(Đây là bài điều kiện Cao học thứ hai của mình. Chuyên ngành - Ngôn ngữ và văn học do GS. Bùi Minh Toán giảng dạy)
Những thanh âm, giai điệu cho chúng ta những bài hát, những màu sắc cho
chúng ta những bức tranh, những hình khối cho những bức tượng điêu khắc …. Cùng
bắt nguồn từ hiện thực đời sống để đến với trái tim của mỗi con người nhưng mỗi
một ngành nghệ thuật do sự khác nhau chất liệu chia cắt hiện thực thế giới
khách quan và rồi bằng những cách thức khác nhau đem đến cho con người những
rung cảm thẩm mĩ khác biệt. Ngôn ngữ cho không chỉ lời ăn tiếng nói hàng ngày để
con người giao tiếp mà còn mang đến cho ta những tác phẩm nghệ thuật. Chất liệu
ấy đã đem lại ưu thế song cũng có nhược điểm nhất định mà chỉ qua hai đặc tính: tính khả biến và tính hình tuyến ta có thể thấy rõ điều đó.
1.
Tính khả biến
Mỗi một tín hiệu ngôn ngữ
đều có hai mặt: cái biểu hiện và cái được biểu hiện. Mối
quan hệ giữa chung vừa có tính bất biến vừa có tính khả biến. Thoạt nghe, tưởng
chừng như đối lập song thực chất chúng bổ sung hỗ trợ cho nhau. Để có thể giao
tiếp với nhau trong cộng đồng, tín hiệu ngôn ngữ cần phải có tính ổn định, bất
biến. Nhưng ngôn ngữ có tính khả biến có nghĩa là thay đổi mối quan hệ giữa mặt
biểu đạt và được biểu đạt để thỏa mãn nhu cầu biểu hiện, nhận thức, giao tiếp của
con người trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong văn chương.
Mặt được biểu đạt của
tín hiệu ngôn ngữ được thay đổi khi cùng một vỏ âm thanh nhưng có thêm những ý nghĩa mới, nội
dung khác. Điều này có thể thấy rất rõ trong những trường
hợp chuyển nghĩa của tín hiệu. Ví dụ như từ “đĩa” vốn chỉ một vật dụng
trong gia đình, mỏng, dẹt, để đựng thức ăn. Trong các cách kết hợp “đĩa xe đạp”,
“đĩa hát” nó không còn mang ý nghĩa khác tuy nhiên vẫn có chung một nét
tương đồng là mỏng, dẹt. Hay từ “phao” không chỉ dừng lại nghĩa chỉ một
vật dụng cứu con người khi đi bơi mà còn chỉ những phương tiện hỗ trợ thí sinh
làm bài trong phòng thi…Có thể nói hiện tượng này phổ biến ở tất cả các ngôn ngữ.
Khi xuất hiện một sự vật mới tức xuất hiện nhu cầu gọi tên, để hạn chế bớt sự
“cồng kềnh” trong số lượng ngôn ngữ mà con người đã chuyển nghĩa cho các từ sẵn
có, trao cho chúng thêm các ý nghĩa mới. Đó cũng là một cách để làm phong phú,
đa dạng sự diễn đạt đem lại sự hàm súc cho ngôn từ. Đây là một cơ sở để dân
gian ta đưa ra những câu đố chơi chữ thú vị như: “Đầu dê mình ốc”, “Là hoa
mà không phải là hoa”…
Các từ ngữ sử dụng
trải qua thời gian có thêm những ý nghĩa mới xuất hiện thậm chí không liên quan
hoặc trái ngược với nghĩa ban đầu. Ví dụ như từ “kẻ” đồng nghĩa với từ
“người” nhưng giờ đây khi dùng “kẻ” là mang sắc thái tiêu cực còn từ người
mang sắc thái tích cực. Từ “sàn” trong khái niệm “sàn giao dịch”,
“điềm sàn” mang ý nghĩa hoàn toàn khác biệt với nghĩa ban đầu là chỉ phần
nền nhà. Từ “xoắn” giờ đây không còn chỉ mang ý nghĩa “bám chặt,
không rời ra” mà nó còn nghĩa “sợ” trong cụm từ quen thuộc của giới
trẻ ngày nay như “Sao phải xoắn”…Trong ngôn ngữ thời @, chúng ta có thể
bắt gặp hàng loạt những từ đã được trao thêm ý nghĩa mới xa rời ý nghĩa ban đầu
của nó như: Vãi (nghĩa là kinh khủng), chuối (nghĩa là dở hơi), khoai
(khó), cá kiếm (kiếm), phở (nghĩa là đẹp đẽ, ngon lành)…
Chính vì thế mà ngôn ngữ trải qua hơn nghìn năm thay đổi vốn từ cơ bản
là khoảng 20%, 80% vẫn giữ nguyên. Trong văn chương, sự biến đổi cái được biểu
đạt lại càng được thể hiện rõ, bởi văn chương là địa hạt của sự sáng tạo, chính
sự sáng tạo này mang lại sự độc đáo, hấp dẫn bạn đọc. Có thể thấy như câu thơ của
Xuân Diệu:
Chiều mộng hòa thơ trên nhánh
duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền
Với những từ như “nhánh duyên”, “tiếng huyền” tác giả đã rất khéo léo
trong cách kết hợp từ để rồi hữu hình hóa cho mối duyên của đất trời, cho những
thanh âm của đất trời. Người ta thường nói “nhánh cây”, “nhánh hoa” chứ chưa ai
nói “nhánh duyên”, cũng vẫn là từ “nhánh” ấy nhưng trong kết hợp từ với “duyên”
nó trở nên thi vị và giàu sức gợi.
Trong bài thơ “Đám cỏ xanh” của Lê Thị Mây:
Anh lỡ hẹn, gió về đâu
Nỡ nào bứt cỏ cho nhàu ban mai
Một từ “nhàu” được tác giả sử dụng rất tinh tế. Từ “nhàu” vốn có nghĩa là có nhiều nếp
nhăn, không phẳng thường dùng để chí áo quần hay giấy nhưng trong câu thơ này lại
rất lạ “nhàu ban mai”. Vậy từ “nhàu” ở đây phải được hiểu thế
nào? Thật khó để cắt nghĩa rõ ràng nhưng chúng ta có thể tạm hiểu, khi anh lỡ hẹn,
em như ngọn gió lang thang vô định không biết về đâu, chẳng dám bứt ngọn cỏ
xanh làm mất đi màu tươi sáng của ban mai. Mặt biểu đạt của từ vẫn được giữ
nguyên nhưng cái được biểu đạt đã mở rộng ra vô cùng, không có biên giới.
Nói đến sáng tạo từ ngữ không thể không nhắc đến nhà nghệ sĩ tài hoa Trịnh
Công Sơn. Nghe nhạc Trịnh không phải chỉ lắng nghe âm thanh mà còn là cảm nhận
sự tài hoa trong nghệ thuật ngôn ngữ. Với những từ ngữ: tuổi đá buồn, phiến
mây hồng, con trăng, gót hài, chuyến mưa, tay rong rêu muộn màng, ươm nắng,
nghiêng sầu… tác giả đã làm mới ngôn từ, mang đến những trường liên tưởng
không cùng cho người đọc. Vẫn là những chữ ấy thôi, vẫn là những vỏ âm thanh ấy
nhưng dưới bàn tay sáng tạo của người nghệ sĩ chúng mang trong mình những ý
nghĩa sâu sắc, ôm trọn nỗi lòng của hàng triệu trái tim, hàng triệu cuộc đời.
Không chỉ mặt được biểu đạt thay đổi mà chính mặt biểu đạt cũng
thay đổi để làm phong phú, đa dạng cách diễn đạt, đem lại hiệu quả giao
tiếp cũng như thẩm mĩ nhất định. Trong ngôn ngữ, chúng ta rất hay có cách sử dụng
các từ láy tư thực chất là cách láy lại của các từ ghép hoặc các từ láy đôi với
ý nghĩa nhấn mạnh, chẳng hạn: hớt hơ hớt hải (hớt hải), vội vội vàng vàng (vội
vàng), tung ta tung tẩy (tung tẩy), quần quần áo áo (quần áo), sách sách vở vở
(sách vở)….Nói về việc sáng tạo ra những từ mới, hay lạ hóa vỏ âm thanh của
những từ ngữ cũ không thể không nói đến dòng thơ sau 1975 của những cây bút như
Trần Dần, Lê Đạt,…
Phố nào nưn nứt nụ dò lan
Chơm chớp đèn mi lam tơ bòng mớ phố
(Cổng tỉnh – Trần
Dần)
“Mùa sạch” của Trần Dần là hành trình đi tìm những từ ngữ mới
cho thơ ca, đi tìm những cách sáng tạo mới trong cách biểu đạt ý thơ bằng những
con chữ lạ lùng. Ông đã bổ sung cho kho từ vựng những từ láy mới: mòng mọc,
thăn thắt, mày mạy, hày hạy, đăm đắp, lựt xựt…bởi với những nhà thơ như Trần
Dần quan niệm thơ là sự sáng tạo nhưng con chữ, nhà thơ phải sáng tạo được vùng
chữ của riêng mình.
Có thể nói rằng, chính nhờ tính khả biến mà ngôn ngữ trở nên phong phú
và đa dạng hơn bao giờ hết. Mặt biểu đạt và mặt được biểu đạt đều có thể thay đổi
để làm tăng hiệu quả trong giao tiếp. Đặc biệt trong văn chương, sự mềm dẻo
linh hoạt ấy chính là địa hạt cho những
sự sáng tạo, đem lại sức hấp dẫn cho văn chương. Những từ ngữ vốn quen
thuộc được trao những ý nghĩa mới, những ý tưởng cũ được diễn đạt bằng những
ngôn từ được lạ hóa. Và ở mỗi một tác phẩm, một nghệ sĩ ta lại thấy có những
nét sáng tạo độc đáo của riêng mình tạo nên cá tính nổi bật, những phong cách
không thể trộn lẫn. Tất cả là nhờ tính khả biến đã làm cho ngôn từ như có “phép
màu”.
2. Tính hình tuyến
Tính hình tuyến là
một đặc trưng nổi bật của ngôn ngữ mà F.de Saussure đã từng nhận định: “Vốn
là vật nghe được , năng biểu (cái biểu hiện của tín hiệu ngôn ngữ - NBS) diễn
ra trong thời gian và có những đặc điểm vốn có của thời gian a) nó có một đại lượng và b) đại lượng đó chỉ có thể đo trên một chiều
mà thôi, đó là một đường chỉ, một tuyến”. Các ngành nghệ thuật khác như hội
họa, điêu khắc… là nghệ thuật của không gian. Chúng ta có thể cùng một lúc ngắm
nhìn toàn bộ bức tranh, pho tượng, tất cả
những đường nét, màu sắc, hình khối đó cùng một lúc tác động đến thị
giác của chúng ta. Nhưng ngôn ngữ lại khác, văn học là nghệ thuật của thời gian.
Chính đặc tính này của chất liệu ngôn ngữ vừa đem đến những hiệu quả to lớn vừa
gây ra những cản trở, hạn chế đối với cấu trúc tác phẩm văn chương cũng như hoạt
động sáng tác, cảm thụ tác phẩm.
Văn chương có ưu
thế rất lớn trong việc diễn tả những dòng chảy bất tận của thời
gian. Khả năng này là vô tận. Đây là điều mà các loại hình nghệ thuật
khác không thể có được trừ điện ảnh. Chúng ta có thể kể đến hàng loạt những bộ
sử thi kinh điển Iliat và Ôdixe, Ramaya, … hay những tiểu thuyết đồ sộ như: Tam
quốc diễn nghĩa, Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm,… Những diễn biến,
sự kiện của hàng ngàn năm, những con người của bao đất nước từ thế hệ này qua
thế hệ khác được tái hiện lại một cách sống
động qua từng trang văn.
Cùng với đó, văn
chương có khả năng lớn lao trong miêu tả diễn biến tâm trạng, tâm lí của
từng nhân vật. Từng biến chuyển tinh vi nhất được các nhà văn ghi lại
trong trang viết của mình: Tỉnh dậy
hắn thấy già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lý nào như thế được? Hắn
đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu... Dẫu sao, đó không phải tuổi mà
người ta mới bắt đầu sửa soạn. Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ở những người
như hắn, chịu đựng biết bao nhiêu là chất độc, đầy đọa cực nhọc mà chưa bao giờ
ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là
một cơn mưa gió cuối thu cho biết trời gió rét, nay mùa đông đã đến. Chí Phèo
hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc,
cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau.Nam Cao ghi lại từng cung
bậc cảm xúc tinh vi nhất của Chí Phèo bằng thứ ngôn ngữ tinh tế nhất. Sẽ không
bao giờ chúng ta có thể tìm thấy những
dòng cảm xúc như thế này trong hội họa, múa hay điêu khắc. Thế mạnh này, ngay cả
điện ảnh thậm chí cũng không thể đi tời tận cùng thế giới nội tâm con người. Có
rất nhiều những tác phẩm văn học được chuyển thể sang điện ảnh. Nhưng nếu ai
say mê truyện khi xem phim đều có cảm giác hẫng hụt vì phim không thể cho thấy
hết được những biến chuyển tinh vi nhất trong tâm hồn con người và nó làm hạn
chế đi trí tưởng tượng của người đọc. Đó chính là sức mạnh của ngôn từ, của câu
chữ.
Nhưng tính hình tuyến của văn chương lại gây những cản trở không
nhỏ cho việc thể hiện những diễn biến đồng
thời, những quan hệ thuộc về không gian nhiều chiều. Chỉ cần một bức
tranh “Mùa thu vàng” của Lêvitan ta
cùng lúc có thể cảm nhận được tất cả. Nhưng một bức tranh thu trong “Thu điếu” của Nguyễn Khuyễn phải được cảm
từ ao thu, thuyền thu, sóng nước, lá vàng, bầu trời, ngõ trúc để từ đó ta mới
thu vào lòng mình được sắc thu, khí thu và hồn thu. Chỉ cần một bức ảnh của
Đoàn Công Tính, người xem đã đủ có cái nhìn toàn diện về một chận triến, sự ác
liệt của chiến tranh nhưng nếu đến với một tác phẩm văn học, người đọc phải
theo dõi một cách lần lượt từng diễn biến sự kiện, từng con người để rồi sau đó
mới có những cảm nhận chung nhất. Tiếp nhận các loại hình nghệ thuật khác,
chúng ta có được cái nhìn ấn tượng chung ngay từ đầu nhưng văn chương không thể
dành cho một người “vội vã”, phải kết thúc tác phẩm tín hiệu thẩm mĩ mới trọn vẹn
từ đó mở ra biết bao trường liên tưởng và suy nghĩ.
Để khắc phục những
hạn chế do tính hình tuyến, văn chương đã sử dụng các thủ pháp nghệ thuật như:
thông qua hồi tưởng của nhân vật, đảo kết cấu, phối hợp xen kẽ các sự kiện…
Trong “Chí Phèo”, Nam Cao đã sử dụng cách đảo kết cấu khi không kể theo
diễn biến cuộc đời nhân vật mà bắt đầu từ khi Chí Phèo đã trở thành “con quỷ của
làng Vũ Đại” triền miên qua cơn say này đến cơn say khác rồi mới để Chí hổi tưởng
nhớ lại cuộc đời mình. Tới những tác phẩm sau 1975, cách kể chuyện đan xen phối
hợp từ nhiều thời gian, nhiều điểm nhìn càng được sử dụng nhiều hơn. “Nỗi buồn
chiến tranh” của Bảo Ninh đã kể lại những câu chuyện chiến tranh không phải
theo một dòng chảy xuôi chiều mà qua dòng tâm trạng của nhân vật liên tục bị đứt
mạch, ngắt quãng với những liên tưởng, nỗi nhớ để cho người đọc cảm nhận được
trọn vẹn những nỗi buồn, những day dứt và cả những nỗi đau trong trái tim con
người.
Có thể nói chính chất
liệu ngôn ngữ với những đặc trưng đã làm nên những nét riêng biệt cho văn
chương. Có ưu thế và cũng có những hạn chế. Nhưng chính điều đó lại làm nên sức
hấp dẫn không biên giới của văn chương. Có thể có những loại hình nghệ thuật mới
hiện đại hơn, mang tính tổng hợp hơn nhưng “một bộ phim không thể nào thay
thế được một cuốn truyện” bởi văn chương luôn có sức mạnh không cùng và
tương lai của nó là bất diệt.
Bạn ơi, từ "trận chiến" bị viết nhầm rồi...
Trả lờiXóa