Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

"Bài ca ngất ngưởng" - Nguyễn Công Trứ

a.     Ngất ngưởng tại triều (6 câu thơ đầu)
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
(Trong vòng trời đất không có việc gì không phải là việc của mình
Ta Hi Văn chấp nhận ghánh vác trách nhiệm của kẻ nam nhi)
Hai câu thơ như một tuyên ngôn về chí làm trai đầy kiêu hãnh, giống như trước đó Nguyễn Công Trứ  đã từng viết:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai nam bắc tây đông
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Hay
Đã làm trai ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
-         Tiếp nối truyền thống Nho gia
-         Có những điểm khác biệt: tư thế ngạo nghễ,ngang tàng của ông. Không những không phải chỉ là xây dựng sự nghiệp mà sự nghiệp ấy còn phải lẫy lừng, chỉ tang bồng phải rộng khắp bốn phương.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc Bình Tây cờ đại tướng
Có khi về Phủ Doãn Thừa Thiên
Chí làm trai của Nguyễn Công Trứ đã được minh chứng bằng cuộc đời của ông – cuộc đời của một vị quan lẫy lừng trong triều đình, với nhiều công trạng rạng rỡ mà cũng nhiều lần thăng giám lên xuống. Nhắc lại những chức vụ không phải để ông khoe mẽ mà là để khẳng định cốt cách, lối sống ngất ngưởng của mình. Những câu thơ không dấu nổi niềm tự hào, kiêu hãnh của một nhân cách, một con người phóng khoáng đầy tự tin, đã trở thành một “tay ngất ngưởng” trong triều. Làm quan với ông đâu phải là để có danh có tước, có hậu lộc triều đình ban mà để thỏa chí tang bồng, chí làm trai muốn “phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”, muốn chứng tỏ bản thân mình, muốn sống “ngất ngưởng”, có tài và cần được khẳng định tài năng.
Trời đất cho ta một  cái tài
Giắt lưng dùng để tháng ngày chơi
 Đó chính là điều đáng trọng ở Nguyễn Công Trứ.
b.          Ngất ngưởng khi về ở ẩn
Thỏa chí làm trai ở nơi triều đình, Nguyễn Công Trứ treo ấn từ quan để thỏa chí làm trai vẫy vùng cuộc sống dân gian đầy màu sắc:
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Người đời cưỡi ngựa rời xa chốn quna trường, Nguyễn Công Trứ lại “chơi trội” cưỡi bò đeo nhạc ngựa đầy “ngất ngưởng”. Cá tính ngang tàng, khác người của Nguyễn Công Trứ chính là ở chỗ đó.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Nguyễn Công Trứ cũng như bao nhà nho khác chọn lối sống thanh cao, “gạn đục khơi trong” , ông dựng nhà ở nơi núi non hữu tình, thanh sạch.
Nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn độc đáo hơn người: ở ẩn, từ quan nhưng vẫn mang theo cung kiếm, hình thức bên ngoài vừa có dũng khí của võ tướng vừa có sự ung dung tự tại, từ bi của một nhà sư.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Nhưng như thế chưa đủ, nhà nho ở ẩn phong thái của một nhà tu hành vẫn chưa thể nào thoát tục, đi theo sau vẫn phải có các cô hầu. Nguyễn Công Trứ ngỡ như Bụt cũng không thể nhịn cười trước hành động khác lạ của ông ngất ngưởng. Câu  thơ làm ta nhớ đến giai thoại về Nguyễn Công Trứ, 73 tuổi lấy vợ, trả lời cô dâu khi nàng hỏi tuổi:
Năm mươi năm trước anh hai ba
(Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam)
Ngất ngưởng trong tướng mạo, hình dung trong lối sống phong lưu, đa tình, Nguyễn Công Trứ còn “ngất ngưởng” trong quan niệm về được, mất ở đời
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Ông cũng giống như ông lão trong câu chuyện cổ, trong được có mất, trong mất có được, phúc họa đi liền nhau không tách rời. Khen hay chê, tán dương hay phản đối cũng là chuyện của thiên hạ, ta vẫn giữ cốt cách của ta như ngọn gió xuân phóng túng.
c.            Tuyên ngôn của nhà thơ
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không Tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho trọn đạo sơ chung
Nguyễn Công Trứ tự mình xây dựng nên một lối sống riêng không trộn lẫn với bất kì một ai. Ông không theo Phật, cũng không theo đạo Lão mà theo lí tưởng, quan niệm sống của riêng mình. Vừa phong lưu, đa tình, phóng khoáng vừa tự tin, ngạo nghễ, ngang tàng vừa trong sạch, thanh cao. Ông tự nâng  mình chẳng khác gì danh tướng thời xưa như: Trái Nhạc, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật đã làm trọn đạo nghĩa vua tôi. Về ở ẩn không có nghĩa là không phục vụ đất nước, ông vẫn ra sức góp công cho dân, cho triều đình. Ngất ngưởng không có nghĩa là rời xa cuộc đời, mà đó chỉ là một thái độ sống, một cốt cách, một lối sống muốn nâng mình lên khỏi vòng ô trọc, làm theo cá tính, ý nguyện của riêng mình. Chính vì vậy mà Nguyễn Công Trứ không giống như những nhà nho về ở ẩn là lánh xa bụi trần, chỉ giữ cốt cách thanh sạch của riêng mình.
Trong triều ai ngất ngưởng như ông

Câu thơ là sự ý thức sâu sắc về giá trị cá nhân về sự khẳng định cá tính, nó vang lên đầy kiêu hãnh, tự  tin. Con người sau một hành trình dài, chiêm nghiệm lại cuộc đời mình tự có thể mỉm cười về nhân cách, cuộc đời mình. Lối sống của ông đặt giữa xã hội phong kiến lúc bấy giờ thật đãng trân trọng. Con người ý thức được tài năng của mình, dám thể hiên tài năng ấy, mang theo mình chí tang bồng vượt mọi khuôn khổ, mọi được mất, khen chê ở đời. Con người tự đề ra cho mình nếp sống, lề lối riêng phóng khoáng đa tình mà thanh sạch, cao thượng, luôn gắn bó với cuộc đời. Thái độ sống ấy, cốt cách ấy được thu trọn trong hai tiếng “ngất ngưởng”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét