Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp và tinh thần dân chủ hóa


Phân tích “Phẩm tiết” để thấy được sự dân chủ hóa trong
quan niệm về văn chương của Nguyễn Huy Thiệp.

Dân chủ hóa là một trong những nét đặc trưng lớn của văn học Việt Nam đương đại. Nó chính là một trong những nhu cầu bức thiết của thời đại, của nền văn học lúc bấy giờ, khi văn học được phát triển một cách tương đối “tự do”, phản ánh một cách chân thực cuộc sống, tôn trọng cái tự nhiên, bản thể. Văn học như một trò chơi và nghệ thuật như một thủ pháp, nó tuân theo những quy luật của riêng nó chứ không phải đi theo một khuôn mẫu có sẵn, theo một đường hướng chính trị nào cả. Và Nguyễn Huy Thiệp chính là một trong những nhà văn thể hiện rất rõ xu hướng dân chủ hóa ấy trong quan niệm văn chương của mình. Điều này được thể hiện rất rõ trong truyện ngắn “Phẩm tiết”.
Thứ nhất, ta có thể thấy rõ ở cấp độ kết cấu văn bản. Truyện được tạo bởi hai câu chuyện : câu chuyện đầu tiên là câu chuyện về việc tìm ra ngôi mộ cổ ở vùng thủy điện sông Đà có tính chất như là phần dẫn nhập để đưa người đọc vào câu chuyện chính về người phụ nữ nằm trong ngôi mộ ấy – Ngô Thị Vinh Hoa. Như vậy là trật tự thời gian trong truyện của sự đảo lộn môt cách khác thường. Với kết cấu truyện truyền thống, các tác giả thường bắt đầu từ những thời gian quá khứ cho tới hiện tại rồi tương lai, tức là thời gian theo trật tự tuyến tính. Nhưng đến với truyện ngắn này, Nguyễn Huy Thiệp lại bắt đầu từ thời gian gần nhất đó là người kể chuyện tôi xem cuộc dời mộ để sau đó tiếp mạch kể về cuộc đời của người nằm trong mộ đó. Và trong câu chuyện chính ấy ta cũng có thể nhận thấy rõ tác giả kể về cuộc đời của Ngô Thị Vinh Hoa trong hai mối quan hệ với vua Quang Trung và Nguyễn Ánh. Nhà văn chỉ đưa ra một loạt những sự kiện, những tình tiết, không hề miêu tả thời gian, tâm lí nhân vật. Điều này tạo cảm giác như những trang truyện là những trang biên niên sử, thuần túy ghi chép lại những sự việc sự thực khách quan như nó vốn có trong lịch sử để tái hiện lại câu chuyện một cách chân thực nhất mà không hề có sự thêm bớt nào cả. Nó làm tăng tính khách quan và độ tin cậy cho câu chuyện. Kết thúc của truyện nếu xét về phương diện hình thức thuần túy như là kết thúc của một câu chuyện kể truyền thống nhưng nó lại là một cách kết thúc mở rất hiện đại. Tuyến kể về ông Quách Ngọc Minh, bà Quách Thị Trình và người kể chuyện như bị cụt thay vào đó lại là đôi câu đối của vua Gia Long dành cho Ngô Thị Vinh Hoa, nó nói về sự giữ trọn phẩm tiết của Vinh Hoa đối với hai vua. Điều này ăn khớp với nhan đề tác phẩm và cũng phù hợp với câu đề dẫn mà tác giả trích ra ở đầu truyện. Nó làm cho người đọc có sự liên tưởng về cảnh đầu cuối của truyện, về quá khứ và hiện tại. Lịch sử đã kí hiệu, đã mã hóa những giá trị. Vua Quang Trung và Nguyễn Ánh trong câu đố được gộp chung trong “nhị quân”, còn Ngô Thị Vinh Hoa trở thành liệt nữ giữ trọn phẩm tiết. Kết thúc truyện tác giả không đóng một cái khung nhận thúc nào cả mà mở ra những trường liên tưởng để người đọc tựu suy ngẫm và đánh giá tất cả. Lịch sử có cái nhìn của nó, đó là cái nhìn còn lại của lịch sử còn mỗi người, mỗi cá nhân lại có những đánh giá riêng của mình.
Thứ hai tính dân chủ hóa được thể hiện qua hình tượng nhân vật của truyện. Đã có những ý kiến khác nhau về nhân vật Ngô Thị Vinh Hoa. Có người cho rằng cô đẹp đến mức Nguyễn Huy Thiệp cũng phải sững sờ: "Lúc bình thường câu văn vốn tỉnh táo, sắc gọn nhưng đụng đến Vinh Hoa là trở nên hoa mỹ, rỡ ràng khác thường” hay "Vinh Hoa là hiện thân lý tưởng nhân văn của tác giả. Vinh Hoa là hiện thân của thiên tính nữ".  Nói như vậy có nghĩa là nhân vật này được coi như một nhân vật tính cách – số phận. Nhưng Ngô Thị Vinh Hoa được Nguyễn Huy Thiệp xây dựng nên giống như một nhân vật chức năng trong truyện cổ tích. Những nét kì ảo trong cuộc đời của được tác giả sử dụng như là một thủ pháp để nhân vật này hoàn thành đúng chức năng của nó. Vinh Hoa không có cá tính. Cô sinh ra khác người, nói năng khác người, đọc sấm ngôn rất linh nghiệm lại càng khác người. Cô được hai ông vua ân sủng nhưng chẳng thành thân với ai, nguyện một lòng bảo vệ phẩm tiết. Trước Quang Trung hay Nguyễn Ánh, cô đều đối đáp một cách rất tự tin, đối đáp với tư cách ngang hàng, không hề tỏ ra sợ hãi hay có chút nao núng nào cả…Ngô Thị Vinh Hoa được dùng như một “phép thử” với hai ông vua, để từ đó ta thấy được hai bức chân dung tinh thần rất khác biệt giữa Quang Trung và Nguyễn Ánh.
 “Phẩm tiết” của Nguyễn Huy Thiệp có nhắc đến hai nhân vật lịch sử đó chính là hai vị vua: Quang Trung – một người vẫn được nhắc đến với những danh hiệu như “anh hùng áo vải”, bậc minh quân… và Nguyễn Ánh – vị vua đầu tiên của triều Nguyễn đã từng được coi như một “kẻ bán nước”, “cõng rắn cắn gà nhà”, tranh quyền đoạt lợi…Nhưng đến với truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, hai vị vua ấy không được xem xét dưới góc nhìn lịch sử. Như ông đã từng nói :"Không ai đi đánh nhau với các xác chết. Người ta chỉ khai thác các xác chết sao cho có lợi mà thôi" và bằng những truyện ngắn của mình ông đã chứng minh cho điều ấy một cách rõ nét, các xác chết ở đây là những ước lệ nghệ thuật để thể hiện những quan niệm những tư tưởng của nhà văn về con người về cuộc đời.  Quang Trung không được khắc họa qua những trận đánh lừng lẫy, những lần hành quân tràn đầy khí thế, hay việc chọn lựa người tài cho công cuộc dựng xây đất nước mà được tác giả nhắc tới từ quãng thời gian lên bị ngôi cho tới khi mất. Sự hiện diện đầu tiên của Quang Trung được Nguyễn Huy Thiệp khắc họa bằng một cơn giận. Khi  mở hòm cống tiến của Ngô Khải hóa ra chỉ toàn là bạc vàng giả, lụa là bị cắt ra thành từng mảnh nhỏ thì vua nổi cơn giận lôi đình, mắng luôn không suy nghĩ gì cả : “Thằng Khải kia tài bằng cái đấu, khinh ta quá chừng. Trời cho mày sống cướp không bao lộc thiên hạ, ăn miếng ngon phải biết đậy mồm, còn chê là lợm. May nhờ phúc tổ có cái của chìm, như cái đuôi khô, tháng ba ngày tám mang ra gặm tưởng xênh xang ư?”. Nhưng khi Khải tử tự lại thấy hối hận, còn trách mắng bọn nhà giàu “khốn nạn chỉ biết mỗi thân mình”, khi Khải gặp nạn “không có đứa nào ra kêu hộ một tiếng”. Nhà vua sau đó còn làm đám ma cho Khải rất hậu rồi ra lệnh truy nã tên Sâm. Những cách ửng xử ấy của Quang Trung thể hiện rõ ông là một vị vua Việt truyền thống. Với ông ai cũng là con dân, đó là nhân cách của một người xuất thân áo vải, căm ghét bọn nhà giàu vô tình, vô nghĩa, con người sống không mập mờ, không thủ đoạn, yêu ghét đều rõ ràng và trước sau vẫn là một thái độ ứng xử nhân hậu, giàu lòng thương.
Nhưng bức chân dung tinh thần vua Quang Trung được thể hiện rõ nhất trong mối quan hệ với một người phụ nữ - Ngô Thị Vinh Hoa. Cách ứng xử của vua Quang Trung khi gặp Vinh Hoa: “nhà vua thấy Vinh Hoa, thốt nhiên rùng mình, hoa măt đánh rơi cốc rượu quý cầm tay” là cách ứng xử không phải đứng trên cái bục cao quý của ngai vàng mà  đó là phút rung động rất đời thường trước sắc đẹp tuyệt trần của một mĩ nữ. Nhà văn đã tả lại cái khoảnh khắc dao động rất con người, rất đời thường ấy chứ không phải là trong những giờ phút thiêng liêng, hào hùng của những trận chiến. Nhà vua thích thú trước cách ứng đối của Vinh Hoa, nghe nàng đàn hát. Nhưng như bị ám ảnh bởi tiếng đàn có khí lạnh, nhà vua hỏi nhỏ : “Vận Tây  Sơn được mấy đời?”. Quang Trung cho dù có những phút xao lòng rất bản năng nhưng vẫn là một ông vua truyền thống, coi trọng đạo đức. Với Vinh Hoa, vua đối xử một cách ân cần, cho nàng tham dự vào việc triều chính, mọi ý kiến của nàng được vua tôn trọng “Ta được Vinh Hoa như được báu vật, một Vinh Hoa bằng ba vạn người”. Khi Vinh Hoa từ chối thành thân vua cũng chỉ lấy làm buồn. Sự gần gũi của Quang Trung với Vinh Hoa là ở mặt tinh thần, vua coi trọng sự thông minh sắc sảo, tài tiên đoán trước mọi việc của nàng chứ không coi trọng chuyện tiếp xúc thân thể. Đúng như Nguyễn Ánh sau này đã nói về Quang Trung : “Thế là Huệ dại,Huệ trọng tinh thần mà bỉ thể xác”. Nhưng có điều lạ đó là vua Quang Trung trước khi chết không chịu nhắm mắt. Vua chỉ nhắm mắt khi có ngón tay út của Vinh Hoa chạm vào. Trong cái thế giới của tín điều “nam nữ thụ thụ bất thân” ấy, nàng đã chọn cách tiếp xúc thân thể ít diện tích nhất, tức là ngón tay út để vuốt mắt vua lúc lâm chung. Dù như vậy nàng vi phạm luật chơi của phẩm tiết, vết chàm còn để lại phải chăng như là một sự đánh dấu về sự tiếp xúc ấy.
Quang Trung hiện lên trên trang viết như một sự đối sánh với Nguyễn Ánh để cho người đọc thấy hai bức chân dung rất khác nhau, hai vị vua nhưng với những tính cách rất khác nhau, cách đối nhân xử thế, quan niệm về sứ mệnh của một bậc quân vương cũng rất khác nhau. Cơn giận của Quang Trung và Nguyễn Ánh hoàn toàn khác biệt. Gia Long nghe tin mật báo rất giận ban đêm liền cho quân lính tới nhà Vũ Văn Toàn để biết thực hư, khi rõ ràng mọi chuyện vua mới mắng Hoàn vì  “dám mượn danh ta để đi cướp gái”. Khác với Quang Trung mắng giận Khải một chặp, Nguyễn Ánh lại đối thoại với Hoàn một cách rất sòng phẳng, cho hắn có cơ hội trần tình. Trong cuộc đối thoại ấy  nhà vua đã chỉ rõ quan niệm, vị thế của mình. Hoàn cũng chỉ là một người tham dự vào trong trò chơi đế vương mà thôi, và phạm luật thì phải chịu xử phạt, đó là một nguyên tắc không thay đổi. Trong cơn giận, ông nói năng kiểu bỗ bã, dung tục không hề quan trọng tới câu từ, nó thể hiện rõ sự lạnh lùng tàn nhẫn của một bậc quân vương, không hề có một sự thương xót hay hối hận kiểu như Quang Trung.
Và trong mối quan hệ với Ngô Thị Vinh Hoa, Gia Long có một quan niệm rất khác, một thái độ ứng xử rất khác biệt với Quang Trung. Nếu như Quang Trung lần đầu tiên thấy Vinh Hoa “thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh roi cốc rượu quý cầm tay” thì Nguyễn Ánh gặp Vinh Hoa trong lúc nàng bị trói không một tấm vải che thân. Nguyễn Ánh nhìn thấy nàng “xây xẩm mặt mày”, “nước thơm từ cung xuân Vinh Hoa tiết ra thơm ngát như mùi hoa sữa” thì nhà vua lại “thở dài quay đi”. Tác giả đã miêu tả Nguyễn Ánh trong những phút giây rất đời thường, đó là phút giây xao lòng rất nguyên sơ, bản thể trước vẻ đẹp trần tục, nguyên khôi của một mĩ nữ. Có người đã cho rằng viết như thế này là dung tục hóa, là tầm thường hóa một vị vua, là bôi nhọ lịch sử, tại sao lại có thể miêu tả Vinh Hoa trong một trạng thái “không có tới một mảnh vải che thân” như thế, mùi hoa sữa lại tiết ra từ “cung xuân” chứ không phải một nơi nào khác. Đúng như chữ của Đặng Anh Đào “lối viết đa thanh đụng phải lối viết của thánh thư”, Nguyễn Huy Thiệp chọn lối viết táo bạo, sẵn sàng chấp nhận búa rìu dư luận. Nghệ thuật có quyền được hư cấu theo con đường đi của riêng nó, lịch sử là một cái gì đã định hình sẵn, đã được đóng khung  nhưng lịch sử trong văn học vẫn là một cái gì đó chưa hình thành,còn đang dang dở, không có một cái khung nào định hình sẵn cho nó cả, thậm chí nhiều khi nó chỉ là một cái cớ để tác giả thể hiện những quan niệm tư tưởng về cuộc đời và con người.
Cái nhìn của Nguyễn Ánh khác hẳn với cái nhìn của Quang Trung. Nếu Quang Trung “trọng tinh thần mà bỉ thể xác” thì Nguyễn Ánh lại muốn được sở hữu Vinh Hoa “Bậc đế vương giữ nước ở tinh thần, còn giữ mình là ở thể xác”. Vinh Hoa được hiện lên trongcon mắt của Quang Trung chủ yếu là về phương diện itnh thần còn với Nguyễn Ánh trước hết nàng là một người đàn bà “đẹp mơn mởn như lộc xuân”, “nhà vua thích lắm, muốn lấy làm thiếp”. Ngô Thị Vinh Hoa không đồng ý cho Quang Trung thành thân, Quang Trung chỉ hơi buồn và chấp nhận nhưng Nguyễn Ánh lại thể hiện một thái độ khác hẳn: “Ta muốn sở hữu nàng như nuôi con gà, con vịt trong nhà”. Trước Vinh Hoa Nguyễn Ánh không phải hiện lên là một bậc quân vương đầy quyền uy, mà trước hết là một người đàn ông muốn sở hữu người phụ nữ  của mình. Với Quang Trung tinh thần là cái trên hết, đạo đức được Quang Trung đề cao và coi trọng còn với Nguyễn Ánh ông lại có một nhân sinh quan hoàn toàn khác hẳn : “Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện”. Gia Long đã nhìn thấu sứ mệnh đế vương, trong ông có hai con người một quân vương “dám bỡn cợt với tạo hóa, mang cả dân tộc mình ra lừa gạt phục vụ cho chính bản thân mình”, và một con người thị dân hóa – một khối cô đơn khổng lồ. Ông cũng hiểu “vinh quang nào chẳng xây trên điếm nhục”, trò chơi mà ông đang chơi có quy luật riêng ép buôc con người phải tuân thủ theo nó, mà nếu không theo sẽ bị đào thải. Nguyễn Ánh muốn sở hữu Vinh Hoa như muốn nàng tham gia vào trò chơi mà ông đang tiêu khiển, cái mà ông coi trọng không phải chỉ là tinh thần mà còn là thể xác của nàng, muốn có được con người nàng một cách toàn vẹn. Quan niệm này của Nguyễn Ánh là một quan niệm mới, thể hiện sự lạnh lùng, tàn nhẫn một bậc đế vương và cả phần con người bản năng rất nhân bản. Nó hoàn toàn khác với con người Quang Trung – một nhân cách Việt truyền thống muốn giữ vẹn tròn hai chữ đạo đức. Phải chăng với Nguyễn Ánh giờ phản tỉnh của sứ mệnh đế vương đã điểm?
Tiếng đàn của Vinh Hoa sẽ khiến nhà vua thiếp đi. Nó đưa nhà vua vào cõi mộng mị, và chính cõi mộng này mới là sự tồn tại đích thực của Gia Long. Trong giấc mộng ấy nhà vua như đứng ngoài cuộc để nhìn nhận lại tất cả, thấyd được vai trò của bậc thiên tử - “cái gốc  lớn thiên hạ” phải “trùm lên muôn dân”, tự nhắc nhở mình về đạo cương thường để xoay vần tạo hóa, chơi cuộc chơi của đế vương, chủ động trước “gió mây biến hóa”. Nó chính là điều mà Quang Trung còn dang dở khi “thành bại ở trời”, “nhìn từng giọt đồng hồ rơi mà run sợ”.
Như vậy nhân vật trên trang văn của Nguyễn Huy Thiệp không phải được nhìn ở góc độ lịch sử, họ không phải hiện lên như những bậc minh quân, những nhà thao lược tài năng mà là ở phương diện đời tư. Tính cách, quan niệm của họ được thể hiện qua cách họ đối xử với bề tôi, qua những phút giây đời thường đầy bản năng, trong mối quan hệ với một người phụ nữ. Qua đó hai bức chân dung tinh thần, hai “kiểu nhà vua” được bộc lộ một cách rõ nét. Nguyễn Huy Thiệp không đóng khung lịch sử, mà là đối thoại với lịch sử. Nó xúc phạm cái “tình cảm thờ cúng”, phản lại cái huyền thoại đã được định hình trong lịch sử, nói một cách khác tác giả đang giải thiêng những huyền thoại để cho người đọc một cái nhìn toàn diện, cái nhìn dân chủ với quá khứ. Hình tượng vua Quang Trung và Nguyễn Ánh – những nhân vật lịch sử được đưa vào trang văn giống như những ước lệ nghệ thuật, và truyện của Nguyễn Huy Thiệp là truyện giả lịch sử chứ không phải là lịch sử. Nó đi theo quy luật tự trị của nghệ thuật, cái nhà văn hướng tới chính là cuộc đời, nhân sinh thế sự chứ không phải là những cái đã qua nói như chính Nguyễn Huy Thiệp “không ai đi đánh nhau với những xác chết”.
Khuynh hướng dân chủ hóa còn được thể hiện ở trong cách tác giả chọn điểm nhìn. Đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp, người đọc phải lao vào một cuộc chơi ở đó tất cả đều ở trong quan hệ bình đẳng, dân chủ. Luật chơi sòng phẳng, cũng là nguyên tắc thẩm mỹ của truyện Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn đưa ra những sự kiện, những tình tiết không hề bình luận, không giễu nhại, không khen ngợi, lời kể nghiêm túc, nghiêm túc tới dửng dưng. Ta có thể thấy rõ điều này qua từng trang truyện: “Nhìn bề ngoài ngôi mộ cổ trông không khác một gò mối lớn. Đào sâu ba mét thấy vỉa gạch. Người chết táng theo lỗi xưa, trong quan ngoài quách. Quan tài làm bằng gỗ quý, ván dày tám phân, dăm gỗ nhỏ, đưa ra ngoài trời có màu mận chín…” Những câu văn ngắn gọn, không lời bình luận, có những chỗ có thể có lời bình nhưng không phải  của tác giả mà được nhìn từ nhiều nhân vật trong một cái nhìn đa diện. Nhân vật được nhìn trong một cái nhìn đa diện. Nhân vật Vinh Hoa trong cái nhìn của Quang Trung khác với trong cái nhìn của Nguyễn Ánh, và trong cái nhìn của lịch sử cũng rất khác. Nhân vật ở đây đứng ngang hàng với tác giả, không hề có một sự áp đặt nào cả, và có sự luân phiên các điểm nhìn để tạo nên tính khách quan dân chủ cho câu chuyện. Kinh nghiệm cá nhân có giá trị có niềm tin bằng với kinh nghiệm cộng đồng. Tác giả không hề áp đặt một suy nghĩ thống nhất nào cả, mà để cho người đọc tự chiêm nghiệm và đánh giá tất cả. Câu chuyện trên hết chỉ trình bày những sự kiện, những tình tiết và mỗi người đọc khi đến với tác phẩm với những kinh nghiệm khác nhau, cách nhìn khác nhau có những nhận xét khác nhau. Nó chính là kiểu tác phẩm mở, không đóng khép hay giới hạn trong một cách nhìn cụ thể nào cả, nó chính là sản phẩm của tư duy dân chủ mới, theo tinh thần của thời đại mới.
Trong “Phẩm tiết” ta còn nhận thấy sự dân chủ hóa trong cách sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ giờ đây không chỉ được coi là chất liệu của sáng tạo nghệ thuật mà bản thân nó chính là đối tượng sáng tạo của văn học. Và vì thế mà mọi ngôn ngữ đều có giá trị ngang nhau, bình đẳng trở thành chất liệu sáng tạo của văn chương. Chúng ta bất ngờ khi những lời nói đầy dung tục này được đặt trên miệng của một vị vua : “Thằng Khải kia khinh ta quá chừng! Trời cho mày sống, cướp không biết bao nhiêu của thiên hạ, ăn miếng ngon mà không biết đậy mồm lại còn chê là lợm…” hay “Thằng khốn nạn theo voi ăn bã mía kia đểu cáng biết chừng nào. Mày mượn danh tao để đi ăn cướp với đi chơi gái à?”,Thằng mặt xanh kia! Kề miệng lỗ còn dê ư? Ta cho cắt dái mày! Ta cho mày ăn cứt"… Việc đưa ngôn ngữ đời thường vào văn chương không phải đến Nguyễn Huy Thiệp mới có nhưng chỉ đến văn của Nguyễn Huy Thiệp ta mới thấy những câu chữ sinh động như thế này. Đó chính là « tiếng nói » là ngôn ngữ động khác với lời văn, nó mang đúng tinh thần diễn ngôn của đời sống, mang quyền lực của đời sống. Những câu đối thoại đúng với tinh thần của diễn ngôn. Tác giả đặt những lời nói ấy vào miệng của những vị vua phải chăng muốn hạ bệ ngôn ngữ quan phương, giả dối, mực thước đòi quyền bình đẳng cho những ngôn ngữ tầm thường của đời sống. 
Có thể nói rằng truyện  “Phẩm tiết” đã cho ta thấy một cách rõ nét tinh thần dân chủ hóa trong quan niệm văn chương của Nguyễn Huy Thiệp. Nó được thể hiện ở kết cấu văn bản, nhân vật, cách chọn điểm nhìn và ở ngôn ngữ của truyện. Nhắc tới những  huyền thoại lịch sử nhưng không phải là để ca ngợi hay phong thánh cho những con người ấy mà là để đối thoại với lịch sử, phá giải những hằng số nhân cách. Nhân vật được nhìn ở nhiều điểm nhìn khác nhau, không có một giá trị thuần nhất mà đa trị, không có cái thang đánh giá là tốt hay xấu, ý thức xã hội hay ý thức bản ngã. Ngôn ngữ được tạo sinh theo những cách sáng tạo mới, mang tính đối thoại, ngôn ngữ của đời sống hàng ngày với những diễn ngôn, chứ không phải những câu văn mực thước. Tất cả những điều ấy tạo nên một kiểu tác phẩm mới – tác phẩm mở, với những giá trị mở và một kiểu tác giả hoàn toàn khác với truyền thống. Đó chính là tinh thần dân chủ hiện đại mà chỉ đến những tác giả, tác phẩm của thời Nguyễn Huy Thiệp mới có được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét