PHẦN DẪN NHẬP
Chế Lan Viên bước lên
thi đàn với “Điêu tàn” như hình ảnh một tháp Chàm u huyền ngả
bóng xuống cánh đồng thơ Bình Định gây ra bao niềm kinh dị.
Nhà thơ khi ấy mới chỉ là một chàng thanh niên 16, 17 tuổi nhưng đã dựng lên
trong “siêu phẩm” của mình một không gian hoang tưởng, kì dị, bí mật với đầu
lâu, xương sọ, ma quỷ, hư vô... Không gian nghệ thuật ấy trong “Điêu tàn” không chỉ đơn thuần mang ý
nghĩa tự thân mà nó còn chính là thế giới nghệ thuật thơ để từ đó là chiếc chìa
khóa giúp ta tìm hiểu tư duy thơ của ông – tư duy thơ siêu thực.
Đã
có không ít những tác giả quan tâm tới “Điêu
tàn”, tới không gian nghệ thuật nhưng đa phần mới chỉ dừng lại ở những nhận
xét chung chung, mà chưa đi vào tìm hiểu những dạng thức biểu hiện, cắt nghĩa
lí do để chỉ ra tư duy thơ siêu thực trong thơ ông. Bởi tập thơ nằm trong trường
thơ Loạn nói chung nên nó có chung dòng chảy với “Tinh huyết” của Bích Khê, “Thơ
điên” của Hàn Mặc Tử và nó sẽ khơi nguồn cho những cách tân thơ của Dạ Đài,
Sáng tạo sau này để tạo nên những “Mê hồn ca” đặc sắc. Niên luận “Không gian nghệ thuật trong “Điêu tàn” của
Chế Lan Viên” với cấu trúc hai chương sẽ cố gắng giải quyết những vấn đề
nêu trên.
Chương
1: Cơ sở hình thành không gian nghệ thuật trong “Điêu tàn” của Chế Lan Viên
1.
Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn
học
2. Cơ sở hình thành không gian nghệ thuật
trong “Điêu tàn” của Chế Lan Viên
2.1.
Quan niệm, tư duy thơ
2.2. Ảnh hưởng từ những cách tân
đương thời
2.3. Ảnh hưởng từ thơ tượng trưng –
siêu thực của Pháp
Chương 2: Các dạng thức
của không gian nghệ thuật trong “Điêu tàn”
của Chế Lan Viên
1.
Không gian hiện thực trần thế đầy ánh
sáng
2.
Không gian của cõi âm và bóng tối
2.1.
Máu xương
2.2.
Hồn
2.3.
Mộ
2.4.
Bóng tối
3.
Không gian của vũ trụ rộng lớn, mộng ảo
3.1.
Trăng - sao
3.2.
Bầu trời
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: Cơ sở hình thành không
gian nghệ thuật trong “Điêu tàn” của Chế Lan Viên
1.
Không
gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học
Theo từ điển Thuật
ngữ văn học, không gian nghệ thuật trong một tác phẩm văn học chính là “hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật
thể hiện tính chỉnh thể của nó” , nó “xuất
phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong một trường nhìn nhất định, qua đó thế giới
nghệ thuật cụ thể, cảm tính của nó bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó...Không
gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về không gian nên mang tính chủ quan...Không
gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học, các
ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ
của tác giả hay của một giai đoạn văn học”.
Như vậy không
gian nghệ thuật có thể coi như là “một
quan niệm nghệ thuật”, một “hiện tượng
tâm linh nội cảm” (Trần Đình Sử). Và nếu như điêu khắc tạo không gian bằng
hình khối, kiến trúc tạo không gian bằng cách bố trí sắp xếp, hội họa tạo bằng
màu sắc đường nét, âm nhạc tạo bằng thanh âm, giai điệu thì văn học lại tạo
không gian bằng ngôn ngữ. Nhờ đó mà không gian nghệ thuật trong các tác phẩm có
thể vượt mọi giới hạn, nó có khả năng đi tới bề sâu không cùng đặc biệt là chiều
tâm thức, nội cảm. Nó giống như một “màn
sương mù” để tác giả tự “cắt nghĩa, mổ
xẻ, phân tích đối thoại với chính mình và với thế giới” (Milan Kudera).
Khám phá không gian nghệ thuật không chỉ để thấy được những chiều không gian, cấu
trúc trong một tác phẩm, mà qua đó ta nhìn thấy được quan niệm tư duy nghệ thuật
của người nghệ sĩ, các họ nghĩ, họ cảm nhận về thế giới.
2.
Những
cơ sở hình thành không gian nghệ thuật trong “Điêu tàn” của Chế Lan Viên”
2.1.
Quan
niệm thơ
Trong bài Tựa tập thơ ''Điêu
tàn'' (1937), Chế Lan Viên viết: “Hàn
mặc Tử viết: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ
không phải là Người. Nó là Người mơ, Người say, Người điên. Nó là Tiên, là Ma,
là Quỷ, là Tinh, là Yêu, Nó thoát Hiện Tại. Nó xáo trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm
Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những câu vô nghĩa, tuy rằng
những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói. Nó gào, nó thét,
nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu,
nó khóc trào nước mắt, nó cười tràn cả tuỷ là tuỷ. Thế mà có người tự cho là
hiểu được nó, rồi đem nó so sánh với Người, và chê nó là giả dối với Người. Với
nó, cái gì nó nói đều có cả...”. Đây là một quan
niệm rất khác với Thơ Mới lúc đó, có thể coi như là một sự tuyên chiến với quan
niệm cũ. Nói như Vũ Tuấn
Anh: “Thơ không còn là sự diễn tả xúc cảm
của con người; cái hiện có của
hiện tại biến mất nhường chỗ cho cái
hỗn mang của quá khứ và cái
vô định của tương lai, làm thơ là thả hồn lạc vào mê lộ của cái phi
thường, cái dị thường. Và nhất là giọng điệu, nó không nói bằng giọng nói quen
thuộc của con người mà là những tiếng khóc than, gào rú...”
Xuất phát từ quan niệm
ấy mà thi sĩ đã tạo nên một không gian hoàn toàn khác lạ với Thơ Mới trước đó,
không phải là vườn tình ái, bướm hoa mộng mơ,... mà là cõi siêu hình ngập ngụa
những máu, đôi khi quay cuồng trong vũ điệu của thần chết, phả ra mùi tanh nồng
của thịt rã, xương tan, đôi khi lại đi trong trời mơ, ngủ cùng trăng sao...
Quan niệm thơ ấy cùng với những ảnh hưởng những dấu ấn từ thời niên thiếu về
dân tộc Chàm đã giúp nhà thơ họ Chế sáng tạo nên một không gian kì dị, ma quái
đầy bí ẩn và cũng chỉ không gian ấy mới đủ sức thu nhận thi nhân, đưa ông về
tới tận cùng của bến bờ siêu thực.
2.2.
Ảnh
hưởng từ những phong trào cách tân đương thời
Trong những năm
này văn học có sự chuyển dịch trung tâm văn học từ Nam ra Bắc và một trong những
quãng đường mà nó phải đi qua không thể không kể tới vùng đất Bình Định, nơi
nuôi dưỡng biết bao tên tuổi trong làng thơ Việt Nam. Và đó cũng là cái nôi của
một trường phái thơ với những quan niệm tư duy thơ khác lạ.
Chế Lan Viên là
một trong “tứ trụ” của nhóm thơ Bình Định hay còn gọi là Trường Thơ Loạn bao gồm
Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Bích Khê và Chế Lan Viên (Quách Tấn chỉ ủng hộ chứ không
sáng tác). Từ
đó mà trường thơ Loạn thực hiện cuộc hành trình đi từ âm vang Đường thi đến thung lũng đau thương, tràn bờ sang
cả những bóng ma Hời trên tháp Chàm u uẩn, rồi chọn cho mình điểm dừng ở cuộc
duy tân của Bích Khê. Và Chế Lan Viên không thể không thể không chịu những ảnh
hưởng từ những cách tân từ nhóm thơ này,
và ông cùng với những người bạn thơ của ông đã thực sự tạo nên một sự đột phá
mới, phát triển Thơ Mới lúc bấy giờ đi theo một hướng mới bắt nhịp với xu thế
chung của thơ ca thế giới đặc biệt là những ảnh hưởng thơ Pháp. Nhóm đã tự chọn
cho mình một con đường đi riêng không phải là chân quê hướng về dân gian như
Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân..., không phải chỉ dừng lại ở tượng trưng
lãng mạn như Xuân Diệu mà nhóm thơ Loạn đã đẩy thơ ca đi vào địa hạt của tượng
trưng siêu thực, huyền ảo. Khi viết “Điêu
tàn” Chế Lan Viên đã lấy lại lời của Hàn Mặc Tử làm lời tựa, ông đã khẳng
định vai trò và sứ mệnh của người nghệ sĩ là làm một sự phi thường, có khi điên
loạn, khi là thần tiên khi là quỷ dữ... Trong lời tựa “Đau thương” (Thơ điên) của Hàn Mặc Tử : “Tôi
làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn
ánh sáng...Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi phản bội
lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và
cũng có nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật
ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi!...''.
Và sau này Bích Khê xuất hiện đã đưa trường thơ Loạn tiến thêm một bước vững
chắc, ông được coi là “người công dân trung thành của vương quốc”,
và những câu thơ trong “Duy tân” được
coi như là tuyên ngôn sáng tạo của ông :
Ta
nhịp nhàng ý nhị nhịp theo Ta
Lời nối
lời bố thí lộc tinh hoa
Của âm
điệu, mơ màng run lẩy bẩy,
Một hỗn hợp đẹp xô bồ say dậy
Bằng cảm
tình, bằng hình ảnh yêu thương
Và mới
mẻ - trên viễn cổ Đông phương!
(Ai có nghe sức tiềm tàng bí mật?)
Thơ lõa
thể! Giai nhân tuần trăng mật,
Nữ thần
ơi! Ta nô lệ bên người!...
Những câu thơ cứ đánh đu
giữa thực và ảo, giữa thực và mộng, giữa cõi âm và cõi dương, giữa đau thương
và khát vọng... làm nên những cái tôi “nhị
nguyên”, tự phân tích cái tôi bản thể của mình. Chế Lan Viên cũng như Hàn
Mặc Tử, Bích Khê đã không chọn con đường của lãng mạn bởi nó đã chứng tỏ sự cạn
kiệt, bất lực của thi nhân, không thể là phương thức để họ cắt nghĩa thế giới.
Và Chế Lan Viên với tư cách một thành viên trong nhóm đã đưa thơ ca mình theo
hướng sáng tác ấy.
Cùng
theo con đường đó với trường thơ Loạn không thể không kể đến nhóm Dạ
đài gồm
có Đinh Hùng, Trần Dần, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu, Nguyễn Văn Tậu. Dạ
đài ra được số 1 (16. 11. 1946). Tất cả đều nhận mình là thi sĩ theo
trường phái tượng trưng, nhưng họ đã có ý thức vượt lên trên quan niệm sẵn có
để làm một cuộc tiếp biến, đưa nhóm mình theo một hướng riêng, trước nhất, là ở
cấp độ lý thuyết. Họ đã cố gắng đưa thơ trở về với nguyên thể của nó, và người
nghệ sĩ là của thực của mộng của hồn và xác: “Chúng tôi muốn những cảm giác thâm u mà chúng ta mới chỉ có những thi
sĩ của lòng. Đã đến lúc chúng ta đợi những thi sĩ của linh hồn, những thi sĩ
của cái tâm thầm kín”. Họ đã đưa thơ ca tới bến bờ của U Huyền : “chúng tôi sẽ nói thay cho tiếng nói những
loài ma. Chúng tôi sẽ khóc lên cho những nỗi oán hờn chưa giải. Chúng tôi sẽ
bắt hiện lên những đường lối U Minh. Chúng tôi sẽ kể lại những cuộc viễn du
trong những thế giới âm thầm sự vật”.
Xuân Thu nhã tập chỉ tồn tại trong vòng mấy năm (1942-1945), và
chỉ gồm mấy tác giả, nhưng lại hội tụ đầy đủ cả “đại gia đình” nghệ thuật: Thơ
ca, âm nhạc, hội họa. Số lượng sáng tác cũng rất “khiêm tốn” nhưng lại rất đa
dạng về thể loại: thơ, văn xuôi, tiểu luận. Mục đích sáng tác cũng khá độc đáo
”Dưới bóngXuân Thu sẽ thực hiện: TRÍ THỨC - ĐẠO ĐỨC - SÁNG
TẠO.
Xuân Thu ra đời khi Thơ
Mới đã rơi vào bế tắc, khủng hoảng. Cái tôi - mảnh đất linh diệu của Thơ
mới đã được đào sâu đến tận cùng, và lúc này, đã mất hết sức sống. Trong xu thế
đó, nhóm Xuân Thu đã
trăn trở và tìm một hướng đi mới cho thơ ca dân tộc: “Tìm con đường thực, nối liền nguồn gốc xưa với ước vọng nay. Gọi về
những tính cách riêng của ta, để có thể xuôi chảy trong cái dòng sống thực của
ta, không quanh co, lúng túng vì những ảnh hưởng ngoài”. Thơ được Xuân
Thu nhã tập đồng nghĩa với Trong, Đẹp, Thật. Đưa thơ vào phạm trù của
đạo, xem thơ là một thứ cao siêu như tôn giáo,Xuân Thu nhã tập đã rút ra một nguyên lý căn bản (trong mối quan
hệ) giữa thơ ca với vũ trụ: Đạo – Âm + Dương – Sáng tạo – Rung động
– Thơ – Đạo. Họ còn kêu gọi: “Tìm thơ
vĩnh viễn, ta trở về nguồn: TA”. Đặc biệt họ còn cho thấy rõ hướng đi về
phía thơ siêu thực với tuyên ngôn sáng tác: “Trí thức, Sáng tạo, Đạo lý” mà những bài thơ như Buồn xưa, Hồn
ngàn mùa, Bình tàn thu của Nguyễn Xuân Sanh là một ví dụ tiêu biểu:
Lẵng
Xuân
Bờ giũ trái xuân sa
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Tỳ bà sương cũ
đựng rừng xa
Những
cuộc cách tân thơ ca ấy đã có những ảnh hưởng nhất định tới Chế Lan Viên đặc
biệt là Trường thơ Loạn. Nó đã tạo nên một không khí sáng tác mới, một bầu sinh
quyển mới để những sáng tạo thơ ca cất cánh, đưa thơ lên tới một bến bờ xa hơn
là tượng trưng siêu thực.
2.3.
Ảnh hưởng
từ chủ nghĩa tượng trưng
Chủ nghĩa
tượng trưng là một trào lưu nghệ thuật và một quan điểm mỹ học xuấ hiện cuối
thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX. Tháng 9/1886, chủ nghĩa tượng trưng ra đời ở Pháp với bản “Tuyên ngôn tượng trưng” của Jean Moreas
đề xuất một quan niệm thi ca mới nhằm phản ứng lối thơ thiên về chạm trỗ, trau
chuốt ngôn từ của phái Thi sơn (Parmasse) và cách làm thơ quá dễ dãi của trường
phái lãng mạn. Về nguyên tắc mỹ học, nếu như thơ lãng mạn chủ yếu biểu hiện
bằng hình tượng, hình ảnh tương phản thì thơ tượng trưng biểu hiện mối quan hệ
giữa con người và sự vật trong mối tương hợp nói như Einstein đó là “tính toàn thể của thế giới và tính nhất thể
giữa con người và thế giới”. Họ quan niệm thơ là một thứ siêu cảm giác, thơ“trước
hết phải có nhạc tính” do âm nhạc hơn hẳn các nghệ thuật khác trong
việc truyền đạt những sắc thái, những bán âm (Verlaine). Chủ nghĩa tượng trưng
xem thế giới hữu hình chỉ là hình ảnh, là cái bóng, là tượng trưng cho một thế
giới mà ta không nhìn thấy được. Đây mới chính là bản thể của thế giới. Cho
nên, nhà thơ phải đến với cuộc sống bằng trực giác. Mallarmé cũng
nói: “Câu thơ không phải chỉ là một số chữ, mà phải là những ý niệm và chữ
phải tự xoá mờ đi, nhường chỗ cho cảm giác”.Thơ tượng trưng dùng biểu tượng
như là một cấu tạo hình tượng đặc biệt để chống lại lối miêu tả và biểu lộ tình
cảm trực tiếp của chủ nghĩa lãng mạn. Nó đã khai thác triệt để khả năng ám gợi,
tính đa nghĩa của ngôn ngữ để đem đến một thế giới bí ẩn, với những mê lộ huyền
diệu. Chủ nghĩa tượng trưng có mối quan hệ
rất chặt chẽ với trường phái hội họa ấn tượng.
Cùng với đó là sự ra đời
của học thuyết tương đối của Einstein và
thuyết phân tâm học của Frued đã làm cho các nhà thơ có một cách cảm
nhận rất khác về thế giới. Cấu trúc vận động của thế giới không còn là hài hòa
âm dương, đối ngẫu cũng không còn là tuyến tính hợp lí mà nó là phi tuyến tính,
với cấu trúc phân mảng, mảnh ghép. Cứ như thế những nhà thơ tượng trưng đã đưa
thơ ca tới một bến bờ mới tưởng chừng như xa lạ nhưng đó mới chính là bản thể
uyên nguyên, là cái tôi đa diện của con người...
Nhà phê bình Hoài Thanh trong
cuốn Thi nhân Việt Nam coi Xuân Diệu là “Nhà
thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” là xuất phát từ quan điểm xem xét một
cách toàn diện tiến trình của thơ mới trên phương diện một chủ nghĩa (Chủ nghĩa
lãng mạn). Trong thơ Xuân Diệu cũng đã thấp thoáng những yếu tố tượng trưng
nhưng để đưa thơ ca đi tới tận bến bờ của tượng trưng thì phải kể tới trường
thơ Loạn mà trong đó không thể không kể tới “Điêu tàn” của Chế Lan Viên. Phan Cự Đệ đã khẳng định : Chế Lan Viên
cũng như các nhà thơ Loạn“chịu ảnh hưởng trực
tiếp những quan niệm thẩm mĩ của Egar Poe ”, “Và càng về sau họ không chỉ chịu ảnh hưởng từ một mà càng nhiều thi sĩ
Pháp trong đó Baudelaire là đậm nét nhất”. Chế
Lan Viên đã đẩy cái đẹp qua một địa hạt khác, mở rộng nội hàm
cái đẹp để tiệm cận với cái kinh dị, cái ghê rợn , cái xấu và đem những cái ấy
làm thi liệu cho thơ, đẩy thơ đến bờ chủ nghĩa siêu thực. Những biểu tượng: Hồn, máu, sọ người, xương khô, tủy, đám ma… tràn
đầy trong thơ Chế Lan Viên:
Ta sẽ nhịp khớp xương lên đỉnh sọ
Ta sẽ ca những giọng của hồn điên
Để máu cạn, hồn tàn, tim tan vỡ
Để trôi đi tháng ngày nặng ưu phiền
(Điệu nhạc điên cuồng)
Thi
nhân đã từ bỏ một thế giới hiện hữu, tìm về một một thế giới của
đổ nát của huyền diệu, tạo dựng một không gian mới cho tâm tư mà ông đã gọi
bằng “Cõi Ta”, thi nhân không sống bằng thực tại, mà sống bằng nguồn
siêu tưởng...
Như vậy có thể thấy rõ cơ sở hình thành không gian nghệ thuật trong thơ thi sĩ
họ Chế chính là những ảnh hưởng từ quan niệm thơ của chủ nghĩa tượng trưng –
siêu thực Pháp lúc bấy giờ.
Chương 2 : Các dạng thức của không gian nghệ thuật trong “Điêu
tàn” của Chế Lan Viên
1. Không gian hiện thực trần thế đầy ánh sáng
Nghĩ tới
“Điêu tàn” người ta thường nghĩ ngay tới không gian của tha ma, mộ huyệt
của máu trào, xương rơi nhưng bên cạnh đó còn xuất hiện không gian tươi đẹp
tràn đầy sức sống của trần gian với những bài thơ như: Xuân về, Thu, Trưa đơn giản:
Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ
Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô
(Xuân về)
Trưa
lên trời. Và xanh thẳm bầu trời
Bỗng mê ly nhìn thấy trắng mây trôi
Trưa gọi kêu, nâng ngực gió lên trời
Bên vú trái tròn, lá bỗng run môi
(Trưa đơn giản)
Cũng
mới độ nào trong gió lộng
Nến lau bừng sáng núi lau xanh
Bướm vàng nhè nhẹ bay ngang bóng
Những khóm tre cao rũ trước thành
(Thu)
Những câu thơ là sự sống
thiên nhiên, con người được hoàn nguyên trở lại với những hình ảnh của hiện
thực tươi tắn, màu sắc rực rỡ, có lẽ chính vì thế mà Vũ Tuấn Anh coi đây là “những câu thơ vào loại đẹp nhất của Điêu tàn, và của Thơ mới”. Tuy
không gian này xuất hiện không nhiều nhưng nó phải chăng chính là thể hiện sự
gắn bó với cuộc đời của Chế Lan Viên. Cái tôi siêu thực càng đau khổ, chìm
trong đau thương mãnh liệt thì lại càng khát
khao níu đời bấy nhiêu. Cái Tôi ấy luôn mong manh bên bờ vực cuộc đời
trần thế và cõi siêu nhiên. Đó là những đối cực không thể vượt thoát. Như Hàn
Mặc Tử bên cạnh những vần thơ điên ta
vẫn thấy có những vần thơ đầy trong sáng:
Trong làn nắng ửng khói mơ
tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng...
(Mùa xuân chín)
Hay :
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc...
(Đây thôn Vĩ Dạ)
Nhưng
không gian ấy xuất hiện rất ít bởi cái Tôi không thể tìm thấy chỗ đứng trong
hiện thực mà luôn vươn tới một cõi khác, cõi siêu nhiên vĩnh hằng bởi chỉ có
không gian ấy mới đủ sức dung chứa con người thi sĩ.
2. Không gian của cõi âm và bóng tối
Chế Lan Viên cũng thoát
li thực tại tìm tới một cõi trời riêng nhưng ông không phải là nhà thơ của hoa
bướm mộng mơ, của tình trường tha thiết, của cõi Thiên thai...mà là của những
sự phi thường, kinh dị tới rùng rợn. Hiện dần ra trong thơ một cõi Âm, một thế
giới của cô hồn, tiếng thịt người nảy nở, tiếng xương rên trong mộ, tiếng máu
Chàm ri rỉ chảy không thôi...Với thi sĩ, trời đất cũng
mang hình hộp sọ, “tinh cầu - sọ người bay lơ lửng
trong không gian Chế Lan Viên, như một thứ hạt giống thi ca gieo vãi hư vô lên
từng trang giấy”,
nói như Trần Mạnh Hảo thì Chế Lan Viên là một “nhà ma học”.
2.1.
Máu xương
Trong
“Điêu tàn” Chế Lan Viên đã tạo nên một
thế giới của cõi âm và bóng tối với thịt rữa, xương tan, sọ dừa, đầu lâu, máu
chảy,.... Có những hình ảnh được tác giả lặp đi lặp lại trở thành những biểu tượng
nghệ thuật có khả năng ám gợi rất cao. Máu xương được nhà thơ họ Chế sử dụng
trong 60 câu thơ, xuất hiện 63 lần trong 19 bài, đặc biệt có những bài biểu tượng
này xuất hiện với tần số cao như: “Xương
khô” 9 lần, “Máu xương” 8 lần, “Xương vỡ máu trào” 6 lần. Hai hình ảnh
này không tách rời mà thường đi song hành, gắn bó với nhau và chúng tồn tại
trong mối cộng hưởng với những biếu tượng khác (như sọ xuất hiện 14 lần trong 9
bài thơ) tạo nên sức ám gợi cao, ám ảnh tâm trí người đọc. Máu xương gợi về nơi
chiến địa của dân tộc Chàm, về một quá khứ đã lùi vào dĩ vãng:
Nơi, một tối, máu gào
vang chiến địa
Nơi, loa vang ngựa hí,
với đầu rơi
(Chiến
tượng)
Trong gió rét, tiếng
huyết kêu rạo rực
...Ồ
ạt trôi nguồn máu chiến trường xa
(Sông
Linh)
Máu
xương là sự cụ thể hóa sự lụi tàn và diệt vong của cả một thế hệ, một dân tộc,
nó là những nỗi đau của quá khứ:
Máu Chàm cuộn tháng
ngày niềm oán hận
Xương Chàm luôn dào dạt
nỗi căm hờn
Chính
vì thế mà khi nhìn màu hoa đào của mùa xuân thi sĩ cũng tưởng đó là “khối máu của dân Chàm”, cành cây là “hài cốt của muôn vạn dân Chiêm” và trời
xuân lúc này chỉ là “trời huyết”...
Những câu thơ của Chế Lan Viên thật đúng như Egar Poe đã nói: “Làm thơ làm những điều kì lạ dị thường, vượt lên trên mọi giới hạn
thông thường”.
Máu
xương kia còn chính là một “dạng thức”, của cái tôi siêu thực muốn phân mảnh,
đi tìm về bản thể. Chế Lan Viên cũng giống như Hàn Mặc Tử : “Ta nằm trong vũng
trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra”
hay Bích Khê : “Máu cuồng vẫn chảy điệu mê tơi… Máu cuồng run khắp trong
thân thể…”. Những hình ảnh máu xương ngập tràn trong “Điêu tàn”
chính là một không gian đặc biệt để cái tôi trú ngụ, thả vào đó những đau
thương khủng khiếp nhất, “gửi chôn Hận Trần Gian”:
Ta sẽ uống máu lan cùng tủy chảy
Ta sẽ nhai
thịt nát với xương khô
Máu không chỉ xuất hiện
một cách đơn thuần mà đã trở thành “suối”:
“Nồng tươi như suối máu lúc ban mai”,
“Phải chăng còn trào bao suối huyết”,
thành “giòng”, “giải” : “Thi nhân sầu nhìn
theo giòng huyết cuốn/ Tâm hồn trôi theo giải máu bơ vơ”...
Như vậy trong “Điêu tàn”, máu xương là biểu tượng cho
không gian của cõi âm, của một quá khứ đã lụi tàn gợi nhắc về một đất nước đã mất. Và hơn hết nó còn giống như một “siêu không gian”, nơi đó cái Tôi trú ngụ để “bay tìm Chán Nản với U Buồn”, đi
tới bến bờ của tột cùng đau thương.
2.2.
Hồn
Nói đến Hồn, các tôn
giáo đều cho rằng nó gợi về một quyền lực siêu nhiên, một thế giới vô hình,
thần linh, nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Và trong “Điêu tàn”, hình ảnh này được trở đi trở
lại thành một biểu tượng đặc sắc với 61 lần, trong 58 câu thơ của 28 bài. Các
từ ngữ như: hồn, linh hồn, hồn tử sĩ, cô hồn, hồn mơ, hồn yêu tinh... được lặp
lại rất nhiều như những nốt nhấn cho giai điệu của “máu cuồng và hồn điên”.
Hồn được quan niệm là
gắn với trí tuệ, ánh sáng nhưng trong “Điêu
tàn”, nó không gắn với ánh sáng mà nó là bóng tối, nó không thuộc về trần
thế mà gắn với cái chết và sự hư vô. Đó chính là thế giới vạn cô hồn, những
linh hồn tử sĩ, yêu ma của dân Chàm:
Đây chiến địa, nơi đôi bên giao trận
Muôn hồn tử sĩ hét gầm vang
(Trên đường về)
Chiều nay bỗng nhiên ta lạc bước
Vào nơi đây, thế giới vạn cô hồn
(Xương khô)
Ta hãy nghe, mơ màng trong cỏ héo
Tiếng cô hồn lặng thở khí trời đêm
(Bóng tối)
Nhưng không dừng lại ở
đó, Hồn còn là không gian của cái Tôi, nơi ấy diễn ra sự phân chia giữa Xác và
Hồn, giữa lúc Xác quẩn quanh trong cái Chết thì chỉ có Hồn có thể bay lên, với
khát vọng vùng vẫy muốn thoát khỏi nỗi cô đơn. Nói như Jung: nó là thể hiện “cái vô thức” và “sự nhân cách hóa những nội dung vô thức”. Biểu tượng Hồn cũng được
xuất hiện rất nhiều trong thơ của Hàn Mặc Tử: “ Hồn là ai? Là ai? Tôi chẳng
biết/ Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi/ Môi đầy hương không dám ngậm cười/
Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng”. Nhưng nếu trong thơ Hàn Hồn là sự phân chia giằng co tới mãnh liệt muốn
thoát khỏi đau thương thì trong thơ của Chế Lan Viên, Hồn đã vượt thoát hoàn
toàn trở thành Hồn say, Hồn Điên,...điên cuồng rồ dại đi tìm về thế giới của
những sọ người, yêu ma, và nhiều khi còn không hiểu chính mình, thấy mình sống
vô nghĩa:
Ta lặng lẽ nhìn muôn sao tự hỏi:
- Mảnh hồn ta tiêu diệt tự bao giờ?
(Đám ma)
Có khi hồn vẩn vơ đợi một người Chiêm nữ nhưng rồi cũng lại rơi
vào trong tuyệt vọng,mang màu sắc riêng của “Điêu tàn”. Có khi hồn lại tự tạo lập cho mình một cõi riêng, chối
bỏ tất cả những màu sắc của trần gian:
Nhắm mắt
lại cho cả bầu bóng tối
Mênh mang lên bát ngát tựa đêm sâu
Cho hồn phách say sưa trong giả dối
Về cõi âm chờ đợi đã bao lâu
Và lúc đó Hồn tự hào, kiêu ngạo về thế
giới mình vừa tạo lập:
Cho hồn ta vụt bay lên vòi vọi
Trong bóng đêm u ám của hàng mi
Kiêu ngạo rằng: “Đây là bầu thế giới
Tạo lập ra trong một phút sầu bi”
(Tạo lập)
Hồn lạc lối, hồn trôi,
hồn bay...
là một trạng thái phiêu du vô định, để tâm linh bắt đầu cuộc sống của riêng nó,
để sự nghiệm sinh cuộc thoát xác bắt đầu. Đó chính là cảm xúc thoát li, nhưng
Chế Lan Viên đã tạo nên một cảm thức khác lạ với Thơ Mới, ông muốn vượt thoát
tới không cùng tìm về thế giới của bản thể, xóa nhòa nhận thức và lí trí, tạo
ra một cõi Ta riêng. Và với khát vọng như thế con người sáng tạo ra những điều
phi phàm, khá thường quái dị. Đó chính là mạch chảy của tư duy thơ siêu thực
đang bắt đầu tìm thấy đường đi của nó.
2.3.
Mộ
Mộ được xuất hiện trong “Điêu
tàn” như một tín hiệu thẩm mĩ đặc sắc với 26 lần trong 11 bài thơ, đặc biệt
bài “Mồ không” có tới 9 lần xuất
hiện, “Xương khô” 4 lần. Mộ đi vào
trang thơ Chế Lan Viên là biểu tượng của không gian cõi chết, đau thương tang
tóc, điêu tàn. Nó gắn với muôn vạn dân Chiêm, với sọ dừa, yêu ma, cô hồn tử sĩ
để cùng với những hình ảnh ấy dựng nên một không gian ma quái rùng rợn của cõi
Chết :
Thôi vắng bặt từ nay bao
giây phút
Mà tiếng cười ghê rợn
dậy vang nấm mồ
(Mồ không)
Hay:
Hồn ma ơi! Trong những
đêm u tối
...Hãy nghiêng cánh ở
lại bên mồ
(Mồ không)
Trên một nấm mộ tàn ta
nhặt được
Khớp xương ma trắng tựa
não cân người
(Xương khô)
Chế Lan Viên ám ảnh với những ngôi mồ phải chăng vì trong nội tâm
có “một nghĩa trang chất chứa những ước
muốn bị dồn nén,những mối tình đã mất, những tham vọng tiêu tan, những hạnh
phúc đã qua...”, đó là “cái chết tâm
lí” theo một cách đặc biệt, “đang tìm
kiếm một thế giới còn chứa đựng một cuộc sống bí mật dành cho người đó” (Từ
điển biểu tượng văn hóa thế giới- Jean Chevalier, Alain Gheerbrant). Mộ trong
thơ Chế Lan Viên đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật đặc sắc, giàu sức ám
gợi, nó không chỉ gợi lên không gian của bóng tối, cái chết mà còn là sự dồn tụ
những ẩn ức, là nơi chất chứa những nỗi đau thương tột cùng:
Nàng hỡi nàng! Trên tay ta là mộ trống
Trong lòng ta là huyệt bỏ
với trong hồn
Là mồ không giá lạnh lùng
với sương đông
(Mồ
không)
Mộ đối với thi sĩ là nơi
chôn cả dĩ vãng, tương lai:
Cả dĩ vãng là chuỗi mồ vô
tận
Cả tương lai là chuỗi huyệt
chưa thành
(Những
nấm mồ)
Còn
gì bế tắc, chán nản u sầu hơn thế, con người tựa như mình đang giam hãm trong
một thế giới của bóng tối, cái chết, của thê lương. Dĩ vãng và tương lai, cái
đã qua và cái sắp tới thì có khác gì nhau, đều là những nấm mồ mà thôi.
2.4.
Bóng Tối
Bao trùm
cả “Điêu tàn” là bóng tối, nói như Hồ
Thế Hà “Trong “Điêu tàn”, không gian bóng
tối nhiều hơn ánh sáng, hoàng hôn nhiều hơn bình minh”. Nó được xuất hiện
trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua những từ ngữ như: màn đêm, bóng đêm, đêm...
với 34 lần xuất hiện trong 20 bài. Trong đó có những bài ngay từ tiêu đề đã
thấy hiện lên rất rõ : “Bóng tối”, “Đêm tàn”, “Đêm xuân sầu”.
Bóng tối là không gian cho những bóng ma, linh
hồn, những đầu lâu, máu xương xuất hiện:
Hay mi
nhớ những đêm ma rùng rợn
Hồn mi bay trong đốm lửa ma trơi
(Sọ người)
Hay:
Hồn ma ơi trong những đêm u tối
Mi tung mây về chân trời vòi vọi
(Mồ
không)
Hỡi những hồn yêu tinh trong bóng tối
Những thương vong uổng tử đáy mồ sâu
(Xương
vỡ máu trào)
Nó là không gian của “những sông vắng lê mình”, của “máu
gào vang chiến địa”,“tiếng cô hồn
lặng thở”, nước non Chàm...Trong bóng tối, thế giới ấy càng hiện lên ma
quái, rùng rợn hơn tạo làm cho người đọc đọc những câu thơ có khi cảm thấy gai
gai cột sống.
Bóng tối chỉ là không gian của ngoại giới mà đó
còn là không gian của lòng người, trong không gian ấy con người tự đối diện với
lòng mình để thu về một nỗi cô đơn, đau thương tới tận cùng:
Ta vẫn thấy hồn ta buồn ủ rũ
Và cõi lòng dày đặc bóng đêm mờ
(Nắng
mai)
Bên tháp vắng, còn người thi sĩ hỡi
Sao không lên tiếng hát
đi ngươi ơi?
Mà buồn bã âu sầu trong
đêm tối
Ngươi vẫn nằm há miệng
đớp sao rơi?
(Đêm
xuân sầu)
Có thể nói cái chết và bóng tối là không gian đã
ám ảnh Chế Lan Viên, nó xuất hiện dày đặc khắp tập thơ “Điêu tàn” thông qua những biểu tượng như: máu xương,
hồn, mộ, sọ người, bóng tối... Nó không chỉ dừng lại là không gian mà còn như
một cảm thức. Hàn Mặc Tử đã đau đớn mong ngày được chết :
Trỡi hỡi bao giờ tôi
chết đi
Bao giờ tôi hết được yêu
vì
Bao giờ mặt nhật tan
thành máu
Và khối lòng tôi cứng
tựa si
Và đã
nghĩ tới ngày “Một mai tôi chét bên khe ngọc
tuyền”... Với Chế Lan Viên không gian này ám ảnh ông ngay khi thi sĩ mới có
16, 17 tuổi, như một nỗi trắn trở không nguôi. Đó phải chăng là có sự ảnh hưởng
từ “Hoa ác” của Bauderlaire mà chính
ông đã có lần thú nhận “Nhờ ác hoa
(Fluers du Mal) của Bauderlaire tôi đã viết về cái chết trong Điêu tàn...”.
Đằng sau đó ta thấy một trái tim đang quại đau đớn, nhưng
khác với các nhà thơ mới với ông đau thương không chỉ như một trạng thái tâm lí
mà ông tôn sùng nó, nó bao bọc khắp vũ trụ, ông còn đặt nó lên ngôi cao nhất đó
là Đấng sáng tạo:
Quả tim ta là một Khối U buồn
Mạch máu ta là một khối đau thương
Mà Quả đất là Khối sầu vô hạn...
Và không gian bóng đêm –
cái chết chính là một dạng thức biểu hiện của cái Tôi đau thương ấy mà thôi.
3. Không gian của vũ tụ rộng
lớn, mộng ảo
Thế giới của những Tháp
Chàm đổ nát nay chỉ còn là sọ dừa, đầu lâu,những nấm mồ hoang...và nó không
phải là thế giới duy nhất nữa. Hay nói cách khác nó chính là nguồn bi thương
đầu tiên mở ra những chuỗi bi thương khác trong tâm hồn thi nhân. Không còn bám
víu vào hiện thực, Chế Lan Viên chuyển
hẳn sang địa hạt thơ siêu thực với những giấc mơ, con người hướng lên tầm cao
rộng mở của vũ trụ với trăng sao, bầu trời.
3.1.
Trăng – sao
Đây là một biểu tượng quen thuộc trong thơ ca,
chỉ riêng thơ Mới thôi cũng có rất nhiều nhà thơ viết về trăng, sao. Nếu như
trăng trong thơ Lưu Trọng Lư thổn thức, xôn xao : “Em không nghe mùa thu/Dưới trăng
mờ thổn thức”, nếu như trong thơ Xuân Diệu, trăng lạnh lẽo, giá buốt : “Em sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo/Trời đầy
trăng lạnh lẽo suốt xương da”...thì Hàn Mặc Tử , Bích Khê và Chế Lan Viên
lại đem đến một biểu tượng trăng hoàn toàn khác. Nó hòa nhập cùng xác và hồn
tạo nên một không gian không phải lãng mạn mà là không gian của u huyền, siêu
thực: “ Xác ta sẽ hút bao nguồn trăng loạn/ Ngấm vào trong cơ thể
những hoa hương/ Và sẽ thở
ra toàn hơi thở sáng/ Để
trên cao hồn khỏi lộn màu sương” (Hàn Mặc Tử). Rồi trăng biến ra tất
cả những gì tinh túy nhất: “Ôi nắng vàng thơm rung rinh điệu ngọc…Màu
trăng không gian như gờn gợn sóng” (Bích
Khê); “Ta ngậm hương trăng đầy lỗ miệng….Như bông trăng nở bông trăng
nở” (Hàn Mặc Tử). Thế giới trăng của Chế Lan Viên trong cái hòa nhập
chung với trường thơ Loạn vẫn có nét riêng không thể trộn lẫn, nó “vừa rực rỡ vừa điêu tàn, vừa lung linh lại
vừa đổ vỡ...xốn xang, sống động...”. Trăng và sao xuất hiện dày đặc trên
những trang thơ của “Điêu tàn” với 40 lần trăng xuất hiện và sao là 17 lần
trong 18 bài thơ.
Trăng sao tạo thành không gian cho thi nhân làm
cuộc đối thoại tưởng tượng với Chiêm nữ để hướng về một quá khứ đã mất:
Bên cửa Tháp, ngóng trông người Chiêm nữ
Ta vẩn vơ nhìn không khí bâng khuâng:
Vài vạn ngôi sao lẻ loi hồi hợp thở
Một đôi cành tơ liễu nhúng trong trăng
(Đợi
người Chiêm nữ)
Khoan đã em nép mình vào bóng lá
Riết lấy anh cho chặt, kẻo hồn bay
Ô! Kìa nhìn em ơi, trăng lả tả
Rơi trên đầu chưa bạc những hàng cây
(Trăng điên)
Thậm c hí thi nhân còn tạo nên một thế giới của
ảo mộng trong tình yêu với người tình Chiêm nữ:
Ta gặp Nàng trên một vì sao nhỏ
Ta hôn Nàng trong bóng núi mây cao
Ta ôm Nàng trong những nguồn trăng đổ
Ta ghì Nàng trong những suối trăng sao
(Ngủ
trong sao)
Nhà thơ còn nhận ra mình đang “tắm trăng”, ngụp lặn trong “ánh vàng hỗn độn”, để “cho trăng ghì, trăng riết cả làn da”..,
Trăng sao cũng điên, cũng sầu, lẻ loi cùng
con người: “Mà mảnh trăng cũng
điên rồi em ạ”, “Trăng xuân sầu, sao
héo, cũng thôi cười”, “Vài ngôi sao
lẻ loi hồi hộp thở” , “Cả đêm nay vì
sao buồn man mác”...
Bằng ảo giác nhà thơ đã tạo nên một không gian
đầy mộng ảo, phi thường, nó đã cập bến u huyền, siêu thực. Cái Tôi hướng lên
cõi siêu nhiên, lên vũ trụ để thỏa sức vùng vẫy, phiêu du như chính ông đã nói
trong “Vàng sao” : “Đào xới hư vô. Tuôn chảy hư vô. Cả hai đều
do lòng ta sáng tạo và bằng một sự tuần hoàn như máu cả hai trở về sáng tạo
lòng ta”.
Trong không gian Hư vô ấy, thi nhân khao khát tạo
dựng một Cõi ta với “đầu mênh mang” chứa
đựng cả “một trời im lặng”, mang “vạn linh hồn”, đựng “một bầu sao rụng”, “một nguồn trăng sáng cả muôn hương”, với “bao ý mộng”...
Trong không gian ấy con người còn khát khao đi
tìm bản thể:
Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng
Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma
Hồn
của ai trú ẩn ở đầu ta
Ý
của ai trào lên trong đáy óc?
...Ai
bảo giùm Ta có có Ta không?
(Ta)
Những câu hỏi với khát vọng
tha thiết tới cháy bỏng đào sâu tới tận cùng bản ngã. Trong câu hỏi ấy ta thấy
ẩn hiện một sự bi quan tới tuyệt vọng, con người càng khát khao khám phá bản
thân mình lại càng không thể hiểu hết được, càng thấy được cái vô nghĩa của sự
Tồn tại. Nhà thơ tự tạo cho mình một tin cầu giá lạnh để lấn tránh “những ưu
phiền, đau khổ với buồn lo”, vươn tới một không gian ảo nhưng rồi lại thu về
lòng mình một điều rất thực đó là nỗi sầu vô biên. Tự phân thân cái Tôi của
mình thành trăng sao, làm một cuộc phân li hồn – xác nhưng cuối cùng vẫn không
thoát khỏi bờ tuyệt vọng bởi:
Quả tim ta là một Khối U buồn
Mạch
máu ta là một khối đau thương
Mà Quả đất là Khối sầu vô hạn..
3.2.
Bầu trời
Nói đến bầu trời là
người ta nhắc tới sự uy quyền, “trời là
biểu hiện trực tiếp của cái siêu tại, của uy quyền, của cái vĩnh hằng của thiêng
liêng...” (Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới). Và bầu trời trong thơ Chế
Lan Viên phải chăng vừa có những ý nghĩa đó vừa có những nét nghĩa sáng tạo của
riêng mình. Bầu trời được nhắc lại 23 lần, trong 15 bài thơ của tập “Điêu tàn”, trong đó hầu hết những lần
xuất hiện đều mang tính ám gợi.
Cùng với trăng sao, bầu
trời đã tạo nên một không gian huyền ảo mơ mộng, một miền không gian hoang
tưởng, u huyền cho cái Tôi trú ngụ. Nhà thơ muốn thoát khỏi hiện thực với những
giấc mơ siêu hình, và không gian thích hợp nhất đó chính là bầu trời, mà ông đã
đặt tên cho nó là Trời Mơ:
Dòng tư tưởng dần trôi
trong Lầm Lạc
Hồn say sưa vào khắp cõi
Trời Mơ
(Ngủ trong sao)
Trời xuất hiện trong “Điêu tàn” là trời xa chứa đựng những
khát vọng của con người muốn hướng về một thế giới khác, xa thẳm và mênh mông:
Hãy cho tôi một tinh cầu
giá lạnh
Một vì sao tro trọi giữa
trời xa
(Những sợi tơ lòng)
Hay:
Để hồn trôi theo sóng
đến trời xa
Đến trời xa nơi gió vàng
tha thiết
(Chiến tượng)
Nhìn chi em chân trời xa vòi vọi
(Đêm tàn)
Đó còn là một bầu trời
chứa đầy những đau thương về một quá khứ
đã mất, về một dân tộc đã bị vùi vào quên lãng:
Dưới trời huyết, tháp
Chàm buồn tư lự
Khói lam chiều nũng nịu
lướt ngàn xanh
(Sông Linh)
Chế Lan Viên lúc nào
cũng bị ám ảnh bởi cái chết, nỗi cô đơn, niềm hư ảo. Những nỗi niềm ấy đã
choáng ngợp cả bầu trời, nhuốm lên không gian ấy một niềm bi hận, đau thương
tới vô bờ không sao thoát ra được.
Những biểu tượng trăng –
sao và trời là cụ thể hóa của một không gian rộng lớn mộng ảo, của cõi siêu
phàm đối nghịch với hiện thực, với cõi chết đầy bóng tối. Thi nhân kêu gào vật
vã để được hòa cùng với thiên nhiên, trốn tránh thực tại, để tạo ra một cuộc
phiêu du trong tâm hồn...Ngay trong khi thức tỉnh ông vẫn mơ, mơ tới một cõi
khác, bay lên cao cùng vũ trụ, thế giới của trăng sao, trời đất. Nhưng càng mơ
cõi lòng lại càng trĩu nặng, nỗi buồn sầu vẫn cứ vây quanh : “Ôi! Mơ Mộng dìm ta trong suối Khổ”, “Cho sọ ta no nê bao ý mộng/Cho hả hê ngây
ngất rượu Đau Thương”.... Và rồi thi sĩ chợt như nhận ra tất cả chỉ là giấc
mơ, bao quanh chỉ là bóng tối mà thôi:
Mơ
rồi! Mơ rồi! Ta mơ rồi!
Xạc
xào chỉ có lá vàng rơi
Quanh
mình bóng tối mênh mang cả
Thấp
thoáng đôi hồi đốm lửa soi
(Mơ
trăng)
Đó
là một nỗi cô đơn đến tận cùng, nói như PGS Vũ Tuấn Anh thì đó là “nỗi cô đơn
tự hủy.
PHẦN KẾT LUẬN
1.
Có rất nhiều những cơ sở để hình thành không gian nghệ thuật trong “Điêu tàn”, nhưng niên luận chú ý đến ba
nguyên nhân chính: quan điểm nghệ thuật của Chế Lan Viên, ảnh hưởng từ những
cuộc cách tân nghê thuật thời bấy giờ (có nghĩa là những yếu tố nội sinh) và từ
thơ tượng trưng - siêu thực Pháp (tức những yếu tố ngoại sinh). Cùng với đó còn
phải kể đến những yếu tố khác như : những ám ảnh về tháp Chàm Bình Định từ thời
còn niên thiếu, hoàn cảnh thời đại, tôn giáo... Do những cơ sở ấy mà không gian
nghệ thuật trong “Điêu tàn” với mô
tip không gian thoát li, hướng về quá khứ, kì dị hóa quá khứ, tạo ra một từ
trường của riêng nó, huyền ảo kì dị, mơ mộng và đi đến tận cùng của đau thương.
2.
Không gian nghệ thuật trong “Điêu tàn”
được biểu hiện dưới ba dạng thức chính đó là : không gian hiện thực trần thế,
đầy áng sáng; không gian của cõi âm -
bóng tối; không gian của vũ trụ đầy mộng ảo. Ba dạng thức không gian ấy
được thể hiện rất rõ qua những biểu tượng nghệ thuật, và khai thác những biểu
tượng ấy ta thấy được rõ nét không chỉ mô hình không gian mà qua đó ta còn thấy
được chiều sâu tâm hồn, cái Tôi Chế Lan Viên.
3.
Không gian nghệ thuật trong “Điêu tàn”
không chỉ đơn thuần là mô hình, một biểu hiện của cấu trúc hình thức mà nó còn
chính là thế giới nghệ thuật thơ. Qua những không gian đó người viết nhận thấy
Cái chết – Hư vô – Cô đơn đã trở thành nỗi ám ảnh lớn của Chế Lan Viên. Tâm hồn
nhà thơ biến thành ốc đảo của những điều huyền bí mà chỉ có ngọn gió siêu hình
thổi vào làm ngân lên những bài ca bi ai, hoan lạc , những bản hòa tấu cô đơn
bằng những biểu tượng trong mối tương ứng đến kì lạ. Đó chính là dấu hiệu của tư
duy mới – tư duy thơ siêu thực. Như Mallarmé đã từng nói: “Tất cả những vật
gì linh thiêng hay muốn được linh thiêng, mãi mãi đều cần có huyền nhiệm bao
quanh”. Khi lãng mạn đã trở nên cạn kiệt trong khả năng mô tả
và biểu lộ hiện thực và cảm xúc. Khi thế giới giờ đây không còn song hành đối
ngẫu, cũng không còn tuyến tính có thể nhận thức bằng tư duy lý tính mà đó là
thế giới phân mảnh, phi tuyến tính nên nhà thơ cũng phải tìm đến một con đường
nhận thức mới để có thể cắt nghĩa được hiện thực. Chế Lan Viên đã thơ được tới
tận cùng của huyền ảo, những vần thơ được viết lên bằng cảm giác, và vô thức, nhà
thơ tự đào sâu vào cõi tâm linh huyền bí để đi tìm cái tôi của mình. Và một
không gian kinh dị, huyền bí được dựng lên bởi những mảng ghép, những biểu
tượng giàu sức ám gợi chính là sự hiện thực hóa của tư duy thơ siêu thực đnag
bắt đầu hé mầm trên mảnh đất “Điêu tàn”.
Nó cùng với “Thơ điên” của Hàn Mặc
Tử, “Tinh huyết” của Bích Khê làm nên
một trường thơ Loạn độc đáo và khơi nguồn sáng tạo cho những dòng chảy sau này
như Dạ Đài, Sáng Tạo... cho những “Mê hồn
ca”, những “Cây Ánh sáng” ra đời.