Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Bức tranh ngôn ngữ về thế giới của người Việt thông qua từ ghép chính phụ chỉ các loại Cơm



Với người Việt Nam từ ngàn đời nay việc ăn không đơn thuần chỉ là “ăn để mà sống” mà đó còn là văn hóa, là cuộc sống. Trần Ngọc Thêm đã nhận xét việc ăn uống “quan trọng tới mức toàn năng như ông Trời không dám và không được quyền xâm phạm “Trời đánh tránh miếng ăn”. Có lẽ chính vì thế mà trường từ vựng về thức ăn trong tiếng Việt vô cùng phong phú đặc biệt khi nói về “cơm”. Joe Ruelle, một người Canada đang sống và làm việc tại Việt Nam cũng đã nhận xét rằng khó có ngôn ngữ nào có thể có vốn từ ngữ về những từ ngữ chỉ thức ăn phong phú lại nhiều ý nghĩa sâu sắc như tiếng Việt. Khi nghiên cứu các từ ghép chính phụ “cơm” chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu Cơm với tư cách một món ăn. Song cũng có điều đặc biệt trong tiếng Việt, khi cơm từ xưa tới nay không được dùng để chỉ một món ăn “gạo nấu chín, ráo nước, dùng để làm món chính trong bữa ăn hàng ngày” mà mang một ý nghĩa khái quát hơn chỉ chung về thức ăn, bữa ăn. Người Việt nói “mâm cơm”, “bữa cơm” là để chỉ chung về bữa ăn hay “cơm gà, cơm cá, cơm thịt”… có nghĩa là bữa ăn có hai món ăn chính là “cơm” và “gà/cá/thịt…”. Chúng tôi tìm hiểu phương thức định danh bằng phương thức ghép “Cơm + X”  trên cả hai nét nghĩa, nét nghĩa cụ thể và nét nghĩa khái quát đó.
Quá trình định danh theo từ ghép chính phụ xảy ra theo hai bước: đầu tiên quy loại sự vật, hiện tượng mới, sau đó tìm đặc điểm, tính chất của sự vật hiện tượng mới có chức năng khu biệt với các sự vật hiện tượng khác cùng  loại. Tìm hiểu các từ ghép chính phụ về các loại cơm có thể thấy rõ nét hai bước này. Tất cả các đặc điểm từ hình dáng, tính chất, trạng thái, cách thức chế biến tới xuất xứ, đối tượng… đã được người Việt sử dụng để làm đặc trưng phân loại. Cụ thể như sau:

1.     Đặc trưng hình dáng, hình dạng
Thông thường để phân loại, bao giờ chúng ta cũng dựa vào tiêu chí hình thức bên ngoài. Theo đó, người Việt phân biệt các loại: Cơm nắm, cơm vắt, cơm hạt, cơm kẹp.
-         Cơm nắm hay cơm vắt chỉ cơm đã được nắm lại thành từng nắm nhỏ, để tiện để mang đi ăn đường, thường được chuẩn bị trước khi đi xa. Cách gọi tên này ta cũng thấy có xuất hiện trong nhiều ngôn ngữ khác như trong tiếng Nhật cũng có “cơm nắm” (“onigiri” có nghĩa là “nắm”).
-         Cơm kẹp là loại cơm mà hình dáng của nó giống như hình một chiếc bánh humburger nhưng phần bánh thay bằng phần cơm, bên trong là thịt và rau. Loại cơm này mới được xuất hiện, người Việt sử dụng cách định danh đơn giản dựa vào hình thức của cơm để gọi tên.
Với các từ ngữ định danh theo hình dáng, hình dạng của cơm, chúng ta thấy rằng mô hình từ ghép chính phụ của các trường hợp loại này là: “Cơm + Danh từ chỉ hình dáng”.  
2.     Tính chất
Theo tính chất người Việt phân loại cơm khác nhau.:
-         Cơm rời, cơm cục: Cơm rời chỉ cơm khi nấu lên các hạt gạo nở ra, rời nhau chứ không bị vón lại. Còn cơm cục chỉ loại cơm mà các hạt cơm bị dính lại với nhau thành từng cục. Thường hiện tượng này xuất hiện khi cơm đã nguội, để lâu không được đánh tơi ra.
-         Cơm nóng, cơm nguội: đây là hai trạng thái tương phản với nhau. Cơm nóng là cơm khi mới thổi  lên còn nóng hổi và ngược lại cơm nguội là cơm đã để lâu.
-         Cơm chín tới, cơm khô, cơm ráo, cơm ướt, cơm nhão, cơm khê,cơm khét, cơm cháy: chỉ các  trạng thái khác nhau của cơm. Cơm ngon là cơm “cơm chín tới”, “cơm ráo” như dân gian vẫn thường có câu:
Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà gại ổ.
Cơm ráo cháo dừ (cháo nhừ)
Còn Cơm khô, cơm ướt, cơm nhão, cơm vữa, cơm khê, cơm khét là các loại cơm không ngon. Có lẽ chỉ trong tiếng Việt, mới có cách đặt tên chi tiết, phong phú như thế này. Hiện thực khách quan đã được chia cắt thành từng “mẩu” nhỏ trong ngôn ngữ, người Việt tìm từng những nét riêng biệt để đặt tên cho từng loại cơm. Cơm khô là loại cơm do khi thổi cho ít nước, các hạt cơm khô và săn lại. Cơm nhão, cơm ướt là loại cơm do khi thổi cho quá nhiều nước, các hạt cơm dính lại với nhau, khó ăn. Cơm vữa là loại cơm do để trong nước quá lâu khiến hạt cơm nở to ra như nấu cháo. Còn cơm khê, cơm khét là loại cơm do thổi để lửa quá tay, phần cơm ở dưới bị cháy, có mùi khét, khó ăn. Có thể nói nồi cơm ngon là thể hiện sự khéo léo của bàn tay người nấu đặc biệt là người phụ nữ. Chính vì vậy dân gian thường hay mượn những hình ảnh này để ngụ ý đánh giá, khen chê:
Cơm nhão là cơm hà tiện
Cơm trên sống dưới khê, bốn bề nhão nhoét
Đàn bà chẳng phải đàn bà
Thổi cơm cơm khét, muối cà cà chua
-         Cơm hẩm, cơm thiu, cơm hôi: cơm thiu là loại cơm do khi nấu lên để lâu, có mùi thiu, không ăn được nữa. Còn cơm hẩm, cơm hôi là loại cơm do hạt gạo để lâu ngày bị mục, mất chất, ăn không còn ngon nữa, thậm chí có thể có mùi hôi.
Nhưng cơm hẩm, cơm thiu không chỉ dừng lại ý nghĩa chỉ một loại cơm mà nó còn thường được dùng để ẩn dụ cho hoàn cảnh nghèo khó, chỉ những thân phận nghèo khổ trong xã hội ngay cả miếng cơm cũng không được ăn ngon.
Được mùa thì chê cơm hẩm mất mùa thì lẩm cơm thiu
●No chê cơm tẻ đói nhá cơm thiu
●Anh nghiêng tai dưới gió, để em kể công khó cho anh nghe
Từ thuở anh đau ban cua, lưỡi đắng, miệng trắng cơm hôi
Các loại cơm phân theo tính chất có mô hình ghép đơn giản, đó là Cơm + tính từ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đã vượt ra ngoài phạm vi là một từ ghép chính phụ chỉ một loại cơm đơn thuần mà mang một ý nghĩa ẩn dụ sâu xa khái quát về cuộc sống con người. Cơm với người Việt, không chỉ đơn thuần dừng lại ý nghĩa chỉ một món ăn mà đó còn là biểu tượng về cuộc sống, là thân phận con người. Bởi cuộc sống của những người dân thuần nông còn gì đáng quý hơn là những bát cơm “Ai ơi, bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
3.     Cách thức chế biến
Để gọi tên các món ăn, người Việt thường sử dụng cách thức đặt tên bằng cách thức chế biến. Như khi đặt tên bánh, chúng ta có: bánh tráng, bánh rán, bánh nước, bánh hấp… hay tôm luộc, tôm hấp, tôm rán, tôm chiên… Với cơm cũng vậy, chúng ta có rất nhiều món cơm: Cơm rang, cơm chiên, cơm trộn, cơm gói lá sen, cơm cuộn, cơm nướng, cơm độn, cơm lam. Công thức chung của cách đặt tên này là Cơm + động từ chỉ cách thức chế biến. Cách định danh này mang tính khái quát, ta có thể thấy xuất hiện ở nhiều ngôn ngữ  khác. Như bibimbap, kimbap của Hàn Quốc đều xuất phát từ ý nghĩa của từ “trộn” – cách thức để làm các món ăn này. Hay người Nhật có 2 món cơm khá nổi tiếng là cơm cuộn (sushi) và cơm nướng (hotto) trong tiếng Nhật những từ này đều được đặt theo cách thức chế biến là cuốn và nướng.
Do dấu ấn lịch sử nên Việt Nam có loại cơm khá đặc biệt Cơm độn – cơm trộn thêm một số loại lương thực khác như ngô, khoai, sắn để nấu. Đây là loại cơm xuất hiện vào thời kì đất nước chiến tranh – một giai đoạn khó khăn, thiếu thốn nên cơm phải độn thêm các thức khác. Cách đặt tên cơm cũng rất giản dị dựa vào đặc điểm cách chế biến là “cơm độn”.
-         Cơm lam: là một loại cơm đặc sản của người dân tộc vùng Tây Bắc, cơm cho vào ống nứa, ống tre sau đó nướng lên (trong tiếng dân tộc lam có nghĩa là  nướng).
4.     Món ăn chính đi kèm
Cách đặt tên cơm dựa vào món ăn chính đi kèm là một cách định danh phổ biến. Chúng ta có thể bắt gặp hàng loạt các từ như: Cơm thập cẩm, cơm sườn, cơm bò, cơm trứng, cơm cá, cơm cà, cơm thịt, cơm rau, cơm ghẹ, cơm hải sản, cơm hến, cơm mắm, cơm ruốc, cơm muối vừng. Cách định danh này chúng ta cũng có thể bắt gặp trong tiếng Nhật: Hokkadon – cơm ăn với cá hồi, Gyudon – cơm thịt bò, Tendon – cơm với tôm, Unadon – cơm ăn với lươn, Tamagodon – cơm ăn với nước sốt, Oyakodon – cơm gà… Công thức chung của cách định danh này là: Cơm + Danh từ chỉ món ăn chính.
Ở Việt Nam có một số loại cơm khá đặc biệt. Đó là Cơm muối của Huế đơn giản là loại cơm ăn với muối. Hay Cơm nhút của người xứ Nghệ (nhút là tên gọi của món mít đã được muối chua). Sự xuất hiện của các loại cơm này do hoàn cảnh sống của người dân miền Trung còn nhiều khó khăn, họ phải nghĩ ra cách chế biến các món ăn từ những thức đơn giản nhất, phổ biến nhất.
5.     Loại gạo
-         Người Việt khi đặt tên các loại cơm chú ý tới nguồn gốc loại gạo. Theo đó, chúng ta có các loại cơm phổ biến như: Cơm tẻ, cơm nếp, cơm tám, cơm tấm. Cơm tẻ là cơm nấu từ gạo tẻ - loại gạo hạt nhỏ, dài, ít nhựa, dùng nấu cơm ăn hàng ngày, còn cơm nếp là cơm nấu từ gạo nếp – loại gạo hạt to, rất dẻo và thơm. Cơm tám là một loại cơm tẻ đặc biệt nấu từ thứ gạo hạt nhỏ, thon dài, có mùi thơm đặc biệt. Khi xát gạo, có những hạt gạo bị vỡ, nát, rất nhỏ được gọi là gạo tấm, khi nấu lên sẽ cho chúng ta món cơm tấm.
Người Việt chúng ta còn phân biệt loại gạo theo mùa vụ. Vì thế mà chúng ta có các tên gọi: Cơm mùa là cơm nấu từ gạo mùa, cơm chiêm là cơm nấu từ gạo chiêm. Người dân ta còn có cách gọi khác: cơm hom (cơm chiêm Ăn cơm hom ngủ giường hòm), cơm ré (cơm nấu từ gạo mùa Thịt thăn cơm), cơm mới (cơm nấu từ gạo vụ vừa sản xuất), cơm cũ (cơm nấu từ gạo vụ trước sản xuất). Ngày nay,  những cách gọi cơm hom, cơm ré hầu  như không còn được dùng nữa.
Cách đặt tên các loại cơm theo tên các loại gạo của người Việt có mô hình chung: Cơm + loại gạo. Tùy theo từng loại gạo mà chúng ta sẽ có các cách gọi cơm khác nhau, do đó cách định danh này giúp hình thành nên một số lượng từ ngữ phong phú mà đơn giản, dễ hiểu lại mang nét đặc trưng liên quan tới nền sản xuất nông nghiệp lúa nước của người Việt.
6.     Xuất xứ
Cách định danh theo xuất xứ là một cách định danh quen thuộc, bắt nguồn từ việc mỗi nơi đều có những nét đặc trưng riêng. Các loại cơm như: Cơm Hà Nội, cơm Huế, cơm Hội An, cơm Sài Gòn, cơm Việt Nam, cơm Singaprore, cơm Mailayxia, cơm Thái, cơm Nhật, cơm Tàu… cho chúng ta biết ngay được xuất xứ của các loại cơm và nhìn ngay vào tên gọi chúng ta có thể hiểu được đặc trưng riêng của từng vùng miền, từng đất nước. Cách gọi tên này xuất hiện vào thời kì sau, khi mà giữa các vùng miền có sự giao lưu, các sản vật không chỉ phục vụ cho chính nơi đó mà đã được thương mại hóa trở thành một món hàng, một cách thức quan trọng để quảng cáo, giới thiệu.  Công thức chung của các gọi tên này cũng rất đơn giản: Cơm + Xuất xứ, nó cho phép người sử dụng linh hoạt trong cách gọi tên, khi chỉ cần ghép nơi xuất xứ với từ cơm là sẽ có  một từ ghép chính phụ mới.
7.     Nơi ăn
Sự khác nhau về nơi ăn cũng tạo ra những nét đặc trưng riêng cho các loại cơm. Từ đó, trong ngôn ngữ xuất hiện các từ ghép chính phụ: Cơm nhà, cơm đường, cơm chợ, cơm hàng, cơm quán, cơm tù. Cách định danh các loại cơm này cũng rất đơn giản: Cơm + Danh từ chỉ nơi chốn. Tuy nhiên, trong tâm thức người Việt, các từ ngữ ấy không chỉ đơn thuần chỉ là một cách phân loại mà còn thể hiện quan niệm, văn hóa ăn rất đặc trưng. Trong nếp cảm, nếp nghĩ của người Việt, Cơm nhà luôn được đặt đầu tiên, với vị trí trang trọng nhất: Cơm nhà quà vợ. Với người Việt, “không gì bằng cơm nhà”, lối ăn uống tập trung gia đình là hình thức phổ biến nhất hơn hẳn các nước khác trên thế giới. Còn cơm hàng, cơm quán, cơm chợ là loại cơm chỉ mang tính chất “tạm bợ” : “Cơm hàng cháo chợ”. Cơm không chỉ còn mang ý  nghĩa là một món ăn mà nó là cuộc sống, là thân phận con người.
8.     Màu sắc
Người Việt, còn phân loại cơm theo màu sắc: Cơm trắng, cơm đen. Cơm trắng là chỉ loại cơm được nấu từ thứ gạo trắng, ngon còn cơm đen là loại cơm được nấu từ loại gạo xấu, hạt đen, không ngon. Từ đó, hai loại cơm này được dùng để ẩn dụ cho cuộc sống của con người: Cơm đen vận túng, Cơm trắng cá tươi. Trải qua thời gian, khi cuộc sống nhân dân ta có nhiều sự thay đổi, hai cách gọi này còn được hiểu theo những cách khác, không còn ý nghĩa ban đầu là xuất phát từ màu sắc của cơm nữa (chúng tôi sẽ phân tích ở các trường hợp đặc biệt).
9.     Vị
Người Việt còn gọi cơm theo vị giác. Đây là điều khác đặc biệt, ở Huế có một loại cơm mang tên: Cơm đắng. Loại cơm này mang theo nét đặc trưng của xứ Huế. Với người Huế, cơm chính là cuộc đời, phải có chua, cay, mặn, ngọt và phải có cả đắng. Và để phân biệt với các loại cơm khác, họ lấy chính vị đắng đặc biệt đặt tên cho món cơm lạ này.
10.             Thời gian ăn
Một cách đặt tên cho các loại cơm của người Việt đó là theo thời gian: Cơm sáng, cơm sớm, cơm trưa, cơm chiều, cơm tối. Chỉ cần ghép: Cơm + Danh từ chỉ thời gian là chúng ta có một từ ghép chính phụ chỉ loại cơm. Điều này xuất phát từ sự khác nhau giữa các bữa cơm ăn trong ngày, thường ở đâu chúng ta cũng có ba bữa ăn chính: sáng, trưa và tối. Giữa ba bữa này có sự khác biệt về số và chất lượng thức ăn, chỉ cần qua tên gọi người  nghe cũng hình dung được đặc trưng riêng trong từng bữa ăn. Ở các nước khác, cũng có ba bữa chính nhưng thường xuất hiện cách gọi “bữa sáng”, “bữa trưa”, “bữa tối” chứ không phổ biến cách gọi cơm sáng, cơm trưa, cơm tối như ở Việt Nam. Bởi với một nước nông nghiệp lúa nước như chúng ta, cơm là món ăn chính không thể thiếu, cho dù vào thời điểm nào trong ngày người Việt vẫn ăn cơm: Cơm tẻ là mẹ ruột, Cơm tẻ no xôi vò chẳng thiết. Nếp sinh hoạt này cho đến bây  giờ vẫn được duy trì ở rất nhiều gia đình. Tuy nhiên do cuộc sống có nhiều thay đổi, quá trình công nghiệp hóa ngày càng hiện đại, thời  gian bận bịu nhiều hơn, người Việt không chỉ làm thuần nông nên nếp sinh hoạt này đã có ít nhiều sự khác biệt nhất là trong bữa sáng. Nhưng cách gọi này vẫn khá phổ biến ở tất cả mọi vùng miền.
Với người Việt, cơm không chỉ là một món ăn mà đó còn là cách gọi chung cho cả bữa ăn nên chúng ta vẫn thường gọi: Cơm rằm, cơm giỗ, cơm Tất niên, cơm đầu năm, cơm Tết, cơm cuối năm. Đây là những bữa cơm trong những khoảng thời gian đặc biệt trong năm. Nó xuất phát từ phong tục, tập quán riêng của đất nước ta đó chính là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Điều này rất khác biệt với các nước trên thế giới, nhất là các nước ở Châu Âu. Với người Việt, những bữa cơm này hết sức quan trọng, nó khác với ngày thường, chúng ta sẽ có nhiều món ăn hơn, chất lượng món ăn cũng khác nhưng cho dù thế nào cũng không thể thiếu cơm. Và trong những dịp đặc biệt như thế này, gia đình thường được tập trung đông đủ, nhiều thế hệ mang nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc.
11.             Đối tượng thưởng thức
Một đặc trưng để gọi tên các loại cơm là dựa vào đối tượng thưởng thức: Cơm vua, cơm chúa. Cách gọi này có lẽ xuất hiện từ thời xã hội phong kiến chỉ loại thức ăn đặc biệt dành cho vua, chúa. Cách gọi này theo đó được dùng để chỉ cuộc sống giàu sang, phú quý. Sau này, khi xã hội phát triển hơn, xuất hiện những loại cơm mang tính đặc trưng gắn liền với từng đối tượng mà chúng ta có các tên gọi như: Cơm lính, cơm sinh viên, cơm văn phòng, cơm bình dân, cơm công nhân. Trong dân gian, còn có tên gọi Cơm khách chỉ cơm dùng để mời khách. Có lẽ, xuất phát từ tính hiếu khách, khi có khách đến nhà người Việt bao giờ cũng sẽ chuẩn bị một bữa cơm ngon hơn, công phu hơn so với ngày thường nên cơm được dùng được mời  khách cũng phải có một tên gọi riêng. Cách đặt tên các loại cơm theo đối tượng thưởng thức theo một công thức chung đó là: Cơm + Danh từ chỉ đối tượng.
12.            Vật chứa đựng
Người Việt cũng đặt tên cơm theo vật chứa đựng: Cơm niêu, cơm tay cầm, cơm hộp, cơm đĩa. Cách đặt tên này chúng ta cũng bắt  gặp trong tiếng Nhật với món “cơm thố” (thố là chiếc bát lớn). Tuy nhiên cách đặt tên Cơm + Vật chứa đựng này không cho ta thấy được bản chất, đặc trưng của các loại cơm. Cách đặt tên này xuất hiện sau này, khi xã hội phát triển, con người không chỉ dùng cơm trong bát trên các bàn ăn như bình thường mà để tiện lợi cho quá trình vận chuyển, chúng ta phải có hộp đựng cơm, hay để chia phần theo từng xuất ăn chúng ta có các đĩa. Cơm niêu là chỉ một loại cơm nấu trong niêu phân biệt với các nấu trong nồi cơm điện như hiện nay, và một món ăn dân dã từ ngàn đời trước ngày nay trở thành một món ăn đặc sản, được ưa chuộng.
13.             Cách thức ăn
Cơm mớm là loại cơm đặc biệt mà chắc chỉ có người Việt mới có cách gọi này. Cơm được gọi theo cách thức ăn. Đây là loại cơm của trẻ con, các bà mẹ thường nhai trong miệng trước rồi sau đó mớm cho con ăn.
14.             Giá cả
Người Việt còn đặt tên cơm theo giá cả: Cơm bèo. Đây là một loại cơm mới xuất hiện tronng thời gian gần đây. Đó là cơm giá rẻ phục vụ cho các thí sinh vào mùa thi Đại học. Từ “bèo” trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa chuyển, từ tên gọi một loại thực vật lá nhỏ, mọc trên nước, thường được dùng để làm thức ăn cho các loại gia súc chuyển nghĩa sang chỉ giá cả “rẻ  như bèo”.  
15.             Một số trường hợp khác
-         Cơm chim: cơm rất ít ỏi tựa như cho chim ăn, thường dùng để ví cái rất ít ỏi, chẳng đáng là bao nhưng lại rất cần thiết để nuôi sống con người “Ăn cướp cơm chim”.
-         Cơm Phật, cơm chùa: cách gọi tên này dẫn tới nhiều cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất, từ cơm được ghép với từ chỉ nơi chốn: cơm ăn ở chùa. Nhưng cơm Phật, cơm chùa còn được hiểu là loại cơm được chùa phân phát cho những chúng sinh mang ý nghĩa làm phúc, giúp đỡ. Từ cách hiểu này, dẫn tới một cách hiểu khác song lại mang ý tiêu cực khi hiểu: cơm chùa là cơm được ăn không, được hưởng lợi mà không phải mất tiền hay vật trao đổi. Nó nằm trong hệ thống các từ như: tiền chùa, của chùa, lộc chùa… Từ “chùa”, “Phật” đã được chuyển nghĩa ngoài ý nghĩa chỉ nơi chốn theo cả hướng tích cực và tiêu cực. 
-         Trong dân gian, còn xuất hiện cách gọi: Cơm trời (Cơm trời nước giếng).  Từ trời ở đây được dùng theo nghĩa chuyển, ý chỉ cơm được ban tặng, được cho không.
-         Cơm thiên hạ: là một tên gọi loại cơm đặc biệt của người Việt. Nhưng nó không chỉ được hiểu theo nghĩa thực mà được dùng và hiểu theo nghĩa chuyển. Cơm không còn ý nghĩa chỉ một món ăn mà là khoản được hưởng gần bằng nghĩa với “tiền”, người Việt vẫn có cách nói như “Kiếm cơm thiên hạ”, “Ăn cơm thiên hạ”.  Với người Việt, do điều kiện sống có nhiều khó khăn nên “miếng cơm manh áo”, nỗi lo “cơm áo” luôn là trước nhất, giàu – nghèo, sang – hèn trước hết thể hiện trong miếng ăn, làm cũng để phục vụ cho cuộc sống con người.
-         Cơm vàng, cơm bạc, cơm trắng, cơm đen: những từ “vàng”, “bạc”, “trắng” , “đen” đã bị chuyển nghĩa. Xuất phát từ màu sắc mà người ta phân biệt cơm trắng – cơm đen nhưng giờ đây nó không còn được hiểu theo ý nghĩa như thế nữa mà hiểu theo ý nghĩa khái quát. Theo đó những từ này không cón chỉ màu sắc mà chỉ tính chất sang – hèn, giàu – nghèo. “Cơm vàng”, “cơm bạc” chỉ bữa ăn ngon, xa xỉ của những người giàu có còn “cơm trắng”, “cơm đen” là chỉ những bữa cơm đạm bạc, chỉ có cơm chứ không có thức ăn đi kèm của tầng lớp dân nghèo.
-         Trong thời kì xã hội phong kiến, chúng ta còn có tên gọi: cơm cha, cơm mẹ trong sự đối lập với cơm người / cơm thầy cơm cô:
Cơm cha cơm mẹ đã từng
Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người
Cơm người khổ lắm, mẹ ơi !
Chả như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn
Cách gọi tên này mang đậm nét dấu ấn lịch sử: cơm cha, cơm mẹ là chỉ cơm được ăn ở nhà còn cơm người, cơm thầy cơm cô là cơm của đứa ở. Cơm với người Việt còn là thân phận con người.
-         Cơm nằm, cơm đứng: đây là một trường hợp ghép đặc biệt. Cơm nằm, cơm đứng ở đây không còn mang sắc thái ý nghĩa chỉ một loại cơm nữa mà chuyển sang mang nghĩa ẩn dụ cho cuộc sống con người. “Nuôi lợn ăn cơm nằm/Nuôi tằm ăn cơm đứng”, cơm nằm có nghĩa là được thanh nhàn, thảnh thơi còn cơm đứng là chỉ sự vất vả, lo toan.
Có thể tổng kết lại các đặc trưng được dùng làm cơ sở định danh “cơm” trong tiếng Việt bằng bảng sau:

CÁC ĐẶC TRƯNG ĐƯỢC DÙNG LÀM CƠ SỞ ĐỊNH DANH “CƠM” TRONG TIẾNG VIỆT
STT
Các đặc trưng định danh
Tần số
(112)
Ví dụ
1
Hình thức, hình dạng
4
Cơm nắm, cơm rời, cơm hạt …
2
Tính chất
15
Cơm khô, cơm nhão, cơm sống…
3
Cách thức chế biến
8
Cơm rang, cơm trộn, cơm nướng…
4
Món ăn chính đi kèm
16
Cơm cá, cơm thịt, cơm trứng,…
5
Loại gạo
10
Cơm tẻ, cơm nếp, cơm chiêm, …
6
Xuất xứ
10
Cơm Huế, cơm Hội An, cơm Thái…
7
Nơi ăn
6
Cơm đường, cơm hàng, cơm chợ…
8
Màu sắc
2
Cơm trắng, cơm đen
9
Vị
1
Cơm đắng
10
Thời gian ăn
11
Cơm sáng, cơm trưa, cơm tất niên…
11
Đối tượng thưởng  thức chính
7
Cơm văn phòng, cơm sinh viên, …
12
Vật chứa đựng
4
Cơm hộp, cơm đĩa, cơm niêu
13
Cách thức ăn
1
Cơm mớm
14
Giá cả
1
Cơm bèo
15
Một số trường hợp khác
16
-Cơm chim
-Cơm Phật, cơm chùa
-Cơm trời
-Cơm vàng, cơm bạc, cơm trắng, cơm đen
-Cơm cha, cơm mẹ, cơm thầy, cơm cô, cơm người
-Cơm thiên hạ
-Cơm nằm, cơm đứng

Qua việc nghiên cứu hệ thống các từ ghép chính phụ về các loại cơm, chúng tôi rút ra các kết luận sau:
-         Trong cách định danh các loại cơm, người Việt sử dụng những cách thức đơn giản, khi sử dụng những đặc trưng dễ nhận biết như hình tính chất, cách thức chế biến, xuất xứ, thời gian, nơi ăn… . Theo đó, cứ một loại cơm mới sẽ được dựa vào các phương thức ghép sẵn có để gọi tên.  
-         Cách định danh các loại cơm thể hiện rất rõ những đặc trưng của từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Ví dụ: cơm độn là loại cơm chỉ xuất hiện trong thời kì đất nước chiến tranh. Các từ như: cơm văn phòng, cơm sinh viên, cơm hộp, cơm đĩa… được xuất hiện sau này gắn với xã hội phát triển, khi ăn cơm không chỉ còn bó gọn trong phạm vi gia đình.
-         Trong cách định danh các loại cơm, có hiện tượng ẩn dụ hóa các hình vị phụ như trong từ: “cơm chùa”, “cơm Phật”, “cơm bèo”…các từ chùa/Phật/bèo đã được chuyển nghĩa để gọi tên.
-         Trong cách định danh về các loại cơm, có nhiều cách gọi tên của người Việt giống với nhiều nước (Nhật Bản, Hàn Quốc) như dựa vào cách thứuc chế biến, món ăn chính đi kèm, hình dáng…nhưng cũng có nhiều nét khác biệt thể hiện rõ văn hóa truyền thống của từng nước.
-          Cơm là thân phận, là cuộc sống của con người. Trong tâm thức người Việt, cơm không chỉ đơn thuần là một món ăn mà đó còn thể hiện cuộc sống con người sang – hèn, giàu – nghèo. Người Việt dùng cơm để nói về cuộc sống: Cơm đen vận túng, Cơm bạc đũa ngà, Cơm hàng cháo chợ, Kiếm cơm thiên hạ, Cơm cha áo mẹ chữ thầy… Có lẽ điều này, bắt nguồn từ cuộc sống của những cư dân trồng lúa nước vốn khó khăn, vất vả, thiếu thốn, để có được “miếng cơm manh áo” không phải là điều dễ dàng. Nhất là khi xã hội có sự phân hóa giai cấp, sự khác biệt về hoàn cảnh sống được thể hiện rất rõ trong những bữa cơm gia đình.
Tìm hiểu hệ thống từ ghép chính phụ chỉ các loại cơm đã cho chúng ta thấy được cách định danh “cơm” của người Việt với những nét chung và riêng khác biệt so với những nước khác cùng khu vực. Đó chính là cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, là lối sống, tập quán, phong tục của người Việt từ bao đời nay, là bức tranh ngôn ngữ về thế giới của người Việt.



TƯ LIỆU THAM KHẢO
1.     Nguyễn Lực, Lương Văn Đang (1993), Từ điển thành ngữ Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
2.     Đỗ Việt Hùng (2013), Ngữ nghĩa học từ bình diện hệ thống đến hoạt động, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
3.     Hoàng Phê (chủ biên) (2009), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
4.     Đinh Phương Thảo (2010), Đặc điểm tri nhận của người Việt qua trường từ vựng thức ăn, Luận án thạc sĩ khoa học Ngữ văn, ĐH sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
5.     Lý Toàn Thắng (2009), Ngôn ngữ học tri nhận từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt, NXB khoa học xã hội, Hà Nội.
6.     Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
7.     www.amthuc365.vn
8.     Amthuc.net
9.     E-cadao.com
10.             Quehuongonline.vn
11.             Sushibarhanoi.com


      (Bài tập điều kiện đầu tiên của 1 học viên cao học chuyên ngành Ngôn ngữ học ^^)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét