Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

"Bài ca ngất ngưởng" - Nguyễn Công Trứ

a.     Ngất ngưởng tại triều (6 câu thơ đầu)
Vũ trụ nội mạc phi phận sự
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
(Trong vòng trời đất không có việc gì không phải là việc của mình
Ta Hi Văn chấp nhận ghánh vác trách nhiệm của kẻ nam nhi)
Hai câu thơ như một tuyên ngôn về chí làm trai đầy kiêu hãnh, giống như trước đó Nguyễn Công Trứ  đã từng viết:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai nam bắc tây đông
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Hay
Đã làm trai ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
-         Tiếp nối truyền thống Nho gia
-         Có những điểm khác biệt: tư thế ngạo nghễ,ngang tàng của ông. Không những không phải chỉ là xây dựng sự nghiệp mà sự nghiệp ấy còn phải lẫy lừng, chỉ tang bồng phải rộng khắp bốn phương.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc Bình Tây cờ đại tướng
Có khi về Phủ Doãn Thừa Thiên
Chí làm trai của Nguyễn Công Trứ đã được minh chứng bằng cuộc đời của ông – cuộc đời của một vị quan lẫy lừng trong triều đình, với nhiều công trạng rạng rỡ mà cũng nhiều lần thăng giám lên xuống. Nhắc lại những chức vụ không phải để ông khoe mẽ mà là để khẳng định cốt cách, lối sống ngất ngưởng của mình. Những câu thơ không dấu nổi niềm tự hào, kiêu hãnh của một nhân cách, một con người phóng khoáng đầy tự tin, đã trở thành một “tay ngất ngưởng” trong triều. Làm quan với ông đâu phải là để có danh có tước, có hậu lộc triều đình ban mà để thỏa chí tang bồng, chí làm trai muốn “phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”, muốn chứng tỏ bản thân mình, muốn sống “ngất ngưởng”, có tài và cần được khẳng định tài năng.
Trời đất cho ta một  cái tài
Giắt lưng dùng để tháng ngày chơi
 Đó chính là điều đáng trọng ở Nguyễn Công Trứ.
b.          Ngất ngưởng khi về ở ẩn
Thỏa chí làm trai ở nơi triều đình, Nguyễn Công Trứ treo ấn từ quan để thỏa chí làm trai vẫy vùng cuộc sống dân gian đầy màu sắc:
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Người đời cưỡi ngựa rời xa chốn quna trường, Nguyễn Công Trứ lại “chơi trội” cưỡi bò đeo nhạc ngựa đầy “ngất ngưởng”. Cá tính ngang tàng, khác người của Nguyễn Công Trứ chính là ở chỗ đó.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Nguyễn Công Trứ cũng như bao nhà nho khác chọn lối sống thanh cao, “gạn đục khơi trong” , ông dựng nhà ở nơi núi non hữu tình, thanh sạch.
Nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn độc đáo hơn người: ở ẩn, từ quan nhưng vẫn mang theo cung kiếm, hình thức bên ngoài vừa có dũng khí của võ tướng vừa có sự ung dung tự tại, từ bi của một nhà sư.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Nhưng như thế chưa đủ, nhà nho ở ẩn phong thái của một nhà tu hành vẫn chưa thể nào thoát tục, đi theo sau vẫn phải có các cô hầu. Nguyễn Công Trứ ngỡ như Bụt cũng không thể nhịn cười trước hành động khác lạ của ông ngất ngưởng. Câu  thơ làm ta nhớ đến giai thoại về Nguyễn Công Trứ, 73 tuổi lấy vợ, trả lời cô dâu khi nàng hỏi tuổi:
Năm mươi năm trước anh hai ba
(Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam)
Ngất ngưởng trong tướng mạo, hình dung trong lối sống phong lưu, đa tình, Nguyễn Công Trứ còn “ngất ngưởng” trong quan niệm về được, mất ở đời
Được mất dương dương người tái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Ông cũng giống như ông lão trong câu chuyện cổ, trong được có mất, trong mất có được, phúc họa đi liền nhau không tách rời. Khen hay chê, tán dương hay phản đối cũng là chuyện của thiên hạ, ta vẫn giữ cốt cách của ta như ngọn gió xuân phóng túng.
c.            Tuyên ngôn của nhà thơ
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không Tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho trọn đạo sơ chung
Nguyễn Công Trứ tự mình xây dựng nên một lối sống riêng không trộn lẫn với bất kì một ai. Ông không theo Phật, cũng không theo đạo Lão mà theo lí tưởng, quan niệm sống của riêng mình. Vừa phong lưu, đa tình, phóng khoáng vừa tự tin, ngạo nghễ, ngang tàng vừa trong sạch, thanh cao. Ông tự nâng  mình chẳng khác gì danh tướng thời xưa như: Trái Nhạc, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật đã làm trọn đạo nghĩa vua tôi. Về ở ẩn không có nghĩa là không phục vụ đất nước, ông vẫn ra sức góp công cho dân, cho triều đình. Ngất ngưởng không có nghĩa là rời xa cuộc đời, mà đó chỉ là một thái độ sống, một cốt cách, một lối sống muốn nâng mình lên khỏi vòng ô trọc, làm theo cá tính, ý nguyện của riêng mình. Chính vì vậy mà Nguyễn Công Trứ không giống như những nhà nho về ở ẩn là lánh xa bụi trần, chỉ giữ cốt cách thanh sạch của riêng mình.
Trong triều ai ngất ngưởng như ông

Câu thơ là sự ý thức sâu sắc về giá trị cá nhân về sự khẳng định cá tính, nó vang lên đầy kiêu hãnh, tự  tin. Con người sau một hành trình dài, chiêm nghiệm lại cuộc đời mình tự có thể mỉm cười về nhân cách, cuộc đời mình. Lối sống của ông đặt giữa xã hội phong kiến lúc bấy giờ thật đãng trân trọng. Con người ý thức được tài năng của mình, dám thể hiên tài năng ấy, mang theo mình chí tang bồng vượt mọi khuôn khổ, mọi được mất, khen chê ở đời. Con người tự đề ra cho mình nếp sống, lề lối riêng phóng khoáng đa tình mà thanh sạch, cao thượng, luôn gắn bó với cuộc đời. Thái độ sống ấy, cốt cách ấy được thu trọn trong hai tiếng “ngất ngưởng”!

Kể về người thân trong gia đình

Tôi còn nhớ ngày bé, cô giáo hay ra đề tập làm văn: "Hãy viết về một thành viên mà em yêu quý trong gia đình". Tôi, một con bé 10 tuổi, nằm bệt ra bàn, còng lưng, hí hoáy viết. Bao giờ tôi cũng sẽ viết về mẹ (các bài văn mẫu mà tôi đọc đều là về mẹ cả): "Mẹ em da trắng ngần, mắt bồ câu lấp lánh. Tóc mẹ dài, đen nhanh nhánh. Em yêu nhất là đôi bàn tay búp măng của mẹ. Tay mẹ mịn màng hay xoa xoa má em mỗi lúc em ngoan...”.

Tôi nhớ tôi thường được điểm cao ngất ngưởng, những bài văn của tôi cô còn xin giữ lại để làm mẫu cho lớp sau. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về độ "hoàn hảo" của những tác phẩm đầu tay của mình.

Năm nay, tôi 24 tuổi. Thật buồn cười là tự nhiên tôi muốn viết lại cái đề tập làm văn ngày ấy. Xem thời gian có làm cho bài văn "điểm A" của tôi bớt "hoàn hảo" đi nhiều không.

Nhưng tôi sẽ bắt đầu với bố tôi. Vì hồi 10 tuổi, tôi chẳng biết viết gì về bố cả. Chả nhẽ lại khoe: "Mọi người bảo em giống bố, giống từ cái mũi tẹt lét trở đi đến nước da đen sì sì trở lại. Em sợ nhất là mỗi khi bố thơm lên má em, vì râu của bố rất cứng. Em cũng sợ bố vì nhiều điều khác nữa. Bằng chứng là, bình thường trông bố hiền vậy thôi chứ lúc bố cáu, bố hét to lắm làm em giật cả mình"? 

Tôi nhớ, một lần cả lớp phải giới thiệu về nghề nghiệp của bố mẹ, bạn nào cũng hồ hởi khoe: "Bố em làm bác sĩ, bố em làm giáo viên, bố em làm giám đốc công ty này công ty kia..." Oa, tôi thấy những ông bố ấy mới "oách" làm sao, còn bố tôi? 

Suốt ngày thấy bố lọ mọ với dầu nhớt và đống máy cày, máy kéo. Tôi chuẩn bị mấy ngày liền, nghĩ nát óc mà vẫn không biết phải "khoe" về bố như thế nào. Cuối cùng, mẹ cũng giúp cho, mẹ bảo: "Bố là kỹ sư cơ khí". Tôi như gỡ đi được một cục đá to chảng trong lòng...

Bây giờ tôi sẽ không buồn thiu khi viết: "Kỹ sư bố phải về hưu sớm và ra Bắc vào Nam trên những chiếc xe tải cũ kỹ. Sau khi nghỉ việc, bố buôn bán phụ tùng máy kéo để nuôi chúng em ăn học".

Từ những giọt mồ hôi của bố, chúng tôi đã lớn lên. Chưa bao giờ bố để cho chúng tôi chậm tiền học phí, chưa bao giờ bố bắt các con chỉ thi đại học ở Cần Thơ để đỡ tiền trọ xa nhà. Chưa bao giờ bố để cho chúng tôi thua bè kém bạn.

Ra Hà Nội, bố bắt tôi đi tàu cho đỡ mệt còn bố vẫn cặm cụi xe khách, xe đò. Tôi chạy xe tay ga, tôi diện quần áo đẹp, bố vẫn cọc cạch chiếc xe 50 cà tàng không chịu thay... Tôi nghĩ, tôi đã đủ lớn khôn để có thể viết một bài văn đầy tự hào: Bố là bố tôi.

Tôi cũng sẽ viết về mẹ, bởi mẹ là cả tuổi thơ của tôi. Mẹ là bố - răn đe, la mắng tôi những lúc bố xa nhà. Mẹ là mẹ - khâu vá từng tấm áo manh quần cho tôi đến lớp. Da mẹ không trắng ngần như tuyết, mắt mẹ cũng không đen như than, đôi tay mẹ thô ráp. Nhưng mẹ đẹp chính trong sự tảo tần, lo toan, bảo bọc, che chở cho chúng tôi. Tôi nhớ hè nào mẹ cũng ngồi kèm cho chúng tôi học: làm trước những bài toán của năm sau và đọc sách văn học đến khi thuộc làu làu. Đi chợ, mẹ chỉ mang một số tiền ít ỏi theo người vì sợ mua những thứ "linh tinh không cần thiết".

Tôi nhớ có lần chị ốm trong bệnh viện, mẹ đi chăm bị ngất xỉu... mới biết là mẹ bị bệnh tim. Lần đó, bố chưa kịp về, anh ở xa, còn tôi đi du học. Nhà neo người nên cũng lại mẹ một tay gắng gượng lo cho chị tôi. Sinh nhật mẹ, định rủ mẹ ra ngoài ăn cơm, uống trà hoa thì mẹ nằng nặc đòi... ăn chè cho đỡ tốn kém. Không lo được đám cưới đàng hoàng cho anh, mẹ tủi thân khóc tấm tức...

Nhiều lúc, thấy giận mẹ - hay lo nghĩ những chuyện tận đẩu tận đâu - nhưng tôi biết, mẹ là người yêu chúng tôi nhất trên thế giới này. Mẹ như cái cây, dồn hết tình thương và nhựa sống cho chúng tôi. Tôi ước gì lúc nào tôi có thể viết những bài văn về mẹ của tôi chứ không phải là một hình mẫu "điểm A" xa xôi nào đó...

Tôi muốn viết về bà tôi, dù ngày bé nhà tôi ở rất rất xa bà, và tôi chỉ mới được gần gũi bà mấy năm gần đây... Dù bà đã hơn 80 tuổi rồi, và đã "lầm cà lẩm cẩm" như người ta nói. Tôi thương bà quá những lúc bà lọ mọ đi hái rau muống ngoài ao, hay trẩy bưởi cho tôi ăn. Có bó rau má bằng nắm tay, bà cũng dúi cho mẹ tôi: "Mang lên mà xay cho chúng nó uống cho mát". Mỗi lần về quê, bà lại gói ghém tất tần tật "gia tài" của bà cho chúng tôi: khi thì là cuộn chỉ thêu màu xanh đỏ, khi là hai quả ớt chín, khi thì mấy quả cà chua...

Tôi thương bà quá, những lúc bà nói chuyện lầu bầu một mình, những buổi sáng sớm bà còng lưng ở một góc chợ... bán mớ rau hái được trên đồng. Tôi thương bà tóc bạc da mồi rồi vẫn giữ nếp sống lo toan hôm sớm của những ngày xưa... Tôi thương bà lúc bà lọ mọ nhóm bếp rơm, vì bà không biết dùng cái bếp ga "hiện đại" của ông mua về.

Tôi thương bà hay cằn nhằn bố vì ăn ít cơm, và giành ngồi đầu nồi để xới cho bố "hai xìa một bát" vì "bố mày không chịu ăn đến bát thứ hai cho đâu". Tôi thương bà những lúc bà tẩn mẩn bổ xoài cho tôi ăn, nhìn tôi nhăn mặt vì chua, bà cười móm mém. Tôi mong mình đủ yêu thương để cảm nhận hết những chăm lo của bà cho chúng tôi... Dù tuổi già đã làm bà quên trước quên sau, dù bà hay cư xử như "trẻ con" như lời các cô và ông hay chọc... Tôi mong tôi có thể sống hết mình vì con, vì cháu được như bà tôi.

Tôi sẽ viết về cô tôi. Ngày còn bé tôi nhớ mang máng tôi thương cô nhất. Vì cô hay dong tôi trên chiếc xe đạp đi học, và mua cho tôi chiếc vòng cổ trong veo, lấp lánh. Lần nào các cháu về, cô cũng lo từ miếng ăn, giấc ngủ. Lọc cọc đạp xe ra đồng bắt ngan về thổi cơm, bỏ cả buổi gặt để đỡ đần việc nhà...

Trưa trà trưa trật, cô mới tất tả dọn cơm cho hai đứa nhóc ở nhà: bữa cơm đạm bạc chỉ ruốc và bát canh rau luộc. Chưa bao giờ tôi thấy cô than phiền, trách móc điều gì. Chưa bao giờ thấy cô không chu toàn mọi việc cho ông bà và các cháu. Tôi mong tôi có thể trở thành một người phụ nữ nhân từ, hiền hậu, và giàu đức hy sinh như cô.


Có nhiều điều mà tôi - mười - tuổi có lẽ sẽ không bao giờ nhận ra trong bài tập làm văn của mình. Không biết, hai - mươi - bốn năm sau nữa, tôi có viết thêm nhiều điều khác về gia đình của mình không. Nhưng tôi mong tôi lúc nào cũng đủ yêu thương để hiểu rằng... tôi còn mải mê kiếm tìm điều gì ở đâu xa, mà quên rằng hạnh phúc đến từ những người rất bình thường sống quanh tôi? 

Tôi mong mình có thể là một người như họ, đem yêu thương cho đi... mà chưa một lần đòi hỏi được nhận về.

Nêu ý kiến của em về việc nhiều bạn do mải chơi điện tử mà xao nhãng học hành thậm chí phạm những sai lầm nghiêm trọng

Trên thế giới hiện nay, trung bình mỗi giờ có khoảng 3 tỷ người truy cập Internet và một nửa trong số đó là dành cho trò chơi điện tử. Phải chăng đó là những con số biết  nói?
Trong những  thập kỉ gần đây, có rất nhiều người sử dụng Internet như một công cụ để giải trí, thư giãn đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên. Trong giờ học không khó để bắt gặp hình ảnh những cô cậu học trò với ánh mắt “cảnh giác”, tay chân “nhanh nhạy” và “khả năng ứng biến phi thường”.  Họ không hề chú ý nghe giảng mà lén lút cho tay xuống ngăn bàn hay hộp bút để chơi điện tử. Hơn thế nữa nhiều bạn còn bỏ học suốt ngày ngồi ở quán game. Họ chơi ở quán game, ăn ở quán game và cũng ngủ luôn ở đó. Cho đến khi hết tiền để chơi họ bắt đầu xin xỏ để có tiền thâm chí là gây lộn đánh nhau, ăn cắp, ăn trộm. Dần dần với những con người như thế game không còn chỉ là một sở thích mà đã trớ thành một thói quen, một căn bệnh khó chữa – bệnh nghiện game.
Vậy nguyên nhân của căn bệnh đó là do đâu? Phải chăng những trò chơi điện tử có sức lôi cuốn đển kì lạ đối với giới trẻ? Chúng ta có thể thấy trên thị trường hiện nay, có vô số những trò chơi hết sức đa dạng và phong phú. Từ những loại game rèn luyện trí thông minh, game nấu ăn cho đến những game hành động như game bắn súng Half-life, Dota… Tất cả chúng dựng lên một thế giới ảo đầy sống động hấp dẫn. Thực chất trò chơi tiêu khiển này chỉ dành cho mục đích thư giãn và giải trí, nó sẽ chỉ gây hại khi con người lạm dụng chúng với mục đích khác. Những đứa trẻ vì không có ý thức, hiểu biết kém nên đã sa đà vào tệ nạn ấy và mắc bệnh “nghiện game”. Nhưng đâu chỉ do lỗi của chúng. Căn bệnh đáng sợ ấy suy cho cùng cũng một phần là do bố mẹ - những người thân thương nhất gây nên. Tôi có một người bạn, vì bố mẹ mải mê đi kiếm tiền, không quan tâm đến con cái nên cậu suốt ngày chỉ ngồi lì ở hàng game. Nghiêm trọng hơn là cậu đã từng bỏ học, bỏ nhà ngày ngày ngồi ở quán điện tử. Bố mẹ cậu khi biết chuyện liền la mắng, chửi bới, đánh đập cậu. Tôi đã nhiều lần khuyên cậu ấy nhưng cậu ta không nghe và nói rằng “Thà bỏ đi chơi game còn hơn là quay về căn nhà lạnh lẽo thiếu hơi ấm tình thương ấy. Ít ra trong thế giới ảo của game, mình còn  thấy được cuộc sống thực sự.” Thế mới biết cậu bạn tôi  thật đáng thương! Đó đâu phải là lỗi lầm của cậu. Bố mẹ là nền tảng, mỗi một người bố, người mẹ phải có trách nhiệm nuôi nấng dạy dỗ con cái nên người. Đừng chỉ biết đổ lỗi, la măng đánh đập con. Một sự quan tâm nhỏ nhoi cũng có thể mang một giá trị vô cùng to lớn.
Chơi game tốn tiền và vô cùng lãng phĩ  thời gian. Như cậu bạn tôi vậy. Mỗi ngày cậu chơi khoảng 10 tiếng, mỗi tiếng mất 2000 đồng. Vậy cứ duy trì tình trạng ấy thì trong vòng một năm cậu bỏ mất hơn 7 triệu và dành  hơn 1/3 thời gian sống cho game. Và nếu cứ như thế, 1/3 cuộc đời của cậu ấy dành cho game, vậy cậu ấy sẽ dành thời gian nào cho việc học, quan tâm tới chính bản thân và những người xung quanh. Sức khỏe của cậu ấy sẽ ra sao? Tương lai của cậu ấy sẽ như thế nào? Nghiện game đồng nghĩa với việc cậu ấy tự đóng cánh cửa rộng mở vào tương lai của chính mình.
Thiết nghĩ để thay đổi tình trạng trên mỗi cá nhân trước hết phải có ý thức vượt qua mọi sự cám dỗ. Không chỉ vậy quan trọng nhất vẫn là yếu tố gia đình. Bố mẹ không thể chỉ vì kiếm tiền mà bỏ mặc con cái. Nếu trở nên giàu có mà con cái hư hỏng thì đó chẳng khác gì là thất bại lớn nhất trong cuộc đời. Những đứa trẻ sẽ hạnh phúc, vui sướng biết mấy khi thấy bố mẹ quan tâm, chăm sóc vỗ về, được bố mẹ đưa đi chơi, đi xem phim…Và còn gì tuyệt vời hơn khi chúng được tâm sự, trò chuyện hay nhận những lời khuyên đầy chân thành từ bố mẹ mình.

Trong xã hội bộn bề ngày nay, con người thường hay quên đi những giá trị thực sự của cuộc sống. Cha mẹ thường lo toan kiếm tiền, con cái thì bỏ bê học hành, sa đọa vào những tệ nạn xã hội điển hình là  trò chơi điện tử. Tại sao chúng ta không chung tay để làm thay đổi điều đó, cùng hành động để xã hội của chúng ta hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Biết đâu những mảng đời, những số phận con người bất hạnh có  thể  trở nên hạnh phúc hơn, nụ cười rạng ngời có thể luôn tươi tắn trên môi. Vui hay buồn đều phụ thuộc vào hành động của chúng  ta ở hiện tại.    
Trần Ngọc Anh
Trường THCS Giảng Võ

Tả khu phố mùa đông

Reng! Reng! Reng! Tiếng chuông đồng hồ báo thức đã điểm đúng năm giờ. Hôm nay là chủ nhật mà tại sao chuông lại kêu nhỉ - tôi tự nói. À, thì ra tối qua đi ngủ sớm nên tôi quên không tắt chuông báo thức. Mọi người trong nhà chưa ai dậy, có lẽ do trời lạnh quá.
Tôi liền ra ban công tập thể dục. Chao ôi! Khu phố mùa đông mới đẹp làm sao! Lần đầu tiên tôi mới phát hiện ra một khung cảnh đẹp đến vậy. Không gian lúc này thật yên tĩnh. Cảnh vật dường như còn chìm trong giấc ngủ. Trời vẫn còn hơi tối. Những cơn gió nhẹ thổi nhưng cũng đủ để cảm nhận cái giá lạnh của mùa đông. Đèn đường cũng chưa tắt. Đường phố sạch sẽ, thưa vắng người qua lại. Chỉ có vài người đi tập thể dục và các bà, các cô đi chợ sớm. Xa xa, ở góc phố Quảng An, có một cô đang cẩn thận đặt từng bó hoa vào chiếc xô rồi nhẹ nhàng bóp bình nước làm bằng chai nhựa cũ và những hạt nước li ti sẽ đọng lại trên cánh hoa, chiếc lá tạo thành những viên pha lê nhỏ xinh mà chỉ cần có nắng sẽ hóa thành những viên đá quý muôn vàn màu sắc. Các căn nhà vẫn đóng kín cửa lơ thơ có vài nhà đã thắp đèn. Chắc là ngày nghỉ nên mọi người tranh thủ “ngủ nướng” sau một tuần làm việc mệt mỏi. Trời sáng dần, bầu trời như dược đẩy lên cao nhưng vẫn không có mây, không có sắc  biếc của da trời. Giá mà bây giờ là mùa thu thì mặt trời đã ló rạng, những tia nắng hình dẻ quạt đã được ban phát khắp nơi. Sương đã tan bớt đi được một chút, mờ và đục, bao trùm lên khắp nơi. Mọi người đi lại nhiều hơn nhưng không bằng những ngày trong tuần. Có lẽ vì thế mà không chỗ nào bị tắc đường. Các cửa hàng bắt đầu mở đặc biệt là những cửa hàng phở, hàng bún, hàng xôi… đã đông khách. Một ngày chủ nhật còn gì tuyệt vời hơn là thong dong nhâm nhi một tách trà và ngắm đường phố. Lúc ấy sẽ cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng biết mấy, khác hẳn với cái xô bồ vội vã của ngày thường.
Đến buổi trưa, thật ngạc nhiên khi trời có nắng. Nhưng nắng mùa đông nhẹ và yếu ớt. Trời tuy đã ấm lên nhưng vẫn rất lạnh. Những cành cây vươn mình đón lấy chút nắng it ỏi để nuôi dưỡng mầm nhựa sống đợi khi xuân về sẽ nảy những chồi non lộc biếc. Cả Milu và Miu cũng ra sân sưởi năng. Hai anh chị có vẻ thích lắm. Còn tôi thì mải mê với quả bóng rổ. Hiếm khi được trời nắng ấm, tôi phải tận hưởng niềm vui sung sướng này.
Chiều tối, trên chiếc xe đạp yêu quý, tôi dạo một vòng hồ tây. Nắng đã tắt rất nhanh. Gió thổi khá mạnh khiến nước hồ sóng sánh va vào những tảng đá lớn kêu rất vui tai. Không gian rộng, thoáng đãng. Trên mấy chiếc thuyền rồng khá đông khách đang từ từ rời bến. Chùa Trấn Quốc  nằm trên một bán đảo nhỏ ven hồ trông rất cổ kính uy nghiêm. Đối diện chùa là cửa hàng kem, dù là mùa đông nhưng vẫn có nhiều người. Có lẽ là những người muốn tìm cho mình một cảm giác khác lạ.
Tối đến, tôi được bố mẹ cho đi siêu thị chơi. Đường lúc này vắng, ra đường ai cũng phải mặc những chiếc áo dày để đỡ lạnh. Nếu là mùa hè chắc đường phố sẽ tấp nập, đông vui hơn nhiều.
Trở về nhà với bao nhiêu đồ chơi và đồ ăn ngon thật là vui! Một ngày mùa đông giản dị mà thật ý nghĩa. Không dịu dàng như mùa thu, không nồng nàn như mùa hạ, không ấm áp như mùa xuân nhưng cái giá lạnh của mùa đông vẫn có vẻ đẹp riêng. Nếu hôm nay không quan sát chắc tôi sẽ chẳng nhận ra khu phố mùa đông đẹp đến vậy. Tôi yêu khu phố mùa đông, yêu hơn những ngày đông Hà Nội.

 Đỗ Đức Việt Long 
Trường THCS Giảng Võ, Hà Nội

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Định nghĩa tình yêu...


Hầu như sự vật nào, hành động nào, tính chất nào cũng có định nghĩa của nó nhưng tình yêu có lẽ là phạm trù khó định nghĩa nhất. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng nói “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu/Có nghĩa gì đâu một buổi chiều/Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”. Tình yêu có lẽ là thứ mơ hồ nhất,  mong manh nhất, tinh tế nhất.
Với tôi, tình yêu có lẽ song hành theo thời gian, mỗi một chặng đường đi qua, khi tuổi được làm phép cộng thì tình yêu được làm phép nhân. Lúc mới yêu, chỉ thích cưng nựng và dỗ dành, chỉ thích được đi chơi và ngắm cảnh, được giận hờn càng vu vơ lại càng trìu mến. Nhưng có ai có thể mãi chịu làm lành, có ai có thể mãi nói những lời lơi lả, có ai có thể mãi nhõng nhẽo không đâu. Chẳng còn là cô sinh viên chỉ biết học và đi chơi tung tẩy. Ra trường rồi lại muốn có nghề, có thời gian bận túi bụi lúi húi cùng công việc để rồi thảnh thơi thư giãn sau những ngày dài  mệt nhọc. Ra trường rồi, có lúc thấy vi vu nhiều rất sướng , có lúc lại thấy lông bông, ngán ngẩm những nỗi lo trong lòng. Cuộc đời dài những chặng đường tít tắp, không thể biết được nỗi buồn vui sẽ đến khi nào. Chỉ biết từng khoảnh khắc mà không dám nghĩ tới chặng đường xa. Rồi tình yêu lại được cộng  thêm nhiều bởi nỗi nhớ, mỗi đứa mỗi nơi, 2 năm là chờ đợi, thương nhớ, mong chờ. Tình yêu lại nhân lên bởi hi vọng, những dự định khát khao về một mái ấm. Vẫn giận hờn, vẫn nhõng nhẽo, vẫn long nhong nhưng biết đâu là giới hạn của nó để 2 đứa cùng tự cân bằng chẳng thể nào bắt một người cứ hi sinh như ngày trước. Tình yêu giờ có thêm gia vị mới là “cái lý”. Bởi phải biết suy nghĩ cho cả hai, cùng đứng ở 2 vị trí, ngẫm mình và nghĩ người, suy trước và xét sau. Hình như “cái lý” ấy nó làm tình yêu thêm bền vững, và xóa đi những mệt mỏi đời thường để hai người cùng giữ gìn cho nhau.
Có lẽ đến khi sống chung cùng một mái nhà sẽ còn thêm gia vị nữa là “cái nghĩa”. Tình + lý + nghĩa chắc sẽ là gia vị hoàn hảo cho tình yêu. Một đôi vợ chồng hạnh phúc thực sự lấy nhau phải xuất phát từ tình yêu chứ đừng vì một lý do nào khác như sự thương hại, hay những toan tính bởi như thế cuộc tình ấy chắc chẳng thể dài lâu hoặc chỉ chui mình trong một cái vỏ bọc hào nhoáng. Và cái tình là những viên gạch nền vững chắc cho một mái ấm, có tình trước, người ta vì tình mà thấy cái lý, biết quan tâm, nhường nhịn và sẻ chia. Có tình, có lý, người ta sẽ tự rằng buộc nhau bởi cái nghĩa mà sự rằng buộc ấy là tự nguyện, là chân thành, chẳng ai bảo ai nhưng sẽ hết mình vì tất cả.

Tôi viết định nghĩa tình yêu bằng những trải nghiệm của một cô gái sắp bước sang tuổi 25, là một người tình đang say nồng trong tình yêu nhưng cũng là một người đi quan sát ghi lại những thước phim của cuộc sống gia đình bằng trí nhớ và cảm xúc. Chắc chắn những trang nhật ký này vẫn còn mở để tôi viết tiếp hành trình tình yêu của chính mình bằng sự trải nghiệm của cả một đời người…Những tôi nghĩ tôi đã có nền móng vững chắc nhất là cái tình và một nửa cái lý…

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Nhật kí Sapa


Đã bao lần ao ước đi Sapa mà cứ lỡ hẹn. Và rồi vào một chiều thứ 6, kế hoạch đi Sapa cũng được thực thi trong niềm mong đợi háo hức. Ngay từ khi có ý định, e đã lên mạng tìm hiểu ngay xem cần những gì, có những gì phải lưu ý, đi tới đó thì nên đi những đâu... Lâu lắm rùi mình mới đi du lịch xa phải không anh? Một Mộc Châu với thiên đường hoa cải trắng, đồi thông, thác Dải Yếm trong niềm vui đến khôn tả. Và giờ sẽ là một Sapa – mảnh đất mộng mơ mà cả hai đứa đều muốn đến. Em đã nghĩ đến hành trình ấy trong những bước chân rộn ràng khi vẫn còn đang trên đất Hà Nội.
Hơn 16h xuất phát ra bến xe Mỹ Đình. Nhưng chẳng thể ngờ được,khách lên Sapa đông đến thế, 3 lần lỡ xe vì chỉ còn vé ngồi trên sàn. Cả một đêm tới miền đất Tây Bắc của Tổ quốc sao có thể đi trong trạng thái vất vưởng như thế được. Nhưng rồi vì quá háo hức và chẳng muốn lại một lần nữa lỡ kế hoạch nên anh cũng đồng ý “thôi thích thì đi, ngồi sàn cũng được”. Em nhìn thấy sự mệt mỏi trên gương mặt anh nhưng biết làm sao được, em mong chờ chuyến đi này lắm! Và thật may mắn rằng vẫn còn 2 ghế cuối trên tầng 2 của xe. Vậy là hai chiếc bánh mì mua không thành vô nghĩa, hai đứa là một trong những vị khách đầu tiên ngồi trên xe. 19h30 xe mới bắt đầu chuyển bánh. Rồi cứ chầm chậm, chiếc xe đi lên Sapa giữa đêm tối, con đường thì dốc, ngoằn ngoèo và phải liên tục tránh những chiếc xe ngược chiều.
5h35ph chiếc xe Sao Việt đã đến bến xe Lào Cai. Nhưng trong phút chốc hầu hết khách trên xe đã xuống. Hai đứa vẫn còn đang ngơ ngác vì ngái ngủ thì anh tài xế bảo chuyển xe. Thì chuyển lên một chiếc xe khác vậy, còn 35 km nữa mới đến Sapa cơ.
8h có mặt tại đất Sapa. Theo lời chào mời nhiệt tình của một chị, hai đứa đã khoác ba lô về nhà nghỉ Phong Hương với cái giá mà cả hai đứa đều nghĩ là hợp lí 300k/ngày. Sau nửa tiếng nghỉ ngơi, đi ăn sáng với hai bát phở, hành trình đầu tiên sẽ là nhà thờ trung tâm Sapa và núi Hàm Rồng. Nhà thờ kể cũng nhỏ, nhưng độc đáo ở kiến trúc rất Pháp, có lẽ vì thế mà khá nhiều khách du lịch thuê những trang phục rực rỡ của những cô gái Hơ-mông để chụp ảnh. Loanh quanh một lát để cho có sức leo núi, hai đứa cũng bắt đầu hành trình Hàm Rồng thẳng tiến. Gần 20 địa điểm đa dạng, hấp dẫn như Vườn lan, Sân ngắm Fanxipan, vườn tượng 12 con giáp, vườn hoa trung tâm, hang Trao duyên, Cổng trời, Sân mây… hai đứa cùng đoàn người khám phá từng nơi từng nơi một. Chụp một bức ảnh vắng người thật khó, thậm chí phải xếp hàng vì ai cũng muốn có một chỗ thật đẹp để ghi lại khoảnh khắc tuyệt diệu này. Cái cảm giác được đứng trên cao ngắm nhìn đỉnh núi Fanxipan – nóc nhà của Đông Dương trong sương phủ dày đặc thật là thích. Núi không quá cao, lại có những bậc thang khiến con đường tuy hơi lòng vòng song lại rất dễ đi cho khách du lịch cộng với thời tiết mát mẻ, nên những bước chân không hề bị chùng lại. Hơn 1 tiếng hành trình núi Hàm Rồng đã hoàn tất. Trên đường xuống lại còn được thưởng thức những món nướng đặc trưng, dù mặn một tí, dù cay một tí song vẫn rất vui phải không anh?
Buổi chiều, 14h hai đứa dạy chuẩn bị hành trình tới địa điểm thứ 2 mà em đã lựa chọn đó là thác Bạc. Nghe nói thác đó rất đẹp, lại dài tới hơn 1 km, chắc hẳn rất hùng vĩ nên lại càng háo hức. Thuê chiếc xe máy, hai đứa vi vu tới thác Bạc (cho dù có người đã làm chậm cuộc hành trình vì cái bụng xấu của mình, hihi). Đúng như những gì đã tưởng tượng, thác Bạc như một dải yếm mà thiên nhiên đã ban tặng cho Sapa, dải yếm ấy bạc trắng nước. Nhưng dải yếm ấy có khúc mềm mại có khúc lại mạnh mẽ sôi nổi, nước dội vào đá tung bọt tráng xóa, ầm vang cả góc trời. Đường lên thác khá dốc nhưng sự hùng vĩ của con thác không làm chùn bước chân bất kì vị khách du lịch nào. Trên đường đi, hai đứa không quên ghi lại những khoảnh khắc thật đáng nhớ ở nơi đây.
Cũng không mất quá nhiều thời gian, 16h hai đứa đã có mặt ở chân thác. Đến một mảnh đất thưởng thức cảnh nhưng cũng không quên vẻ đẹp của ẩm thực. Ngô nướng, chim cu nướng, trứng nướng cùng hai cốc chè cỏ ngọt là những gì mà hai đứa đã lựa chọn. Và nhờ sự khéo léo của chị bán hàng mà hai đứa đều cảm thấy khá hài lòng với những món nướng này (hơn hẳn những món nướng khi leo núi Hàm Rồng vừa mặn vừa cay). Hai đứa còn quyết định mua thêm một chiếc chăn dệt thổ cẩm để về đắp mùa thu – một món quà ý nghĩa từ Sapa. Theo lời chị bán hàng, chúng mình đã quyết định bỏ qua thác Tình yêu để đến chân núi Fanxipan, chụp một bức ảnh kỉ niệm đáng nhớ ở đó. Song không biết có phải chị ấy đã nhầm hay không mà theo lời chỉ dẫn, chúng mình đi thẳng nhưng chẳng thấy dẫn đến chân đỉnh Fanxipan trái lại là một con đường dài, ngoẳn ngoèo đầy thử thách nối liền với tỉnh hàng xóm – Lai Châu. Trên đường đi trở về thị trấn hai đứa còn xôn xao bàn tán về con đường mình đã đi và những Tây ba lô du lịch bụi tại Sapa bởi sự máu lửa của họ.
Một đêm ở Sapa thưởng thức cá hồi nướng cùng su su luộc không quá ấn tượng nhưng lại siêu đắt. Vào quán thì liên tục được chào mời mua hàng từ các bà, các cô dân tộc Mông, Dao. Và một chiếc túi khá xinh chỉ với giá 30k đã được theo cô gái mang về Nam Định, hi. Loanh quanh dạo phố rùi về phòng , có một “anh chàng” do mệt lử nên đã ngủ trong phút chốc, hi, còn cô gái thì phải xem hết một bộ phim đánh nhau mới có thể chợt mắt.
Và bình minh…Không phải là ánh mặt trời ló rạng thay vào đó là sương mù cùng những cơn gió lạnh. Sau đó là mưa. Nhưng đã đi đến Sapa chẳng lẽ lại ngồi mòn mỏi trong phòng để chiều dọn đồ về xuôi. Thì cứ đi vậy. Hai đứa chuẩn bị hành lí gọn nhẹ, không quên mang theo chiếc máy ảnh đáng yêu đi bản Cát Cát  - bản làng nghề truyền thống lớn nhất của Sapa. May mắn khi vừa bước chân xuống Cát Cát thì trời mưa tầm tã, chờ đợi, sốt ruột, thì kệ mưa, cứ đi thôi. Cơn mưa chẳng ngăn được bước chân du khách. Điều mà hai đứa ấn tượng nhất đó là những cảnh gia đình nheo nhóc, 1 lũ con và rồi những đứa trẻ lấm lem chạy ra bủa vây xin tiền, xin bánh kẹo với phương châm “Không cho không về”.  Mua được hai chiếc bình cổ (không biết có phải thật không, hì), được ngắm suối Thủy Tiên khá đẹp, thưởng thức những tiết mục múa đặc sắc và món trâu gác bếp thơm lừng. Hành trình Cát Cát kết thúc để hai vị khách trở về nhà nghỉ, chuẩn bị cho hành trình khác dài hơn, xa hơn đó là trở về Nam Định yêu dấu.
Trên đường trở về lại có một trục trặc nhỏ xảy ra. (Có một người dù ngủ, không biết cụ thể chuyện gì nhưng khi biết hậu quả đã say sưa bình luận, hihi). Chiếc xe khách cọ vào chiếc xa tải dừng ở đường khiến gương của xe tải vỡ, mấy vị khách Tây sợ quá, chạy hết lên trên đầu xe ngồi. Mất khoảng hơn nửa tiếng, trời thì mưa tầm tã, cuối cùng chiếc xe cũng chuyển bánh trở về Hà Nội, Nam Định. Một người ở lại HN, một người về, có cảm giác gì đó khó tả, một nỗi buồn vấn vương…

Không biết người về thành Nam có suy nghĩ gì nhưng người ở Hà Nội thấy rất tuyệt vời vì có một chuyến đi thú vị cùng với người mình yêu. Và quan trọng hơn đối với cô gái ấy là tình yêu cùng thật nhiều những khoảnh khắc đáng nhớ và một tương lai hạnh phúc đang đợi chờ…

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Friendship U Can Keep

trTTrẻ con có cách nghĩ của riêng mình ... 

Friend ship
U
Can
Keep
Tôi là 1 thằng con trai. Mười lăm tuổi đầu rùi mà trẻ con vô đối. Đến trường học thì ít đập phá thì nhiều. Nhưng đập phá nhiều thì cũng hiểu được tình bạn quan trọng như thế nào. Bố mẹ bảo phải chơi với mấy bạn ngoan, mấy bạn học gỏi nhưng mà tinh tôi nó lại dở hơi ngoan không chơi toàn chơi với mấy đứa cá biệt. Đứa ngịch nhì trường ( lùn nhất trường luôn ) - bạn tôi (tôi ngịch nhất trường), đứa đầu gấu nhất trường (lớp bảy đánh lớp chín), thằng đào hoa nhất khối (cứ có bạn gái độ một tuần là bỏ, trung bình nó có trên mười lăm đứa gf). Chơi với những đứa như thế thì 99% người lớn bảo là bốn thằng chúng tôi hư và không cho chúng tôi chơi với con họ nhưng mà những người lớn đâu thể hiểu được tình bạn đã giúp bốn đứa chúng tôi biết phấn đầu biết sống xứng đáng hơn nhờ những kỉ niệm đáng nhớ, nhờ những lời động viên giúp đỡ nhau học hành mà chúng tôi ngày càng học tốt hơn, ngày càng biết thế nào là giới hạn của các trò ngịch ngợm.
Nhưng vào một ngày xấu trời khi chúng tôi đang đi chơi cùng nhau thì bố tôi bắt gặp. Chiều hôm đó về, tôi bị bố đánh nhừ tử vì chơi với ba đứa kia ( bố mẹ không cho tôi chơi với ba đứa kia vì nghĩ là các bạn ý sẽ làm tôi tụt dốc, ở nhà tôi là con ngoan biết giúp đỡ bố mẹ thì ở trường tôi là trung tâm của các vụ nghịch ngợm, thời trẻ con nghịch là đúng ít nhất không nghịch dại là được). Thế là từ hôm đấy đến lớp tôi dường như tách hẳn ra khỏi ba đứa chúng nó vì bố điện cho cô giáo nói là nếu tôi chơi với 3 đứa kia thì cô nói với bố nên tôi không dám manh động. Ngày tháng trôi qa tôi đã k còn chơi vs chúng nó nữa lên lớp 10 tôi chuyển trường nhưng những kí ức về tuổi thơ vs 3 thằng trẻ trâu kia cứ hiện về lm tôi càng ngày càng nhớ chúng nó hơn ( nhớ ntn k phải là gay cấm ngĩ linh tinh ). Vào một ngày qay lại mái trường xưa tôi đi linh tinh xung qanh thì gặp một nhóm con zai đi đến tui liếc nhìn 1 phát thế là mấy thằng kia bảo tôi nhìn đều rồi thế là chúng nó 5 thằng chúng nó nhảy vào đấm vào bụng tôi, mình ngã lăn ra rồi  đứa nhảy vào đấm đá, đau kinh khủng tôi qá đau đến mức k đứng dậy nổi rùi tôi nằm lì ở đấy bỗng thấy 3 thằng nào đó nhảy vào đánh bọn kia rùi tôi ngất đi tỉnh dậy tôi thấy mình nằm trong bệnh viện mặt mày chân tay thì tím bầm bên cạnh thấy 1 thằng to cao nằm gục đầu vào tay tôi, 1 thằng lùn nằm ở ghế phòng bệnh, một thằng gầy cao kếu thì đang ngồi chơi điện tử trời tôi um tôi k nhìn rõ lắm nhưng muk sao thấy mấy thằng này nhìn qen qen tôi ngồi dậy thì thấy ba đứa nó cũng tỉnh dậy luôn và nhìn tôi. Ánh đèn sáng lên và tôi thấy 3 thằng con zai mặt mày tím bầm. Và  Tôi nhận ra rằng đây là 3 thằng bạn thân hồi cấp hai của mình. Tôi ôm chầm lấy ba đứa nó, ôm rất chặt ôm đến mực cành tay tím bầm của tôi phải run lên vì qá đau, tôi đã khóc, khóc rất nhìu. Cả 4 đứa lm cả phòng đó ở bệnh viện nghe thấy tiếng khóc rên giữa đêm khuya ( nhìu ng tưởng ma về =D ). tôi ngẫm ra 1 điều dù đi đâu thì chúng ta vẫn lun có những chỗ dựa vững chắc đó chính là cha mẹ, ny và k thể qan trọng hơn đó chính là những ng bạn – những ng chia sẻ vui bùn vs mình, bênh vực mình, và hơn cả đó chính là 1 ng khi mình sinh ra k ở bên mình khi, ko phải là họ hàng của mình, chỉ là một thằng bằng tuổi mình, k sinh ra mình, k chăm sóc mình, k nấu cơm cho mình ăn, k mua đồ chơi cho mình, k cho mình đk những thứ thiêng liêng như tình cảm của cha mẹ nhưng nó có thể hy sinh tất cả vì mình bởi 2 từ 7 chữ  tình bạn.
                                                                                           - Bằng Nam -



Sự tích mặt trăng mặt trời

Nếu không để học sinh sáng tạo sẽ không biết các con có những khả năng tuyệt vời đến như thế. Những cảm xúc tinh tế, những tình cảm chân thành, những tưởng tượng bay bổng.... Cảm ơn  Bằng Nam  con đã cho cô những bài văn mà ở đó cô tìm thấy được rất nhiều...
Sự tích này, chắc chắn là không có thật. Nhưng hầu hết tất cả các sự tích đều không hề có thật đúng không? Đó chỉ là những gì mà ông bà ta tưởng tượng ra, kể với nhau và truyền từ đời này sang đời khác vì họ không thế lý giải được một hiện tượng nào đó của cuộc sống. Tôi thích truyện cổ tích, và đặc biệt là các câu chuyện sự tích với những sự vật, hiện tượng của cuộc sống muôn màu xunh quanh. Từ nhỏ, tôi đã tự nghĩ ra những câu chuyện cổ tích cho riêng mình. Và “Sự tích Mặt Trăng – Mặt Trời” là một trong những sự tích mà tôi hay dành thời gian để tưởng tượng nhất. Hi vọng câu chuyện này, lấy đi của bạn 15 phút, nhưng sẽ cho kho tàng cổ tích của bạn thêm phong phú và giúp vui cho bạn trong ngày Tết Thiếu nhi.
Chuyện kể rằng …
Ngày xửa ngày xưa, khi mà người ta vẫn không phân biệt được ban ngày và ban đêm, người ta chỉ biết gọi là Thiên thần và Ác quỷ. Ban ngày – Thiên thần, là khi các thiên thần làm việc, họ xuất hiện để chiếu những ánh sáng thần kì của thượng đế xuống cho nhân loại, giúp mọi vật có thể sống trong cái thế giới hỗn tạp này. Ban đêm – Ác quỷ, khi các thiên thần đã mệt mỏi, họ chìm vào giấc ngủ mê mệt, ánh sáng thần kì mất đi và lũ ác quỷ nhân cơ hội đó mà xuất hiện, một không gian tối tăm bao trùm vạn vật, con người thì trốn vào nhà để được an toàn. Và cuộc sống cứ thế trôi qua hàng ngày, hàng tháng, hàng năm.
Ở làng Ánh Sáng có một gia đình nhỏ, chỉ có người mẹ, cậu con trai và cô con gái sống cùng với nhau. Người cha đã bị chết do ra ngoài nhà vào thời điểm Ác quỷ để tìm thức ăn cho người mẹ khi bà ta mang thai cô con gái. Ba mẹ con sống với nhau, dựa vào nhau và lâu lâu họ nhận được sự giúp đỡ của bà con trong làng.
Một ngày nọ, khi ánh sáng được chiếu rọi khắp không gian. Gia đình nhỏ ấy cùng thức dậy đón ánh sáng tuyệt diệu và bắt đầu một ngày mới. Người mẹ làm công để kiếm thức ăn cho 2 đứa con nhỏ. Ở nhà, người anh trông nom người em. Chúng thường cùng nhau vui chơi trên cánh đồng gần nhà. Nhưng hôm nay, người em nhặt được một thứ trái cây lạ, nhìn ngon và rất thơm, do đói quá nên người em ăn và ăn rất nhiều. Trời dần tối, 2 anh em về nhà đợi mẹ đem thức ăn về. Trong bữa ăn, người em đau bụng, khắp người đổ mồ hôi, môi tím bầm và người run lên. Thương con, người mẹ dặn dò người anh lo ở nhà chăm em, còn bà thì đi tìm thuốc về cứu con. Dẫu biết Ác quỷ rất nguy hiểm nhưng bà vẫn cố gắng vượt qua núi cao để tìm được thứ thuốc chữa bách bệnh.
Nhưng, đêm ấy, người mẹ không thể về được …
Hàng xóm biết chuyện và lo lắng thuốc men cho người em, sau một thời gian, sức khỏe người em trở lại bình thường. Hai anh em quyết tâm lên đường tìm mẹ. Hai anh em bắt đầu đi từ khi ánh sáng chiếu sáng rọi, họ chia tay nhau ở phía chân trời, người anh đi hướng Bắc và người em đi hướng Nam.
Họ vượt qua sông qua suối để đến với đỉnh núi cao nhất mong tìm được mẹ trên đó. Nhưng đêm đến, là khi ác quỷ hoành hành, mọi nguy hiểm dồn dập. Người em còn quá nhỏ, không thể chịu đựng nổi sự vất vả và nổi sợ khi không có anh bên cạnh. Người em khóc mãi trên đường đi, nước mắt cô rơi xuống các con suối, dòng sông khiến cho mặt nước như được dát bạc, lung linh và huyền ảo. Rồi tiếng khóc đó đến được tai của bọn ác quỷ, bọn chúng lần theo mùi thơm từ thịt người để đến chỗ người em. Quá hoảng sợ vì sự xuất hiện của lũ quỷ gê tởm, người em chạy, chạy mãi. Từng hàng cây trong khu rừng bị thức tỉnh bởi tiếng gầm rú của bọn quỷ, lá cây tỉnh dậy, rễ cây vươn mình vì những giọt nước mắt ấm lạnh của cô gái. Tất cả dường như cùng chiến đấu để bảo vệ cô gái trước sự thèm khát của lũ quỷ. Nhưng sự tàn ác của lũ qũy đã làm cho mọi sự cố gắng trở nên vô ích. Chúng đã hút gần cạn kiệt dòng máu đỏ tươi trong cơ thể cô cho đến khi trời sáng. Và xác cô gái nằm lại trên đỉnh núi phía Tây.
Nhờ gió mang tin đến mà người anh mới biết được em gái mình bị lũ quỷ ăn thịt. Quá đau buồn trước tin đó, người anh càng khóc thảm thiết hơn, sự tức giận của người anh khiến cho cây cối xung quang cháy xém, nước mắt người anh làm nóng cả một dòng sông khiến cá chết khét. Người anh khóc lóc thảm thiết trên đỉnh núi phía Đông từ ngày này qua ngày khác, khiến cho lũ quỹ dù thèm máu đến thế nào cũng không dám bén mảng vì sợ hơi nóng bốc ra từ người anh. Các thiên thần thấy hoàn cảnh tội nghiệp của hai anh em bèn đưa chuyện này lên cho thượng đế phán xét. Nghĩ lại tình cảm của hai anh em dành cho người mẹ, tình cảm của người mẹ dành cho hai đứa con. Thượng đế quyết định cho Người anh và người em làm thay công việc của các thiên thần. Người anh sẽ chiếu sáng vào ban ngày và người em chiếu sáng vào ban đêm. Việc này nhằm giúp cho hai anh em có thể tìm được người mẹ và chiếu sáng giúp cho vạn vật có thể tránh khỏi sự săn đuổi và lộng hành của bọn quỷ. Ánh sáng khiến cho vạn vật bị khô lại, còn ánh sáng của người em thì lại quá yếu vì sức lực đã bị lũ quỷ hút cạn kiện nên chỉ có ngày rằm thì người em mới phát sáng để soi rọi vạn vật. Nhưng hai anh em không thể gặp nhau vì khi người anh xong việc thì người em bắt đầu làm việc, chính vì thế họ thường hay đau buồn và nhớ thương nhau. Thấy cả hai đều hoàn thành tốt công việc của mình nên thượng đế cho họ thêm hai ngày Nhật thực và Nguyệt thực giống như ngày nghỉ của hai người để họ có thể gặp nhau.
Câu chuyện tuy chỉ là tưởng tượng nhưng đó là bài học quý về tình cảm gia đình. Hãy trân trọng và biết yêu thương những người trong gia đình bạn, vì khi gia đình bên cạnh sẽ tạo niềm tin bạn có thể làm được tất cả. Và Trung thu này, hãy về với gia đình, hãy gọi điện hỏi thăm gia đình, hãy nhớ đến gia đình vì gia đình là tài sản vô giá của riêng bạn.



Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Vui học tiếng Việt

Bài thơ có 8 cách đọc

Có lẽ chỉ có tiếng Việt mới phong phú như thế !

1. Bài thơ gốc:

Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.
2. Ðọc ngược bài gốc từ dưới lên:

Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.

3. Bỏ hai chữ đầu mỗi câu trong bài gốc,
ta được bài (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):

Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.
4. Bỏ hai chữ cuối mỗi câu trong bài gốc,
đọc ngược từ dưới lên, ta được bài
(ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):

Mắt ai bóng thướt tha
Ðàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.
5. Bỏ ba chữ cuối mỗi câu trong bài gốc,
ta được bài (tám câu x bốn chữ ):

Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.

6. Bỏ ba chữ đầu mỗi câu trong bài gốc,
đọc ngược từ dưới lên, ta được bài (tám câu x bốn chữ):

Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.

7. Bỏ bốn chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, ta được bài (tám câu x ba chữ) :

Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Ðàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.
8. Bỏ bốn chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên, ta được bài (tám câu x ba chữ):
Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.
 


Dấu sắc...

Truyện kể toàn dấu sắc
Tí, Quyến hái cóc
Sáng sớm, Mít, Quyến thấy mấy trái quýt với mấy trái cóc chín, Quyến nói:
- Tớ kết cóc nhất, cóc chín tớ ngó thấy khoái lắm!
Mít thấy quýt chín, muốn hái hết, nó nói với Quyến:
- Tớ đứng ngó bác Tám, Quyến hái trái nhé? Hái hết mấy trái chín, Quyến xuống tớ với Quyến hết nuốt nước miếng!
Quyến lắc lắc:
- Chó bác Tám cắn chết!
- Giúp tớ với, tớ muốn ăn quýt quá!- Mít nói.
Quyến thấy Mít nói thế, mới giúp hái quýt. Quyến hái bốn trái quýt với sáu trái cóc, tính hái tiếp... Mít dưới gốc cây hét lớn:
- Chó bác Tám, chó bác Tám đến!
Nói đến đấy Mít phóng mất! Chó ngước ngước ngó Quyến. Quyến vốn yếu bóng vía, hết dám xuống đất. Quyến réo bác Tám, muốn bác xí xóa. Bác Tám nói: “Quyến cứ hái hết quýt, cóc chín, cấm Quyến hái lén tiếp!”. Quyến hứa Quyến hết dám!
Trần Khánh Linh
(033, Võ Thị Sáu, tổ 8, phường 3, TX Bạc Liêu)

Dấu huyền ...

BÀI LÀM TOÀN HUYỀN

(372 chữ)


Nhà bà Hồng gần nhà bà Đào. Vì trồng nhiều cà mà nhà bà Hồng dành nhiều tiền và làm nhà nhiều tầng, dần dần thành bà hoàng làng này. Còn nhà bà Đào thì nghèo, vì chồng bà cù lần đòi trồng toàn bồ hòn, mà làng này thì cần gì bồ hòn, và bà Đào nghèo càng nghèo, nhà thì tồi tàn, toàn là lều và mùng. Nhà bà Hồng thì giàu vì nhiều gà và bò, còn nhà bà Đào thì nghèo vì vườn toàn chuồng gà.

Chiều chiều, bà Đào thường bần thần ngồi ngoài lều nhìn bà Hồng lùa gà và bò vào chuồng mà lòng buồn buồn vì thèm thuồng. Nhìn vào chuồng nhà mình, chuồng gì mà toàn ruồi, lòng bà Đào càng rầu rầu. Đường vào vườn nhà bà Hồng ngoằn ngoèo, hằng ngày mèo gà và bò thường lần mò tìm đường vào chuồng, nhà bà Hồng giàu thì càng giàu.

Rồi ngày kìa, bà Hồng vì thừa tiền làm nhầm nhà vào vườn cà mà thành nhà nghèo. Gà nhà bà Hồng vì mò nhầm đường mà lần vào chuồng nhà bà Đào. Bà Đào từ hồi nhiều gà, hằng ngày đều làm vài nghìn đề, dần dần dành nhiều tiền liền thành nhà giàu. Bà lừa chồng, cày vườn bồ hòn, trồng toàn dừa là dừa. Rồi vào mùa hè, dừa nhiều cùi, nhiều người thèm dừa tìm vào nhà bà, bà Đào càng ngày càng nhiều tiền.

Còn bà Hồng thì gầy mòn, ngày ngày vùi đầu trồng cà và ngồi chờ mùa cà, lòng buồn phiền vì nghèo nàn. Dù nhiều lần thèm dừa, bà đành thừ người nhìn vườn dừa nhà bà Đào, buồn buồn tình tình. Rồi bà nhìn vào chuồng gà nhà bà Đào, thì bàng hoàng vì toàn là gà nhà mình. Bà liền đùng đùng vào vườn nhà bà Đào, làm hàng tràng: “Đồ Đào đần, mày nghèo mà hèn, làm trò mèo lùa gà nhà bà vào chuồng nhà mày mà thành giàu!”. Bà Đào trừng trừng nhìn bà Hồng: “Mày đừng đùa? Nhà bà dù nghèo thì nghèo, thèm vào lùa gà nhà mày về, gà nhà mày toàn là gà đần, lần lần tìm đường mò vào chuồng nhà bà. Giờ nhà bà giàu rồi, cần gì gà nhà mày, mày làm gì thì làm, đừng nhiều lời!”.

Bà Hồng cần gì nhiều lời, lừ đừ lùa gà từ chuồng nhà bà Đào về chuồng nhà mình, hằng ngày bà đều trồng cà gần chuồng gà. Rồi dần dần, vườn cà vào mùa, vì thèm cà, bò và mèo hàng đàn tìm về, nhà bà Hồng giàu hoàn giàu. Còn nhà bà Đào thì vì chồng bà toàn đòi trồng bồ hòn mà vườn dừa còn vài hàng, nghèo hoàn nghèo.

Dấu phẩy giá bao nhiêu

Sai một phẩy, nhảy ngàn dặm

Một giáo viên tiếng Anh đã đề nghị mỗi sinh viên đặt những dấu thích hợp vào câu sau: “Woman without her man is nothing”. Bọn con trai ngắt câu: “Woman, without her man, is nothing” (đàn bà, nếu thiếu nửa kia của mình, thì chẳng là gì cả). Bọn con gái lại ngắt câu như sau: “Woman: without her, man is nothing” (phụ nữ: thiếu cô ta, đàn ông chẳng là gì cả).
Một phụ nữ Mỹ đi du lịch ở châu Âu gửi điện về cho chồng: “Có một chiếc xuyến đẹp mê hồn, giá 75 đô. Em mua được không?” Anh chồng lập tức trả lời “No, price too high” (không, giá quá cao). Nhưng nhân viên điện tín mắc một sai lầm nhỏ đã bỏ qua dấu phẩy và thành: “No price too high” (không giá nào là quá cao). Được lời như cởi tấm lòng, cô vợ mua ngay chiếc xuyến. Khi về Mỹ, cô vợ khoe chiếc xuyến làm người chồng choáng váng. Người chồng đem vụ “bỏ sót dấu phẩy” này ra toà và thắng kiện. Từ đây, các hãng điện tín đòi hỏi nhân viên phải đánh vần dấu câu trong bức điện chứ không dùng ký hiệu. Nghĩa là phải viết “No comma price too high” (không phẩy giá cao quá).
Còn có giai thoại: một cặp yêu nhau nhưng chàng trai rất nghèo, phải đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền cưới vợ. Những biến động xã hội nơi xứ người khiến thư từ đi lại thất thường. Sau mấy tháng bặt tin anh, cô gái viết thư sang cho biết cô không đủ kiên nhẫn chờ anh… Được thư, anh hốt hoảng viết vội ba chữ trả lời: “Đừng chờ anh!”. Thế là cô gái đi lấy chồng. Khi về nước anh trách cô gái bội ước. Cô gái đưa thư cũ của anh ra. Anh té ngửa: trong lúc đầu óc mụ mẫm mình đã viết thiếu một dấu phẩy. Thực ra, anh định viết “Đừng, chờ anh!”
Dấu phẩy đôi khi có giá đến nửa triệu đô. Năm 1870, trong danh sách các mặt hàng được miễn thuế vào Mỹ, lẽ ra là câu “Tropical fruit-plants for the purpose of propagation” (các cây nhiệt đới ăn trái nhằm mục đích nhân giống) thì người ta đánh nhầm dấu nối thành dấu phẩy, thành “Tropical fruit, plants for the purpose of propagation” (trái cây nhiệt đới, cây nhằm mục đích nhân giống). Thế là toàn bộ các loại trái cây nhiệt đới được nhập miễn thuế vào Mỹ. Tới khi người ta phát hiện ra sai sót chết người này, đã mất khoảng 500.000 USD tiền thuế không đòi lại được!
Hiểu sai dấu phẩy, quan chủ khảo bị vài chục… gậy

Dấu phẩy nhằm tách biệt các phần câu. Nó cho phép diễn đạt chính xác điều muốn nói. Đặt sai dấu phẩy, biết bao chuyện dở cười dở khóc đã xảy ra.
Trong Lều chõng, Ngô Tất Tố kể chuyện rằng, danh sĩ đời Lê, cụ Nguyễn Công Hoàn là bậc học vấn uyên thâm, chỉ vì cái tật đặt câu cầu kỳ, thành ra thi mãi không đỗ. Trong khi đó, con ông là Nguyễn Công Lân, sức học kém cụ rất xa, nhưng mà văn chương hoạt bát nên đã đỗ tiến sĩ.
“Khoa ấy […] ông Lân đã làm chủ khảo, cụ Nguyễn vẫn còn cắp quyển đi thi, và cũng lại hỏng như trước… (Xong việc trường thi, ông Lân về nhà thăm cha). Cụ Nguyễn hỏi:
– Khoa này có được quyển nào khá không?
– Có một quyển khá, chỉ vì phải câu tứ lục thất niêm, không thể lấy đỗ.
– Câu tứ lục ấy thế nào? Có nhớ không?
Ông con thưa rằng nhớ và đọc: “Lưu hành chi hoá tự Tây Đông, Nam Bắc vô tư bất phục. Tạo tựu chi công tự Cảo Mân, Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng” – ông ngậm ngùi tiếc: “Nếu như hai câu dưới, họ đảo hai chữ Cảo Mân ra làm Mân Cảo thì hay biết chừng nào”… Không đợi con nói hết lời, cụ Nguyễn vác gậy phang luôn chừng vài chục gậy:… dốt nát như thế mà đi chấm trường, chôn sống biết bao nhiêu người. […]
Thì ra hai câu tứ lục ấy chính của cụ Nguyễn, ý cụ đặt như thế này: “Lưu hành chi hoá tự Tây, Đông Nam Bắc vô tư bất phục. Tạo tựu chi công tự Cảo, Mân Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng” […] Bởi vì nhà Chu khởi ở phương Tây, đóng kẻ chợ ở đất Cảo, người ta chỉ có thể nói “Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây, các phương Đông Nam Bắc đâu đâu cũng phục cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo, các xứ Mân Kỳ Phong đều cùng dấy theo”. Chứ ai lại nói “Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây, phương Đông, cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo, xứ Mân”… (Ngô Tất Tố, tác phẩm, tập 2, NXB Văn Học, 1977)
Được yêu, được sống nhờ dấu phẩy
Ông bố nọ muốn lấy tên nhà thơ La Mã vĩ đại Virgile đặt cho con trai mình. Khốn nỗi, ông lúng túng viết nhầm thành Virgule, tiếng Pháp có nghĩa là dấu phẩy. Anh chàng lớn lên cũng khẳng khiu như dấu phẩy, không thành nhà thơ mà vào làm bưu điện. Anh thầm yêu trộm nhớ cô hàng xóm Sophie. Cô gái này lại yêu chàng trai không yêu cô. Bao nhiêu thư gửi đi mà không nhận được hồi đáp. Rồi một hôm cô quyết định ra bưu điện gửi bức điện (chứ không viết thư nữa) cho chàng trai nọ.
– Tôi muốn gửi một bức điện – cô buồn rầu nói, mắt không nhìn Virgule, nhân viên bưu điện.
– Cô vui lòng đọc nội dung – Virgule cầm bút cảm động lắp bắp nói.
– “Je t’aime, virgule, Je t’adore, virgule, Je voudrais tant que tu me dises que tu m’aimes aussi, point” (Em yêu anh, phẩy, em thương anh, phẩy, em muốn anh cũng nói với em rằng anh cũng yêu em, chấm)
Anh chàng Virgule không cho virgule là dấu phẩy mà hiểu đó là tên mình: Em yêu anh, Virgule, em thương anh, Virgule… Anh chàng bưu điện yêu cầu cô gái nhắc lại. Sophie làm theo: “Em yêu anh, Virgule, em thương anh, Virgule…” Mắt anh ta sáng lên. Sophie nhận ra anh chàng này đáng yêu làm sao. Và họ đến với nhau.
Còn đây là giai thoại về hoàng đế Alexandre Đệ Tam (Nga) (qua tiếng Anh): từ chối ân xá cho một phạm nhân, ông đọc “Pardon impossible, to be sent to Siberia” (Không thể ân xá, đày đi Siberia). Vợ ông là Dagmar (cháu gái vua Đan Mạch Christian IX) là một người vô tâm, nên đã đánh nhầm dấu phẩy thành “Pardon, impossible to be sent to Siberia” (Ân xá, không thể đày đi Siberia). Thế là người tù này thoát tội. Đây là kiểu mơ hồ có trong mọi ngôn ngữ do dấu phẩy ngắt phần “không được” vào hai vế khác nhau của câu. Ví dụ:
Tiếng Việt: a) Khi uống bia, không được cho đường; b) Khi uống bia không được, cho đường; c) Khi uống bia không, được cho đường.
Tiếng Nga: a) Казнить, нелзя помиловаь (xử tử, không ân xá); b) Казнить нелзя, помиловаь (không được xử tử, ân xá).
Đặt sai dấu phẩy, biết bao chuyện dở cười dở khóc đã xảy ra!
                                                                                            GS.TS Nguyễn Đức Dân

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

kể lại nhân vật Lượm dựa vào bài thơ Lượm của Tố Hữu


Dựa vào bài thơ “Lượm” của Tố Hữu em hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện về Lượm

Bài làm

Sau hai năm, tôi được chuyển công  tác về Hà Nội. Một hôm, tôi nhận được mật báo của Trung ương ra cột cờ Bắc kì để lấy thư của chú bé liên lạc. “Trời ơi, sao anh bạn này lại giống Lượm đến thế, chẳng phải Lượm đã hồi sinh”. Ngỡ ngàng quá, tôi nhìn chằm chằm vào chú bé. Trên đường về, trong lòng tôi bỗng trào lên một cảm xúc bâng khuâng khó tả, có cái gì đó vừa nghẹn ngào, vừa đau đớn. Hình ảnh Lượm với bao nhiêu kỷ niệm chợt ùa về trong tâm trí tôi.
Ngày ấy, chiến tranh ở Huế đang rất ác liệt. Đường phố vắng tanh, dân đi chạy loạn, khói sung nghi ngút, khắp nơi chỉ nghe thấy tiếng bom đạn nổ. Tôi vừa về từ Hà Nội, đi qua phố hàng Bè tình cờ gặp Lượm. Chú bé có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Chú đi thoăn thoắt, các bước chân đều nhua. Vừa đi, Lượm vừa lắc lư cái đầu, hết nghiêng sang bên này lại nghiêng sang bên kia. Đeo chéo người là cái xắc nhỏ xinh của Lượm. Tuy bé thế thôi nhưng trong chiếc túi ấy chứa rất nhiều mật  thư và tài liệu quan trọng. Lượm còn nghịch ngợm đội chiếc ca lô lệch về một bên. Chú bé vừa đi vừa huýt sáo trông rất yêu đời. Nhìn từ xa, chú như con chim chích, đang tung tăng trên đường vàng. Lượm say mê kể cho tôi nghe về côngg việc liên lạc
-                     Cháu đi liên lạc, vui lắm chú à! Ở đồn Mang Cá thích hơn ở nhà. Cháu có thêm bao nhiêu là bạn mới. Các anh, các bạn đều yêu thương, giúp đỡ cháu.
Chắc chú bé đang vui lắm, thích thú lắm nên cười híp mí, má đỏ như trái bồ quân. Rồi, Lượm chào tôi và tiếp tục công việc của mình.
Một hôm, tháng sáu, tôi nhận được một bức thư từ quê nhà gửi lên. Tôi như chết lặng không kìm nổi nước mắt của mình. Thật không tin, mới ngày nào tôi còn tâm sự, trò chuyện với Lượm mà bây giờ….Không hiểu sao, trong lòng tôi bỗng trào lên những cơn sóng dữ dội. Tôi đau đớn quá! Lượm không chỉ là một người đồng chí mà còn là một người bạn, một người cháu.
Chú bé ấy đã hi sinh…
Hầu như ngày nào cậu bé cũng đi liên lạc và luôn hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Một hôm, câu nhận được một mật thư của cấp trên yêu cầu chuyển gấp. Chú nhanh chónh bỏ lá thư vào xắc, lên đường đi ngay. Với thân hình nhỏ bé và kinh nghiệm của những lần đưa thư trước, chú đồng chí nhỏ chạy nhanh thoăn thoắt như một mũi tên qua làn mưa đạn. Hiểu được tầm quan trọng của bức thư, Lượm không sợ hiểm nghèo tránh được tất cả những viên đạn của giặc. Qua mặt trận là cánh đồng lúa đang thời con gái xanh mơn mởn, câu bé miệng huýt sáo vang chân nhảy tung tăng trên con đường quê vắng vẻ. tưởng rằng đã hết nguy hiểm thì bỗng lòe chớp đỏ, Lượm ngã xuống. Hóa ra, một viên đạn lạc đã trúng phải người em, Lượm nằm trên lúa, tay nắm chặt bống, dường như không muốn bỏ ra.Chú bé ra đi không hề dâu đớn mà vô cùng thanh thản như là chìm trong giấc ngủ. Hương lúa thoang thoảng nâng đỡ hồn em trở về cõi vĩnh hằng.
Đọc xong bức thư mà tôi vẫn còn chưa hết sửng sốt, bàng hoàng “Lượm ơi, còn không?” Trong tâm trí tôi, bỗng hiện lên hình ảnh chú bé Lượm ngày nào. Tôi vẫn còn nhớ dáng người loắt choắt, cái xắc xinh xinh đeo bên người. Tôi sẽ không bao giờ quên được chú đồng chí nhỏ với ca lô đội lệch, miệng huýt sáo vang như con chim chích nhảy trên đườ vàng…
             Đỗ Đức Việt Long - Trường THCS Giảng Võ

Tả cơn mưa mùa hạ


Mỗi mùa đều có một đặc trưng riêng. Nếu mùa xuân là những con mưa phùn lất phất kéo dài, mùa thu và mùa đông tiết trời hanh khô, se lạnh thì mùa hạ là những cơn mưa rào bất chợt. Thật là sảng khoái, dễ chịu khi ngắm nhìn những cơn mưa.

Đã mấy hôm nay, trời  oi bức, khó chịu. Hầu như không có gió. Các anh chị cây xanh ai cũng có vẻ mặt buồn bã. Mấy chị hoa dại đứng ủ rũ ở ven đường. Anh bàng trầm ngâm, im lặng không cười nói như mọi ngày. Dòng sông ngày càng cạn nước, các cô bèo trôi dạt hết về hai bên bờ. Không chỉ vạn vật mà con người cũng cảm thấy khó chịu. Ai cũng chỉ mong một cơn mưa đến để làm dịu đi cái oi nồng của mùa hạ. Hôm nay trời bỗng nhiên âm u, sầm sì, gió thổi mạnh, mây đen ùn ùn kéo đến che lấp đi khoảng trời xanh của  mọi ngày. Dọc đường đê các chú chuồn chuồn bay là là trên đầu ngọn cỏ. Bà tôi thường nói
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng bay vừa thì râm
Chắc là trời sắp mưa rồi! Ở phía đằng đông những tia sáng  lóe lên rạch  ngang bầu trời. Mưa bắt đầu rơi xuống. Đâu tiên chỉ vài hạt tí tách như những giọt café fin đang chảy trong cốc. Mưa to dần hơn và nặng hạt. Tiếng mưa rơi lộp độp trên sân. Rồi bỗng nhiên mưa ào ào như trút nước. Tưởng như đang có ai đó cầm chiếc vòi khổng lồ ban phát nước khắp nơi. Nhất là khi nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn cứ sầm sầm, sầm sầm. Nếu mưa mùa xuân giống như một cô gái nhẹ nhàng yếu đuối thì mưa mùa hạ giống như một chàng trai mạnh mẽ, cá tính. Một lát sau, sân ngập đầy nước. Trong vườn cây cối vui mừng nhảy múa, cười nói rôm rả. Anh khế như một nhà ảo thuật gia với những lá bài trên tay. Chị mười giờ uyển chuyển trong điệu khiêu vũ cổ điển. Bác bưởi lại rộn ràng trong khúc sam-ba. Chưa bao giờ cây cối vui mừng như thế này. Các anh bạn mưa cũng vô cùng sung sướng, cười khúc khích, chơi trò lướt ván từ chiếc lá này sang chiếc lá khác.
Một lát sau mưa nhỏ dần và thưa hạt. Bỗng có tiếng sấm đùng đoàng như vừa có người đánh tiếng trống trận trở về. Rồi mưa tạnh hẳn. Trời quang hơn, mây đen biến mất để lại một mảng da trời trong xanh. Ở phía đằng tay, bỗng  nhiên có những vệt màu xuất hiện rồi dần hình thành một cây cầu có bảy màu sắc với những tia sáng lung linh. Gió mơn man nhẹ thổi mát lạnh và sảng khoái vô cùng. Cảm giác lúc này thật tuyêt vời, đứng giữa sân hít một hơi thật dài tận hưởng hết sự dịu nhẹ trong lành của không khí.
Mưa mùa hạ chợt đến rồi chợt đi giống như một giấc mơ đẹp. Cảm ơn những cơn mưa đã ban tặng cho con người, cho thiên nhiên một sức sống mới và một niềm vui bất tận. 
                                Đỗ Đức Việt Long - Trường THCS Giảng Võ

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh trong Sang thu


Hữu Thỉnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trong thời kì cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thơ ông mang đậm chất trữ tình giản dị mà sâu sắc thể hiện những cảm xúc chân thành về cuộc sống. Bằng tất cả sự cảm nhận  tinh tế và tình yêu tha thiết với quê hương đất nước và năm 1977, nhà thơ đã cho ra đời tác phẩm “sang thu” – một khúc hat ca ngợi vẻ đẹp của đất trời trong sự chuyển biến từ hạ sang thu.
Mùa thu vốn luôn là nguồn cảm hứng của thi nhân, là đề tài muôn thưở từ xưa đến nay. Họ viết về mùa thu khi muốn gửi vào đó nỗi cô đơn, lẻ loi của con người giữa bao bộn bề của cuộc đời. Con người ta tìm đến mùa thù như một điểm tựa để giãi bày, sẻ chia hay đơn giản chỉ là chạm nhẹ vào không gian hư ảo của kỉ niệm. Nhưng đối với Hữu Thỉnh lại khác, “thơ ông không chỉ là văn chương mà còn là một phần gan ruột”. “Sang thu” là một phần tâm hồn ông. Trải qua bao khốc liệt của thời chiến, nhà thơ như muốn sống chậm lại để cảm nhận, hòa mình vào không gian thiên nhiên diệu kì, lắng nghe từng khoảnh khắc giao mùa để từ đó suy nghĩ, chiêm nghiệm những ý nghĩa nhân sinh của cuộc đời.
Trước hết, những tín hiệu báo thu sang đã được nhà thơ cảm nhận bằng một sự tinh tế và sâu sắc trong tâm trạng đầy bất ngờ.
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”
Từ “bỗng” xuất hiện ngay đầu dòng thơ đã bộc lộ cảm xúc ngỡ ngàng của tác giả. Với bước chân duyên dáng, yêu kiều, hương ổi như đang phảng phất đâu đây mà không ai biết. Làn hương thanh mát ấy như đang chơi trốn tìm với lòng người, khiến thiên nhiên sang thu như mang mot vẻ đẹp bí ẩn lạ kì. Ở câu thơ tiếp theo, từ “phả” tuy giản dị mà vô cùng ý nghĩa, hương thơm nồng nàn, quyến rũ của trái ổi chín như được hữu hình hóa, đang lan tỏa, ướp ngọt cho không gian, Tiếp đó, người đọc bắt gặp hình ảnh “gió se” ở cuối dòng thơ. Những cơn gió heo may se se thổi luôn là biểu tượng của mùa thu. Bằng cảm nhận  này của Hữu Thỉnh, “hương ổi” và “gió se” – hai vẻ đẹp của mùa thu đã trở thành những người bạn tri âm tri kỉ, đồng hành cùng nhau trong khôngg gian của đất trời và giây phút thu sang chính là thời khắc gặp gỡ, tương giao của cái đẹp. Trong câu thơ thứ ba của khổ thơ, cụm từ “chùng chình” đã diễn tả ngập ngừng, e ấp bước qua ngưỡng cửa mùa thu của những hạt sương mai. Với cảm nhận của nhiều nhà thơ, nhắc đến mùa thu là nhắc đến cái gì đó lạnh lẽo, thê lương. Nguyễn Khuyễn cũng đã từng đọc thấy tín hiệu báo thu sang trong nỗi u buồn, quạnh vắng
“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”
Nhưng đối với Hữu Thỉnh, trong tiềm thức của ông, bức tranh thu luôn hiện ra với xiết bao dịu dàng và gần gũi, nổi bật lên bởi hình ảnh của hương ổi, gió se và sương mờ. Cái đẹp ấy đẹp đến mức khiến con người phải say mê chiêm ngưỡng. Khổ thơ được khép lại trong niềm băn khoăn xúc động, “hình như thu đã về”. Đó là kết quả cho sự mong đợi, trông ngóng của nhà thơ khiến thiên nhiên đang trong thời khắc giao mùa. Như vậy, Hữu Thỉnh đã cảm nhận về mùa thu bằng tất cả những giác quan. Chỉ ngắn gọn trong 4 câu thơ mà những gì tinh  túy nhất của mùa thu đã được thâu tóm trọn vẹn. Hơn thế, tác giả đã dành cho của đất nước một sự mong đợi đầy  tha thiết.
Khổ thơ đầu tiên đã cho người đọc thấy được sự tinh tế trong cảm nhận của nhà thơ về những tín hiệu báo thu sang nhưng sự tinh tế này còn được thể hiện rõ hơn qua việc tác giả cảm nhận về những chuyển biến của đất trời mùa thu trong khổ thơ thứ hai.
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Hai chữ “dềnh dàng” khiến trước mắt người đọc như hiện ra hình ảnh của dòng sông đang chậm rãi bước đi một cách êm đềm, dịu nhẹ. Nhưng điểm nổi bật hơn cả khiên người đọc bị ấn tượng là từ “được lúc” tuy giản dị nhưng nó đã diễn tả được trọn vẹn ý thơ. Thu sang là thời khắc để vạn vật chuẩn bị hành trang để bắt đầu cuộc sống mới, một hành trình trải nghiệm mới với bao nhận thức và rung động. Bước sang câu  thứ hai, người đọc nhận ra sự đối lập về hình thức giữa câu 1 và câu 2. Dòng sông thì chậm rãi, điềm đạm, đàn chim thì hối hả, vội vã. Nhưng nếu để ý kĩ thì từ “được lúc” ở câu 1 và “bắt đầu” ở câu 2 đều đang hướng tới một quy luật, tất cả trong thời điểm giao mùa đều có sự biến chuyện thay đổi, đó là hình ảnh dòng chảy của con sông, tiếng vỗ cánh của đàn chim. Chỉ người có một trái tim nghệ sỹ và sự hiểu biết về cuộc đời mới có những cảm nhận  tinh vi đến vậy.
Đặc biệt, hình ảnh ở 2 câu cuối khổ có thể xem là điểm nhấn, là những đường nét tuyệt mĩ nhất của bài thơ. Trong khoảnh khắc giao mùa, đám mây trên trời cao đã trở thành ranh giới, là nhịp cầu nỗi giữa hạ và thu. Bên này là ánh nắng rực rỡ của mùa hạ, bên kia đã dịu nhẹ một sắc thu. Cách diễn đạt “vắt nửa mình sang thu” đã khiến bức tranh thu mang một vẻ đẹp thơ mộng và vô cùng lãng mạn, Đám mây trong câu thơ tựa như môt thiếu nữ duyên dáng đang vừa quyến luyến mùa hạ vừa rung động trước vẻ đẹp của mùa thu khiến người đọc liên tưởng ngay tới một câu ca dao xưa
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi
Quả thật, những chuyển biến của đất trời lúc sang thư đã được tác giả chứng kiến và cảm nhận bằng một sự rung cảm tuyệt vời. Bằng việc sử dụng những từ ngữ hình ảnh đắt giá, giàu sức biểu cảm, tác giả như đang kiếm tìm cài nhìn của mùa thu soi rọi vào nội tâm con người.
Nếu khổ 1 và khổ 2 là những miêu ta chân thức về thiên nhiên thì khố cuối bài thơ là những đúc rút, những suy ngẫm triết lí về con người và cuộc đời. Câu thơ đầu tiên cất lên như để cảm nhận thật sâu, thật kĩ từng giọt nắng cuối hạ trong khoảnh khắc bình yên. Hữu Thỉnh đã cảm nhận được cả những bước đi, từng nhịp đập của không gian vạn vật. Đến câu thơ thứ hai và  thứ ba người đọc cảm thấy lưu luyến bởi những từ “vơi,bớt”. Tác giả đang diễn tả cái dần thưa thớt, ít dần của những cơn mưa rào ào ạt cùng với tiếng sâm rền vang đến và đi bất ngờ của mùa hạ. Tất cả thật chậm rãi, thong thả và không hề vội vã.
Câu thơ cuối cùng khép lại bài thơ mang một giọng điệu sâu lắng, như đang muốn bày tỏ với người đọc một sự thay đổi trong tiềm thức con người.
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
“Trên hàng cây đứng tuổi” câu thơ tả cảnh nhưng ẩn chứa trong đó là những triết lý sâu xa hơn khiến người đọc phải suy ngẫm. Thu đến tuy mở ra một hành trình mới, một sự thay đổi mới nhưng điều đó sẽ đồng nghĩa với việc thời gian sẽ lại trôi đi, gợi đến cái xế chiều của đời người. Những hình ảnh xuất hiện trước câu thơ không chỉ đơn thuần là tả cảnh mà nó còn là tượng trưng cho giông bão của cuộc đời. Con người đã vượt qua bao sóng gió và thử thách để giờ đây đã trở nên từng trải và mỗi ngày điềm đạm hơn trưởng thành hơn trong cuộc đời. Hai câu thơ thể hiện vẻ đẹp của người lính, một cốt cách hiên ngang, vững vàng. Bài thơ này làm khi ông bước ra khỏi cuộc chiến tranh hai năm. Có lẽ chính những thời gian trải nghiệm với cuộc kháng chiến đầy gian lao của dân tộc đã cho người lính ấy thêm rất nhiều bản lĩnh, tự tin để đối mặt với tất cả những phong ba của cuộc đời. Thế mới biết những câu thơ được viết lên không chỉ bằng sự tinh tế mà còn là cả cuộc đời .
Như vậy bài thơ “Sang thu” đã trở nên giàu ý nghĩa cùng với  những thông điệp đa tầng. Hành trình giao mùa của thiên nhiên đất trời cũng như là hành trình của đời người. Ai cũng từng có tuổi trẻ đầy sức sống nhưng rồi cuộc đời cũng sẽ bước sang thu. Nếu không có một vốn sống, vốn hiểu biết về cuộc đời, Hữu Thỉnh sẽ không có những thông điệp sâu sắc đến vậy. Không chỉ có nội dung triết lí ý nghĩa mà nghệ thuật của bài thơ cũng vô cùng đặc sắc những hình ảnh thơ gần gũi, giản dị, ngôn ngữ đẹp, gợi hình gợi cảm, giọng thơ ngỡ ngàng, bất ngờ xem lẫn cả sự sâu lắng và đặc biệt là cảm xúc tinh tế của nhà thơ được diễn tả khéo léo thú vị

Nguyễn Ngọc Anh, trường Giảng Võ, Hà Nội