Phê bình: Truyện ngắn “Chuyện người kĩ nữ”
(Trích trong tập truyện “Đêm qua sân trước một cành mai”) của Nguyễn Tường
Bách.
Có những tác phẩm tới với ta thoáng qua như một con gió nhẹ nhưng nó lại
để lại trong lòng người những ấn tượng sâu sắc không thể nào quên. Ta cứ nghĩ
mãi nghĩ mãi mà dường như vẫn chưa thể cảm nhất hết được cái vi diệu của những
đáy sâu không cùng trong những lớp thảm ngôn từ đẹp lạ lùng ấy. Tập truyện “Đêm qua sân trước một cành mai” của Nguyễn
Tường Bách chính là một trong những tác
phẩm như thế. Tám truyện ngắn truyện nào cũng đầy ám ảnh và “Chuyện người kĩ nữ” – truyện ngắn mở đầu
tập truyện cũng chính là âm thanh vi diệu khởi đầu cho tuyệt phẩm ấy.
Xây dựng tình tiết theo trình tự thời gian tuyến tính ngỡ tưởng rằng nó
chỉ đơn giản kiểu các câu chuyện truyện cổ tích hay những câu chuyện mang tính
đúc kết kinh nghiệm, triết lí nhưng khi đi vào thế giới của truyện người đọc cứ
đi từ ngỡ ngàng này tới ngỡ ngàng khác. Chìa khóa của truyện có lẽ chính là sự
đan dệt những cuộc gặp gỡ và yếu tố kì ảo ở trong truyện, tháo gỡ được những cuộc
gặp gỡ ấy ta sẽ dần cảm, hiểu được các bề kích vô tận của truyện ngắn này.
Người kĩ nữ được giới thiệu trong truyện là một người đặc biệt khác hẳn
với những người con gái chốn thanh lâu bình thường. Đó là một người “không múa chỉ thích ca hát”, “không
múa cùng ai cũng không để cho ai họa đàn theo mình”, khi hát thì cô đưa hồn
mình vào lời những bài hát ấy khiến khách nghe không biết là mộng hay thực, và
mỗi lần hát chính là một lần nàng “lạc
vào một thế giới khác”. Ngay cả xuất thân của nhân vật cũng là một ẩn số
khi không ai biết rõ tông tích của cô, chỉ biết rằng “cô vào kĩ viện rất sớm”. Trong chốn phong nguyệt ấy, nàng hiện lên
là một khối cô đơn vô hạn, cô đơn bởi không tìm thấy một tri âm khi những tiếng
hát cất lên vẫn không tìm được một bến đậu. Bơ vơ và lạc lõng, nó đã để lại
trong lòng người kĩ nữ ấy một nỗi buồn vô hạn “trời đất bao la thế này thôi sao,
trượng phu quân tử chỉ chừng đó thôi sao?”. Câu hỏi tưởng chừng sẽ
không có lời đáp nhưng rồi một cuộc gặp gỡ đã đem đến một sự thay đổi tuyệt
diệu trong tâm hồn người kĩ nữ ấy. Đó là cuộc gặp gỡ với một người khách lạ
nhưng đó cũng chính cuộc hội ngộ của hai tâm hồn đồng điệu, của một người khi
tìm thấy tri kỉ của cuộc đời mình. Cái ranh giới giữa hai con người đã bị xóa
đi bởi âm nhạc, chính những thanh âm ấy đã gắn kết tâm hồn khiến cho “niềm cô đơn tan biến tự bao giờ”. Người
khách ấy xuất hiện không hẹn trước, tới và ra đi như một con gió chỉ để
lại một câu nói mà người con gái ấy đã
phải dùng chính cả cuộc đời mới có thể cảm hiểu được : “ Đường vào đạo có tám
vạn bốn ngàn ngõ, thanh âm cũng là đạo. Trong các loại
thanh âm thì im lặng là thanh âm vi diệu nhất.” Sự gặp gỡ này của người kĩ nữ và vị Thiền sư mà
cái cầu nối chính là âm nhạc khiến người đọc bất giác nghĩ tới câu chuyện ngày
trước. Cả đời Bá Nha chỉ có một tri âm là Chung Tử Kì – người duy nhất có thể
hiểu được tiếng đàn của Bá Nha. Chung Tử Kì mất đi thì Bá Nha cũng đập đàn bởi
biết rằng cả cuộc đời này không bao giờ có thể tìm được một người thứ hai. Rồi
cuộc tri ngộ giữa Kim – Kiều trong kiệt tác “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du, hay giữa Hồ Nguyên Trừng và
cô kĩ nữ Thanh Mai trong tác phẩm “Hồ Quý
Li” của Nguyễn Xuân Khánh….cũng chẳng phải là do âm nhạc se duyên hay sao.
Phải chăng đây chính là quyền năng vô tận của âm nhạc, nó chính là nhịp cầu nối
kết những tâm hồn đồng điệu, nối kết những cái đẹp cô đơn.
Cuộc gặp gỡ thứ hai chính là cuộc gặp gỡ với bà cụ ăn xin. Cũng
không diễn ra một cuộc đối thoại, tất cả chỉ là sự trao – đáp bằng những âm
thanh và sự lắng nghe. Đó là một bà cụ mặt mày ủ dột, vai mang một cái bị nhỏ
bạc màu, giọng yếu ớt, sắc âm thô kệch nhưng lời ca lại nghe rõ từng tiếng một.
Điều lạ kì là người ăn xin đó ngày nào cũng ngồi gần cửa sổ phòng người kĩ nữ,
hát đi hát lại một bài khiến nàng nghe nhiều tới mức cũng thuộc lòng. Những lời
ca ấy như môt sự gợi nhắc về vị khách lạ thưở trước khiến cõi lòng người kĩ nữ
không khỏi xao động. Âm nhạc không chỉ có quyền năng vô hạn trong việc nối kết
tâm hồn, để tri âm đi gặp tri âm mà nó còn sự gợi nhắc về quá khứ, về cái bản
thể ẩn tàng trong mỗi con người.
Hai cuộc gặp gỡ với người khách lạ và với cụ già ăn xin hầu như
không có sự đối thoại bằng lời nói mà hoàn toàn là sự cảm nhận bằng thanh âm
của âm nhạc. Người kĩ nữ không hề biết gì về hai con người đó từ xuất thân, tên
tuổi, nghề nghiệp, hai con người đến cũng
ngẫu nhiên và rồi ra đi cũng kì lạ không hề để lại một dấu tích. Nếu hai
lần gặp gỡ đầu giống như những câu hỏi thì hai cuộc gặp gỡ sau đó dường như
chính là câu trả lời. Đầu tiên là cuộc đối thoại với con chim biết nói mà từ đó
người ca nữ biết được vị khách trẻ tuổi đã đàn bài “Hồ trường” cho nàng hát. Đó chính là một vị thiền sư phiêu bạt,
không gia đình, không bạn bè và giờ đây người ấy đã “qua cảnh giới âm thiên, một thế giới xây dựng thuần túy bằng âm thanh”,
sẽ không bao giờ trở lại cuộc đời này nữa. Một thiền sư mê nghe hát, dùng âm
thanh để cảm nhận cuộc đời, cảm nhận con người, vị thiền sư ấy đã đi tới được
cảnh giới cuối cùng của âm thanh đó chính là vô thanh, tức thu hòa vào lòng
mình được sự hòa nhập giữa đạo và đời. Hóa ra câu nói của vị thiền sư thưở
trước chính là sự đúc kết của cả một đời đi tìm chân lí, đi tìm con đường vào
đạo, để rồi nghiệm ra rằng có hàng nghìn con đường đi vào đạo nhưng âm thanh
chính là một cách đi vào đạo và trong đó im lặng là loại âm thanh vi diệu nhất.
Có lẽ chỉ trong trạng thái vô ngôn ấy con người có đủ sự tĩnh lặng để suy ngẫm
về mình, tìm thấy được cái tôi bản thể sâu xa để có thể đạt tới cảnh giới vô
ngã, vô chấp, hòa nhập giữa đạo và đời, giữa cái tiểu vũ trụ và đại vũ trụ bao
la.
Nhưng câu chuyện còn chưa kết thúc ở đây con chim biết nói đã cho
người kĩ nữ về người khách lạ, còn bà cụ ăn xin là ai vẫn là một bí mật. Một
lần nữa yếu tố kì ảo được tác giả sử dụng để làm chìa khóa giải đáp cho tất cả.
Sau bao nhiêu năm trở lại, ngay chính chỗ bà cụ ăn xin ngồi khi xưa giờ đâu
bỗng có một cái miếu mang tên “Hành khất
miếu”. Bà cụ ăn xin cũng giống như vị thiền sư nọ biến mất một cách đầy bí
ẩn “chuyện cần làm đã làm xong, ta không
trở lại đời này nữa”. Dân làng coi bà như một bà tiên xuống để thử lòng
người nên đã lập miếu thờ ở đó. Nhưng sự kì lạ còn chưa dừng ở đó, khi người kĩ
nữ bỗng phát hiện ra túi vải bạc màu khi xưa và ở trong đó có một cuốn sách,
hóa ra bài ca ngày đó chính là Từ bi kinh. Những chi tiết trong truyện thấp
thoáng bóng dáng của những câu chuyện dân gian, hay những huyền thoại tôn giáo,
nó vừa làm tăng thêm màu sắc huyền ảo vừa tô đậm ý vị thiêng liêng, vừa làm nổi
bật triết lí của truyện. Câu chuyện nếu kết thúc ở việc người kĩ nữ gặp vị
Thiền sư thì có lẽ sẽ chỉ là một câu chuyện khẳng định sức mạnh của âm nhạc –
cầu nối của những tâm hồn. Nhưng tác giả đã không chỉ dừng lại ở đó khi ông đã
xây dựng thêm một nhân vật đó là một bà cụ ăn xin với sự ẩn – hiện kì lạ để mở
ra một tầng ý nghĩa mới với đầy ý vị Thiền. Bà cụ phải chăng đó là một bà tiên
hay chính là một hóa thân của vị thiền sư ngày trước xuống trần để giúp đời,
gíac ngộ cho loài người hiểu thấu giá trị về đời, về đạo. Và không phải ngẫu
nhiên mà tác giả tới gần kết thúc truyện mới hé lộ cho người đọc biết tên của
bài ca, để rồi nó giống như một nốt nhấn
để người kĩ nữ tự suy ngẫm và thấu hiểu. Bài ca mà bà lão ăn xin hát đi hát lại
hàng ngày ấy không phải là một bài ca bình thường mà là một bài ca của Phật
giáo thể hiện triết lí nhân từ của Phật, dùng lòng bao dung và nhân từ là cách ứng xử trong cuộc sống. Phải chăng
tác giả muốn mượn bài hát ấy để khơi dậy tính Thiện nguyên sơ trong mỗi con
người, nhắc nhở chúng ta về cái bản thể sâu xa, về lòng nhân rộng lớn, về thái
độ phải trân trọng cuộc sống nói như Nguyễn Tường Bách: “Cuộc sống là một dòng tâm thức bất tận,
không đầu không đuôi... Hãy đơn giản hóa một đời thành một ngày. Đời này của
chúng ta như là ngày hôm nay”.
“Chuyện người kĩ nữ” có
thể coi là một thanh âm đầy trong trẻo nhẹ nhàng mà thâm trầm triết lí. Đặt nó
vào trong hệ thống những truyện trong tập ta mới thấy hết được điều này. Nhân
vật người kĩ nữ cũng giống như các nhân vật trong truyện của Nguyễn Tường Bách
đều là những con người bình thường, vô danh, tác giả không đặt tên cho nhân vật
mà gọi nhân vật theo nghề nghiệp. Nhưng không chỉ có thế họ còn là những con
người có tính cách kì lạ, khác thường chính vì thế mà họ cô đơn, người xung
quanh không ai hiểu. Một người thú y nuôi thú bên bờ biển nuôi thú nhưng không
để kiếm ăn mà suốt đời băn khoăn “sinh
vật trong thế gian vô số kể, cái gì giống nhau, cái gì khác nhau”, người
chèo đò có sáu cây chùy y đổi từ cây này sang cây khác nhưng không bao giờ động
tới cây chùy thứ sáu, hay người văn sĩ như một người lữ hành không có ai bầu
bạn…Họ bình thường mà phi thường, giản dị mà sâu sắc. Những con người ấy hòa nhập với đời mà cũng tự tách mình để tạo
nên cõi riêng, họ mang trong mình những suy tư lớn trước cuộc đời, những trăn
trở về lẽ nhân sinh, tìm tới chân lí của đạo, tới một thế giới vô thanh – miền
cực lạc của riêng họ.
Đặc biệt yếu tố kì ảo gắn liền với huyền thoại tôn giáo được tác
giả sử dụng trong việc xây dựng nhân vật tạo nên sự ẩn - hiện kì lạ mang bóng
dáng của những câu chuyện dân gian. Nó làm cho ta nhớ đến truyện của những nhà
văn đương đại như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo…Nhưng nếu những
tác giả ấy sử dụng huyền thoại như một phương thức để giải tỏa những ẩn ức, để
đối thoại lại với truyền thống. Con người hiện lên trên trang viết là những cái
tôi cô đơn, lạc lõng, bất an trong xã hội của thời hậu hiện đại vô nghĩa lí. Nguyễn
Tường Bách cũng sử dụng huyền thoại giống như một phương thức để ông đi tìm
chân lí đời sống nhưng cách ứng xử của ông lại hoàn toàn khác. Ông như một vị
Thiền sư đứng trên cái ồn ào, bon chen của đời sống để cảm nhận, đi vào vô
thanh để chiêm nghiệm thế giới hữu thanh. Cái tôi trong những trang truyện của
ông cô đơn, nhưng là cái cô đơn của bản thể chứ không phải cái cô đơn mang nặng
tâm lí thời đại, đó là những cái đẹp cô đơn trên hành trình đi tìm đạo. Truyện
của ông đầy chất Thiền và cũng đầy chất thơ. Những câu chuyện nói những vấn đề
nhân sinh thế sự nhưng không hề bị trở nên khô khan giáo điều, nói những vấn đề
đạo đức triết lí mà không ồn ào sáo rỗng. Trái lại truyện mang đến một vẻ đẹp
trữ tình, sự mềm mại trong từng câu chữ, sự thanh thoát trong từng bài học nhân
sinh. Tác giả không hề gò ép người đọc trong một khuôn khổ định sẵn nào cả,
không áp đặt một lí thuyết hay một bài giảng đạo đức mà để cho người đọc tự cảm
nhận, lắng nghe tất cả để rồi tự thấu hiểu, thu nhận vào lòng mình những ý vị
riêng như chính Nguyễn Tường Bách đã nói : “Trong
các loại âm thanh thì im lặng chính là âm thanh vi diệu nhất”. Kết thúc của
truyện là một kết thúc mở “ Trẻ con
thấy một người ra vẻ ăn xin ca bài ca lạ tai, vỗ tay reo cười.Trong kỹ viện, có
ai đó vừa ngưng đàn.” Người đọc có cảm giác như người ca nữ lại tiếp tục
cuộc hành trình của vị Thiền sư, của bà lão ăn xin và trong kĩ viện rồi sẽ lại
có một người kĩ nữ giống như người ca nữ
một thưở. Sử dụng cách kết cấu này phải chăng tác giả muốn khẳng định chừng nào còn sự sống thì con người còn cần
ca lên khúc ca “Từ bi kinh”, cuộc sống là một hành trình dài bất tận - hành
trình vươn tới cái Chân, Thiện, Mĩ.
Có thể nói câu chuyện đầy màu sắc Thiền nhưng không hề tạo cho
người đọc có cảm giác xa lạ, mà trái lại nó tạo nên một bầu khí quyển trong
trẻo, thanh tịnh để người đọc có thể suy
ngẫm về chính mình, về cuộc đời. Tìm tới đạo nhưng không phải là một cách con
người trốn chạy thực tại mà là để hòa nhập giữa đời và đạo, để có thái độ sống
tích cực và an nhàn, tu dưỡng tâm hồn, giữ được vẻ đẹp nguyên sơ thánh thiện,
lòng nhân từ bao dung với mọi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét