét hai bước này. Tất cả các đặc điểm từ hình dáng, tính chất, trạng thái, cách thức chế biến tới xuất xứ, đối tượng… đã được người Việt sử dụng để làm đặc trưng phân loại. Cụ thể như sau:

1.     Đặc trưng hình dáng, hình dạng
Thông thường để phân loại, bao giờ chúng ta cũng dựa vào tiêu chí hình thức bên ngoài. Theo đó, người Việt phân biệt các loại: Cơm nắm, cơm vắt, cơm hạt, cơm kẹp.
-         Cơm nắm hay cơm vắt chỉ cơm đã được nắm lại thành từng nắm nhỏ, để tiện để mang đi ăn đường, thường được chuẩn bị trước khi đi xa. Cách gọi tên này ta cũng thấy có xuất hiện trong nhiều ngôn ngữ khác như trong tiếng Nhật cũng có “cơm nắm” (“onigiri” có nghĩa là “nắm”).
-         Cơm kẹp là loại cơm mà hình dáng của nó giống như hình một chiếc bánh humburger nhưng phần bánh thay bằng phần cơm, bên trong là thịt và rau. Loại cơm này mới được xuất hiện, người Việt sử dụng cách định danh đơn giản dựa vào hình thức của cơm để gọi tên.
Với các từ ngữ định danh theo hình dáng, hình dạng của cơm, chúng ta thấy rằng mô hình từ ghép chính phụ của các trường hợp loại này là: “Cơm + Danh từ chỉ hình dáng”.  
2.     Tính chất
Theo tính chất người Việt phân loại cơm khác nhau.:
-         Cơm rời, cơm cục: Cơm rời chỉ cơm khi nấu lên các hạt gạo nở ra, rời nhau chứ không bị vón lại. Còn cơm cục chỉ loại cơm mà các hạt cơm bị dính lại với nhau thành từng cục. Thường hiện tượng này xuất hiện khi cơm đã nguội, để lâu không được đánh tơi ra.
-         Cơm nóng, cơm nguội: đây là hai trạng thái tương phản với nhau. Cơm nóng là cơm khi mới thổi  lên còn nóng hổi và ngược lại cơm nguội là cơm đã để lâu.
-         Cơm chín tới, cơm khô, cơm ráo, cơm ướt, cơm nhão, cơm khê,cơm khét, cơm cháy: chỉ các  trạng thái khác nhau của cơm. Cơm ngon là cơm “cơm chín tới”, “cơm ráo” như dân gian vẫn thường có câu:
Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà gại ổ.
Cơm ráo cháo dừ (cháo nhừ)
Còn Cơm khô, cơm ướt, cơm nhão, cơm vữa, cơm khê, cơm khét là các loại cơm không ngon. Có lẽ chỉ trong tiếng Việt, mới có cách đặt tên chi tiết, phong phú như thế này. Hiện thực khách quan đã được chia cắt thành từng “mẩu” nhỏ trong ngôn ngữ, người Việt tìm từng những nét riêng biệt để đặt tên cho từng loại cơm. Cơm khô là loại cơm do khi thổi cho ít nước, các hạt cơm khô và săn lại. Cơm nhão, cơm ướt là loại cơm do khi thổi cho quá nhiều nước, các hạt cơm dính lại với nhau, khó ăn. Cơm vữa là loại cơm do để trong nước quá lâu khiến hạt cơm nở to ra như nấu cháo. Còn cơm khê, cơm khét là loại cơm do thổi để lửa quá tay, phần cơm ở dưới bị cháy, có mùi khét, khó ăn. Có thể nói nồi cơm ngon là thể hiện sự khéo léo của bàn tay người nấu đặc biệt là người phụ nữ. Chính vì vậy dân gian thường hay mượn những hình ảnh này để ngụ ý đánh giá, khen chê:
Cơm nhão là cơm hà tiện
Cơm trên sống dưới khê, bốn bề nhão nhoét
Đàn bà chẳng phải đàn bà
Thổi cơm cơm khét, muối cà cà chua
-         Cơm hẩm, cơm thiu, cơm hôi: cơm thiu là loại cơm do khi nấu lên để lâu, có mùi thiu, không ăn được nữa. Còn cơm hẩm, cơm hôi là loại cơm do hạt gạo để lâu ngày bị mục, mất chất, ăn không còn ngon nữa, thậm chí có thể có mùi hôi.
Nhưng cơm hẩm, cơm thiu không chỉ dừng lại ý nghĩa chỉ một loại cơm mà nó còn thường được dùng để ẩn dụ cho hoàn cảnh nghèo khó, chỉ những thân phận nghèo khổ trong xã hội ngay cả miếng cơm cũng không được ăn ngon.
Được mùa thì chê cơm hẩm mất mùa thì lẩm cơm thiu
●No chê cơm tẻ đói nhá cơm thiu
●Anh nghiêng tai dưới gió, để em kể công khó cho anh nghe
Từ thuở anh đau ban cua, lưỡi đắng, miệng trắng cơm hôi
Các loại cơm phân theo tính chất có mô hình ghép đơn giản, đó là Cơm + tính từ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã vượt ra ngoài phạm vi là một từ ghép chính phụ chỉ một loại cơm đơn thuần mà mang một ý nghĩa ẩn dụ sâu xa khái quát về cuộc sống con người. Cơm với người Việt, không chỉ đơn thuần dừng lại ý nghĩa chỉ một món ăn mà đó còn là biểu tượng về cuộc sống, là thân phận con người. Bởi cuộc sống của những người dân thuần nông còn gì đáng quý hơn là những bát cơm “Ai ơi, bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
3.     Cách thức chế biến
Để gọi tên các món ăn, người Việt thường sử dụng cách thức đặt tên bằng cách thức chế biến. Như khi đặt tên bánh, chúng ta có: bánh tráng, bánh rán, bánh nước, bánh hấp… hay tôm luộc, tôm hấp, tôm rán, tôm chiên… Với cơm cũng vậy, chúng ta có rất nhiều món cơm: Cơm rang, cơm chiên, cơm trộn, cơm gói lá sen, cơm cuộn, cơm nướng, cơm độn, cơm lam. Công thức chung của cách đặt tên này là Cơm + động từ chỉ cách thức chế biến. Cách định danh này mang tính khái quát, ta có thể thấy xuất hiện ở nhiều ngôn ngữ  khác. Như bibimbap, kimbap của Hàn Quốc đều xuất phát từ ý nghĩa của từ “trộn” – cách thức để làm các món ăn này. Hay người Nhật có 2 món cơm khá nổi tiếng là cơm cuộn (sushi) và cơm nướng (hotto) trong tiếng Nhật những từ này đều được đặt theo cách thức chế biến là cuốn và nướng.
Do dấu ấn lịch sử nên Việt Nam có loại cơm khá đặc biệt Cơm độn – cơm trộn thêm một số loại lương thực khác như ngô, khoai, sắn để nấu. Đây là loại cơm xuất hiện vào thời kì đất nước chiến tranh – một giai đoạn khó khăn, thiếu thốn nên cơm phải độn thêm các thức khác. Cách đặt tên cơm cũng rất giản dị dựa vào đặc điểm cách chế biến là “cơm độn”.
-         Cơm lam: là một loại cơm đặc sản của người dân tộc vùng Tây Bắc, cơm cho vào ống nứa, ống tre sau đó nướng lên (trong tiếng dân tộc lam có nghĩa là  nướng).
4.     Món ăn chính đi kèm
Cách đặt tên cơm dựa vào món ăn chính đi kèm là một cách định danh phổ biến. Chúng ta có thể bắt gặp hàng loạt các từ như: Cơm thập cẩm, cơm sườn, cơm bò, cơm trứng, cơm cá, cơm cà, cơm thịt, cơm rau, cơm ghẹ, cơm hải sản, cơm hến, cơm mắm, cơm ruốc, cơm muối vừng. Cách định danh này chúng ta cũng có thể bắt gặp trong tiếng Nhật: Hokkadon – cơm ăn với cá hồi, Gyudon – cơm thịt bò, Tendon – cơm với tôm, Unadon – cơm ăn với lươn, Tamagodon – cơm ăn với nước sốt, Oyakodon – cơm gà… Công thức chung của cách định danh này là: Cơm + Danh từ chỉ món ăn chính.
Ở Việt Nam có một số loại cơm khá đặc biệt. Đó là Cơm muối của Huế đơn giản là loại cơm ăn với muối. Hay Cơm nhút của người xứ Nghệ (nhút là tên gọi của món mít đã được muối chua). Sự xuất hiện của các loại cơm này do hoàn cảnh sống của người dân miền Trung còn nhiều khó khăn, họ phải nghĩ ra cách chế biến các món ăn từ những thức đơn giản nhất, phổ biến nhất.
5.     Loại gạo
-         Người Việt khi đặt tên các loại cơm chú ý tới nguồn gốc loại gạo. Theo đó, chúng ta có các loại cơm phổ biến như: Cơm tẻ, cơm nếp, cơm tám, cơm tấm. Cơm tẻ là cơm nấu từ gạo tẻ - loại gạo hạt nhỏ, dài, ít nhựa, dùng nấu cơm ăn hàng ngày, còn cơm nếp là cơm nấu từ gạo nếp – loại gạo hạt to, rất dẻo và thơm. Cơm tám là một loại cơm tẻ đặc biệt nấu từ thứ gạo hạt nhỏ, thon dài, có mùi thơm đặc biệt. Khi xát gạo, có những hạt gạo bị vỡ, nát, rất nhỏ được gọi là gạo tấm, khi nấu lên sẽ cho chúng ta món cơm tấm.
Người Việt chúng ta còn phân biệt loại gạo theo mùa vụ. Vì thế mà chúng ta có các tên gọi: Cơm mùa là cơm nấu từ gạo mùa, cơm chiêm là cơm nấu từ gạo chiêm. Người dân ta còn có cách gọi khác: cơm hom (cơm chiêm Ăn cơm hom ngủ giường hòm), cơm ré (cơm nấu từ gạo mùa Thịt thăn cơm), cơm mới (cơm nấu từ gạo vụ vừa sản xuất), cơm cũ (cơm nấu từ gạo vụ trước sản xuất). Ngày nay,  những cách gọi cơm hom, cơm ré hầu  như không còn được dùng nữa.
Cách đặt tên các loại cơm theo tên các loại gạo của người Việt có mô hình chung: Cơm + loại gạo. Tùy theo từng loại gạo mà chúng ta sẽ có các cách gọi cơm khác nhau, do đó cách định danh này giúp hình thành nên một số lượng từ ngữ phong phú mà đơn giản, dễ hiểu lại mang nét đặc trưng liên quan tới nền sản xuất nông nghiệp lúa nước của người Việt.
6.     Xuất xứ
Cách định danh theo xuất xứ là một cách định danh quen thuộc, bắt nguồn từ việc mỗi nơi đều có những nét đặc trưng riêng. Các loại cơm như: Cơm Hà Nội, cơm Huế, cơm Hội An, cơm Sài Gòn, cơm Việt Nam, cơm Singaprore, cơm Mailayxia, cơm Thái, cơm Nhật, cơm Tàu… cho chúng ta biết ngay được xuất xứ của các loại cơm và nhìn ngay vào tên gọi chúng ta có thể hiểu được đặc trưng riêng của từng vùng miền, từng đất nước. Cách gọi tên này xuất hiện vào thời kì sau, khi mà giữa các vùng miền có sự giao lưu, các sản vật không chỉ phục vụ cho chính nơi đó mà đã được thương mại hóa trở thành một món hàng, một cách thức quan trọng để quảng cáo, giới thiệu.  Công thức chung của các gọi tên này cũng rất đơn giản: Cơm + Xuất xứ, nó cho phép người sử dụng linh hoạt trong cách gọi tên, khi chỉ cần ghép nơi xuất xứ với từ cơm là sẽ có  một từ ghép chính phụ mới.
7.     Nơi ăn
Sự khác nhau về nơi ăn cũng tạo ra những nét đặc trưng riêng cho các loại cơm. Từ đó, trong ngôn ngữ xuất hiện các từ ghép chính phụ: Cơm nhà, cơm đường, cơm chợ, cơm hàng, cơm quán, cơm tù. Cách định danh các loại cơm này cũng rất đơn giản: Cơm + Danh từ chỉ nơi chốn. Tuy nhiên, trong tâm thức người Việt, các từ ngữ ấy không chỉ đơn thuần chỉ là một cách phân loại mà còn thể hiện quan niệm, văn hóa ăn rất đặc trưng. Trong nếp cảm, nếp nghĩ của người Việt, Cơm nhà luôn được đặt đầu tiên, với vị trí trang trọng nhất: Cơm nhà quà vợ. Với người Việt, “không gì bằng cơm nhà”, lối ăn uống tập trung gia đình là hình thức phổ biến nhất hơn hẳn các nước khác trên thế giới. Còn cơm hàng, cơm quán, cơm chợ là loại cơm chỉ mang tính chất “tạm bợ” : “Cơm hàng cháo chợ”. Cơm không chỉ còn mang ý  nghĩa là một món ăn mà nó là cuộc sống, là thân phận con người.
8.     Màu sắc
Người Việt, còn phân loại cơm theo màu sắc: Cơm trắng, cơm đen. Cơm trắng là chỉ loại cơm được nấu từ thứ gạo trắng, ngon còn cơm đen là loại cơm được nấu từ loại gạo xấu, hạt đen, không ngon. Từ đó, hai loại cơm này được dùng để ẩn dụ cho cuộc sống của con người: Cơm đen vận túng, Cơm trắng cá tươi. Trải qua thời gian, khi cuộc sống nhân dân ta có nhiều sự thay đổi, hai cách gọi này còn được hiểu theo những cách khác, không còn ý nghĩa ban đầu là xuất phát từ màu sắc của cơm nữa (chúng tôi sẽ phân tích ở các trường hợp đặc biệt).
9.     Vị
Người Việt còn gọi cơm theo vị giác. Đây là điều khác đặc biệt, ở Huế có một loại cơm mang tên: Cơm đắng. Loại cơm này mang theo nét đặc trưng của xứ Huế. Với người Huế, cơm chính là cuộc đời, phải có chua, cay, mặn, ngọt và phải có cả đắng. Và để phân biệt với các loại cơm khác, họ lấy chính vị đắng đặc biệt đặt tên cho món cơm lạ này.
10.             Thời gian ăn
Một cách đặt tên cho các loại cơm của người Việt đó là theo thời gian: Cơm sáng, cơm sớm, cơm trưa, cơm chiều, cơm tối. Chỉ cần ghép: Cơm + Danh từ chỉ thời gian là chúng ta có một từ ghép chính phụ chỉ loại cơm. Điều này xuất phát từ sự khác nhau giữa các bữa cơm ăn trong ngày, thường ở đâu chúng ta cũng có ba bữa ăn chính: sáng, trưa và tối. Giữa ba bữa này có sự khác biệt về số và chất lượng thức ăn, chỉ cần qua tên gọi người  nghe cũng hình dung được đặc trưng riêng trong từng bữa ăn. Ở các nước khác, cũng có ba bữa chính nhưng thường xuất hiện cách gọi “bữa sáng”, “bữa trưa”, “bữa tối” chứ không phổ biến cách gọi cơm sáng, cơm trưa, cơm tối như ở Việt Nam. Bởi với một nước nông nghiệp lúa nước như chúng ta, cơm là món ăn chính không thể thiếu, cho dù vào thời điểm nào trong ngày người Việt vẫn ăn cơm: Cơm tẻ là mẹ ruột, Cơm tẻ no xôi vò chẳng thiết. Nếp sinh hoạt này cho đến bây  giờ vẫn được duy trì ở rất nhiều gia đình. Tuy nhiên do cuộc sống có nhiều thay đổi, quá trình công nghiệp hóa ngày càng hiện đại, thời  gian bận bịu nhiều hơn, người Việt không chỉ làm thuần nông nên nếp sinh hoạt này đã có ít nhiều sự khác biệt nhất là trong bữa sáng. Nhưng cách gọi này vẫn khá phổ biến ở tất cả mọi vùng miền.
Với người Việt, cơm không chỉ là một món ăn mà đó còn là cách gọi chung cho cả bữa ăn nên chúng ta vẫn thường gọi: Cơm rằm, cơm giỗ, cơm Tất niên, cơm đầu năm, cơm Tết, cơm cuối năm. Đây là những bữa cơm trong những khoảng thời gian đặc biệt trong năm. Nó xuất phát từ phong tục, tập quán riêng của đất nước ta đó chính là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Điều này rất khác biệt với các nước trên thế giới, nhất là các nước ở Châu Âu. Với người Việt, những bữa cơm này hết sức quan trọng, nó khác với ngày thường, chúng ta sẽ có nhiều món ăn hơn, chất lượng món ăn cũng khác nhưng cho dù thế nào cũng không thể thiếu cơm. Và trong những dịp đặc biệt như thế này, gia đình thường được tập trung đông đủ, nhiều thế hệ mang nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
11.             Đối tượng thưởng thức
Một đặc trưng để gọi tên các loại cơm là dựa vào đối tượng thưởng thức: Cơm vua, cơm chúa. Cách gọi này có lẽ xuất hiện từ thời xã hội phong kiến chỉ loại thức ăn đặc biệt dành cho vua, chúa. Cách gọi này theo đó được dùng để chỉ cuộc sống giàu sang, phú quý. Sau này, khi xã hội phát triển hơn, xuất hiện những loại cơm mang tính đặc trưng gắn liền với từng đối tượng mà chúng ta có các tên gọi như: Cơm lính, cơm sinh viên, cơm văn phòng, cơm bình dân, cơm công nhân. Trong dân gian, còn có tên gọi Cơm khách chỉ cơm dùng để mời khách. Có lẽ, xuất phát từ tính hiếu khách, khi có khách đến nhà người Việt bao giờ cũng sẽ chuẩn bị một bữa cơm ngon hơn, công phu hơn so với ngày thường nên cơm được dùng được mời  khách cũng phải có một tên gọi riêng. Cách đặt tên các loại cơm theo đối tượng thưởng thức theo một công thức chung đó là: Cơm + Danh từ chỉ đối tượng.
12.            Vật chứa đựng
Người Việt cũng đặt tên cơm theo vật chứa đựng: Cơm niêu, cơm tay cầm, cơm hộp, cơm đĩa. Cách đặt tên này chúng ta cũng bắt  gặp trong tiếng Nhật với món “cơm thố” (thố là chiếc bát lớn). Tuy nhiên cách đặt tên Cơm + Vật chứa đựng này không cho ta thấy được bản chất, đặc trưng của các loại cơm. Cách đặt tên này xuất hiện sau này, khi xã hội phát triển, con người không chỉ dùng cơm trong bát trên các bàn ăn như bình thường mà để tiện lợi cho quá trình vận chuyển, chúng ta phải có hộp đựng cơm, hay để chia phần theo từng xuất ăn chúng ta có các đĩa. Cơm niêu là chỉ một loại cơm nấu trong niêu phân biệt với các nấu trong nồi cơm điện như hiện nay, và một món ăn dân dã từ ngàn đời trước ngày nay trở thành một món ăn đặc sản, được ưa chuộng.
13.             Cách thức ăn
Cơm mớm là loại cơm đặc biệt mà chắc chỉ có người Việt mới có cách gọi này. Cơm được gọi theo cách thức ăn. Đây là loại cơm của trẻ con, các bà mẹ thường nhai trong miệng trước rồi sau đó mớm cho con ăn.
14.             Giá cả
Người Việt còn đặt tên cơm theo giá cả: Cơm bèo. Đây là một loại cơm mới xuất hiện tronng thời gian gần đây. Đó là cơm giá rẻ phục vụ cho các thí sinh vào mùa thi Đại học. Từ “bèo” trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa chuyển, từ tên gọi một loại thực vật lá nhỏ, mọc trên nước, thường được dùng để làm thức ăn cho các loại gia súc chuyển nghĩa sang chỉ giá cả “rẻ  như bèo”.  
15.             Một số trường hợp khác
-         Cơm chim: cơm rất ít ỏi tựa như cho chim ăn, thường dùng để ví cái rất ít ỏi, chẳng đáng là bao nhưng lại rất cần thiết để nuôi sống con người “Ăn cướp cơm chim”.
-         Cơm Phật, cơm chùa: cách gọi tên này dẫn tới nhiều cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất, từ cơm được ghép với từ chỉ nơi chốn: cơm ăn ở chùa. Nhưng cơm Phật, cơm chùa còn được hiểu là loại cơm được chùa phân phát cho những chúng sinh mang ý nghĩa làm phúc, giúp đỡ. Từ cách hiểu này, dẫn tới một cách hiểu khác song lại mang ý tiêu cực khi hiểu: cơm chùa là cơm được ăn không, được hưởng lợi mà không phải mất tiền hay vật trao đổi. Nó nằm trong hệ thống các từ như: tiền chùa, của chùa, lộc chùa… Từ “chùa”, “Phật” đã được chuyển nghĩa ngoài ý nghĩa chỉ nơi chốn theo cả hướng tích cực và tiêu cực. 
-         Trong dân gian, còn xuất hiện cách gọi: Cơm trời (Cơm trời nước giếng).  Từ trời ở đây được dùng theo nghĩa chuyển, ý chỉ cơm được ban tặng, được cho không.
-         Cơm thiên hạ: là một tên gọi loại cơm đặc biệt của người Việt. Nhưng nó không chỉ được hiểu theo nghĩa thực mà được dùng và hiểu theo nghĩa chuyển. Cơm không còn ý nghĩa chỉ một món ăn mà là khoản được hưởng gần bằng nghĩa với “tiền”, người Việt vẫn có cách nói như “Kiếm cơm thiên hạ”, “Ăn cơm thiên hạ”.  Với người Việt, do điều kiện sống có nhiều khó khăn nên “miếng cơm manh áo”, nỗi lo “cơm áo” luôn là trước nhất, giàu – nghèo, sang – hèn trước hết thể hiện trong miếng ăn, làm cũng để phục vụ cho cuộc sống con người.
-         Cơm vàng, cơm bạc, cơm trắng, cơm đen: những từ “vàng”, “bạc”, “trắng” , “đen” đã bị chuyển nghĩa. Xuất phát từ màu sắc mà người ta phân biệt cơm trắng – cơm đen nhưng giờ đây nó không còn được hiểu theo ý nghĩa như thế nữa mà hiểu theo ý nghĩa khái quát. Theo đó những từ này không cón chỉ màu sắc mà chỉ tính chất sang – hèn, giàu – nghèo. “Cơm vàng”, “cơm bạc” chỉ bữa ăn ngon, xa xỉ của những người giàu có còn “cơm trắng”, “cơm đen” là chỉ những bữa cơm đạm bạc, chỉ có cơm chứ không có thức ăn đi kèm của tầng lớp dân nghèo.
-         Trong thời kì xã hội phong kiến, chúng ta còn có tên gọi: cơm cha, cơm mẹ trong sự đối lập với cơm người / cơm thầy cơm cô:
Cơm cha cơm mẹ đã từng
Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người
Cơm người khổ lắm, mẹ ơi !
Chả như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn
Cách gọi tên này mang đậm nét dấu ấn lịch sử: cơm cha, cơm mẹ là chỉ cơm được ăn ở nhà còn cơm người, cơm thầy cơm cô là cơm của đứa ở. Cơm với người Việt còn là thân phận con người.
-         Cơm nằm, cơm đứng: đây là một trường hợp ghép đặc biệt. Cơm nằm, cơm đứng ở đây không còn mang sắc thái ý nghĩa chỉ một loại cơm nữa mà chuyển sang mang nghĩa ẩn dụ cho cuộc sống con người. “Nuôi lợn ăn cơm nằm/Nuôi tằm ăn cơm đứng”, cơm nằm có nghĩa là được thanh nhàn, thảnh thơi còn cơm đứng là chỉ sự vất vả, lo toan.
Có thể tổng kết lại các đặc trưng được dùng làm cơ sở định danh “cơm” trong tiếng Việt bằng bảng sau:

CÁC ĐẶC TRƯNG ĐƯỢC DÙNG LÀM CƠ SỞ ĐỊNH DANH “CƠM” TRONG TIẾNG VIỆT
STT
Các đặc trưng định danh
Tần số
(112)
Ví dụ
1
Hình thức, hình dạng
4
Cơm nắm, cơm rời, cơm hạt …
2
Tính chất
15
Cơm khô, cơm nhão, cơm sống…
3
Cách thức chế biến
8
Cơm rang, cơm trộn, cơm nướng…
4
Món ăn chính đi kèm
16
Cơm cá, cơm thịt, cơm trứng,…
5
Loại gạo
10
Cơm tẻ, cơm nếp, cơm chiêm, …
6
Xuất xứ
10
Cơm Huế, cơm Hội An, cơm Thái…
7
Nơi ăn
6
Cơm đường, cơm hàng, cơm chợ…
8
Màu sắc
2
Cơm trắng, cơm đen
9
Vị
1
Cơm đắng
10
Thời gian ăn
11
Cơm sáng, cơm trưa, cơm tất niên…
11
Đối tượng thưởng  thức chính
7
Cơm văn phòng, cơm sinh viên, …
12
Vật chứa đựng
4
Cơm hộp, cơm đĩa, cơm niêu
13
Cách thức ăn
1
Cơm mớm
14
Giá cả
1
Cơm bèo
15
Một số trường hợp khác
16
-Cơm chim
-Cơm Phật, cơm chùa
-Cơm trời
-Cơm vàng, cơm bạc, cơm trắng, cơm đen
-Cơm cha, cơm mẹ, cơm thầy, cơm cô, cơm người
-Cơm thiên hạ
-Cơm nằm, cơm đứng

Qua việc nghiên cứu hệ thống các từ ghép chính phụ về các loại cơm, chúng tôi rút ra các kết luận sau:
-         Trong cách định danh các loại cơm, người Việt sử dụng những cách thức đơn giản, khi sử dụng những đặc trưng dễ nhận biết như hình tính chất, cách thức chế biến, xuất xứ, thời gian, nơi ăn… . Theo đó, cứ một loại cơm mới sẽ được dựa vào các phương thức ghép sẵn có để gọi tên.  
-         Cách định danh các loại cơm thể hiện rất rõ những đặc trưng của từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Ví dụ: cơm độn là loại cơm chỉ xuất hiện trong thời kì đất nước chiến tranh. Các từ như: cơm văn phòng, cơm sinh viên, cơm hộp, cơm đĩa… được xuất hiện sau này gắn với xã hội phát triển, khi ăn cơm không chỉ còn bó gọn trong phạm vi gia đình.
-         Trong cách định danh các loại cơm, có hiện tượng ẩn dụ hóa các hình vị phụ như trong từ: “cơm chùa”, “cơm Phật”, “cơm bèo”…các từ chùa/Phật/bèo đã được chuyển nghĩa để gọi tên.
-         Trong cách định danh về các loại cơm, có nhiều cách gọi tên của người Việt giống với nhiều nước (Nhật Bản, Hàn Quốc) như dựa vào cách thứuc chế biến, món ăn chính đi kèm, hình dáng…nhưng cũng có nhiều nét khác biệt thể hiện rõ văn hóa truyền thống của từng nước.
-          Cơm là thân phận, là cuộc sống của con người. Trong tâm thức người Việt, cơm không chỉ đơn thuần là một món ăn mà đó còn thể hiện cuộc sống con người sang – hèn, giàu – nghèo. Người Việt dùng cơm để nói về cuộc sống: Cơm đen vận túng, Cơm bạc đũa ngà, Cơm hàng cháo chợ, Kiếm cơm thiên hạ, Cơm cha áo mẹ chữ thầy… Có lẽ điều này, bắt nguồn từ cuộc sống của những cư dân trồng lúa nước vốn khó khăn, vất vả, thiếu thốn, để có được “miếng cơm manh áo” không phải là điều dễ dàng. Nhất là khi xã hội có sự phân hóa giai cấp, sự khác biệt về hoàn cảnh sống được thể hiện rất rõ trong những bữa cơm gia đình.
Tìm hiểu hệ thống từ ghép chính phụ chỉ các loại cơm đã cho chúng ta thấy được cách định danh “cơm” của người Việt với những nét chung và riêng khác biệt so với những nước khác cùng khu vực. Đó chính là cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, là lối sống, tập quán, phong tục của người Việt từ bao đời nay, là bức tranh ngôn ngữ về thế giới của người Việt.



TƯ LIỆU THAM KHẢO
1.     Nguyễn Lực, Lương Văn Đang (1993), Từ điển thành ngữ Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
2.     Đỗ Việt Hùng (2013), Ngữ nghĩa học từ bình diện hệ thống đến hoạt động, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
3.     Hoàng Phê (chủ biên) (2009), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
4.     Đinh Phương Thảo (2010), Đặc điểm tri nhận của người Việt qua trường từ vựng thức ăn, Luận án thạc sĩ khoa học Ngữ văn, ĐH sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
5.     Lý Toàn Thắng (2009), Ngôn ngữ học tri nhận từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, NXB khoa học xã hội, Hà Nội.
6.     Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
7.     www.amthuc365.vn
8.     Amthuc.net
9.     E-cadao.com
10.             Quehuongonline.vn
11.             Sushibarhanoi.com


      (Bài tập điều kiện đầu tiên của 1 học viên cao học chuyên ngành Ngôn ngữ học ^^)