Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Quan niệm về một câu văn đúng



Như thế nào là một câu văn đúng? Câu đúng được quan niệm là một câu đúng chính tả, đúng ngữ pháp hay đúng ngữ nghĩa ?
1.     Trước hết, câu văn đúng là một câu đúng chính tả?
-   Có nghĩa là được viết đúng theo chuẩn chính tả. Nhưng cũng có những trường hợp câu không đúng chuẩn chính tả vẫn được coi là một câu đúng:
-  Hiện tượng các từ được phát âm theo âm địa phương, câu văn đó các từ ngữ không đúng về mặt chính tả.
-  Hiện tượng câu văn trong các văn bản nghệ thuật: các tác giả cố tình viết sai chính tả, hoặc tự tạo nên những cách viết khác với những mục đích thẩm mĩ có thể là để phối thanh, phối vần...hay nhấn mạnh một ý nghĩa nào đó. Có thể thấy rõ điều này trong thơ của nhóm “Dòng chữ”  với bài thơ rất tiêu biểu của Trần Dần “Jờ Joạcx”,…
2.      Câu văn đúng là một câu đúng ngữ pháp?
-  Về mặt cấu tạo một câu được coi là chuẩn có nghĩa là nó có đúng kết cấu Chủ – Vị tức là có đủ hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ, một câu như thế được coi là một câu bình thường.
-  Nhưng trên thực tế ta thấy có những câu khônng đúng, không đủ kết cấu chủ vị nhưng ta vẫn cho nó là một câu đúng: đó là hiện tượng câu tỉnh lược, câu đặc biệt nhưng để hiểu được những câu này thì ta phải gắn liền với ngữ cảnh, nếu không ta sẽ không hiểu hoặc không hiểu đúng ý của các câu văn đó.
-  Có những câu xét về mặt cấu tạo là những câu đúng ngữ pháp nhưng lại là những câu sai. Ví dụ như :  Cái bàn tròn này vuông.  Sai ở đây là sai về mặt logic ngữ nghĩa.
3.     Câu đúng là một câu đúng ngữ nghĩa?
-         Những câu đúng ngữ nghĩa như :
Nó mở cửa bước vào nhà.
Cái bàn này tròn….
được coi là những câu đúng vì nó không chỉ đúng chính tả, ngữ pháp mà còn đúng cả về  ngữ nghĩa.
-  Có những hiện tượng câu đúng chính tả, đúng ngữ pháp nhưng lại sai ngữ nghĩa thì đó là một câu sai như những trường hợp sau đây:
+ Không phản ánh đúng hiện thực khách quan
VD: “Vợ nhặt” là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nam Cao
Hay: Trần Hưng Đạo đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán trên sông Nam Hán.
+ Tính lôgic không phù hợp ngữ nghĩa trong câu:
VD: Anh bồ đội bị thương hai chỗ, một ở vai, một ở Đèo Khế.
+ Quan hệ ngữ nghĩa giữa các bộ phận trong câu không phù hợp với hình thức thể hiện:
VD: Tác giả đã phản ánh được bộ mặt thật của bọn thực dân nhưng cũng lên tiếng nói phê phán trước những hành động bạo ngược của chúng.
→ Tiêu chí ngữ nghĩa được coi là tiêu chí quan trọng trong việc xét đó là một câu văn đúng.
4.                      Trên thực tế:
-  Có những câu đúng về chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa nhưng vẫn là những câu sai đó là vì nó không đảm bảo tính liên kết, mạch lạc trong một văn bản.
       VD: Bố tôi là bác sĩ. Mẹ tôi là giáo viên. Em tôi đang chơi bi.
Nếu xét riêng rẽ từng câu ta sẽ không thấy có vấn đề gì  nhưng nếu đặt trong cả chuỗi câu ta sẽ thấy câu thứ 3 không đảm bảo vệ sự liên kết về chủ đề với những câu trước.

→ Như vậy một câu đúng phải đảm bảo được tính liên kết, mạch lạc trong văn bản.  
-   Có những “câu sai” về  mặt ngữ pháp như những câu đặc biệt hay hiện tượng tách câu trong các văn bản nghệ thuật, đặc biệt những hiện tượng này rất nhiều trong truyện cười nhưng người đọc, người nghe vẫn hiểu được ý nghĩa và đó là một câu đúng.
Ví dụ:
+  Đơn vị thường ra đường vào lúc mặt trời lặn.Và làm việc có khi suốt đêm. (Lê Minh Khuê)  → Câu có hiện tượng tách vị ngữ.
+ Đấm. Đá. Thụi. Bịch.  (Nguyễn Công Hoan) → Câu đặc biệt
+ Trên núi, có một cái hang → Câu tồn tại
→ Các câu như thế không phải là những câu sai, câu què cụt mà là những câu đúng, nó có tác dụng trong việc nhấn mạnh thông tin, đem lại những hiệu quả thẩm mĩ nhất định.
-         Hiện tượng tỉnh lược trong các câu:
Ví dụ :
+  - Mấy giờ rồi?
           - Tám giờ.
      +  -Ai làm vỡ bát đó?
          -Tôi.
→ Những câu như thế này phụ thuộc rất lớn vào hoàn cảnh giao tiếp, người sử dụng, tức phải đặt vào trong hoàn cảnh giao tiếp mới có thể hiểu được. Nó có tác dụng nhấn mạnh vào phần thông  tin được thông báo, làm cho người nghe dễ hiểu, dễ nắm bắt được vấn đề hơn.

Kết luận:
Một câu văn được coi là câu đúng thường có những tiêu chí như là chính tả, ngữ pháp,ngữ nghĩa nhưng phải thấy rằng những tiêu chí này không thể là những căn cứ chuẩn xác nhất để xem đó có phải là một câu văn đúng hay không.Thực tế đã cho thấy một câu văn đủ cả những yếu tố trên vẫn là một câu sai hay có những câu không đảm bảo được một trong những yếu tố trên vẫn được coi là một câu đúng.
Theo tôi, điều quan trọng ở đây không chỉ là vấn đề ở chính tả,ngữ pháp, ngữ nghĩa mà còn  là ngữ cảnh giao tiếp cụ thể; và phải đặt nó vào trong một chuỗi câu (câu trước và câu sau nó tức trong văn bản) để xem nó có tính liên kết, mạch lạc hay không, có đúng phong cách hay không; mục đích nói của câu đó là gì thì mới có thể khẳng định đó là một câu đúng hay không. Và chú ý trường hợp của những “câu sai” đặc biệt trong văn bản nghệ thuật, nó vẫn được coi như là những câu đúng nhằm trong ý đồ sáng tác của người viết. 

1 nhận xét:

  1. Có được gì để sống với. Sống với gì có để được.
    viết câu như thế có đúng không, thưa cô?

    Trả lờiXóa