Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Bình giảng ý nghĩa nhan đề Chiếc lược ngà


         Chiếc lược ngà không phải là nội dung của câu chuyện. Truyện kể về tình cha con thắm thiết, sâu nặng của cha con người chiến sỹ trong chiến tranh vừa xót xa vừa ngọt ngào xúc động của cô giao liên trẻ- tên Thu. Chiếc lược ngà chỉ là chi tiết nhỏ, nó là món quà của người cha gửi tặng cô và cũng là nhan đề của câu chuyện. Thế nhưng nó lại hàm chứa trong đó tất cả chủ đề của câu chuyện.
     Chiếc lược ngà là bao công sức  tỉ mỉ gọt giũa, bao nhiêu tình thương tha thiết, sâu nặng, bao nhiêu nỗi nhớ dày vò của người cha ở chiến trường mới chỉ được gặp con đúng một lần.
     Chiếc lược ngà là kỷ niệm, là di vật cuối cùng của người cha đã hi sinh, nó đã minh chứng cho tình phụ tử  nặng sâu, minh chứng cho tấm lòng của người cha cách mạng  đối vơi cô con gái yêu của mình.
    Chiếc lược ngà được cô gái nâng niu đón nhận như nâng niu đón nhận tất cả tấm lòng của cha, tất cả tình yêu thương của cha với sự biết ơn sâu sắc. Và vì thế, chiếc lược ngà là biểu tượng của sức sống tình người trong chiến tranh là niềm tin, niềm hi vọng. Nó biểu hiện như để khẳng định rằng: bom đạn có thể huỷ diệt chia cắt tất cả nhưng không thể huỷ diệt được tình yêu, không thể chia cắt được tâm hồn trong trẻo  của con người và hơn thế, nó còn làm cho cuộc đời này, con người của thời đại này ngày càng tươi đẹp hơn, cao thượng hơn.                    

Sang thu, sự cảm nhận của đất trời và cả đời người


Sang thu, sự cảm nhận của đất trời và cả đời người
                   Nhà thơ Hữu Thỉnh sáng tác bài thơ Sang thu vào khoảng cuối năm 1977, in lần đầu trên báo Văn nghệ, được rất nhiều độc giả ưa thích. Bài thơ cũng được chọn in trong sách giáo khoa, trong chương trình giảng dạy văn học cho học sinh bậc trung học.
                        Bài thơ là sự cảm nhận tinh tế của một hồn thơ tài hoa, trước thời khắc giao mùa của trời đất. Nhà thơ như hòa nhập cả tâm hồn mình vào những câu thơ vừa đằm thắm lại vừa hết sức quyền rũ, mơ màng...
                        Cái thời khắc của mùa thu đất Bắc như vừa lạ vừa quen ấy, lại diễn ra sau hai năm đất nước vừa được hoà bình thống nhất, với biết bao bề bộn và ngổn ngang công việc, nhất là đối với tác giả, một người lính xe tăng, vừa bước ra khỏi lửa đạn chiến tranh. Nghĩa là tác giả đang " từ chiến hào, bước ra thành phố" như tên gọi của tập thơ. Tâm hồn ấy, tâm trạng ấy, tâm thế ấy...mà người thơ " Bỗng nhận ra hương ổi" quả là điều kỳ lạ. Bởi không gắn mình với thôn quê, với những mảnh vườn đến thân thiết, con người rất khó nhận ra cái "hương ổi" hết sức mỏng manh, gượng nhẹ trong làn gió thỏang. Và đó chỉ có thể là loại "ổi sẻ" như người miền Nam vẫn gọi. Một thứ ổi cây mọc cao, quả tròn, khi chín có màu vàng hươm, ruột lại đỏ hồng, rất thơm. Còn các loại ổi khác, không có mùi thơm. Và đó cũng là " mùi hương rất đặc trưng" phát cái tín hiệu của thời tiết giao mùa, của cuối hạ, đầu thu.Câu thơ giản dị, nhuốm vẻ thật thà, nhưng không phải ai cũng nhận biết, nhận ra để đưa vào thơ, mà cần phải có một tâm hồn thi nhân, thi sĩ...
Trong cái mơ hồ phảng phất gió thu và lá thu đang ngả màu, nhà thơ đã trèo lên cây ổi chín vàng trong cả một vườn ổi bạt ngàn ở nơi này. Không có gì đặc hơn, sánh hơn cái màu, cái mùi ổi chín vàng nhuốm trong cái nắng vàng của mùa Thu. Không gian cao vút, sâu thăm, yên tĩnh. Bài thơ bật lên từ đó, ngay khi nhà thơ còn ngồi trên cây ổi, những vần thơ được “được làm trong đầu” chứ chưa đụng chạm gì đến giấy bút. “Bài thơ hình thành rất nhanh và chính tôi cũng lấy rất làm tâm đắc nên thuộc lòng rồi “nhâm nhi” đọc suốt buổi không chán...”. Nhà thơ đã đến với mùa thu theo cách riêng của mình bằng hương ổi chứ ko phải từ bầu trời xanh ngắt, lá rụng hay hương cốm Vòng. ... Bởi như nhà thơ đã lí giải, trong khoảnh khắc gia mùa kì lạ chỉ có hương ổi mới đủ sức lay động tâm hồn nhà thơ, nó giống như mùi bờ bãi, mùi con trẻ... Hương ổi tự nó xộc thẳng vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta. Mùi hương đơn sơ ấy lại trở thành quý giá vì nó đã trở thành chiếc chìa khóa vàng mở thẳng vào tâm hồn mỗi người, có khi là cả một thế hệ...”.
Làn hương ấy lại được " Phả vào trong gió se". Vâng " gió se", là chút se sắt, chút mơn man lạnh, để lại một cảm giác rùng mình nhẹ. Cái cảm giác ấy, rất hiếm hoi, và rất khó gặp ở đất phương Nam hai mùa mưa, nắng. Nhưng nó lại rất "cụ thể" bởi "sương chùng chình qua ngõ". Chùng chình, một từ láy khá độc đáo, và cũng ít người sử dụng. Bởi trong sách giáo khoa (SGK) dạy cho học trò chú thích là : "cố ý chậm lại", hoá ra " sương qua ngõ cố ý làm chậm lại" sao? Sương có thể là như khói tỏa, quyện mờ ngõ quê. Cũng có thể như đậm đặc, toả kín ngõ, gây cái se lạnh. Ở đây, cái màn sương phủ dày ấy, cứ lừ đừ trước ngõ, mặc kệ cơn gió, sương giữ cái lạnh ngọt ngào, cả cái hương ổi chín. Và đó là tín hiệu để nhà thơ buông câu thơ hỏi mà như không hỏi, không chắc chắn mà như rất chắn chắn : " Hình như thu đã về". "Đã về" khác với "mới về", điều đó chỉ có ở sự "khẳng định", không còn "mơ hồ" bàn cãi.
                          " Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vả/ Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu.".
                            Lại với từ láy " dềnh dàng" mà SGK giải thích là " chậm chạp, thong thả". Như vậy, " Sông được lúc dềnh dàng", phải chăng là sông chậm lại ? Hoặc sông thong thả? " Dềnh dàng" còn hàm nghĩa "đầy", " dâng lên, tràn lên". Bởi sau những cơn mưa lớn của mùa hạ ( Mà ở câu thơ thứ 10 tác giả viết "Đã vơi dần cơn mưa"), sông như đã được "no, đầy" nước. Ai có nhìn thấy cảnh, dòng sông cạn nước trong mùa khô, trơ cả đáy sông, mới cảm hết cái nghĩa khi sông "được lúc dềnh dàng" khá "đắc địa" này.
                              Tiếp tục là hình ảnh " Chim bắt đầu vội vã" , dường như hình ảnh "con chim" ở đây, chẳng liên quan gì với câu thơ trên, và cũng chẳng ăn nhập gì với hai câu thơ tiếp theo rất hay, và rất ấn tượng : " Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu". " Chim bắt đầu vội vã", " Bắt đầu vội vã" để làm gì? Để tìm ăn những quả chín ngọt ngào, quyến rũ đầu thu? Hay bắt đầu cho một mùa sinh sôi, làm tổ mới. Hoặc vội vã cho một cuộc di trú về phương Nam, tránh cái rét lạnh của miền Bắc đã bắt đầu. Tất cả chỉ là những liên tưởng trong cuộc đời thật. Là sự bịn rịn, lưu luyến khi phải chia tay. Đó là "Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu". Mây mùa hạ. Mây thì ai cũng thấy và cũng biết . Nhưng " mây mùa hạ" thì chỉ có thi nhân mới " nhìn thấy và cảm thấy". Câu thơ thật hay, thật khéo, và cũng thật tài hoa nhờ động từ " Vắt", "vắt nửa mình sang thu". Có cái gì đó vừa thật gấp gáp, lại vừa gượng nhẹ, vừa lưu luyến giữa hạ và thu. Giữa cái thời khắc giao mùa thật " chùng chình, dềnh dàng" nhưng cũng " bắt đầu vội vã" kia.
Mây mùa Hạ thường chứa nhiều màu sắc, thậm chí đầy giông bão tựa hồ những ước mơ khao khát của tuổi trẻ. Những ước mơ khao khát ấy thường lấy đi rất nhiều sức lực của tuổi trẻ. Tuy nhiên giữa mơ và thực là hai thế giới luôn đối lập nhau và chẳng phải ước mơ nào cũng trở thành hiện thực. Ðó giống như là một chân lý và con người phải biết ý thức được một điều rằng không thể đạt được hết những ước vọng tốt đẹp của mình, nhất là những ước vọng đó lại được sinh ra ở thời tuổi trẻ. Sự dang dở, sự mất mát là một hiện thực chúng ta buộc phải chấp nhận trong cuộc sống của mình. Ngay cả người lính cũng vậy. Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại ở tuổi còn rất trẻ ở ngưỡng mùa đẹp nhất của cuộc đời. Vì thế nên đám mây trong thơ ấy chỉ “vắt nửa mình sang Thu” thôi. Nửa còn lại đã trở thành ký ức”.
                               Khổ cuối của bài thơ là sự chiêm nghiệm của đất trời, của thiên nhiên và của cả đời người : "Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi". "Nắng, mưa" là hai thái cực của thời tiết, của đất trời. "Còn nắng" thì " vơi mưa", ấy là qui luật, là lẽ tự nhiên, làm nên sức sống của vạn vật. Làm nên 4 mùa : Xuân-Hạ-Thu-Đông, do vậy, tính ẩn dụ, hàm ngôn của hai câu thơ kết thúc bài thơ như được khắc sâu vào lòng người đọc. Cái "tiếng sấm" ấy, những "kinh động" ấy đã " bớt bất ngờ", chỉ còn râm ran, âm vang của mùa, hay của cuộc đời người, đã đi qua, đã từng trải. Đã biết " trầm tư" hơn như "Hàng cây đứng tuổi".
Đó là cốt cách của một người lính không chỉ là trong một buổi chiều mùa Thu mà là một buổi chiều hòa bình. Có thể nó có vẻ ngang tàng “sấm cũng bớt bất ngờ” nhưng lại mang một vẻ đẹp dịu dàng, sâu lắng của mùa thu hòa bình. Ở đây hàng cây đứng tuổi chính là chủ thể trữ tình trong bài thơ đã trải qua bao nhiêu gian nan vất vả, giờ đã vươn lên và không gì làm chúng run rẩy.
                                Mượn những hình ảnh "Sang thu" giàu sự gợi cảm và tinh tế, để chiêm nghiệm một lẽ đời khi vừa đi qua chiến tranh, khi đã "đứng tuổi", từng trải. Tôi nghĩ nhà thơ Hữu Thỉnh còn muốn nhắn gửi những sâu xa huyền nhiệm của đất trời của đời người qua những câu thơ thật tài hoa của ông. 
Trần Hoàng Vi

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

Bài kiểm tra đầu vào Tiếng Việt thực hành

KHI ĐỘNG (20’)
Bài 1. Chọn đáp án thích hợp nhất (5 điểm)
1. Việt Nam đã  …….quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới.
a. thành lập            b. thiết lập              c. tạo lập       d. kiến thiết
2. Nó có tương lai ……….
a. sáng lạng            b. sáng lạn              c. xáng lạng        d. xán lạn
3. Anh ta được ….. lên chức giám đốc.
a. Đề xuất              b. đề bạt                  c. đề cử          d. đơn cử
4. Có 3 ………. cho giải thưởng Gramy lần này.
a. đề xuất               b. đề bạt                  c. đề cử          d. đơn cử
5. Do  tàn phá thiên nhiên để phục vụ cuộc sống nên con người phải ghánh chịu ………….  nghiêm trọng.
a. Hiệu quả            b. hậu quả                c. kết quả       d. hệ quả
6. Ngôi chùa mang trong nó bao nhiêu sự tích, bao nhiêu huyền thoại và đã …………….. bao nhiêu biến thiên kinh kỳ.
a. chứng kiến         b. chứng minh          c. chứng thực    d.chứng nhận
7. Xét về mặt kết cấu, đoạn văn có câu chủ đề đứng đầu đoạn là đoạn văn có kết cấu …………….
a. tổng-phân-hợp    b. quy nạp              c. diễn dịch       d. móc xích
8. Phép liên kết nào được sử dụng trong trường hợp sau:
Văn nghệ làm cho tâm hồn họ thực được sống. Lời gửi của văn nghệ là sự sống.
a. phép nối              b. phép lặp             c. phép thế      d. phép đồng nghĩa
9. Hiến pháp, biên bản, công văn, hợp đồng, hóa đơn,…… là những văn bản đặc trưng cho phong cách ngôn ngữ (PCNN) nào?
a.PCNN sinh hoạt                         b.PCNN khoa học  
c.PCNN hành chính                      d.PCNN chính luận
10. Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ nào?  
a. đơn lập phân tiết tính     b. hòa kết        c. chắp dính    d. hỗn nhập
 Bài 2 (5 điểm). Tìm và chữa các lỗi có trong từng trường hợp sau:
1. Cho dù trong những năm qua công ty sách phương nam của nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều giải pháp để nâng cao số lượng đầu sách phục vụ đổi mới việc giáo dục.
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
2. Trần Hưng Đạo đã lãnh đạo nhân dân ta đánh đuổi quân Minh giành nền độc lập cho Tổ quốc.
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
3. Anh bồ đội bị hai lần, một lần ở chân bên trái, một lần ở Đèo Khế.
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
4. Do lượng mưa năm nay kéo dài nên đã gây nhiều thiệt hại cho mùa màng.
………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
5. Có lẽ những bài hát về chủ đề tình yêu là những bài nhiều hơn tất cả. Tình yêu làng, yêu nước, yêu thiên nhiên cảnh vật đến con người lúc nào cũng thấm đượm trong từng câu hát.

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Nhật kí của một người bắt đầu làm vợ

             Tôi đang bắt đầu một hành trình mới - hành trình làm một người phụ nữ trong gia đình, bây giờ là vợ, là con dâu và rồi sẽ là một người mẹ (nếu tạo hóa cho được như ý nguyện ^^)
Hành trình này đối với tôi mà nói lạ lẫm và nhiều lo âu. Tôi phải thay đổi rất nhiều thói quen: dậy sớm hơn, phải bếp núc nhiều hơn, tính toán nhiều hơn và thậm chí giấu diếm nhiều hơn, cố gắng trở nên hiền dịu nhiều hơn. Thì, người vợ truyền thống phương Đông với phẩm  chất cao đẹp từ hàng nghìn đời này đè trên vai tôi: phải biết vun vén cho gia đình, chăm sóc chồng con, nhẫn nhịn, đảm đang. Hiện tại mà nói, có lẽ tôi đã làm khá tốt. Có những lúc tôi đã cảm thấy rất vui và hạnh phúc - cái hạnh phúc quá đỗi nhỏ nhoi và bình dị nhưng phụ thuộc vào người khác. Có những lúc tôi lại thấy xao động những lo lắng, những băn khoăn và cả những tiếc nuối. Tôi tiếc cái thời đã qua, bay nhảy, thoải mái và vô cùng tự do. Tôi băn khoăn khi đây có phải là hạnh phúc thực sự tôi đang tìm kiếm. Tôi lo lắng cho tương lai và lo lắng cho chính bản thân mình sẽ làm tốt vai trò này trong bao lâu nữa.,.. Những câu hỏi, những suy nghĩ nhiều khi cứ choáng lấy tâm trí tôi. Lắng nghe, chứng kiến những câu chuyện gia đình khác đang xảy ra hàng ngày quanh tôi mà càng trăn trở nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn. Tôi nghĩ đến khi chúng tôi có con, cuộc sống sẽ khác biệt như thế nào, chồng tôi sẽ chăm sóc tôi ra sao, chúng tôi liệu có thể hòa hợp như bây giờ không. Rồi tôi nghĩ đến ngôi nhà chúng tôi sẽ ở, chiếc xe chúng tôi sẽ đi, cách chúng tôi cùng nuôi dạy con,... Đúng là, cuộc sống không ngừng nghỉ. Cuộc sống đơn giản của tôi với gia đình nhỏ bé mà cũng vô vàn nỗi lo. Tôi để ghánh nặng kinh tế chủ yếu lên đôi vai chồng tôi còn tôi làm thiên chức của một người vợ và sẽ là một người mẹ truyền thống. Có lẽ như thế là tốt? Có lẽ chỉ cần tôi biết lắng nghe, đồng cảm nhiều hơn và cả nhẫn nhịn nhiều hơn cuộc sống sẽ bình yên? Một ngày của tôi sẽ trôi như dòng sông mùa nước êm, nhẹ nhàng và giản dị. 
                                Có lẽ, chỉ là có lẽ thôi.
            Những đứa con gái như tôi mang nặng trong mình quá nhiều suy tư và âu lo nên cứ trăn trở và xốn xang như thế. Hay phải chăng tính cách đó chính là đặc trưng của nữ giới còn đàn ông họ là đại bàng mải miết trong những chuyến du hành đến đại ngàn. 
          Bây giờ tôi đã bớt đi rất nhiều tham lam, đam mê. Tôi chỉ mong bình an cho tôi và gia đình và một công việc cũng bình an,...

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Mắc kẹt trong nỗi nhớ...

Dù không phải nỗi nhớ lúc nào cũng là một điều dễ chịu, và có lắm kẻ mắc kẹt mãi trong nhớ thương.
Những buổi chiều tà hay một sáng chủ nhật tinh khôi, bất kể là ngày lãng đãng hay bù đầu bởi những việc cần làm, khi nào thấy cô đơn tôi sẽ tìm cho mình một tách cà phê. Ta tìm gì trong một tách cà phê: một chút tỉnh táo, một chút lãng du nghênh ngang ngồi lại bất động giữa phố thị cứ vồn vã trôi đi, tìm giây phút lặng yên cạnh ai đó, cái thở dài trước ngày cứ trôi qua hay một nỗi nhớ ngọt đắng vơi đầy.

Tôi đã quên mất nỗi nhớ bắt đầu đi theo tôi từ lúc nào. Tôi chẳng nhớ từ bao lâu tôi đã quen khuấy nỗi nhớ man mát cùng với cà phê đặc sánh trong ly của mình. Tôi chỉ nhớ Sài Gòn có vô vàn những quán cà phê - cứ một quán xẹp tiệm lại có muôn quán mọc lên. Tôi dành một vài trong số vô vàn những quán cà phê đó để ngồi với ký ức. Mỗi một quán cà phê tôi lại để dành để nhớ một người. 

Chúng ta đã dành bao nhiêu thời gian của đời mình ngồi trong quán cà phê với một ai đó để lắng nghe, để trải lòng hay để… không nói năng gì cả. Để nhìn nhau hoặc nhìn những chiếc thìa cứ lanh canh khuấy mãi trong ly. Có những người cho ta cảm giác chỉ cần ngồi cạnh trong một chiều nhạt nắng đã là đủ. Những khoảng khắc lặng thinh và bình yên ấy, tôi chỉ muốn đập nát cái đồng hồ của mình đi và thời gian sẽ chẳng trôi đi nữa...

Nhưng thời gian không thể vỡ vụn theo một cái đồng hồ.

Tôi cứ muốn mình dừng lại trong một giây, một phút, một khắc đó mãi mãi để rồi nhận ra... thời gian là một thứ tôi mãi mãi chẳng bao giờ có thể níu kéo. Nên thay vì ra sức níu kéo, tôi lại chọn cách ra sức để ghi nhớ. Từng chi tiết, từng cảm xúc, từng rung động khẽ khàng... thật kỹ, thật sâu trong tâm trí mình!

Khoảng khắc đó rồi sẽ trở nên bất tận trong trái tim tôi... 

Dù không phải nỗi nhớ lúc nào cũng là một điều dễ chịu, và có lắm kẻ mắc kẹt mãi trong nhớ thương. Có những lúc ta khao khát đến điên cuồng cho thời gian đứng lại mà chẳng hay rằng… chính nỗi nhớ sẽ khiến nó thành ra vô tận! 

Ta đã ngồi trong bao nhiêu quán cà phê với những người khác nhau? Sài Gòn có nhiều quán cà phê quá. Tôi cũng đã ngồi với nhiều người quá. Đã có quá nhiều những cuộc chuyện trò đến mức ta chẳng nhớ mình đã trò chuyện những gì. Duy chỉ còn một vài câu nói thật ám ảnh thỉnh thoảng thoáng ngang qua đầu một giây phút nào đó trong quãng đời còn lại. Chẳng thể đóng băng một nụ cười, cột lại một ánh mắt… Chúng vô giá vì chẳng ai nắm giữ được. Nỗi nhớ bắt đầu ngay chính từ giây phút người và ta ngồi xuống gọi một tách cà phê.

Nỗi nhớ vẫn ở đó ngay cả khi ta ngồi cạnh nhau, mắt chạm mắt mà thương nhớ cứ dài ra mênh mang. Nỗi nhớ ấy được khuấy vào cà phê và len lỏi vào lòng người. Cà phê có vị của nỗi nhớ: ngọt, đắng, thơm nồng, quyến rũ và gây nghiện. Khiến người ta phấn chấn và cũng đủ để người ta chết ngất. Cà phê thì bán trong tiệm, nỗi nhớ sẽ bán ở đâu?

Bạn bè vẫn bảo sao lúc nào cũng đi uống cà phê một mình? Bạn bè vẫn quở cái dáng ngồi trên vệ đường bên ly cà phê và nhìn sang nhà thờ Đức Bà sao mà cô độc thế! Tôi chẳng hiếm những lần cà phê với đám bạn, nhưng nhiều hơn vẫn là đi cà phê một mình. Vậy mà… chưa bao giờ ngồi một mình. Tôi ngồi với ký ức. Khi bước vào quán cà phê quen, ngồi xuống cái bàn xưa cũ và gọi thứ thức uống người vẫn thường gọi, tôi thấy mọi thứ vẹn nguyên dù người chẳng ở đây nữa. Rồi như thể đang hẹn hò nhau trong cùng một không gian ở những khung thời gian khác nhau. Người đang ngồi trước mặt tôi, mờ nhạt như ảo ảnh, chân thật như một giấc mơ, ta trò chuyện bằng nỗi nhớ. 

Ngày nào tôi còn uống cà phê, nỗi nhớ còn đủ nhiều để vươn mãi vào thìa.  


Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

"Bài ca ngất ngưởng" - Nguyễn Công Trứ

a.     Ngất ngưởng tại triều (6 câu thơ đầu)
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
(Trong vòng trời đất không có việc gì không phải là việc của mình
Ta Hi Văn chấp nhận ghánh vác trách nhiệm của kẻ nam nhi)
Hai câu thơ như một tuyên ngôn về chí làm trai đầy kiêu hãnh, giống như trước đó Nguyễn Công Trứ  đã từng viết:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai nam bắc tây đông
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Hay
Đã làm trai ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
-         Tiếp nối truyền thống Nho gia
-         Có những điểm khác biệt: tư thế ngạo nghễ,ngang tàng của ông. Không những không phải chỉ là xây dựng sự nghiệp mà sự nghiệp ấy còn phải lẫy lừng, chỉ tang bồng phải rộng khắp bốn phương.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc Bình Tây cờ đại tướng
Có khi về Phủ Doãn Thừa Thiên
Chí làm trai của Nguyễn Công Trứ đã được minh chứng bằng cuộc đời của ông – cuộc đời của một vị quan lẫy lừng trong triều đình, với nhiều công trạng rạng rỡ mà cũng nhiều lần thăng giám lên xuống. Nhắc lại những chức vụ không phải để ông khoe mẽ mà là để khẳng định cốt cách, lối sống ngất ngưởng của mình. Những câu thơ không dấu nổi niềm tự hào, kiêu hãnh của một nhân cách, một con người phóng khoáng đầy tự tin, đã trở thành một “tay ngất ngưởng” trong triều. Làm quan với ông đâu phải là để có danh có tước, có hậu lộc triều đình ban mà để thỏa chí tang bồng, chí làm trai muốn “phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”, muốn chứng tỏ bản thân mình, muốn sống “ngất ngưởng”, có tài và cần được khẳng định tài năng.
Trời đất cho ta một  cái tài
Giắt lưng dùng để tháng ngày chơi
 Đó chính là điều đáng trọng ở Nguyễn Công Trứ.
b.          Ngất ngưởng khi về ở ẩn
Thỏa chí làm trai ở nơi triều đình, Nguyễn Công Trứ treo ấn từ quan để thỏa chí làm trai vẫy vùng cuộc sống dân gian đầy màu sắc:
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Người đời cưỡi ngựa rời xa chốn quna trường, Nguyễn Công Trứ lại “chơi trội” cưỡi bò đeo nhạc ngựa đầy “ngất ngưởng”. Cá tính ngang tàng, khác người của Nguyễn Công Trứ chính là ở chỗ đó.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Nguyễn Công Trứ cũng như bao nhà nho khác chọn lối sống thanh cao, “gạn đục khơi trong” , ông dựng nhà ở nơi núi non hữu tình, thanh sạch.
Nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn độc đáo hơn người: ở ẩn, từ quan nhưng vẫn mang theo cung kiếm, hình thức bên ngoài vừa có dũng khí của võ tướng vừa có sự ung dung tự tại, từ bi của một nhà sư.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Nhưng như thế chưa đủ, nhà nho ở ẩn phong thái của một nhà tu hành vẫn chưa thể nào thoát tục, đi theo sau vẫn phải có các cô hầu. Nguyễn Công Trứ ngỡ như Bụt cũng không thể nhịn cười trước hành động khác lạ của ông ngất ngưởng. Câu  thơ làm ta nhớ đến giai thoại về Nguyễn Công Trứ, 73 tuổi lấy vợ, trả lời cô dâu khi nàng hỏi tuổi:
Năm mươi năm trước anh hai ba
(Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam)
Ngất ngưởng trong tướng mạo, hình dung trong lối sống phong lưu, đa tình, Nguyễn Công Trứ còn “ngất ngưởng” trong quan niệm về được, mất ở đời
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Ông cũng giống như ông lão trong câu chuyện cổ, trong được có mất, trong mất có được, phúc họa đi liền nhau không tách rời. Khen hay chê, tán dương hay phản đối cũng là chuyện của thiên hạ, ta vẫn giữ cốt cách của ta như ngọn gió xuân phóng túng.
c.            Tuyên ngôn của nhà thơ
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không Tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho trọn đạo sơ chung
Nguyễn Công Trứ tự mình xây dựng nên một lối sống riêng không trộn lẫn với bất kì một ai. Ông không theo Phật, cũng không theo đạo Lão mà theo lí tưởng, quan niệm sống của riêng mình. Vừa phong lưu, đa tình, phóng khoáng vừa tự tin, ngạo nghễ, ngang tàng vừa trong sạch, thanh cao. Ông tự nâng  mình chẳng khác gì danh tướng thời xưa như: Trái Nhạc, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật đã làm trọn đạo nghĩa vua tôi. Về ở ẩn không có nghĩa là không phục vụ đất nước, ông vẫn ra sức góp công cho dân, cho triều đình. Ngất ngưởng không có nghĩa là rời xa cuộc đời, mà đó chỉ là một thái độ sống, một cốt cách, một lối sống muốn nâng mình lên khỏi vòng ô trọc, làm theo cá tính, ý nguyện của riêng mình. Chính vì vậy mà Nguyễn Công Trứ không giống như những nhà nho về ở ẩn là lánh xa bụi trần, chỉ giữ cốt cách thanh sạch của riêng mình.
Trong triều ai ngất ngưởng như ông

Câu thơ là sự ý thức sâu sắc về giá trị cá nhân về sự khẳng định cá tính, nó vang lên đầy kiêu hãnh, tự  tin. Con người sau một hành trình dài, chiêm nghiệm lại cuộc đời mình tự có thể mỉm cười về nhân cách, cuộc đời mình. Lối sống của ông đặt giữa xã hội phong kiến lúc bấy giờ thật đãng trân trọng. Con người ý thức được tài năng của mình, dám thể hiên tài năng ấy, mang theo mình chí tang bồng vượt mọi khuôn khổ, mọi được mất, khen chê ở đời. Con người tự đề ra cho mình nếp sống, lề lối riêng phóng khoáng đa tình mà thanh sạch, cao thượng, luôn gắn bó với cuộc đời. Thái độ sống ấy, cốt cách ấy được thu trọn trong hai tiếng “ngất ngưởng”!

Kể về người thân trong gia đình

Tôi còn nhớ ngày bé, cô giáo hay ra đề tập làm văn: "Hãy viết về một thành viên mà em yêu quý trong gia đình". Tôi, một con bé 10 tuổi, nằm bệt ra bàn, còng lưng, hí hoáy viết. Bao giờ tôi cũng sẽ viết về mẹ (các bài văn mẫu mà tôi đọc đều là về mẹ cả): "Mẹ em da trắng ngần, mắt bồ câu lấp lánh. Tóc mẹ dài, đen nhanh nhánh. Em yêu nhất là đôi bàn tay búp măng của mẹ. Tay mẹ mịn màng hay xoa xoa má em mỗi lúc em ngoan...”.

Tôi nhớ tôi thường được điểm cao ngất ngưởng, những bài văn của tôi cô còn xin giữ lại để làm mẫu cho lớp sau. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về độ "hoàn hảo" của những tác phẩm đầu tay của mình.

Năm nay, tôi 24 tuổi. Thật buồn cười là tự nhiên tôi muốn viết lại cái đề tập làm văn ngày ấy. Xem thời gian có làm cho bài văn "điểm A" của tôi bớt "hoàn hảo" đi nhiều không.

Nhưng tôi sẽ bắt đầu với bố tôi. Vì hồi 10 tuổi, tôi chẳng biết viết gì về bố cả. Chả nhẽ lại khoe: "Mọi người bảo em giống bố, giống từ cái mũi tẹt lét trở đi đến nước da đen sì sì trở lại. Em sợ nhất là mỗi khi bố thơm lên má em, vì râu của bố rất cứng. Em cũng sợ bố vì nhiều điều khác nữa. Bằng chứng là, bình thường trông bố hiền vậy thôi chứ lúc bố cáu, bố hét to lắm làm em giật cả mình"? 

Tôi nhớ, một lần cả lớp phải giới thiệu về nghề nghiệp của bố mẹ, bạn nào cũng hồ hởi khoe: "Bố em làm bác sĩ, bố em làm giáo viên, bố em làm giám đốc công ty này công ty kia..." Oa, tôi thấy những ông bố ấy mới "oách" làm sao, còn bố tôi? 

Suốt ngày thấy bố lọ mọ với dầu nhớt và đống máy cày, máy kéo. Tôi chuẩn bị mấy ngày liền, nghĩ nát óc mà vẫn không biết phải "khoe" về bố như thế nào. Cuối cùng, mẹ cũng giúp cho, mẹ bảo: "Bố là kỹ sư cơ khí". Tôi như gỡ đi được một cục đá to chảng trong lòng...

Bây giờ tôi sẽ không buồn thiu khi viết: "Kỹ sư bố phải về hưu sớm và ra Bắc vào Nam trên những chiếc xe tải cũ kỹ. Sau khi nghỉ việc, bố buôn bán phụ tùng máy kéo để nuôi chúng em ăn học".

Từ những giọt mồ hôi của bố, chúng tôi đã lớn lên. Chưa bao giờ bố để cho chúng tôi chậm tiền học phí, chưa bao giờ bố bắt các con chỉ thi đại học ở Cần Thơ để đỡ tiền trọ xa nhà. Chưa bao giờ bố để cho chúng tôi thua bè kém bạn.

Ra Hà Nội, bố bắt tôi đi tàu cho đỡ mệt còn bố vẫn cặm cụi xe khách, xe đò. Tôi chạy xe tay ga, tôi diện quần áo đẹp, bố vẫn cọc cạch chiếc xe 50 cà tàng không chịu thay... Tôi nghĩ, tôi đã đủ lớn khôn để có thể viết một bài văn đầy tự hào: Bố là bố tôi.

Tôi cũng sẽ viết về mẹ, bởi mẹ là cả tuổi thơ của tôi. Mẹ là bố - răn đe, la mắng tôi những lúc bố xa nhà. Mẹ là mẹ - khâu vá từng tấm áo manh quần cho tôi đến lớp. Da mẹ không trắng ngần như tuyết, mắt mẹ cũng không đen như than, đôi tay mẹ thô ráp. Nhưng mẹ đẹp chính trong sự tảo tần, lo toan, bảo bọc, che chở cho chúng tôi. Tôi nhớ hè nào mẹ cũng ngồi kèm cho chúng tôi học: làm trước những bài toán của năm sau và đọc sách văn học đến khi thuộc làu làu. Đi chợ, mẹ chỉ mang một số tiền ít ỏi theo người vì sợ mua những thứ "linh tinh không cần thiết".

Tôi nhớ có lần chị ốm trong bệnh viện, mẹ đi chăm bị ngất xỉu... mới biết là mẹ bị bệnh tim. Lần đó, bố chưa kịp về, anh ở xa, còn tôi đi du học. Nhà neo người nên cũng lại mẹ một tay gắng gượng lo cho chị tôi. Sinh nhật mẹ, định rủ mẹ ra ngoài ăn cơm, uống trà hoa thì mẹ nằng nặc đòi... ăn chè cho đỡ tốn kém. Không lo được đám cưới đàng hoàng cho anh, mẹ tủi thân khóc tấm tức...

Nhiều lúc, thấy giận mẹ - hay lo nghĩ những chuyện tận đẩu tận đâu - nhưng tôi biết, mẹ là người yêu chúng tôi nhất trên thế giới này. Mẹ như cái cây, dồn hết tình thương và nhựa sống cho chúng tôi. Tôi ước gì lúc nào tôi có thể viết những bài văn về mẹ của tôi chứ không phải là một hình mẫu "điểm A" xa xôi nào đó...

Tôi muốn viết về bà tôi, dù ngày bé nhà tôi ở rất rất xa bà, và tôi chỉ mới được gần gũi bà mấy năm gần đây... Dù bà đã hơn 80 tuổi rồi, và đã "lầm cà lẩm cẩm" như người ta nói. Tôi thương bà quá những lúc bà lọ mọ đi hái rau muống ngoài ao, hay trẩy bưởi cho tôi ăn. Có bó rau má bằng nắm tay, bà cũng dúi cho mẹ tôi: "Mang lên mà xay cho chúng nó uống cho mát". Mỗi lần về quê, bà lại gói ghém tất tần tật "gia tài" của bà cho chúng tôi: khi thì là cuộn chỉ thêu màu xanh đỏ, khi là hai quả ớt chín, khi thì mấy quả cà chua...

Tôi thương bà quá, những lúc bà nói chuyện lầu bầu một mình, những buổi sáng sớm bà còng lưng ở một góc chợ... bán mớ rau hái được trên đồng. Tôi thương bà tóc bạc da mồi rồi vẫn giữ nếp sống lo toan hôm sớm của những ngày xưa... Tôi thương bà lúc bà lọ mọ nhóm bếp rơm, vì bà không biết dùng cái bếp ga "hiện đại" của ông mua về.

Tôi thương bà hay cằn nhằn bố vì ăn ít cơm, và giành ngồi đầu nồi để xới cho bố "hai xìa một bát" vì "bố mày không chịu ăn đến bát thứ hai cho đâu". Tôi thương bà những lúc bà tẩn mẩn bổ xoài cho tôi ăn, nhìn tôi nhăn mặt vì chua, bà cười móm mém. Tôi mong mình đủ yêu thương để cảm nhận hết những chăm lo của bà cho chúng tôi... Dù tuổi già đã làm bà quên trước quên sau, dù bà hay cư xử như "trẻ con" như lời các cô và ông hay chọc... Tôi mong tôi có thể sống hết mình vì con, vì cháu được như bà tôi.

Tôi sẽ viết về cô tôi. Ngày còn bé tôi nhớ mang máng tôi thương cô nhất. Vì cô hay dong tôi trên chiếc xe đạp đi học, và mua cho tôi chiếc vòng cổ trong veo, lấp lánh. Lần nào các cháu về, cô cũng lo từ miếng ăn, giấc ngủ. Lọc cọc đạp xe ra đồng bắt ngan về thổi cơm, bỏ cả buổi gặt để đỡ đần việc nhà...

Trưa trà trưa trật, cô mới tất tả dọn cơm cho hai đứa nhóc ở nhà: bữa cơm đạm bạc chỉ ruốc và bát canh rau luộc. Chưa bao giờ tôi thấy cô than phiền, trách móc điều gì. Chưa bao giờ thấy cô không chu toàn mọi việc cho ông bà và các cháu. Tôi mong tôi có thể trở thành một người phụ nữ nhân từ, hiền hậu, và giàu đức hy sinh như cô.


Có nhiều điều mà tôi - mười - tuổi có lẽ sẽ không bao giờ nhận ra trong bài tập làm văn của mình. Không biết, hai - mươi - bốn năm sau nữa, tôi có viết thêm nhiều điều khác về gia đình của mình không. Nhưng tôi mong tôi lúc nào cũng đủ yêu thương để hiểu rằng... tôi còn mải mê kiếm tìm điều gì ở đâu xa, mà quên rằng hạnh phúc đến từ những người rất bình thường sống quanh tôi? 

Tôi mong mình có thể là một người như họ, đem yêu thương cho đi... mà chưa một lần đòi hỏi được nhận về.