Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Có hay không Chủ nghĩa hiện thực trong văn học trung đại Việt Nam



Có lẽ từ trước tới giờ các lí thuyết về phương pháp đối với văn học phương Tây có lẽ đã được hình thành khá rõ nét và có ít những ý kiến tranh luận nhưng với văn học phương Đông thì luôn có rất nhiều điều cần tìm hiểu và nghiên cứu sâu sắc. Nếu trong thời kỳ trung cổ ở phương Tây có chủ nghĩa hiện thực Phục Hưng thì trong thời kỳ phong kiến ấy ở phương Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng thì liệu có chủ nghĩa hiện thực không. Và nếu có thì đặc điểm của chúng như thế nào?
Trước đó thì việc tìm hiểu nghiêm túc khái niệm Chủ nghĩa hiện thực có một vai trò hết sức quan trọng. Trong “Từ điển thuật ngữ Văn học” (2009) do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên có nêu ra định nghĩa: Chủ nghĩa hiện thực là “ một phương pháp nghệ thuật hay một khuynh hướng, một trào lưu văn học có  nội dung chặt chẽ, xác định trên những nguyên tắc mỹ học”. Những nguyên tắc đó chính  là : 1) Xây dựng những hình tượng điển hình, điển hình hóa các sự kiện của đời sống, 2) Thừa nhận sự tác động qua lại giữa con người và môi trường sống, giữa tính  cách và hoàn cảnh, 3) Coi trọng những chi tiết cụ thể, chính xác. Chủ nghĩa hiện thực có thể sự dụng những huyền thoại, tượng trưng, ẩn dụ…song tất cả những cái đó đều phải phục tùng những nguyên tắc sáng tác hiện thực chủ nghĩa. Nói một  cách ngắn gọn như quan niệm của Ănghen: “ Theo tôi, ngoài chi tiết chân thực chủ nghĩa hiện thực còn đòi hỏi một sự tái hiện chân thực những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình”. Những quan niệm này sẽ giúp chúng ta soi chiếu vào văn học trung đại Việt Nam đề tìm hiểu thực chất chủ nghĩa hiện thực đã hình thành chưa và nó có những đặc điểm như thế nào.
Đầu tiên về mặt thuật ngữ: có nên sử dụng khái niệm Chủ nghĩa hiện thực trong văn học trung đại Việt Nam? Chủ nghĩa hiện thực đã xuất hiện trong văn học trung đại hay chưa? Điều này thực sự đã gây ra những tranh luận nhất định, có nhiều ý kiến rất khác nhau và chia làm hai xu hướng chính.Thứ nhất là hướng đồng ý cho rằng có chủ nghĩa hiện thực trong văn học dân tộc trong  văn học trung đại với quan niệm của Lê Đình Kỵ, Đỗ Đức Dục. Hai nhà nghiên cứu đều khẳng định sự có mặt của Chủ nghĩa hiện thực với đỉnh cao nghệ thuật “Truyện Kiều” và theo Đỗ Đức Dục còn có những tác phẩm khác như “ Hoàng Lê nhất thống chí”, các tác phẩm truyện Nôm,… cho tới thơ  của Tú Xương. Hướng thứ hai là của những nhà nghiên cứu như Nguyễn Lộc, Nguyễn Đình Chú… khi các ông khẳng định rằng chưa có chủ nghĩa hiện thực thật sự trong văn học trung đại Việt Nam. Sự khẳng định ấy thể hiện rất rõ nét khi các nhà nghiên cứu tìm hiểu có hay không chủ nghĩa hiện  thực trong “Truyện Kiều”. Nguyễn Lộc cho rằng: “ Nguyễn Du đã đứng  trước ngưỡng cửa của chủ nghĩa hiện thực, đã tiếp cận với chủ nghĩa hiện thực”.Trần Nho Thìn , Cao Xuân Quý đã khẳng định chưa thể có chủ nghĩa hiện thực trong “Truyện Kiều”… Tới những nhà thơ sau này như Tú Xương, Trần Thanh Mại, Trần Tuấn Lộ cũng khẳng định: “ Phương pháp nghệ thuật của Tú Xương chưa phải, chưa thể là phương pháp hiện thực chủ nghĩa. Mật độ hiện thực ở thơ Tú Xương vẫn còn là những nhân tố, tuy rằng nhân tố hiện thực trong thơ Tú Xương nhiều hơn, cô đọng hơn, sâu sắc hơn ở các nhà thơ trào phúng trước ông hoặc đồng thời với ông”.
Theo quan điểm của tôi, tôi cũng đồng ý rằng chưa có một chủ nghĩa hiện thực đích thực trong văn học trung đại Việt Nam.Vẫn biết rằng sự xem xét có hay không một phương pháp sáng tác phải dựa trên những đặc điểm riêng có của một  nền văn học để định đoạt, xét trong nội tại riêng nền văn học ấy nhưng cũng phải xem những yếu tố bối cảnh kinh tế xã hội, hoàn cảnh lịch sử văn học đã đủ điều kiện chín muồi cho sự xuất hiện và khẳng định một phương pháp sáng tác hay chưa? Theo tôi thì chưa có chủ nghĩa hiện thực trong văn học trung đại mà mới chỉ có sự vận động tiến lên theo hướng chủ nghĩa hiện thực mà thôi. Thời kì đầu thì nhìn chung xã hội phong kiến Việt Nam phát triển khá vững chắc, giai cấp thống trị được sự ủng hộ của nhân dân, có những thời đại phát triển khá rực rỡ, có thể coi như đó  là thời kì hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam như thời đại Lý Trần, thời Hậu Lê. Từ khoảng cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, chế độ phong kiến đi vào khủng hoảng trầm trọng và không có lối thoát. Sự sụp đổ của hệ thống ý thức hệ chính trị, Nho giáo khủng hoảng, những cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân đã làm cho văn học thời kỳ này khám phá ra con người và những giá trị chân chính của con người, văn học bắt đầu chú ý nhiều hơn tới chức năng nhận thức nhưng phải nói rằng những sự thay đổi ấy chưa thể là tiền đề cho sự xuất hiện một phương pháp sáng tác mới. Nó mới chỉ mang tính chất khắc phục những nhược điểm của giai đoạn trước làm cho văn học bắt đầu đi gần vào với đời sống nhiều hơn.Con đường đi đến chủ nghĩa hiện thực do những điều kiện lịch sử cụ thể của dân tộc chứ không phải do sự khắc phục những yếu tố huyền bí có tính chất tôn giáo trong thế giới quan của nhà văn, mà chủ yếu là chủ yếu là sự khắc phục tính cách quy phạm, chủ nghĩa giáo điều, giáo huấn một cách thuần túy xuất phát từ mục đích có tính chất đạo đức học và những ràng buộc của quan niệm mỹ học phong kiến đối lập cái cao quý với cái hàng ngày, cái đạo đức với cái đời sống.Văn  học thời kỳ này về cơ bản đã đề cao chức năng nhận thức lên hàng đầu nhưng có thể thấy rằng do thế giới quan của nhà thơ, nhà văn trong những thời kỳ này còn có những mặt tính chất duy tâm thần bí, do tư tưởng chính thống của họ còn chi phối và do quan niệm phong kiến chừng nào còn tác động, cho nên khả năng nhận thức giai đoạn này còn hạn chế và hình thức phản ánh của nó cũng chưa phải phong phú đa dạng. Và một điều cốt lõi với chủ nghĩa hiện thực là phản ánh trung thực một cách đời sống. Văn học thời kì này cũng đã dựng lên những bức tranh nhiện thực nhưng phải nói rằng nó còn chưa có tính cụ thể và chi tiết. Nó chưa nhận thức đời sống bằng hình thức của bản thân đời sống. Như trong thơ Hồ Xuân Hương đề tài không chung chung mà khá cụ thể , một số đề tài lấy chính cảnh ngộ của cá nhân thi sỹ, cách biểu hiện của nhà thơ cũng có tính chất cá thể hóa, nói tình cảm của mình cũng như của nhân dân, sử dụng lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân.Nhưng người ta vẫn thấy cái chung còn lấn át cái riêng, và cái riêng trong thơ Hồ Xuân Hương mới chỉ biểu hiện ở ngôn ngữ, ở bút pháp chứ chưa phải là ở khâu nhận thức. Đối tượng nhận thức trong thơ bà  vẫn chưa có tính cá thể hóa và điển hình hóa. Ngay tới  Nguyễn Du do chỗ ông vẫn chịu ảnh hưởng từ quan niệm truyền thống của xã hội phong kiến về sáng tác văn học cho nên cách phản ánh của ông chưa mang được đầy đủ chi tiết. Có thể nói trong một chừng mực nào đó thì tác phẩm của ông vẫn chưa mang tính cụ thể chi tiết. Vì vậy mặc dù Nguyễn Du đã nêu được những vấn đề bức thiết của đời sống, tạo ra được không khí của thời đại nhưng đó vẫn chưa phải là bức tranh của bản thân đời sống. Và “Hoàng Lê nhất thống chí” tuy đã phản ánh được chân thực  một xã hội trên quy mô rộng lớn,bước đầu xây dựng  được những nhân vật có cá tính nhưng mặt khác cũng do hạn chế của ngôn ngữ và do dấu vết của quan niệm văn sử triết bất phân cho nên trong tác phẩm nhân vật chưa phải là đối tượng nhận thức, nhân vật có cá tính mà chưa có nội tâm, nhà văn không tránh khỏi những lúc ghi chép sự kiện một cách biên niên….Về phương diện thủ pháp nghệ thuật, trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn đầu thì vẫn còn chịu sự chi phối nặng nề của phương pháp sáng tác cũ, tới cuối thế kỉ XVIII thì bắt đầu có xu hướng phá vỡ những thủ pháp nghệ thuật ấy để thay thế bằng những thủ pháp của nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa. Nhưng có thể thấy rằng những thủ pháp của văn học cổ điển vẫn chi phối rất nhiều. Ví dụ như những truyện Nôm trong giai đoạn này, những truyện Nôm bình dân tuy lấy cốt truyện từ dân gian, ngôn ngữ mộc mạc giản dị nhưng vẫn chịu rất nhiều yếu tố ước lệ, và tác phẩm vẫn có tư tưởng định mệnh, và thuyết giáo cho một đạo lý, có đấu tranh chống lại xã hội nhưng rồi vẫn bị khuất phục hoặc những chà đạp làm cho những tác phẩm có màu sắc bi quan. Ở truyện Nôm bác học mà tiêu biểu là “Truyện Kiều” đã có những sự cách tân nghệ thuật theo hướng chủ nghĩa hiện thực nhưng chưa thể như Lê Đình Kị khẳng định rằng có một chủ nghĩa hiện thực. Những nhân vật phản diện thì cơ bản được xây dựng theo lối điển hình hóa, nhưng những nhân vật chính diện vẫn xây dựng theo lối cũ, có tính chất lí tưởng hóa, mang nhiều nét ước lệ tượng trưng phong kiến. Trường hợp nhân vật Thúy Kiều, nhân vật trung tâm của tác phẩm quá trình điển hình hóa chưa hẳn theo lối lý tưởng hóa cũng chưa hẳn theo lối điển hình hóa của chủ nghĩa hiện thực. Với Thúy Kiều nhà văn bắt đầu chú ý tới mối tương quan nhân vật với hoàn cảnh, tới nội tâm nhân vật, nhân vật được nhìn trong cái nhìn đa diện hơn chứ không còn đơn giản một chiều. Nhưng nhân vật của Nguyễn Du vẫn còn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ thuyết nhân quả của Phật giáo, thuyết định mệnh của Nho giáo nên không tránh khỏi có  những chỗ bị gượng ép nhất định, số phận của nhân vật được phục vụ cho những tư tưởng của Nguyễn Du. Nguyễn Du khao khát thấu hiêu cái thế giới khách quan, cái xã hội muôn hình vạn trạng đang hiển hiện trước mắt nhưng trình độ nhận thức, nghiên cứu và phân tích chưa cho phép thực hiện được. Cuối cùng vẫn chịu sự chi phối của những quan niệm siêu hình truyền thống chi phối ở một mức độ nhất định. Và thậm chí ngay cả thời kỳ văn học nửa cuối thế kỷ XIX, văn học đã mang tính thời sự, tính dân chủ, tính cụ thể lịch sử đã được thể hiện rõ nét hơn ví dụ như trong những tác phẩm của Tú Xương. Nhưng có thể thấy rằng những yếu tố ấy vẫn còn rất lẻ tẻ, rời rạc, và vẫn không thoát được cái nhìn của một nhà Nho. Tú Xương tài tình là thế mà vẫn cứ đeo đẳng mãi nghiệp khoa cử để rồi mang nỗi buồn, tủi, sầu, đau suốt cuộc đời… Như vậy văn học trung đại Việt Nam đang xuất hiện những mầm mống của chủ nghĩa hiện thực. Xã hội  chưa cung cấp những tiền đề vật chất và tư tưởng cho sự khắc phục một cách triệt để những yếu tố phong kiến trong cách nhận thức và phản ánh cuộc sống cho nên văn học giai đoạn này tuy có sự vận động đi lên chủ nghĩa hiện thực nhưng chưa có được một chủ nghĩa hiện thực với tư cách như một phương pháp sáng tác. Vì thế theo tôi khái niệm chủ nghĩa hiện thực dùng sẽ không thật chuẩn xác với thời kỳ văn học này mà nên dùng là khuynh hướng hiện thực hay những yếu tố/ giá trị của chủ nghĩa hiện thực trong văn học trung đại Việt Nam.
Sau khi khẳng định về sự xuất hiện của khuynh hướng hiện thực trong văn học trung đại Việt Nam, về sự sử dụng thuật ngữ, người viết xin được trình bày về những đặc điểm của khuynh hướng hiện thực trong thời kỳ này của văn học dân tộc. 
Cơ sở lịch sử xã hội và ý thức: Từ thế kỉ X tới thế kỉ XVIII dù trong lòng xã hội có những biến thiên nhất định nhưng giai đoạn này nhìn chung vẫn là sự khẳng định nhà nước phong kiến, nền Nho giáo vẫn thống trị ý thức hệ tư tưởng. Nhưng tới nửa cuối thế kỷ XVIII thì xã hội phong kiến đi vào khủng hoảng trầm trọng, ý thức hệ phong kiến Nho giáo đã bị rung chuyển sâu sắc. Trên cơ sở đó đã làm cho nhiều nhà thơ, nhà văn thấy được những mặt hạn chế của chế độ phong kiến, không còn tin tưởng vào một nhà nước lí tưởng nữa. Và những mầm mống của chủ nghĩa tư bản xuất hiện với một tầng lớp mới đó là thị dân, nhưng giai tầng này chưa có vai trò gì thật đặc biệt trong xã hội. Đó chính là điều rất khác biệt với thời đại Phục Hưng ở phương Tây, khi đó xã hội của họ đã có một giai cấp mới mang theo những luồng tư tưởng mới, với chủ nghĩa duy vật lịch sử, những tư tưởng khoa học tiến bộ. Còn ở ta mới chỉ là những mầm mống thô sơ của duy vật, giai cấp mới chưa xuất hiện, nền móng tư tưởng cũ vẫn còn và đang bị suy yếu, những tư tưởng mới thì chưa có. Và nếu như ở Tây phương thời kỳ này những tư tưởng thần quyền bị lên án, đào thải thì ở Việt Nam yếu tố thần bí tôn giáo vẫn còn tồn tại khá nhiều trong nội dung tư tưởng do trình độ nhận thức khoa học thể hiện ở vấn đề xây dựng hình tượng, xây dựng tính cách, vấn đề khái quát hóa và điển hình hóa… Có thể thấy như ngay trong “Truyện Kiều”, ta thấy có một chủ nghĩa định mệnh trong “Truyện Kiều”, nó giống như bóng ma Đạm Tiên, có khi vô hình thấm đượm vào những câu thơ, thậm chí có khi được cụ thể hóa trong hình tượng, trong những lời phát biểu giải thích của tác giả:
                                      Ngẫm hay muôn sự tại trời
                                   Trời kia đã bắt làm người có thân
                                      Bắt phong trần phải phong trần
                                  Cho thanh cao mới được phần thanh cao…
Trong văn học trung đại Việt Nam đã bắt đầu xây dựng được những hình tượng điển hình như hình tượng của những kẻ lưu manh chuyên buôn thịt bán người Mã Gám Sinh, Tú bà, Sở Khanh hay một tên quan vô lại như Hồ Tôn Hiến. Hình tượng một chàng trai thư sinh đa tình mà bạc nhược như Thúc Sinh, một người đàn bà sắc sảo, với cơn ghen nổi tiếng trong văn học Việt Nam - Hoạn Thư. Có thể nói đó là những điển hình trong một câu chuyện nhưng đã trở thành điển hình cho cả một lớp người ở biết bao thời đại. Song có những nhân vật tính chất điển hình hóa còn chưa được rõ nét. Như nhân vật chính trong “Truyện Kiều” Thúy Kiều bản chất giai cấp rất khó xác định. Thúy Kiều là điển hình cho giai cấp nào trong xã hội? Miêu tả Thúy Kiều Nguyễn Du đã ghi được những nét tâm lí rất sâu sắc của nhân vật nhưng khi miêu tả ngoại hình, số phận thì nhà thơ dùng thủ pháp ước lệ là chính, có khi là lý tưởng hóa nhân vật. Và người anh hùng như Từ Hải - một nhân vật phản nghịch nhưng lại chủ yếu được xây dựng bằng nghệ thuật lí tưởng hóa, nhân vật được hiện lên khá cụ thể sinh động nhưng tính cách nhất quán không chịu sự chi phối của hoàn cảnh. Từ Hải là giấc mơ công lí của Nguyễn Du, nhưng cuối cùng giấc mơ ấy lại đi vào bế tắc. Nhìn chung các tác giả thời kì này vẫn chưa thể xây dựng được những nhân vật diển hình trong những hoàn cảnh điển hình. Mối liên hệ của con người với hoàn cảnh vẫn chưa được chú ý và cũng chưa có thật nhiều những nhân vật mang tính chất điển hình. Sau “Truyện Kiều” và “Hoàng Lê nhất thống chí” thì chưa có một tác phẩm lớn nào xây dựng được những nhân vật như thế. Song có thể nói rằng văn học thời kì này đã có những bước nhảy vọt, đang tiến dần tới chủ nghĩa hiện thực nhưng so với văn học phục Hưng những điển hình sắc nét  ấy vẫn còn hãn hữu và chưa thật hoàn chỉnh. Do thiếu sự phân tích khoa học cụ thể, do trình độ tổng hợp, khái quát còn thấp, cũng do lối suy nghĩ và biểu hiện mang nhiều tính chất hàm súc, trừu tượng,thiên về ước lệ tượng trưng cách điệu, những tính cách nhân vật trong văn học trung đại Việt Nam tuy có mặt cô đọng nhưng có chỗ còn giản đơn. Đặc biệt mối quan hệ giữa nhân vật với hoàn cảnh xã hội chung quanh nhất là với đời sống kinh tế, vật chất còn được ít chú ý, vai trò của quần chúng nhân dân bị lu mờ.
Khuynh hướng hiện thực trong văn học trung đại Việt Nam còn tản mạn, không đều mang tính chất tự phát, chất phác. Trong rất nhiều tác phẩm ta đã thấy xuất hiện những yếu  tố hiện thực nhưng chúng chỉ xuất hiện một cách rải rác, không tập trung. Ta thấy có hai tác phẩm lớn nhất cần chú ý với khuynh hướng hiện thực rõ nét hơn cả đó là “Truyện Kiều” và “Hoàng Lê nhất thống chí”. Trong khi đó ở Văn học Phục Hưng thì có rất nhiều những tác phẩm lớn, những nhân vật điển hình mang tính thời đại, và sự xuất hiện mang tính tập trung, sâu sắc. Chỉ một nhà văn thôi nhưng cũng có thể xây dựng được rất nhiều những hình tượng điển hình như Shakespeare ông đã xây dựng nên những hình tượng  như Hamlet- một người anh hùng đấu tranh cho lí tưởng sống, một Sâylốc lưu manh, sảo trá,… Ở văn học Việt Nam thời kì này ý thức người cầm bút đã bắt đầu ý thức về việc phản ánh đời sống nhưng nó vẫn chưa có sức khái quát, còn lẻ tẻ, rời rạc….Đó là do rất nhiều những lí do nhưng căn bản vẫn là do xã hội thời đại bấy giờ chưa cung cấp cho văn học những tiền đề chín muồi, thế giới quan vẫn còn lạc hậu, chưa phát triển tư duy khoa học… Và có thể thấy rằng trong thời kì văn học này,những tác phẩm văn xuôi rất ít, chủ yếu là thơ, lại là thơ Đường luật hàm súc nên việc phản ánh hiện thực, việc xây dựng hình tượng những nhân vật điển hình gặp nhiều khó khăn.
Khuynh hướng văn học thời đại này có sự gắn bó khá chặt chẽ với tinh thần nhân đạo. Việc phản ánh hiện thực trong các tác phẩm có vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện những tư tưởng nhân đạo, tình yêu thương con người của các tác giả. Các nhà văn giai đoạn này đặc biệt là từ giữa thế kỉ XVIII trở đi xuất hiện một trào lưu nhân đạo chủ nghĩa, việc phản ánh hiện thực, xây dựng những nhân vật điển hình, những hoàn cảnh điển hình trong tác phẩm góp phần quan trọng giúp nhà văn thể hiện cái nhìn, quan diểm và đặc biệt là tình cảm nhân đạo đối với nhân vật với con người và cuộc đời nói chung. Như trong “ Truyện Kiều”, Nguyễn Du qua việc xây dựng nên hình tượng nhân vật Thúy Kiều tác giả đã gửi gắm vào trong đó biết bao tình cảm của mình. Nhà thơ đã lên tiếng nói đả kích vào xã hội phong kiến, đòi giải phóng tình cảm cho con người, đòi khẳng định quyền sống, quyền tự do cá nhân,…Hay như trong “ Sở kiến hành” bằng việc phơi bày ra hiện thực đối lập giữa cảnh chết đói của những người dân với cảnh hoa lệ của nhà vua Nguyễn Du đã tố cáo hiện thực cuộc sống cực khổ của người dân đồng thời thể hiện nỗi xót thương của mình dành cho những con người nghèo khổ trong xã hội loạn lạc, đầy những biến động lúc bấy giờ.
Như vậy trong văn học trung đại Việt Nam đã bước đầu có những bước phát triển tới chủ nghĩa hiện thực nhưng vẫn chưa tới được chủ nghĩa hiện thực thực sự. Có nhiều nguyên nhân như trên đã giải thích nhưng nguyên nhân chính vẫn là do cơ sở xã hội chưa có những yếu tố đủ sức tạo nên một chủ nghĩa hiên thực có tư cách như một phương pháp sáng tác. Bởi văn học luôn gắn liền với hoàn cảnh ý thức xã hội, mỗi một phương pháp nghệ thuật ra đời gắn bó với một môi tường xã hội nhất định. Những tiếp thu từ nền văn học dân gian, cùng hoàn cảnh xã hội thúc đẩy và ngòi bút nghệ thuật, ý thức sáng tạo, tình yêu đời, yêu người của người nghệ sỹ đã giúp những nhà văn thời kì này vẽ nên những bức tranh vô cùng sinh động về con người và cuộc sống, những bức chân dung điển hình của thời đại lúc bấy giờ… để bước đầu tạo dựng nên những nền móng cho chủ nghĩa hiện thực xuất hiện và phát triển đỉnh cao ở những năm ba mươi của thế kỉ XX.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét