Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Sang thu, sự cảm nhận của đất trời và cả đời người


Sang thu, sự cảm nhận của đất trời và cả đời người
                   Nhà thơ Hữu Thỉnh sáng tác bài thơ Sang thu vào khoảng cuối năm 1977, in lần đầu trên báo Văn nghệ, được rất nhiều độc giả ưa thích. Bài thơ cũng được chọn in trong sách giáo khoa, trong chương trình giảng dạy văn học cho học sinh bậc trung học.
                        Bài thơ là sự cảm nhận tinh tế của một hồn thơ tài hoa, trước thời khắc giao mùa của trời đất. Nhà thơ như hòa nhập cả tâm hồn mình vào những câu thơ vừa đằm thắm lại vừa hết sức quyền rũ, mơ màng...
                        Cái thời khắc của mùa thu đất Bắc như vừa lạ vừa quen ấy, lại diễn ra sau hai năm đất nước vừa được hoà bình thống nhất, với biết bao bề bộn và ngổn ngang công việc, nhất là đối với tác giả, một người lính xe tăng, vừa bước ra khỏi lửa đạn chiến tranh. Nghĩa là tác giả đang " từ chiến hào, bước ra thành phố" như tên gọi của tập thơ. Tâm hồn ấy, tâm trạng ấy, tâm thế ấy...mà người thơ " Bỗng nhận ra hương ổi" quả là điều kỳ lạ. Bởi không gắn mình với thôn quê, với những mảnh vườn đến thân thiết, con người rất khó nhận ra cái "hương ổi" hết sức mỏng manh, gượng nhẹ trong làn gió thỏang. Và đó chỉ có thể là loại "ổi sẻ" như người miền Nam vẫn gọi. Một thứ ổi cây mọc cao, quả tròn, khi chín có màu vàng hươm, ruột lại đỏ hồng, rất thơm. Còn các loại ổi khác, không có mùi thơm. Và đó cũng là " mùi hương rất đặc trưng" phát cái tín hiệu của thời tiết giao mùa, của cuối hạ, đầu thu.Câu thơ giản dị, nhuốm vẻ thật thà, nhưng không phải ai cũng nhận biết, nhận ra để đưa vào thơ, mà cần phải có một tâm hồn thi nhân, thi sĩ...
Trong cái mơ hồ phảng phất gió thu và lá thu đang ngả màu, nhà thơ đã trèo lên cây ổi chín vàng trong cả một vườn ổi bạt ngàn ở nơi này. Không có gì đặc hơn, sánh hơn cái màu, cái mùi ổi chín vàng nhuốm trong cái nắng vàng của mùa Thu. Không gian cao vút, sâu thăm, yên tĩnh. Bài thơ bật lên từ đó, ngay khi nhà thơ còn ngồi trên cây ổi, những vần thơ được “được làm trong đầu” chứ chưa đụng chạm gì đến giấy bút. “Bài thơ hình thành rất nhanh và chính tôi cũng lấy rất làm tâm đắc nên thuộc lòng rồi “nhâm nhi” đọc suốt buổi không chán...”. Nhà thơ đã đến với mùa thu theo cách riêng của mình bằng hương ổi chứ ko phải từ bầu trời xanh ngắt, lá rụng hay hương cốm Vòng. ... Bởi như nhà thơ đã lí giải, trong khoảnh khắc gia mùa kì lạ chỉ có hương ổi mới đủ sức lay động tâm hồn nhà thơ, nó giống như mùi bờ bãi, mùi con trẻ... Hương ổi tự nó xộc thẳng vào những miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta. Mùi hương đơn sơ ấy lại trở thành quý giá vì nó đã trở thành chiếc chìa khóa vàng mở thẳng vào tâm hồn mỗi người, có khi là cả một thế hệ...”.
Làn hương ấy lại được " Phả vào trong gió se". Vâng " gió se", là chút se sắt, chút mơn man lạnh, để lại một cảm giác rùng mình nhẹ. Cái cảm giác ấy, rất hiếm hoi, và rất khó gặp ở đất phương Nam hai mùa mưa, nắng. Nhưng nó lại rất "cụ thể" bởi "sương chùng chình qua ngõ". Chùng chình, một từ láy khá độc đáo, và cũng ít người sử dụng. Bởi trong sách giáo khoa (SGK) dạy cho học trò chú thích là : "cố ý chậm lại", hoá ra " sương qua ngõ cố ý làm chậm lại" sao? Sương có thể là như khói tỏa, quyện mờ ngõ quê. Cũng có thể như đậm đặc, toả kín ngõ, gây cái se lạnh. Ở đây, cái màn sương phủ dày ấy, cứ lừ đừ trước ngõ, mặc kệ cơn gió, sương giữ cái lạnh ngọt ngào, cả cái hương ổi chín. Và đó là tín hiệu để nhà thơ buông câu thơ hỏi mà như không hỏi, không chắc chắn mà như rất chắn chắn : " Hình như thu đã về". "Đã về" khác với "mới về", điều đó chỉ có ở sự "khẳng định", không còn "mơ hồ" bàn cãi.
                          " Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vả/ Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu.".
                            Lại với từ láy " dềnh dàng" mà SGK giải thích là " chậm chạp, thong thả". Như vậy, " Sông được lúc dềnh dàng", phải chăng là sông chậm lại ? Hoặc sông thong thả? " Dềnh dàng" còn hàm nghĩa "đầy", " dâng lên, tràn lên". Bởi sau những cơn mưa lớn của mùa hạ ( Mà ở câu thơ thứ 10 tác giả viết "Đã vơi dần cơn mưa"), sông như đã được "no, đầy" nước. Ai có nhìn thấy cảnh, dòng sông cạn nước trong mùa khô, trơ cả đáy sông, mới cảm hết cái nghĩa khi sông "được lúc dềnh dàng" khá "đắc địa" này.
                              Tiếp tục là hình ảnh " Chim bắt đầu vội vã" , dường như hình ảnh "con chim" ở đây, chẳng liên quan gì với câu thơ trên, và cũng chẳng ăn nhập gì với hai câu thơ tiếp theo rất hay, và rất ấn tượng : " Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu". " Chim bắt đầu vội vã", " Bắt đầu vội vã" để làm gì? Để tìm ăn những quả chín ngọt ngào, quyến rũ đầu thu? Hay bắt đầu cho một mùa sinh sôi, làm tổ mới. Hoặc vội vã cho một cuộc di trú về phương Nam, tránh cái rét lạnh của miền Bắc đã bắt đầu. Tất cả chỉ là những liên tưởng trong cuộc đời thật. Là sự bịn rịn, lưu luyến khi phải chia tay. Đó là "Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu". Mây mùa hạ. Mây thì ai cũng thấy và cũng biết . Nhưng " mây mùa hạ" thì chỉ có thi nhân mới " nhìn thấy và cảm thấy". Câu thơ thật hay, thật khéo, và cũng thật tài hoa nhờ động từ " Vắt", "vắt nửa mình sang thu". Có cái gì đó vừa thật gấp gáp, lại vừa gượng nhẹ, vừa lưu luyến giữa hạ và thu. Giữa cái thời khắc giao mùa thật " chùng chình, dềnh dàng" nhưng cũng " bắt đầu vội vã" kia.
Mây mùa Hạ thường chứa nhiều màu sắc, thậm chí đầy giông bão tựa hồ những ước mơ khao khát của tuổi trẻ. Những ước mơ khao khát ấy thường lấy đi rất nhiều sức lực của tuổi trẻ. Tuy nhiên giữa mơ và thực là hai thế giới luôn đối lập nhau và chẳng phải ước mơ nào cũng trở thành hiện thực. Ðó giống như là một chân lý và con người phải biết ý thức được một điều rằng không thể đạt được hết những ước vọng tốt đẹp của mình, nhất là những ước vọng đó lại được sinh ra ở thời tuổi trẻ. Sự dang dở, sự mất mát là một hiện thực chúng ta buộc phải chấp nhận trong cuộc sống của mình. Ngay cả người lính cũng vậy. Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại ở tuổi còn rất trẻ ở ngưỡng mùa đẹp nhất của cuộc đời. Vì thế nên đám mây trong thơ ấy chỉ “vắt nửa mình sang Thu” thôi. Nửa còn lại đã trở thành ký ức”.
                               Khổ cuối của bài thơ là sự chiêm nghiệm của đất trời, của thiên nhiên và của cả đời người : "Vẫn còn bao nhiêu nắng/ Đã vơi dần cơn mưa/ Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi". "Nắng, mưa" là hai thái cực của thời tiết, của đất trời. "Còn nắng" thì " vơi mưa", ấy là qui luật, là lẽ tự nhiên, làm nên sức sống của vạn vật. Làm nên 4 mùa : Xuân-Hạ-Thu-Đông, do vậy, tính ẩn dụ, hàm ngôn của hai câu thơ kết thúc bài thơ như được khắc sâu vào lòng người đọc. Cái "tiếng sấm" ấy, những "kinh động" ấy đã " bớt bất ngờ", chỉ còn râm ran, âm vang của mùa, hay của cuộc đời người, đã đi qua, đã từng trải. Đã biết " trầm tư" hơn như "Hàng cây đứng tuổi".
Đó là cốt cách của một người lính không chỉ là trong một buổi chiều mùa Thu mà là một buổi chiều hòa bình. Có thể nó có vẻ ngang tàng “sấm cũng bớt bất ngờ” nhưng lại mang một vẻ đẹp dịu dàng, sâu lắng của mùa thu hòa bình. Ở đây hàng cây đứng tuổi chính là chủ thể trữ tình trong bài thơ đã trải qua bao nhiêu gian nan vất vả, giờ đã vươn lên và không gì làm chúng run rẩy.
                                Mượn những hình ảnh "Sang thu" giàu sự gợi cảm và tinh tế, để chiêm nghiệm một lẽ đời khi vừa đi qua chiến tranh, khi đã "đứng tuổi", từng trải. Tôi nghĩ nhà thơ Hữu Thỉnh còn muốn nhắn gửi những sâu xa huyền nhiệm của đất trời của đời người qua những câu thơ thật tài hoa của ông. 
Trần Hoàng Vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét