Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

"Bài ca ngất ngưởng" - Nguyễn Công Trứ

a.     Ngất ngưởng tại triều (6 câu thơ đầu)
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
(Trong vòng trời đất không có việc gì không phải là việc của mình
Ta Hi Văn chấp nhận ghánh vác trách nhiệm của kẻ nam nhi)
Hai câu thơ như một tuyên ngôn về chí làm trai đầy kiêu hãnh, giống như trước đó Nguyễn Công Trứ  đã từng viết:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai nam bắc tây đông
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Hay
Đã làm trai ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
-         Tiếp nối truyền thống Nho gia
-         Có những điểm khác biệt: tư thế ngạo nghễ,ngang tàng của ông. Không những không phải chỉ là xây dựng sự nghiệp mà sự nghiệp ấy còn phải lẫy lừng, chỉ tang bồng phải rộng khắp bốn phương.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc Bình Tây cờ đại tướng
Có khi về Phủ Doãn Thừa Thiên
Chí làm trai của Nguyễn Công Trứ đã được minh chứng bằng cuộc đời của ông – cuộc đời của một vị quan lẫy lừng trong triều đình, với nhiều công trạng rạng rỡ mà cũng nhiều lần thăng giám lên xuống. Nhắc lại những chức vụ không phải để ông khoe mẽ mà là để khẳng định cốt cách, lối sống ngất ngưởng của mình. Những câu thơ không dấu nổi niềm tự hào, kiêu hãnh của một nhân cách, một con người phóng khoáng đầy tự tin, đã trở thành một “tay ngất ngưởng” trong triều. Làm quan với ông đâu phải là để có danh có tước, có hậu lộc triều đình ban mà để thỏa chí tang bồng, chí làm trai muốn “phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”, muốn chứng tỏ bản thân mình, muốn sống “ngất ngưởng”, có tài và cần được khẳng định tài năng.
Trời đất cho ta một  cái tài
Giắt lưng dùng để tháng ngày chơi
 Đó chính là điều đáng trọng ở Nguyễn Công Trứ.
b.          Ngất ngưởng khi về ở ẩn
Thỏa chí làm trai ở nơi triều đình, Nguyễn Công Trứ treo ấn từ quan để thỏa chí làm trai vẫy vùng cuộc sống dân gian đầy màu sắc:
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Người đời cưỡi ngựa rời xa chốn quna trường, Nguyễn Công Trứ lại “chơi trội” cưỡi bò đeo nhạc ngựa đầy “ngất ngưởng”. Cá tính ngang tàng, khác người của Nguyễn Công Trứ chính là ở chỗ đó.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Nguyễn Công Trứ cũng như bao nhà nho khác chọn lối sống thanh cao, “gạn đục khơi trong” , ông dựng nhà ở nơi núi non hữu tình, thanh sạch.
Nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn độc đáo hơn người: ở ẩn, từ quan nhưng vẫn mang theo cung kiếm, hình thức bên ngoài vừa có dũng khí của võ tướng vừa có sự ung dung tự tại, từ bi của một nhà sư.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Nhưng như thế chưa đủ, nhà nho ở ẩn phong thái của một nhà tu hành vẫn chưa thể nào thoát tục, đi theo sau vẫn phải có các cô hầu. Nguyễn Công Trứ ngỡ như Bụt cũng không thể nhịn cười trước hành động khác lạ của ông ngất ngưởng. Câu  thơ làm ta nhớ đến giai thoại về Nguyễn Công Trứ, 73 tuổi lấy vợ, trả lời cô dâu khi nàng hỏi tuổi:
Năm mươi năm trước anh hai ba
(Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam)
Ngất ngưởng trong tướng mạo, hình dung trong lối sống phong lưu, đa tình, Nguyễn Công Trứ còn “ngất ngưởng” trong quan niệm về được, mất ở đời
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Ông cũng giống như ông lão trong câu chuyện cổ, trong được có mất, trong mất có được, phúc họa đi liền nhau không tách rời. Khen hay chê, tán dương hay phản đối cũng là chuyện của thiên hạ, ta vẫn giữ cốt cách của ta như ngọn gió xuân phóng túng.
c.            Tuyên ngôn của nhà thơ
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không Tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho trọn đạo sơ chung
Nguyễn Công Trứ tự mình xây dựng nên một lối sống riêng không trộn lẫn với bất kì một ai. Ông không theo Phật, cũng không theo đạo Lão mà theo lí tưởng, quan niệm sống của riêng mình. Vừa phong lưu, đa tình, phóng khoáng vừa tự tin, ngạo nghễ, ngang tàng vừa trong sạch, thanh cao. Ông tự nâng  mình chẳng khác gì danh tướng thời xưa như: Trái Nhạc, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật đã làm trọn đạo nghĩa vua tôi. Về ở ẩn không có nghĩa là không phục vụ đất nước, ông vẫn ra sức góp công cho dân, cho triều đình. Ngất ngưởng không có nghĩa là rời xa cuộc đời, mà đó chỉ là một thái độ sống, một cốt cách, một lối sống muốn nâng mình lên khỏi vòng ô trọc, làm theo cá tính, ý nguyện của riêng mình. Chính vì vậy mà Nguyễn Công Trứ không giống như những nhà nho về ở ẩn là lánh xa bụi trần, chỉ giữ cốt cách thanh sạch của riêng mình.
Trong triều ai ngất ngưởng như ông

Câu thơ là sự ý thức sâu sắc về giá trị cá nhân về sự khẳng định cá tính, nó vang lên đầy kiêu hãnh, tự  tin. Con người sau một hành trình dài, chiêm nghiệm lại cuộc đời mình tự có thể mỉm cười về nhân cách, cuộc đời mình. Lối sống của ông đặt giữa xã hội phong kiến lúc bấy giờ thật đãng trân trọng. Con người ý thức được tài năng của mình, dám thể hiên tài năng ấy, mang theo mình chí tang bồng vượt mọi khuôn khổ, mọi được mất, khen chê ở đời. Con người tự đề ra cho mình nếp sống, lề lối riêng phóng khoáng đa tình mà thanh sạch, cao thượng, luôn gắn bó với cuộc đời. Thái độ sống ấy, cốt cách ấy được thu trọn trong hai tiếng “ngất ngưởng”!

Kể về người thân trong gia đình

Tôi còn nhớ ngày bé, cô giáo hay ra đề tập làm văn: "Hãy viết về một thành viên mà em yêu quý trong gia đình". Tôi, một con bé 10 tuổi, nằm bệt ra bàn, còng lưng, hí hoáy viết. Bao giờ tôi cũng sẽ viết về mẹ (các bài văn mẫu mà tôi đọc đều là về mẹ cả): "Mẹ em da trắng ngần, mắt bồ câu lấp lánh. Tóc mẹ dài, đen nhanh nhánh. Em yêu nhất là đôi bàn tay búp măng của mẹ. Tay mẹ mịn màng hay xoa xoa má em mỗi lúc em ngoan...”.

Tôi nhớ tôi thường được điểm cao ngất ngưởng, những bài văn của tôi cô còn xin giữ lại để làm mẫu cho lớp sau. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về độ "hoàn hảo" của những tác phẩm đầu tay của mình.

Năm nay, tôi 24 tuổi. Thật buồn cười là tự nhiên tôi muốn viết lại cái đề tập làm văn ngày ấy. Xem thời gian có làm cho bài văn "điểm A" của tôi bớt "hoàn hảo" đi nhiều không.

Nhưng tôi sẽ bắt đầu với bố tôi. Vì hồi 10 tuổi, tôi chẳng biết viết gì về bố cả. Chả nhẽ lại khoe: "Mọi người bảo em giống bố, giống từ cái mũi tẹt lét trở đi đến nước da đen sì sì trở lại. Em sợ nhất là mỗi khi bố thơm lên má em, vì râu của bố rất cứng. Em cũng sợ bố vì nhiều điều khác nữa. Bằng chứng là, bình thường trông bố hiền vậy thôi chứ lúc bố cáu, bố hét to lắm làm em giật cả mình"? 

Tôi nhớ, một lần cả lớp phải giới thiệu về nghề nghiệp của bố mẹ, bạn nào cũng hồ hởi khoe: "Bố em làm bác sĩ, bố em làm giáo viên, bố em làm giám đốc công ty này công ty kia..." Oa, tôi thấy những ông bố ấy mới "oách" làm sao, còn bố tôi? 

Suốt ngày thấy bố lọ mọ với dầu nhớt và đống máy cày, máy kéo. Tôi chuẩn bị mấy ngày liền, nghĩ nát óc mà vẫn không biết phải "khoe" về bố như thế nào. Cuối cùng, mẹ cũng giúp cho, mẹ bảo: "Bố là kỹ sư cơ khí". Tôi như gỡ đi được một cục đá to chảng trong lòng...

Bây giờ tôi sẽ không buồn thiu khi viết: "Kỹ sư bố phải về hưu sớm và ra Bắc vào Nam trên những chiếc xe tải cũ kỹ. Sau khi nghỉ việc, bố buôn bán phụ tùng máy kéo để nuôi chúng em ăn học".

Từ những giọt mồ hôi của bố, chúng tôi đã lớn lên. Chưa bao giờ bố để cho chúng tôi chậm tiền học phí, chưa bao giờ bố bắt các con chỉ thi đại học ở Cần Thơ để đỡ tiền trọ xa nhà. Chưa bao giờ bố để cho chúng tôi thua bè kém bạn.

Ra Hà Nội, bố bắt tôi đi tàu cho đỡ mệt còn bố vẫn cặm cụi xe khách, xe đò. Tôi chạy xe tay ga, tôi diện quần áo đẹp, bố vẫn cọc cạch chiếc xe 50 cà tàng không chịu thay... Tôi nghĩ, tôi đã đủ lớn khôn để có thể viết một bài văn đầy tự hào: Bố là bố tôi.

Tôi cũng sẽ viết về mẹ, bởi mẹ là cả tuổi thơ của tôi. Mẹ là bố - răn đe, la mắng tôi những lúc bố xa nhà. Mẹ là mẹ - khâu vá từng tấm áo manh quần cho tôi đến lớp. Da mẹ không trắng ngần như tuyết, mắt mẹ cũng không đen như than, đôi tay mẹ thô ráp. Nhưng mẹ đẹp chính trong sự tảo tần, lo toan, bảo bọc, che chở cho chúng tôi. Tôi nhớ hè nào mẹ cũng ngồi kèm cho chúng tôi học: làm trước những bài toán của năm sau và đọc sách văn học đến khi thuộc làu làu. Đi chợ, mẹ chỉ mang một số tiền ít ỏi theo người vì sợ mua những thứ "linh tinh không cần thiết".

Tôi nhớ có lần chị ốm trong bệnh viện, mẹ đi chăm bị ngất xỉu... mới biết là mẹ bị bệnh tim. Lần đó, bố chưa kịp về, anh ở xa, còn tôi đi du học. Nhà neo người nên cũng lại mẹ một tay gắng gượng lo cho chị tôi. Sinh nhật mẹ, định rủ mẹ ra ngoài ăn cơm, uống trà hoa thì mẹ nằng nặc đòi... ăn chè cho đỡ tốn kém. Không lo được đám cưới đàng hoàng cho anh, mẹ tủi thân khóc tấm tức...

Nhiều lúc, thấy giận mẹ - hay lo nghĩ những chuyện tận đẩu tận đâu - nhưng tôi biết, mẹ là người yêu chúng tôi nhất trên thế giới này. Mẹ như cái cây, dồn hết tình thương và nhựa sống cho chúng tôi. Tôi ước gì lúc nào tôi có thể viết những bài văn về mẹ của tôi chứ không phải là một hình mẫu "điểm A" xa xôi nào đó...

Tôi muốn viết về bà tôi, dù ngày bé nhà tôi ở rất rất xa bà, và tôi chỉ mới được gần gũi bà mấy năm gần đây... Dù bà đã hơn 80 tuổi rồi, và đã "lầm cà lẩm cẩm" như người ta nói. Tôi thương bà quá những lúc bà lọ mọ đi hái rau muống ngoài ao, hay trẩy bưởi cho tôi ăn. Có bó rau má bằng nắm tay, bà cũng dúi cho mẹ tôi: "Mang lên mà xay cho chúng nó uống cho mát". Mỗi lần về quê, bà lại gói ghém tất tần tật "gia tài" của bà cho chúng tôi: khi thì là cuộn chỉ thêu màu xanh đỏ, khi là hai quả ớt chín, khi thì mấy quả cà chua...

Tôi thương bà quá, những lúc bà nói chuyện lầu bầu một mình, những buổi sáng sớm bà còng lưng ở một góc chợ... bán mớ rau hái được trên đồng. Tôi thương bà tóc bạc da mồi rồi vẫn giữ nếp sống lo toan hôm sớm của những ngày xưa... Tôi thương bà lúc bà lọ mọ nhóm bếp rơm, vì bà không biết dùng cái bếp ga "hiện đại" của ông mua về.

Tôi thương bà hay cằn nhằn bố vì ăn ít cơm, và giành ngồi đầu nồi để xới cho bố "hai xìa một bát" vì "bố mày không chịu ăn đến bát thứ hai cho đâu". Tôi thương bà những lúc bà tẩn mẩn bổ xoài cho tôi ăn, nhìn tôi nhăn mặt vì chua, bà cười móm mém. Tôi mong mình đủ yêu thương để cảm nhận hết những chăm lo của bà cho chúng tôi... Dù tuổi già đã làm bà quên trước quên sau, dù bà hay cư xử như "trẻ con" như lời các cô và ông hay chọc... Tôi mong tôi có thể sống hết mình vì con, vì cháu được như bà tôi.

Tôi sẽ viết về cô tôi. Ngày còn bé tôi nhớ mang máng tôi thương cô nhất. Vì cô hay dong tôi trên chiếc xe đạp đi học, và mua cho tôi chiếc vòng cổ trong veo, lấp lánh. Lần nào các cháu về, cô cũng lo từ miếng ăn, giấc ngủ. Lọc cọc đạp xe ra đồng bắt ngan về thổi cơm, bỏ cả buổi gặt để đỡ đần việc nhà...

Trưa trà trưa trật, cô mới tất tả dọn cơm cho hai đứa nhóc ở nhà: bữa cơm đạm bạc chỉ ruốc và bát canh rau luộc. Chưa bao giờ tôi thấy cô than phiền, trách móc điều gì. Chưa bao giờ thấy cô không chu toàn mọi việc cho ông bà và các cháu. Tôi mong tôi có thể trở thành một người phụ nữ nhân từ, hiền hậu, và giàu đức hy sinh như cô.


Có nhiều điều mà tôi - mười - tuổi có lẽ sẽ không bao giờ nhận ra trong bài tập làm văn của mình. Không biết, hai - mươi - bốn năm sau nữa, tôi có viết thêm nhiều điều khác về gia đình của mình không. Nhưng tôi mong tôi lúc nào cũng đủ yêu thương để hiểu rằng... tôi còn mải mê kiếm tìm điều gì ở đâu xa, mà quên rằng hạnh phúc đến từ những người rất bình thường sống quanh tôi? 

Tôi mong mình có thể là một người như họ, đem yêu thương cho đi... mà chưa một lần đòi hỏi được nhận về.

Nêu ý kiến của em về việc nhiều bạn do mải chơi điện tử mà xao nhãng học hành thậm chí phạm những sai lầm nghiêm trọng

Trên thế giới hiện nay, trung bình mỗi giờ có khoảng 3 tỷ người truy cập Internet và một nửa trong số đó là dành cho trò chơi điện tử. Phải chăng đó là những con số biết  nói?
Trong những  thập kỉ gần đây, có rất nhiều người sử dụng Internet như một công cụ để giải trí, thư giãn đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên. Trong giờ học không khó để bắt gặp hình ảnh những cô cậu học trò với ánh mắt “cảnh giác”, tay chân “nhanh nhạy” và “khả năng ứng biến phi thường”.  Họ không hề chú ý nghe giảng mà lén lút cho tay xuống ngăn bàn hay hộp bút để chơi điện tử. Hơn thế nữa nhiều bạn còn bỏ học suốt ngày ngồi ở quán game. Họ chơi ở quán game, ăn ở quán game và cũng ngủ luôn ở đó. Cho đến khi hết tiền để chơi họ bắt đầu xin xỏ để có tiền thâm chí là gây lộn đánh nhau, ăn cắp, ăn trộm. Dần dần với những con người như thế game không còn chỉ là một sở thích mà đã trớ thành một thói quen, một căn bệnh khó chữa – bệnh nghiện game.
Vậy nguyên nhân của căn bệnh đó là do đâu? Phải chăng những trò chơi điện tử có sức lôi cuốn đển kì lạ đối với giới trẻ? Chúng ta có thể thấy trên thị trường hiện nay, có vô số những trò chơi hết sức đa dạng và phong phú. Từ những loại game rèn luyện trí thông minh, game nấu ăn cho đến những game hành động như game bắn súng Half-life, Dota… Tất cả chúng dựng lên một thế giới ảo đầy sống động hấp dẫn. Thực chất trò chơi tiêu khiển này chỉ dành cho mục đích thư giãn và giải trí, nó sẽ chỉ gây hại khi con người lạm dụng chúng với mục đích khác. Những đứa trẻ vì không có ý thức, hiểu biết kém nên đã sa đà vào tệ nạn ấy và mắc bệnh “nghiện game”. Nhưng đâu chỉ do lỗi của chúng. Căn bệnh đáng sợ ấy suy cho cùng cũng một phần là do bố mẹ - những người thân thương nhất gây nên. Tôi có một người bạn, vì bố mẹ mải mê đi kiếm tiền, không quan tâm đến con cái nên cậu suốt ngày chỉ ngồi lì ở hàng game. Nghiêm trọng hơn là cậu đã từng bỏ học, bỏ nhà ngày ngày ngồi ở quán điện tử. Bố mẹ cậu khi biết chuyện liền la mắng, chửi bới, đánh đập cậu. Tôi đã nhiều lần khuyên cậu ấy nhưng cậu ta không nghe và nói rằng “Thà bỏ đi chơi game còn hơn là quay về căn nhà lạnh lẽo thiếu hơi ấm tình thương ấy. Ít ra trong thế giới ảo của game, mình còn  thấy được cuộc sống thực sự.” Thế mới biết cậu bạn tôi  thật đáng thương! Đó đâu phải là lỗi lầm của cậu. Bố mẹ là nền tảng, mỗi một người bố, người mẹ phải có trách nhiệm nuôi nấng dạy dỗ con cái nên người. Đừng chỉ biết đổ lỗi, la măng đánh đập con. Một sự quan tâm nhỏ nhoi cũng có thể mang một giá trị vô cùng to lớn.
Chơi game tốn tiền và vô cùng lãng phĩ  thời gian. Như cậu bạn tôi vậy. Mỗi ngày cậu chơi khoảng 10 tiếng, mỗi tiếng mất 2000 đồng. Vậy cứ duy trì tình trạng ấy thì trong vòng một năm cậu bỏ mất hơn 7 triệu và dành  hơn 1/3 thời gian sống cho game. Và nếu cứ như thế, 1/3 cuộc đời của cậu ấy dành cho game, vậy cậu ấy sẽ dành thời gian nào cho việc học, quan tâm tới chính bản thân và những người xung quanh. Sức khỏe của cậu ấy sẽ ra sao? Tương lai của cậu ấy sẽ như thế nào? Nghiện game đồng nghĩa với việc cậu ấy tự đóng cánh cửa rộng mở vào tương lai của chính mình.
Thiết nghĩ để thay đổi tình trạng trên mỗi cá nhân trước hết phải có ý thức vượt qua mọi sự cám dỗ. Không chỉ vậy quan trọng nhất vẫn là yếu tố gia đình. Bố mẹ không thể chỉ vì kiếm tiền mà bỏ mặc con cái. Nếu trở nên giàu có mà con cái hư hỏng thì đó chẳng khác gì là thất bại lớn nhất trong cuộc đời. Những đứa trẻ sẽ hạnh phúc, vui sướng biết mấy khi thấy bố mẹ quan tâm, chăm sóc vỗ về, được bố mẹ đưa đi chơi, đi xem phim…Và còn gì tuyệt vời hơn khi chúng được tâm sự, trò chuyện hay nhận những lời khuyên đầy chân thành từ bố mẹ mình.

Trong xã hội bộn bề ngày nay, con người thường hay quên đi những giá trị thực sự của cuộc sống. Cha mẹ thường lo toan kiếm tiền, con cái thì bỏ bê học hành, sa đọa vào những tệ nạn xã hội điển hình là  trò chơi điện tử. Tại sao chúng ta không chung tay để làm thay đổi điều đó, cùng hành động để xã hội của chúng ta hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Biết đâu những mảng đời, những số phận con người bất hạnh có  thể  trở nên hạnh phúc hơn, nụ cười rạng ngời có thể luôn tươi tắn trên môi. Vui hay buồn đều phụ thuộc vào hành động của chúng  ta ở hiện tại.    
Trần Ngọc Anh
Trường THCS Giảng Võ

Tả khu phố mùa đông

Reng! Reng! Reng! Tiếng chuông đồng hồ báo thức đã điểm đúng năm giờ. Hôm nay là chủ nhật mà tại sao chuông lại kêu nhỉ - tôi tự nói. À, thì ra tối qua đi ngủ sớm nên tôi quên không tắt chuông báo thức. Mọi người trong nhà chưa ai dậy, có lẽ do trời lạnh quá.
Tôi liền ra ban công tập thể dục. Chao ôi! Khu phố mùa đông mới đẹp làm sao! Lần đầu tiên tôi mới phát hiện ra một khung cảnh đẹp đến vậy. Không gian lúc này thật yên tĩnh. Cảnh vật dường như còn chìm trong giấc ngủ. Trời vẫn còn hơi tối. Những cơn gió nhẹ thổi nhưng cũng đủ để cảm nhận cái giá lạnh của mùa đông. Đèn đường cũng chưa tắt. Đường phố sạch sẽ, thưa vắng người qua lại. Chỉ có vài người đi tập thể dục và các bà, các cô đi chợ sớm. Xa xa, ở góc phố Quảng An, có một cô đang cẩn thận đặt từng bó hoa vào chiếc xô rồi nhẹ nhàng bóp bình nước làm bằng chai nhựa cũ và những hạt nước li ti sẽ đọng lại trên cánh hoa, chiếc lá tạo thành những viên pha lê nhỏ xinh mà chỉ cần có nắng sẽ hóa thành những viên đá quý muôn vàn màu sắc. Các căn nhà vẫn đóng kín cửa lơ thơ có vài nhà đã thắp đèn. Chắc là ngày nghỉ nên mọi người tranh thủ “ngủ nướng” sau một tuần làm việc mệt mỏi. Trời sáng dần, bầu trời như dược đẩy lên cao nhưng vẫn không có mây, không có sắc  biếc của da trời. Giá mà bây giờ là mùa thu thì mặt trời đã ló rạng, những tia nắng hình dẻ quạt đã được ban phát khắp nơi. Sương đã tan bớt đi được một chút, mờ và đục, bao trùm lên khắp nơi. Mọi người đi lại nhiều hơn nhưng không bằng những ngày trong tuần. Có lẽ vì thế mà không chỗ nào bị tắc đường. Các cửa hàng bắt đầu mở đặc biệt là những cửa hàng phở, hàng bún, hàng xôi… đã đông khách. Một ngày chủ nhật còn gì tuyệt vời hơn là thong dong nhâm nhi một tách trà và ngắm đường phố. Lúc ấy sẽ cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng biết mấy, khác hẳn với cái xô bồ vội vã của ngày thường.
Đến buổi trưa, thật ngạc nhiên khi trời có nắng. Nhưng nắng mùa đông nhẹ và yếu ớt. Trời tuy đã ấm lên nhưng vẫn rất lạnh. Những cành cây vươn mình đón lấy chút nắng it ỏi để nuôi dưỡng mầm nhựa sống đợi khi xuân về sẽ nảy những chồi non lộc biếc. Cả Milu và Miu cũng ra sân sưởi năng. Hai anh chị có vẻ thích lắm. Còn tôi thì mải mê với quả bóng rổ. Hiếm khi được trời nắng ấm, tôi phải tận hưởng niềm vui sung sướng này.
Chiều tối, trên chiếc xe đạp yêu quý, tôi dạo một vòng hồ tây. Nắng đã tắt rất nhanh. Gió thổi khá mạnh khiến nước hồ sóng sánh va vào những tảng đá lớn kêu rất vui tai. Không gian rộng, thoáng đãng. Trên mấy chiếc thuyền rồng khá đông khách đang từ từ rời bến. Chùa Trấn Quốc  nằm trên một bán đảo nhỏ ven hồ trông rất cổ kính uy nghiêm. Đối diện chùa là cửa hàng kem, dù là mùa đông nhưng vẫn có nhiều người. Có lẽ là những người muốn tìm cho mình một cảm giác khác lạ.
Tối đến, tôi được bố mẹ cho đi siêu thị chơi. Đường lúc này vắng, ra đường ai cũng phải mặc những chiếc áo dày để đỡ lạnh. Nếu là mùa hè chắc đường phố sẽ tấp nập, đông vui hơn nhiều.
Trở về nhà với bao nhiêu đồ chơi và đồ ăn ngon thật là vui! Một ngày mùa đông giản dị mà thật ý nghĩa. Không dịu dàng như mùa thu, không nồng nàn như mùa hạ, không ấm áp như mùa xuân nhưng cái giá lạnh của mùa đông vẫn có vẻ đẹp riêng. Nếu hôm nay không quan sát chắc tôi sẽ chẳng nhận ra khu phố mùa đông đẹp đến vậy. Tôi yêu khu phố mùa đông, yêu hơn những ngày đông Hà Nội.

 Đỗ Đức Việt Long 
Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội