Trên thế giới hiện nay, trung bình mỗi giờ có khoảng 3 tỷ người truy cập
Internet và một nửa trong số đó là dành cho trò chơi điện tử. Phải chăng đó là
những con số biết nói?
Trong những thập kỉ gần đây, có rất
nhiều người sử dụng Internet như một công cụ để giải trí, thư giãn đặc biệt là
thế hệ thanh thiếu niên. Trong giờ học không khó để bắt gặp hình ảnh những cô cậu
học trò với ánh mắt “cảnh giác”, tay chân “nhanh nhạy” và “khả năng ứng biến
phi thường”. Họ không hề chú ý nghe giảng
mà lén lút cho tay xuống ngăn bàn hay hộp bút để chơi điện tử. Hơn thế nữa nhiều
bạn còn bỏ học suốt ngày ngồi ở quán game. Họ chơi ở quán game, ăn ở quán game
và cũng ngủ luôn ở đó. Cho đến khi hết tiền để chơi họ bắt đầu xin xỏ để có tiền
thâm chí là gây lộn đánh nhau, ăn cắp, ăn trộm. Dần dần với những con người như
thế game không còn chỉ là một sở thích mà đã trớ thành một thói quen, một căn bệnh
khó chữa – bệnh nghiện game.
Vậy nguyên nhân của căn bệnh đó là do đâu? Phải chăng những trò chơi điện
tử có sức lôi cuốn đển kì lạ đối với giới trẻ? Chúng ta có thể thấy trên thị
trường hiện nay, có vô số những trò chơi hết sức đa dạng và phong phú. Từ những
loại game rèn luyện trí thông minh, game nấu ăn cho đến những game hành động
như game bắn súng Half-life, Dota… Tất cả chúng dựng lên một thế giới ảo đầy sống
động hấp dẫn. Thực chất trò chơi tiêu khiển này chỉ dành cho mục đích thư giãn
và giải trí, nó sẽ chỉ gây hại khi con người lạm dụng chúng với mục đích khác.
Những đứa trẻ vì không có ý thức, hiểu biết kém nên đã sa đà vào tệ nạn ấy và mắc
bệnh “nghiện game”. Nhưng đâu chỉ do lỗi của chúng. Căn bệnh đáng sợ ấy suy cho
cùng cũng một phần là do bố mẹ - những người thân thương nhất gây nên. Tôi có một
người bạn, vì bố mẹ mải mê đi kiếm tiền, không quan tâm đến con cái nên cậu suốt
ngày chỉ ngồi lì ở hàng game. Nghiêm trọng hơn là cậu đã từng bỏ học, bỏ nhà
ngày ngày ngồi ở quán điện tử. Bố mẹ cậu khi biết chuyện liền la mắng, chửi bới,
đánh đập cậu. Tôi đã nhiều lần khuyên cậu ấy nhưng cậu ta không nghe và nói rằng
“Thà bỏ đi chơi game còn hơn là quay về căn nhà lạnh lẽo thiếu hơi ấm tình
thương ấy. Ít ra trong thế giới ảo của game, mình còn thấy được cuộc sống thực sự.” Thế mới biết cậu
bạn tôi thật đáng thương! Đó đâu phải là
lỗi lầm của cậu. Bố mẹ là nền tảng, mỗi một người bố, người mẹ phải có trách
nhiệm nuôi nấng dạy dỗ con cái nên người. Đừng chỉ biết đổ lỗi, la măng đánh đập
con. Một sự quan tâm nhỏ nhoi cũng có thể mang một giá trị vô cùng to lớn.
Chơi game tốn tiền và vô cùng lãng phĩ
thời gian. Như cậu bạn tôi vậy. Mỗi ngày cậu chơi khoảng 10 tiếng, mỗi
tiếng mất 2000 đồng. Vậy cứ duy trì tình trạng ấy thì trong vòng một năm cậu bỏ
mất hơn 7 triệu và dành hơn 1/3 thời
gian sống cho game. Và nếu cứ như thế, 1/3 cuộc đời của cậu ấy dành cho game, vậy
cậu ấy sẽ dành thời gian nào cho việc học, quan tâm tới chính bản thân và những
người xung quanh. Sức khỏe của cậu ấy sẽ ra sao? Tương lai của cậu ấy sẽ như thế
nào? Nghiện game đồng nghĩa với việc cậu ấy tự đóng cánh cửa rộng mở vào tương
lai của chính mình.
Thiết nghĩ để thay đổi tình trạng trên mỗi cá nhân trước hết phải có ý thức
vượt qua mọi sự cám dỗ. Không chỉ vậy quan trọng nhất vẫn là yếu tố gia đình. Bố
mẹ không thể chỉ vì kiếm tiền mà bỏ mặc con cái. Nếu trở nên giàu có mà con cái
hư hỏng thì đó chẳng khác gì là thất bại lớn nhất trong cuộc đời. Những đứa trẻ
sẽ hạnh phúc, vui sướng biết mấy khi thấy bố mẹ quan tâm, chăm sóc vỗ về, được
bố mẹ đưa đi chơi, đi xem phim…Và còn gì tuyệt vời hơn khi chúng được tâm sự,
trò chuyện hay nhận những lời khuyên đầy chân thành từ bố mẹ mình.
Trong xã hội bộn bề ngày nay, con người thường hay quên đi những giá trị
thực sự của cuộc sống. Cha mẹ thường lo toan kiếm tiền, con cái thì bỏ bê học
hành, sa đọa vào những tệ nạn xã hội điển hình là trò chơi điện tử. Tại sao chúng ta không
chung tay để làm thay đổi điều đó, cùng hành động để xã hội của chúng ta hướng
tới một tương lai tốt đẹp hơn. Biết đâu những mảng đời, những số phận con người
bất hạnh có thể trở nên hạnh phúc hơn, nụ cười rạng ngời có
thể luôn tươi tắn trên môi. Vui hay buồn đều phụ thuộc vào hành động của
chúng ta ở hiện tại.
Trần Ngọc Anh
Trường THCS Giảng Võ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét